Thời gian là quý lắm

Chuyện kể rằng, năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khoá V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ là 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người vẫn chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.

Cũng về giờ giấc, trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí sĩ quan cấp tướng đến làm việc với Bác chậm 15 phút, tất nhiên là có lý do: Mưa to, suối lũ, ngựa không qua được.

Bác bảo: “Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan không chuẩn bị đủ phương án, nên chú không giành được chủ động”.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi: “Chú đến muộn mấy phút? Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ! Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây”.

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Sắp đến giờ lên đường bỗng trời đổ mưa xối xả. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị cho hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí còn đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác… Nhưng bác không đồng ý: “Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì đến bao giờ? Thà chỉ mình bác và vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cả lớp phải chờ uổng công!”. Thế là Bác lên đường đến thăm lớp chỉnh huấn đúng lịch trình trong tiếng reo hò sung sướng của các học viên…

Bác Hồ của chúng ta quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời Bác không để bất cứ ai đợi mình. Sự quý trọng thời gian của Bác thực sự là tấm gương sáng để chúng ta học tập. Thế nhưng, hiện nay ở không ít các cơ quan, đơn vị, tình trạng lãng phí thời gian vẫn liên tục xảy ra. Tại một số Bộ, ngành, địa phương lại xảy ra tình trạng: Trong giờ hành chính lãnh đạo đơn vị thả cho nhân viên muốn làm gì thì làm. Thế nhưng hết giờ hành chính lại triệu tập mọi người đến họp, hoặc làm thêm việc (làm ngoài giờ). Đương nhiên việc họp và làm ngoài giờ sẽ được “phù phép” đủ điều kiện để được hưởng tiền làm việc thêm giờ. Chính sự buông lỏng việc quản lý giờ giấc và lề lối làm việc thiếu nghiêm túc của một số lãnh đạo nên đã có không ít nhân viên trong giờ làm việc đã “tranh thủ” lên sàn xem giá cổ phiếu hôm nay lên, xuống ra sao; một số khác thì rạo phố mua sắm hay vào chợ mua đồ ăn cho gia đình… Thực tế tại một số cơ quan, đơn vị cho thấy tình trạng lãng phí thời gian của đội ngũ cán bộ, công chức diễn ra khá phổ biến và ngày càng tinh vi. Có những người vừa đến cơ quan là ngồi ngay ngắn vào bàn, nhưng không phải để làm việc mà vào mạng “chít chát” với bạn bè. Cũng có người hễ bước chân đến cơ quan là kêu nhiều việc, thiếu thời gian để hoàn thành, nhưng lại có thời gian để “buôn điện thoại” tán gẫu với bạn bè hàng giờ liền…

Vẫn biết thời gian là vàng, ngọc, có những cái mất đi chúng ta vẫn tìm thấy, song nếu để thời gian trôi đi một cách vô ích thì chúng ta sẽ không bao giờ tìm lại được. Chính vì vậy, học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta cần xem lại mình, hãy biết quý trọng thời gian, biết tận dụng thời gian để làm việc có ích cho xã hội, cho gia đình và bản thân.

Nguyễn Minh (Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội)

bqllang.gov.vn

Advertisement