Phê bình cấp dưới

Trong cuộc sống hằng ngày, cán bộ cấp trên phê bình, chê trách cán bộ, nhân viên cấp dưới thuộc quyền là chuyện thường xảy ra. Tôi đã chứng kiến những trường hợp cấp trên phê bình đúng, phê bình gần đúng, hoặc phê oan sai mà cấp dưới vẫn nín nhịn, chịu đựng. Trước những việc làm sai trái của cấp dưới, có cán bộ cấp trên phê bình theo kiểu mắng nhiếc, chì chiết, té tát vào mặt; phê cho bõ tức, cho thỏa cơn nóng giận. Thậm chí có cán bộ cấp phân đội ở đơn vị không chỉ phê bình chiến sĩ sai phạm bằng lời mà còn đánh chiến sĩ. Cũng có cán bộ do nóng nảy, sau khi phê bình nặng lời cấp dưới thì tĩnh tâm, ân hận, hối lỗi việc đã làm. Nhưng có cán bộ lại coi cách phê bình nặng lời ấy là “biện pháp mạnh” để răn đe, áp đảo giúp cấp dưới nhận ra sai sót phải sửa chữa, khắc phục ngay.

Phê bình, góp ý, khuyên răn cấp dưới là việc làm cần thiết và thường xuyên của cấp trên nên phải coi đó là một phương pháp công tác và nghệ thuật cư xử của người cán bộ. Sinh thời, Bác Hồ gặp nhiều trường hợp cán bộ, nhân dân làm sai, Bác đều phê bình thẳng thắn nhưng nhẹ nhàng, sâu sắc mà thấm thía, giúp cho người được phê bình nhớ lâu, nhận rõ hơn việc làm sai trái của mình. Có lần, Bác được biết một đồng chí sĩ quan cao cấp trong quân đội nóng nảy, hay quát mắng cán bộ cấp dưới. Khi gặp, Bác rót một chén nước đun sôi đưa cho người sĩ quan cao cấp có “máu Trương Phi” uống. Cầm chén nước nóng ran, bốc hơi nghi ngút, người sĩ quan ngập ngừng không dám uống. Đúng lúc ấy, Bác ôn tồn nói: Nước nóng chú không uống được. Cũng như khi chú quá nóng, mắng mỏ cấp dưới thì họ cũng không tiếp thu được đâu…

Lời phê ý nhị, nhẹ nhàng ấy khiến người sĩ quan có “máu Trương Phi” ấy xúc động và coi đó là bài học nhớ đời, kiên quyết khắc phục bệnh quân phiệt trong việc cư xử với cán bộ cấp dưới. Ở đơn vị tôi có đồng chí cán bộ khi thấy cán bộ cấp dưới làm những điều không phải, đồng chí gặp riêng phê bình, nhắc nhở thân tình. Chỉ những trường hợp sai phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần đồng chí mới đưa ra phê bình trước tập thể. Nhờ vậy, đơn vị luôn tạo nên mối đoàn kết thống nhất; các đồng chí mắc khuyết điểm đều nhận rõ trách nhiệm của mình, thể hiện ý thức ăn năn, quyết tâm sửa chữa. Đặc biệt, trong đơn vị thể hiện rõ không khí dân chủ, chan hòa giữa cán – binh; đóng góp phê bình nhau chân tình, thẳng thắn. Nếu tình trạng cán bộ cấp trên phê bình cấp dưới theo kiểu “cả vú lấp miệng em” thì đôi khi còn làm cho cấp dưới e ngại, sợ không dám có ý kiến trở lại. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” Bác viết tháng 10-1947, cũng đề cập đến hậu quả ấy: “Không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy trong lòng uất ức, không dám nói ra; do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản”…

Mục đích của phê bình là nhằm giúp cho cấp dưới nhận rõ khuyết điểm, có hướng khắc phục, sửa chữa để làm tốt hơn. Muốn được như vậy, cán bộ cấp trên phải tu dưỡng, rèn luyện, học tập tác phong và đạo đức của Bác Hồ, thực sự thương yêu, tôn trọng cấp dưới, dùng lời lẽ hành động nhẹ nhàng, tế nhị khuyên nhủ để cấp dưới dễ tiếp thu, sửa chữa khuyết điểm.

Nguyễn Đình Thống (Trường cao đẳng kỹ thuật Vin – hem Pích)

bqllang.gov.vn

Advertisement