Những bức thư tháng bảy ân tình

(HNM) – Cách đây vừa tròn 60 năm, tại An toàn khu – huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Nhà nước và Chính phủ non trẻ của chúng ta đã chọn ngày 27 – 7 hằng năm là ngày của các thương binh và gia đình liệt sĩ.

Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không bao giờ quên ngày 27 – 7. Những dịp này, Người thường cố gắng bố trí thời gian để tới thăm hoặc viết thư động viên các thương binh và gia đình liệt sĩ.

Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hiện lưu giữ được khá nhiều những bức thư tháng bảy đầy ân tình của Người. Trong thư, Người ân cần thăm hỏi anh em thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Khi thì thông qua cụ Vũ Đình Tụng – Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh thời kỳ đó, còn hầu hết, Người gửi thư trực tiếp thăm hỏi anh em. Thư thường do tự tay Người đánh máy, theo kiểu chữ riêng của mình mà thoạt nhìn chúng ta đều nhận biết dễ dàng. Thư có bức dài, bức ngắn, luôn chứa đựng tình cảm lớn lao, sâu nặng của Người đối với những chiến sĩ đã hy sinh, những gia đình có công đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các cấp, các ngành và đồng bào, đồng chí “uống nước nhớ nguồn”, hết lòng chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ. Người viết: “Bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ. Nhiều nơi, đồng bào đã hiểu đúng và làm đúng như vậy, nhưng cũng còn có một số ít địa phương chưa hiểu đúng, làm đúng. Tôi tin rằng đồng bào, đoàn thể và các cán bộ ở những địa phương đó sửa chữa những thiếu sót ấy và quan tâm giúp đỡ những người đã hi sinh xương máu cho nước nhà” (Thư ngày 17-7-1956).

Trong hầu hết các bức thư, bên cạnh việc khẳng định công lao to lớn của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Người thường xuyên nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, của Chính phủ và nhân dân đối với họ: “Tôi cũng nhắc nhở các cơ quan đoàn thể phải chấp hành một cách chu đáo các chính sách của Đảng và Chính phủ đối với anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ” (Thư ngày 17-7-1952).

Trách nhiệm ấy, theo quan điểm của Người là sự trân trọng, biết ơn chứ không phải là sự gia ơn. Người cho rằng, muốn làm tốt điều này, phải luôn chú ý đến hai mặt của vấn đề: Toàn Đảng, toàn dân trân trọng, biết ơn, tri ân, nghĩa tình với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Đồng thời, anh em thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ phát huy truyền thống, giữ vững phẩm chất, vượt lên khó khăn để luôn xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân. Người nhắc nhở: “Đã là quân nhân cách mạng thì bao giờ cũng phải là chiến sĩ anh dũng. Khi ở trại (trung tâm điều dưỡng thương binh nặng – LMĐ) thì nên thi đua học tập, công tác. Lúc ra trại thì nên hăng hái tham gia công tác, sản xuất ở địa phương, ở cơ quan” (Thư ngày 17-7-1956).

Lời lẽ trong nhiều bức thư gần gũi, chân tình như anh em trong một gia đình. Và hơn thế, Người luôn thể hiện thái độ tôn trọng và khích lệ họ: “Chớ bi quan chán nản, phải luôn cố gắng. Trước kia anh em đã xung phong diệt giặc thì nay anh em sẽ tùy điều kiện mà xung phong tăng gia sản xuất. ở nước ta, chú Tấn, chú Cầu cụt một tay mà vẫn công tác rất hăng” (Thư ngày 27-7-1952).

Trong nhiều bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chia những món quà nhỏ của mình, gửi các thương binh, gia đình liệt sĩ, thể hiện sự gắn bó nghĩa tình “đói cùng chịu, no cùng hưởng”: “Tôi xin gửi một tháng lương nhờ cụ (tức cụ Vũ Đình Tụng – LMĐ) chuyển làm quà cho anh em với lời thân ái hỏi thăm của tôi” hoặc: “Tôi xin gửi 50 chiếc khăn tay của đồng bào Thái biếu tôi. Nhờ cụ chuyển tới anh em giúp tôi” (Thư ngày 17-7-1952).

60 mươi năm đã trôi qua, mỗi một tháng bảy đến, được đọc lại những bức thư tháng bảy của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, chúng ta càng kính yêu Người vô hạn, càng biết ơn những anh hùng, liệt sĩ và thân nhân của họ đã hy sinh xương máu cho độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân, cho đất nước Việt Nam yêu quý đơm hoa, kết trái, vững bước trên đường đổi mới, hội nhập như ngày nay.

Lê Minh Độ
(Bảo tàng Cách mạng Việt Nam)

bqllang.gov.vn

Advertisement