Là tướng càng phải học

Năm 1964, kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tổng cục Chính trị điện cho tướng Vương Thừa Vũ – lúc đó là Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn – về Tổng cục nhận bài phát biểu do cơ quan đã viết sẵn để sáng ngày 07 tháng 05 đọc trước cuộc mít tinh.

Ông về sớm nhận bài phát biểu đã đánh máy sẵn trên giấy đen, bằng máy chữ của Pháp cũ, chữ nhỏ không có dấu, chấm phẩy không rõ. Ông đọc trước, tự đánh dấu vào từng chữ, từng câu. Khi mít tinh, đến lượt ông đọc bài phát biểu, nhưng do chữ nhỏ và mờ, ông đọc không rõ một số từ và dừng nghỉ không đúng chỗ. Sau mít tinh, Bác Hồ gọi ông vào nhà sàn. Bác hỏi:

– Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay chú đã học thêm văn hóa đến đâu?

Tướng Vương Thừa Vũ trả lời:

– Thưa Bác, cháu đã học xong các lớp do Tổng cục Chính trị tổ chức.

– Bác Hồ lại hỏi:

– Sau lớp tập trung về đơn vị có học thêm nữa không?

Tướng Vũ đáp:

– Dạ thưa Bác, do bận nhiều công việc nên cháu không học nữa.

Bác Hồ trầm ngâm giây lát rồi tháo chiếc đồng hồ ở cổ tay mình đeo vào cổ tay tướng Vũ và ân cần nói:

– Bác cho chiếc đồng hồ này, về đơn vị phải tiếp tục học “Là tướng càng phải học, học suốt đời…”.

Tướng Vương Thừa Vũ rất xúc động, xin hứa làm theo lời Bác dạy.

Về đơn vị, ông yêu cầu sắp xếp công việc trong ngày, trong tuần có giờ học văn hóa. Ông đặt chỉ tiêu phấn đấu và định kỳ thời gian về báo cáo kết quả học tập cho Bác. Phòng văn hóa phân công anh Phạm Tiến Đại – sau này là đại tá ở xưởng phim quân đội-giúp tướng Vũ học Toán; giáo viên khác giúp ông học Lý, Hóa. Nhóm chúng tôi giúp ông học Văn, Sử, Địa. Hằng ngày, đến chiều nhìn đồng hồ của Bác cho, xem giờ, ông điện thoại nhắc chúng tôi đến đúng giờ để ông được học tập.

Những lần đi công tác, ông thường đem kiến thức đã học được ứng dụng vào thực tế như kiểm tra vũ khí khí tài của bộ đội phòng thủ bờ biển, ông hỏi cán bộ tham mưu nhắc lại những công thức hóa học làm gỉ sắt; có lần kiểm tra pháo binh bắn đạn thật, ông hỏi về công thức toán. Cán bộ tham mưu động viên ông cố gắng học lên nữa thì giải thích mới hiểu được. Ông rất chú ý lắng nghe ý kiến của cấp dưới. Ông bảo: “Càng học càng thấy nhiều điều mình chưa biết gì”.

Khi Bộ điều ông về làm Phó Tổng tham mưu trưởng, ông thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hằng tuần một số cán bộ cao cấp và tướng lĩnh của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng đều phải học tại chức vào chiều thứ bảy tại ngôi nhà một tầng cạnh hầm chỉ huy của Cục Tác chiến. Chương trình học rất linh hoạt “cần gì học nấy”. Khi Mỹ sử dụng bom La-zer, cán bộ học tập ngay về vũ khí La-zer và điều khiển học; ôn lại các chương trình về vũ khí hóa học và vũ khí nguyên tử; học về tâm lý học và tâm lý học quân sự do giáo viên Đại học Sư phạm và giáo viên trường Trung Cao Chính trị đến trình bày. Riêng về Khoa học quân sự mặc dù đã được đào tạo cơ bản tại một trường sĩ quan ở Côn Minh, sau này lại được học tại Học viện quân sự Nam Kinh-Trung Quốc, nhưng ông vẫn mời cán bộ đến nhà giảng dạy và ông tự nghiên cứu. Điều gì chưa rõ ông tìm cán bộ để hỏi. Tướng Hoàng Minh Thảo ở Tây Nguyên viết cuốn Tổ tiên ta đánh giặc gửi ra Hà Nội tặng ông. Ở trường Trung Cao, tướng Đỗ Trình cũng viết một tập về Tổ tiên ta đánh giặc in Rônêô trên giấy đen gửi biếu tướng Vũ. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ra một số sách về Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung…, ông mời anh Phạm Ngọc Phụng, giáo viên trường Trung Cao quân sự đến trình bày. Tướng Vũ yêu cầu chúng tôi sưu tầm các tập nghị quyết quân sự của Đảng từ năm 1930 đến năm 1960 khoảng 500 trang để ông nghiên cứu. Tướng Trần Độ thấy ông say sưa học tập, nghiên cứu đã tặng ông một tập do chính tay tướng Trần Độ viết, in Rônêô về “Tư tưởng quân sự và học thuyết quân sự Xô Viết”-Đúc kết kinh nghiệm đại chiến Thế giới thứ hai.

Tướng Vũ yêu cầu chúng tôi sưu tầm đủ 06 tập Luận văn quân sự của Ăng – ghen. Hiện nay chúng tôi còn giữ được 05 tập khoảng 1.300 trang tướng Vương Thừa Vũ đã đọc, đánh dấu, gạch dưới những đoạn cần lưu ý.

Qua học tập nghiên cứu, kết hợp kinh nghiệm thực tế của bản thân cùng với kinh nghiệm thực tế của các chiến trường, ông đã viết 11 cuốn sách và còn 119 trang bản thảo viết tay chưa in.

Trước khi ra đi về cõi vĩnh hằng, ông đã gửi lại Bảo tàng Quân đội chiếc đồng hồ của Bác Hồ kính yêu đã tự đeo vào cổ tay ông và ân cần dặn dò ông “Là tướng càng phải học!”. Cả cuộc đời ông đã nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác.

Thiếu tướng TS. Nguyễn Chu Phác

bqllang.gov.vn

Advertisement