Bài học từ người cận vệ Bác Hồ

Ngày 19 – 5 – 1958, Bộ Công an đã trao quyết định đề bạt chức vụ cục phó Cục Cảnh vệ cho người con đất mũi Phan Văn Xoàn nhân sinh nhật của Bác.

Ông có nhiều dịp làm công tác bảo vệ những chuyến đi của Bác Hồ nhưng sau đó hai năm (năm 1960), ông trở thành người trực tiếp bảo vệ Bác Hồ.

Ở tuổi ngoài 80, tướng Phan Văn Xoàn vẫn rắn chắc, giọng nói sang sảng. Trong căn phòng làm việc của ông treo tấm hình Bác Hồ chụp trong lần về thăm một HTX ở Nam Định năm 1959, phía trên là tấm ảnh Bác Hồ với dòng chữ “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà, miền Nam mong Bác nỗi mong cha”.

Phải tìm hiểu mới nói!

Mùa xuân năm 1960, khoảng tháng ba, anh Phan Văn Xoàn nhận nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ. “Thật quá bất ngờ, tôi vô cùng hãnh diện và sau đó là nỗi lo lắng, hồi hộp. Suốt nhiều đêm tôi không ngủ, trằn trọc suy nghĩ, đây là sự kiện lớn nhất trong đời tôi.

Ngày đầu tôi không tự chủ được và luôn dè dặt, giữ đúng nguyên tắc. Biết được tâm trạng của tôi, Bác gọi đến và bảo: “Bác nhớ miền Nam lắm! Có chú ở đây, ngày nào cũng được thấy miền Nam, vậy là Bác vui lắm rồi”.

Ông còn bồi hồi chia sẻ những bài học mà ông đã học được từ Bác qua những chuyến đi. Ông kể: “Một lần, Bác cùng chúng tôi vượt qua đoạn dốc thật cao. Mọi người mồ hôi vã ra như tắm. Đang đi, Bác hỏi tôi: “Chú có biết đường lên dốc kia đi có được không?”. Tôi suy nghĩ nếu nói là đi được, Bác sẽ tiếp tục đi. Sợ ảnh hưởng sức khỏe Bác, tôi nói: “Thưa Bác, cháu thấy đường khó đi, cây rậm rạp chắc đi không được ạ”. Nhưng Bác lại bảo: “Chú trèo lên dốc xem thế nào rồi xuống đây báo cáo lại cho Bác”. Tôi chạy lên lưng chừng dốc đứng trông lên rồi quay lại đã thấy Bác đứng phía sau, tôi giống như đứa trẻ bị bắt quả tang nói dối, lúng túng. Bác cười bảo: “Chú phải rút kinh nghiệm, nếu chưa điều tra nghiên cứu thì chưa được phát ngôn”.

Những năm giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, từ một tình huống của anh cảnh vệ vì quá lo lắng cho sự an toàn của Bác đã hốt hoảng mời Bác xuống hầm trú ẩn khi mới nghe dự báo động có máy bay địch… Bác nói: “Khi có địch phải biết bình tĩnh như khi không có địch, khi không có địch phải sẵn sàng như khi có địch”. Câu nói đó trở thành một trong những phương châm của người cảnh vệ trong mọi thời đại.

Truyền lửa cho đời sau

Năm 1992, về hưu khi 68 tuổi nhưng chỉ sau ba năm ông cho ra đời Công ty Long Hải chuyên về nghiệp vụ bảo vệ. ông luôn tâm huyết muốn xây dựng hình ảnh người vệ sĩ toát lên tinh thần nghĩa khí của Lục Vân Tiên. Và ông đã lấy “Nhân – lễ – nghĩa – trí – tín” làm gốc để giáo dục và xây dựng nhân cách người vệ sĩ. Trong giáo án tập luyện, ông còn soạn hẳn một bài giảng về đạo đức người vệ sĩ. “Tôi quan niệm đó là bài học đầu tiên và vô cùng quan trọng cho các em khi chấp nhận bước vào nghề. Bài giảng đạo đức soạn thảo từ khóa huấn luyện cho 44 vệ sĩ đầu tiên vẫn được truyền giữ đến bây giờ, sau 10 năm với hơn 3.000 vệ sĩ” – ông nói.

Lời dạy “có thái độ tốt với đồng bào” của Bác năm xưa dành cho người cận vệ nay được ông truyền lại cho thế hệ các bạn trẻ trong công ty. Ông bảo: “Người vệ sĩ phải là người có trí tuệ luôn tỉnh táo, tôi không có quan điểm khuyến khích các em xử lý tình huống bằng vũ lực. Đạo đức nghề nghiệp của người vệ sĩ ngoài tính trung thực, ngay thẳng, hiểu biết pháp luật là lòng nhân đạo nghĩa”.

Người cận vệ gần chục năm làm việc bên Bác chia sẻ: “Sự vĩ đại của Bác Hồ chúng ta không có gì xa xôi. Trong bất cứ công việc gì Bác cũng giống một con người bình thường, giản dị, chan hòa, không hề có khoảng cách. Đi bên Người chúng ta thấy tự tin hơn, ấm áp hơn như bên cạnh người cha, người ông…”.

Kim Anh

bqllang.gov.vn

Advertisement