Tấm danh thiếp đầu tiên Bác Hồ gửi cho báo chí

Danh thiếp Bác Hồ gửi cho báo Xung phong.

Có một người tham gia cách mạng từ khi tuổi còn nhỏ đến khi về hưu; người đó, suốt cả cuộc đời lại chỉ làm công tác thiếu nhi. Đó là ông Quản Tập – Nguyên Phó Tổng biên tập báo Thiếu niên Tiền phong.

Năm 1946, Quản Tập, người Đội trưởng đội Hướng Đạo Sinh xuất sắc được cấp trên cử đi dự cuộc gặp mặt Đội Hướng Đạo Sinh Việt Nam do cụ Hoàng Đạo Thúy triệu tập ở Hà Nội tại Đông Dương học xá tức là chỗ trường Đại học Bách khoa Hà Nội bây giờ.

Đội Hướng Đạo Sinh do Quản Tập làm Đoàn trưởng có tên là Hồng Châu (lấy tên vùng quê trong lịch sử gồm nhiều huyện như Ninh Giang, Tứ Kỳ thuộc tỉnh Đông – tức Hải Dương bây giờ). Các đoàn cắm trại làm lều riêng biệt có trang trí cờ hoa rất đẹp. Các đội viên mặc áo nâu, quần xanh, có khăn thắt nút, đội nón, chống gậy tre…

Bỗng từ xa có một đoàn người lớn đến thăm trại. Đi đầu là cụ Hoàng Đạo Thúy, ông Tạ Quang Bửu (Cụ Hoàng Đạo Thúy, ông Tạ Quang Bửu là Hội trưởng, Hội phó Hướng Đạo Sinh Việt Nam). Đi sau là một ông già dáng người tầm thước, trán cao, mắt sáng. Đó là Hồ Chủ tịch. Sau khi thăm trại, Cụ Hồ dừng lại trước mặt Quản Tập. Cụ hỏi:

– Cháu ở đoàn nào?

– Dạ thưa Cụ, cháu ở đoàn Hồng Châu.

Cụ lại hỏi:

– Tại sao lại là Hồng Châu?

– Thưa Cụ, đó là tên lịch sử cũ của vùng quê cháu thuộc tỉnh Đông.

– Thế à, rất hay.

Rồi Cụ nhận xét:

Báo Xung phong của thiếu nhi Ninh Giang, số Tết Mậu Tý 1948

– Trại của các cháu rất đẹp, lều cọc đều rất tốt, các cháu lại còn biết đào hố để bỏ rác thế là rất vệ sinh…

Quản Tập cầm một xâu bánh gai đến gần Cụ Hồ.

– Thưa Cụ, đây là bánh gai, sản phẩm của quê cháu, ngon nhất nước, cháu biếu Cụ.

– Cảm ơn các cháu.

Nói rồi Cụ bước qua hàng rào làm bằng dây thừng. Quản Tập chạy lên phía trước, vừa đi thụt lùi vừa ngắm Cụ. Cụ nói:

– Cháu phải cẩn thận, đi như thế dễ vướng vào dây, ngã đau đó.

– Cháu đi thế để ngắm Cụ được nhiều hơn, khi về cháu vẽ Cụ trên tờ báo tường ạ.

Thấy cử chỉ tinh nghịch ấy, Cụ cũng đứng lại:

– Cám ơn nhà báo tường.

Sở dĩ như thế là vì phong trào làm báo tường trong thiếu niên thời đó rất phát triển.

Báo Xung phong của thiếu nhi Ninh Giang, số Tết Mậu Tý 1948

Sau buổi ấy, Quản Tập về báo cáo cho Huyện bộ Việt Minh, được Huyện bộ Việt Minh khen ngợi và cho đó là một vinh dự cho huyện nhà. Năm 1947, Đội Thiếu niên Ninh Giang hoạt động rất mạnh. Lúc này Ninh Giang đã tiêu thổ kháng chiến, Đội Thiếu niên đi về hàng ngày truyền thông tin lên huyện, tỉnh và ngược lại. Đội Thiếu niên được tổ chức trò chơi tập thể, vui chơi giải trí, tập múa hát những bài ca cách mạng… Đội thành lập tờ báo, lấy tên là Xung phong. Tờ Xung phong được dán ở các chòi thông tin. Hình thức báo cũng giống như những tờ báo tường lúc đó.

Các đội viên có nhiệm vụ viết những thông tin mình biết lên một tờ giấy, viết thành nhiều bản rồi tập hợp dán ở những nơi đông người qua lại. Báo chủ yếu nói lên những điều cấp trên cần truyền đạt xuống người dân, và những tiếng nói của người dân muốn phản ánh cấp trên một cách đơn giản.

Nhà báo Thép Mới và họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm có lần được tiếp xúc với “Ban Biên tập” đã khen ngợi: “Tờ báo rất đẹp. Trên thế giới chưa có tờ báo nào như thế”.

Báo Xung phong của thiếu nhi Ninh Giang, số Tết Mậu Tý 1948

Đến tháng 6-1947, khi Quản Tập được điều về tỉnh công tác, ông tổ chức tờ báo lớn hơn, phạm vi hoạt động rộng lớn hơn. Mới đầu vẫn là tờ báo viết tay, chép thành nhiều bản, phát hành theo đường dây thiếu niên giao thông đi dán ở những nơi công cộng, tập trung đông người. Sau đó, tờ báo bắt đầu in li tô. Huyện đội Việt Minh ngoài việc cung cấp giấy, đá li tô, mực in còn lùng sục để mua đá, có khi phải lên tận Hà Nội để mua giấy Mỹ… Khi in li tô được nhiều bản (100 tờ dán ở các chòi thông tin), tờ dành riêng một số gửi cho Cụ Hồ ở chiến khu Việt Bắc.

Báo gửi cho Cụ Hồ ở Việt Bắc cũng đi theo đường thiếu niên giao thông theo địa chỉ: Kính gửi Cụ Hồ Chủ tịch – Chiến khu Việt Bắc.

Bỗng một hôm, Đội Thiếu niên giao thông đưa về một chiếc phong bì bé xíu, bằng giấy xi măng ở góc có số công văn 15 MCH2.

Kính gửi: Báo Xung phong – Cơ quan của trẻ em yêu nước tỉnh Hải Dương. Trong phong bì là một tấm danh thiếp của Cụ Hồ.

Tấm danh thiếp in hai mặt: Mặt sau có chữ Hồ Chí Minh bằng chữ Hán. Mặt trước ở giữa là chữ Hồ Chí Minh bằng chữ quốc ngữ, toàn bộ là 8 câu thơ lục bát được đánh máy bằng loại rubăng mực tím:

Bác nhận được báo Xung phong
Cảm ơn các cháu có lòng gửi cho
Các cháu nghe Bác dặn dò
Phải biết yêu nước, phải lo học hành
Siêng làm việc, siêng tập tành
Phải giữ kỷ luật là thành cháu ngoan
Bác yêu các cháu muôn vàn
Bác gửi các cháu một ngàn cái hôn.

Thời gian sau, gặp ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ, Quản Tập nói lại chuyện đó.

Ông Vũ Kỳ nói:

– Thế là các cậu quá vinh dự. Không phải ai Bác cũng gửi danh thiếp. Phải là người được Bác yêu quý lắm.

– Thế thật hả anh?

– Chứ sao, cậu có cái may là báo trẻ em. Báo trẻ em duy nhất của cả nước khi ấy.

Đây là danh thiếp đầu tiên Bác Hồ gửi cho báo chí.

Tỉnh ủy Hải Dương cũng coi đó là vinh dự cho cả tỉnh. Vì thế hồi ấy ông Vũ Kiên là Bí thư Tỉnh Đoàn, sau làm Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, nay đã bước sang tuổi 90 (ông là một trí thức, đã học trường Bưởi – trường THPT Chu Văn An bây giờ) cho phát triển tờ báo, chọn phóng viên và mở rộng đề tài của báo, cho đăng cả thơ ca, hướng dẫn thể dục thể thao và các phong trào cách mạng ở địa phương.

Cũng phải nói thêm rằng, tờ báo Xung phong ra đời và phát triển được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy Hải Dương. Đồng chí Vũ Huy Hiệu, Bí thư Tỉnh ủy về sau làm Thống đốc Ngân hàng Việt Nam, năm nay vừa tròn 100 tuổi và đồng chí Phan Điền, Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách công tác dân vận và tài mậu (sau làm Bí thư Tỉnh ủy Nam Định) đã có công xây dựng, tạo mọi điều kiện cho báo phát triển.

Một trong những người có công với tờ báo Xung phong phải kể đến ông Quốc Tiến (lúc ấy 14 tuổi) người trình bày và viết bài lên đá để in li tô được nhiều bản. Ông Tiến hiện nay đã 78 tuổi, đang ở thành phố Hồ Chí Minh.

Báo Xung phong phát triển nên năm 1948 đã tổ chức Hội nghị Cộng tác viên. Danh thiếp của Bác Hồ được Tỉnh ủy cho giấy in hàng loạt phát cho mỗi thiếu nhi trong tỉnh một tờ.

Cũng năm 1948, Hội những người làm báo Việt Nam tổ chức Đại hội báo chí miền Duyên hải Bắc Bộ – các tỉnh ven biển miền Bắc như Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Móng Cái – do ông Hoàng Tùng, Phó Chủ nhiệm Việt Minh Khu 3, ông Nguyễn Tường Phượng, trưởng đoàn báo chí kháng chiến chủ trì. Báo Xung phong cũng được cử đại biểu đi dự Đại hội ngang với các tờ báo khác.

Ngày 15-5-1950, Quản Tập được điều về Ban Huynh trưởng Thiếu nhi Trung ương. Lúc ấy, ông Lưu Hữu Phước, nhạc sĩ giữ chức Trưởng ban Huynh trưởng. Quản Tập được dự lễ kỷ niệm lần thứ 60 sinh nhật Bác Hồ và tổ chức ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên của Việt Nam, được Trung ương Đoàn giao việc chuẩn bị xuất bản báo Yêu trẻ. Điều đáng nói là khi lên Trung ương Đoàn (1950), Quản Tập có mang nhiều tờ báo Xung phong đi theo.

Ông Lưu Hữu Phước khi đi dự Liên hoan Thanh niên sinh viên Thế giới ở Béc-lin (CHDC Đức) (VN là hội viên) có mang 10 tờ báo Xung phong trưng bày ở Liên hoan. Các đại biểu dự liên hoan rất thích tờ báo ấy vì họ thấy tờ báo trẻ em mà làm rất đẹp, nội dung rất phong phú được ra đời trong khi đất nước Việt Nam còn non trẻ, kháng chiến bộn bề./.

Theo Tienphong.vn
Thúy Hằng (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement