
Những "đồng bạc Cụ Hồ" được đồng bào Nam Bộ gìn giữ trong suốt những năm đất nước bị chia cắt. Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Sinh thời, với niềm thương nhớ khôn nguôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nghĩ đến đồng bào miền Nam ruột thịt. Người nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”… Bác Hồ cũng luôn mong muốn được vào thăm nhân dân miền Nam và đã nhiều lần đề nghị Bộ Chính trị ý nguyện thiêng liêng đó.
Nhưng rồi, vì điều kiện sức khỏe, ý nguyện ấy của Người không được thực hiện. Trước lúc đi xa, Người nắm chặt tay đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam ra công tác ở miền Bắc như muốn nói rằng “Miền Nam mãi mãi ở trong trái tim tôi”. Cũng với tấm lòng như vậy, tình cảm nhân dân miền Nam dành cho Bác thật hết sức thiêng liêng. Chỉ riêng “đồng bạc Cụ Hồ” mà thấm đẫm nghĩa nhân, được cất giữ, bao bọc giữa triệu triệu tấm lòng…
Chuyện đổi tiền “đặc biệt”
Trong quá trình đi tìm tư liệu thực hiện công trình “Phụ nữ Long An – Truyền thống và lịch sử”, tôi vô cùng ngạc nhiên, thú vị khi được gặp những nhân chứng vô cùng sống động. Một trong những nhân chứng kể lại nhiều câu chuyện gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi là bà Ðặng Thị Diềm, nguyên Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Long An, hiện đang sống ở thị xã Tân An.
Bà Diềm kể: Năm 1943, khi bị Nhật “chia sẻ” quyền kiểm soát Ðông Dương, để đáp ứng nhu cầu vật chất cho quân Nhật, Pháp cho in giấy bạc JDEO 100 đồng mà bà con quen gọi là “giấy xăng đỏ” để nuôi quân Nhật. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tiền này tập trung vào nội cứ Long An nhiều nhất, vì lúc đó ta chưa in giấy bạc Cụ Hồ, nên phải tạm xài tiền ấy. Quân khu Ðông Thành (Quân khu 7) cắt tiền “giấy xăng đỏ” ra làm hai, đóng dấu Quân khu Ðông Thành cho nhân dân lưu hành trong chiến khu, xem như tiền độc lập của Việt Minh, còn ở nội thành, Pháp in bạc khác, không thừa nhận “giấy xăng đỏ” ấy.
Ðến khi đồng bạc Cụ Hồ ra đời, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ không thừa nhận, không chịu đổi tiền ấy bằng tiền Cụ Hồ. Dân quân Ðông Thành chết đứng, chết ngồi. Lúc ấy tôi trong Ban Chấp hành Phụ nữ tỉnh Tân An. Chị em phụ nữ quân khu Ðông Thành xuống bàn với chúng tôi, nhờ can thiệp với ngân khố tỉnh và ngân khố Nam Bộ cho đổi bạc “giấy xăng đỏ” ra tiền Cụ Hồ, vì đó là mồ hôi nước mắt của bà con.
Chúng tôi chạy qua Tỉnh ủy bàn. Tỉnh ủy không dám cho đổi vì phải đợi sự thương lượng với Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Chúng tôi bèn đi tìm anh Hà Huy Giáp, lúc ấy là Chủ nhiệm Kỳ bộ Việt Minh, cũng không quên gặp anh Bảy Chiếm (Cao Ðăng Chiếm) ở Sở Công an Nam Bộ, lại nhờ anh Ung Văn Khiêm, Ủy viên Nội vụ Nam Bộ. Chúng tôi cắt nghĩa cho ba anh nghe là: Pháp đã giựt của dân. Trước sự bức xúc lưu thông tiền tệ, quân khu 7 đã đóng dấu lên bạc JDEO, thừa nhận đồng “giấy xăng đỏ” như đồng bạc Cụ Hồ, nay Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ không thừa nhận đồng tiền này thì ta thất tín với dân và dân sẽ nói: “Việt Minh cũng như Pháp thôi, cũng hại dân chớ không giúp dân” thì ta nghĩ sao về mặt uy thế chính trị. Chúng tôi khẩn khoản yêu cầu Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ giải quyết thỏa đáng cho dân và báo cáo rõ về Trung ương. Ba anh suy nghĩ lâu lắm, cùng chúng tôi kéo qua Sở Tài chính Nam Bộ. Trước vấn đề trọng đại này, ông Kha Vạn Cân lúc ấy đang nắm giữ Sở Tài chính Nam Bộ cũng không dám tự quyết định, mà phải điện hỏi ý kiến của Xứ ủy Nam Bộ
Chúng tôi cùng chờ ý kiến Xứ ủy. Tới chiều, Xứ ủy liên hệ với Quân khu 7 và Tân An quyết định cho Tân An xuất ngân khố, đổi liền số bạc mà Quân khu Ðông Thành đã đóng dấu lên tờ giấy JDEO cắt làm hai là 50 đồng, còn bạc nguyên, bạc mới không đổi vì sợ giặc lợi dụng sơ hở của ta, luồn tiền vào phá hoại ngân khố cách mạng. Các cơ quan của Tân An hợp tác với Sở Công an Nam Bộ kiểm tra, lập biên bản kiểm kê toàn bộ “giấy xăng đỏ” ở Quân khu Ðông Thành, ở Ðồng Tháp Mười. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính Nam Bộ cùng kho bạc Tân An mới xuất tiền xuống tận xóm ấp để đổi cho dân. Qua việc đó, nhân dân rất vui mừng, phấn khởi, càng có thêm niềm tin vào Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ.
Giữ lấy giá trị “đồng bạc Cụ Hồ”
Ði đôi với biện pháp vơ vét của cải nhân dân, quân Pháp tăng cường phá hoại kinh tế kháng chiến bằng các thủ đoạn như độc quyền thương mại, hạ giá đồng bạc Ðông Dương, phá hoại và cướp lương thực của nhân dân. Vào năm 1952-1953, địch dùng thủ đoạn tung bạc giả – loại giấy 100 đồng có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường được gọi là “đồng bạc Cụ Hồ” vào vùng giải phóng, hoặc phát không cho số người hay ra vào giữa vùng giải phóng và vùng địch, chủ yếu là thương nhân Hoa kiều; thậm chí dùng máy bay rải trong vùng giải phóng của ta, làm đồng bạc của ta mất giá. Trong vai trò sĩ quan phiên dịch của phòng Nhì, cơ quan tình báo của Pháp, chi nhánh Long Xuyên, điệp viên Trần Hiến kể: “Một Hoa kiều bị bắt đưa vào Long Xuyên, đi trên chiếc xe lôi, chở ba bao tải đầy bạc Cụ Hồ giả. Qua hỏi cung, tôi được biết số bạc đó do một thiếu tá Pháp bán, hắn mua lại tại Chợ Lớn chở về nhà số 36 đường Phan Thanh Giản – Long Xuyên để chờ đưa vào vùng kháng chiến… Sau tra hỏi, thấy không khai thác được gì thêm, người Hoa kiều ấy được tha về”. Tên trưởng chi nhánh phòng Nhì ở Long Xuyên tha hắn về vì đó là “chiến hữu”, tay chân của quân Pháp phá hoại nền kinh tế kháng chiến nhưng Ban hành động Cần Thơ đã trừng trị hắn vì tội trạng “phá hoại nền kinh tế”, quyết giữ đúng giá trị “đồng bạc Cụ Hồ” mà nhân dân rất tín nhiệm, tự hào và trân trọng.
Bằng mọi cách cất giữ những đồng tiền in hình Bác
Biết bao nhiêu người mẹ, người chị miền Nam đã đương đầu với nguy hiểm để giữ lấy những gì liên quan đến Bác. Khi Bác Hồ mất, nhiều đền thờ tưởng niệm Bác đã được dựng lên ngay giữa vùng địch chiếm đóng. Trong nội thành, phụ nữ Sài Gòn tổ chức đám giỗ nghi trang để truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Thị Huyện, Giám đốc Viện Dục Anh đã mặc hai chiếc áo dài đen và trắng liên tục trong ba năm để tang Bác Hồ. Trong nhà tù Chí Hòa, nữ tù chính trị đã để tang Bác Hồ trong một tuần lễ, sau đó bị đàn áp khốc liệt, bị đày đi Côn Ðảo…
Bà Phan Thị Mai (Việt Nữ), nguyên Bí thư Ðảng ủy Sở Y tế Nam Bộ đã kể câu chuyện cảm động về một bà mẹ khi bị giam chung với bà trong tù.
Chuyện kể rằng: “Có một bà lúc trước ở vùng giải phóng, bán quán nhỏ bên đường. Khi ta tập kết, bà còn lại một số tiền Cụ Hồ. Có ai mách với giặc, một buổi sáng bà đi chợ, lính ở bót kéo đến phá cửa vào chòi của bà lục lấy số bạc Cụ Hồ mà bà đã trân trọng cất giữ từ lâu. Khi bà về, mọi người đến cho bà hay sự việc và hối bà đi trốn. Bà bỏ đi. Ai cũng tưởng bà đi trốn nên yên tâm, nào ngờ bà đến bót lấy số tiền đó. Ðịch bắt bà bỏ tù. Trong tù, chị em hỏi: “Sao bà không trốn đi, đến bót làm chi cho nó bắt?”. Bà nói: “Bỏ tù thây kệ nó chớ. Thứ đồ ăn cướp, giữa ban ngày đến lấy tiền của người ta”. Ai cũng cười mà rưng rưng nước mắt, vì thấy người dân trong vùng địch trân trọng giữ gìn hình ảnh Bác Hồ, mặc dù biết phải nguy hiểm”.
Những “đồng bạc Cụ Hồ” tuy chỉ được lưu hành mấy năm trong vùng kháng chiến nhưng đó là đồng tiền được lưu giữ trong lòng nhân dân lâu bền nhất. Với tấm lòng kính yêu hướng về Bác, nhiều người mẹ, người chị đã hy sinh, chấp nhận tù đày, bằng mọi cách cất giữ những đồng tiền in hình Bác giữa vùng địch chiếm đóng. Cho đến nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã có bộ sưu tập hàng trăm “đồng bạc Cụ Hồ” được tìm thấy từ khắp các tỉnh thành./.
Theo Trầm Hương
Nhân dân cuối tuần
Huyền Trang (st)