Trong “Lời kêu gọi về thi đua ái quốc” ngày 11 tháng 6 năm 1948, Bác Hồ đã dạy: “Mục đích thi đua ái quốc là gì ? Là“ Diệt giặc đói khổ, Diệt giặc dốt nát, Diệt giặc ngoại xâm”. Để đạt được 3 mục đích trên, phải “ Dựa vào lực lượng của dân, Tinh thần của dân. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải thi đua.
Sau một năm phát động thi đua ái quốc, Bác Hồ đã chỉ ra những khuyết điểm trong công tác thi đua đó là “ còn nhiều nơi nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa thật hiểu rõ ràng ý nghĩa của phong trào thi đua ái quốc.
Tưởng lầm thi đua là một việc khác với những công việc hàng ngày. Tưởng lầm thi đua chỉ nhất thời. Nhiều nơi đặt những kế hoạch thi đua không sát với hoàn cảnh, không sát với địa phương. Nơi thì đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi. Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu sau thì đuối sức đi, không tiếp tục thi đua được. Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành đều có một kế hoạch riêng mà kế hoạch thì không ăn khớp với nhau, thành thử “ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Nhân dân thì bù đầu, không đủ sức mà theo cả các kế hoạch và không biết nên theo kế hoạch nào. Nhiều nơi có kinh nghiệm, hoặc kinh nghiệm thành công hoặc kinh nghiệm thất bại, nhưng không biết trao đổi cho nơi khác, để tránh cái dở, học cái hay của nhau. Nơi thì các ban vận động thi đua chỉ biết làm theo chỉ thị cấp trên. Trung ương gửi chỉ thị thế nào, khu cứ nguyên văn gửi xuống tỉnh, tỉnh cứ nguyên văn gửi xuống huyện, huyện cứ nguyên văn gửi xuống xã, chứ không biết điều tra kỹ lưỡng, áp dụng thiết thực”.
Để “Cùng nhau sửa chữa khuyết điểm”, Bác Hồ đã dạy: “công việc hàng ngày chính là thi đua. Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng, nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn.
Thi đua là phải trường kỳ, là phải giải thích cho mọi người dân hiểu rõ rằng: thi đua ái quốc là lợi ích của mình, lợi ích của gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc. Mọi người dân đều hiểu rõ thì tất cả mọi khó khăn đều giải quyết được, tất cả mọi khuyết điểm đều sửa chữa được”
Hiện các cấp, các ngành và các đoàn thể Mặt trận đã và đang có nhiều phong trào thi đua yêu nước, do vậy cần “ Học tập và làm theo” lời dạy của Bác Hồ về thi đua ái Quốc.
Ngọc Bích