Bác ở Pác Bó

Pác Bó là nơi phát nguyên của sông Giàng, một nhánh của con sông Bằng, hợp với sông Hiến rồi chảy sang Long Châu, Trung Quốc. Pác Bó cũng như phần đông các ngọn nguồn khác, nước từ các hang đá chảy ra, nhưng đặc biệt là hang này rất cao, khi mưa mới có nước chảy, còn mùa khô, nước chỉ ngấm qua các khe đá. Ngay ngoài cửa hang là một vực sâu, nước trong xanh nhìn thấu đáy, có từng đàn cá rầm xanh bơi lượn.

Trong hang không tối lắm, nhưng phải ngồi lâu mới nhìn rõ cảnh vật bên trong. Lòng hang không bằng phẳng mà lô nhô những đá. Những ngày mưa, nước rỉ theo khe đá chảy vào hang, lạnh thấu xương, Bác Hồ đã ở đây trong những năm gian khổ.

Sáng nào, Bác cũng dậy sớm tập thể dục. Bác tập rất đều, rất đúng giờ. Cứ trông thấy Bác dậy, không cần xem đồng hồ cũng biết lúc đó là năm giờ. Dụng cụ thể thao của Bác là hai hòn đá to bằng quả trứng vịt, Bác thường nắm nắm để luyện tập gân tay; và hai đôi chày, một đôi vừa, một đôi thật to và nặng để thay quả tạ sắt tập hàng ngày. Bác thường tắm sớm sau giờ tập thể dục để chống lạnh. Ngoài ra, Bác còn tập leo núi. Nói về tài đi bộ, leo núi của Bác thì ít người theo kịp.

Bác tập thể dục xong, tắm, rồi làm việc. Công việc buổi sáng của Bác thường là viết lách, dịch sách hoặc viết báo. Buổi trưa, Bác gặp cán bộ, nghe báo cáo tình hình hoặc bồi dưỡng cho cán bộ về lý luận cách mạng và kinh nghiệm công tác. Buổi chiều, Bác lại tiếp tục công việc buổi sáng. Nhưng dù bận mấy, Bác vẫn dành ra một số thời gian để làm vườn, đi lấy củi hoặc sửa sang chỗ ăn ở. Buổi tối, thường là Bác đọc sách, nói chuyện, giáo dục cho cán bộ, hoặc đi đến với đồng bào, đầu để trần, mặc bộ quần áo chàm giản dị như một ông già địa phương. Mười giờ tối, Bác đi ngủ.

Một ngày làm việc bình thường của Bác là như thế. Lúc nào có công tác gì khác, Bác sắp xếp lại thời gian và thực hiện kế hoạch mới của ngày đó. Có lần Bác đi công tác xa về đúng vào giờ đọc báo hàng ngày, Bác treo mũ, cất gậy và ngồi ngay vào bàn đọc báo. Đồng chí phục vụ mời Bác đi nghỉ, Bác bảo: “Cứ để Bác đọc. Bác đã quen như thế rồi”. Đối với Bác, thời gian rất quý, Bác tranh thủ tường phút để suy nghĩ và giải quyết thêm một số công việc.

Có thể nói, suốt một ngày, suốt cả cuộc đời hoạt động của Bác, trừ lúc ngủ, không một phút nào Bác không làm việc để đem lại lợi ích chung cho cách mạng.

(Trích trong tác phẩm BÁC HỒ KÍNH YÊU, Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 1980)

CÂU CHUYỆN CÁI ĐỒNG HỒ-BÀI HỌC VỀ SỰ ĐOÀN KẾT

“Năm 1954, các cán bộ tham gia cải cách ruộng đất đang dự Hội nghị tổng kết ở Hiệp Hòa (Hà Bắc) để rút kinh nghiệm làm tốt đợt mới ở vùng giải phóng, thì có lệnh Trung ương rút bớt một số người đi học lớp tiếp quản Thủ đô. Ai nấy đều háo hức muốn đi. Nhất là những người quê Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ Thủ Đô, nay được dịp về công tác, anh em bàn tán rất sôi nổi. Nhiều người đề nghị cấp trên chiếu cố nỗi niềm riêng đó và cho được toại nguyện. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có chiều phân tán… Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử.

Giữa lúc đó thì Bác Hồ đến thăm Hội nghị. Hôm đó giữa mùa thu, nhưng trời vẫn còn nóng. Bác bước lên diễn đàn, mồ hôi ướt đầm hai bên vai áo nâu của Bác…Khi tiếng vỗ tay đã ngớt, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi:

– Các chú có trông thấy cái gì đây không ?

Mọi người đồng thanh:

– Cái đồng hồ ạ.

– Thế trên mặt đồng hồ có những chữ gì ?

– Có những chữ số ạ.

– Những cái kim ngắn, kim dài để làm gì ?

– Để chỉ giờ, chỉ phút ạ.

– Cái máy bên trong dùng để làm gì ?

– Để điều khiển cái kim chạy ạ.

Bác mỉm cười, hỏi tiếp:

– Thế trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng ?

Mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

– Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không ?

– Thưa không được ạ.

Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:

– Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: Trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ…cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì có còn là cái đồng hồ được không ?

Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư vô lý”.

(Trích trong tác phẩm BÁC HỒ KÍNH YÊU, Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 1980)

Qua mẩu chuyện trên, ta có thể rút ra được rất nhiều điều có ý nghĩa:

1. Trong mỗi cơ quan, đơn vị: mỗi cá nhân được phân công một nhiệm vụ và có bổn phận làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, có như vậy thì mới tạo nên hiệu quả chung của cả tập thể cơ quan, đơn vị. Cần phải hiểu rằng việc phân cấp các chức danh, chức vụ trong cơ quan, đơn vị nhằm phân biệt nhiệm vụ, quyền hạn mà bản thân mỗi cá nhân phải thực hiện khi đảm nhận chức trách đó.

Việc suy bì, tính toán hơn thiệt về quyền lợi, trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, hoặc hành vi lánh nặng tìm nhẹ, suy nghĩ quan liêu, cục bộ… sẽ dễ dẫn đến sự mất đoàn kết trong nội bộ, từ đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của cả đơn vị. Ngược lại nếu các cá nhân trong một tập thể nhận thức được vai trò, chức trách của mình và cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, bất kể là ở vị trí Thủ trưởng hay nhân viên, tất cả đều nhắm tới một mục tiêu chung của đơn vị thì hiệu quả công tác chắc chắn đạt tỷ lệ cao.

2. Trong xã hội: Bằng những đặc điểm riêng của mình mà các ngành, các cấp… khác nhau tạo nên một bức tranh xã hội phong phú. Hãy thử tưởng tượng nếu tất cả mọi người đều đi làm công nhân hết thì lấy đâu ra người nông dân để trồng trọt, chăn nuôi tạo ra lương thực, thực phẩm nuôi sống xã hội, nếu ai cũng muốn làm kỹ sư thì lấy đâu ra thợ để thực hiện những việc thủ công… Những nét riêng đó kết lại với nhau tạo thành một xã hội hoàn chỉnh.

3. Trong công tác Mặt trận: các giai tầng, các ngành, các giới, các dân tộc – tôn giáo trong xã hội đều có đặc điểm riêng. Người làm công tác Mặt trận cũng giống như người thợ sửa đồng hồ, phải biết gắn kết những đặc điểm riêng lại để tạo nên một khối thống nhất thực hiện nhiệm vụ chính trị thông qua các phong trào hành động cách mạng tại đơn vị, địa phương. Có như vậy thì “cái đồng hồ” do Mặt trận làm ra sẽ chạy tốt, phục vụ cho xã hội một cách có hiệu quả nhất.

Theo nguồn: http://www.ubmttq.hochiminhcity.gov.vn
Anh Tú (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement