“Giá trị của tự do, của độc lập”

Ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống đói. 55 năm sau, 150 vị đứng đầu Nhà nước, Chính phủ và các quan chức của Liên Hợp quốc đã ra tuyên bố thiên niên kỷ và quyết định lấy ngày 17-10 hằng năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống đói làm “Ngày thế giới chống đói nghèo”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được thành lập. Việc đầu tiên, Bác lo chống đói. Ngày 17-10-1945, Người ra lời kêu gọi toàn dân cùng Chính phủ tập trung chống giặc đói. Người nói: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm là ba thứ giặc đều phải chống, nhưng người đặt giặc đói lên hàng đầu vì lý do: “Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhưng nước ta được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập đó chẳng có ý nghĩa gì”.

Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Uỷ ban nghiên cứu kiến quốc ngày 10-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa lại nhấn mạnh bổn phận Nhà nước đối với việc chăm lo cuộc sống của dân: “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ, chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn; Làm cho dân có mặc; Làm cho dân có chỗ ở; Làm cho dân được học hành”.

Tư tưởng và tình cảm của Bác đã thổi bùng lên truyền thống quý báu ngàn đời của dân tộc ta, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… Truyền thống đó đã trở thành đạo lý làm người, phẩm chất của nền văn hoá nhân văn, nếp sống cao đẹp của mỗi người Việt Nam yêu nước, thương nòi.

Hơn 60 năm tuân theo lời kêu gọi của Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào “Xoá đói giảm nghèo” đã trở thành mục tiêu phấn đấu của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân. Một sự nghiệp cao cả, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong chương trình “Xoá đói giảm nghèo”, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, ban hành nhiều chính sách, chỉ đạo các bộ, ngành lập ra các chương trình dự án xoá đói, giảm nghèo cho các vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chương trình dạy nghề, giải quyết việc làm, nhằm tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi khuyến khích mọi người, mọi thành phần kinh tế phát huy cao độ nguồn lực và tài năng sáng tạo, ra sức phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu hợp pháp, giảm nhanh các hộ nghèo, phấn đấu vươn lên: dân giàu, nước mạnh.

Cùng với việc động viên phát triển sản xuất, Đảng và Nhà nước khuyến khích toàn dân, các tổ chức xã hội, các đoàn thể mở các cuộc vận động, các chương trình dự án, xoá đói giảm nghèo. Nông dân có phong trào thi đua “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, Mặt trận Tổ quốc Việt nam có “Ngày vì người nghèo” hoạt động “Nối vòng tay lớn” gây quỹ xoá nhà dột nát. Phong trào đã mở rộng cả Trung ương và cơ sở, tất cả các bộ, ngành và của toàn dân. Đảng và Nhà nước khuyến khích toàn dân thực hiện tốt các chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với nước, tham gia các hoạt động công ích, hoạt động từ thiện, gắn tăng trưởng kinh tế với chính sách xã hội.

Cuộc vận động “Vì người nghèo” do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam phát động đã thu hút toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, với hàng triệu cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia, đem lại kết quả to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần và đạo lý. Hàng vạn ngôi nhà tình thương đã mọc lên. Nhiều tỉnh đã xoá xong nhà dột nát. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo, xã nghèo, sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, chúng ta đã vượt trước thời hạn mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc đề ra giảm một nửa tỉ lệ đói nghèo và phổ cập tiểu học, được hội nghị thượng đỉnh tháng 9-2005 của Liên hợp quốc đánh giá cao.

Một tờ báo nước ngoài đã viết: “Sau hai thập niên cải cách kinh tế, Việt Nam đang trên con đường hoàn thành ước muốn độc lập và thịnh vượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Trần Công Huyền

bqllang.gov.vn

Advertisement