Vào năm 1955, Bác Hồ đến thăm công trường xây dựng cầu Phủ Lạng Thương. Đầu tiên, Bác đến thăm khu nhà ở, khu vệ sinh, giếng nước ăn và nhà bếp tập thể của công nhân.
Sắp đến giờ ăn trưa, Bác mở lồng bàn, xem suất cơm và các món ăn, rồi Bác khoát tay gọi anh chị em công nhân lại gần và nói: “Bác hỏi câu này, các cháu phải trả lời trung thực – mọi người còn đang bất ngờ, Bác hỏi luôn – Hằng ngày các cháu có được ăn nhiều cơm, đủ món ăn như hôm nay không? Hay biết tin Bác đến, các chú chỉ huy công trường “làm cỗ” để Bác vui lòng ?”.
Thực tế, thợ cầu đường là những người vất vả, cực nhọc nhất, nên chỉ huy công trường thường xuyên chăm lo miếng ăn, giấc ngủ cho anh em, không có chuyện bày đặt để làm vui lòng Bác. Nhưng sau câu hỏi sâu sát của Bác, mọi người đều thấm thía về sự trung thực, về sự chăm lo lẫn nhau trong điều kiện có nhiều khó khăn. Nếu có sự bày đặt, chắc chắn uy tín của cán bộ chỉ huy công trường sẽ bị giảm sút. Nguy hại hơn, sự đoàn kết, nhất trí của tập thể cũng giảm sút theo và tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình.
Cũng nhân một bữa ăn, Bác lại nhắc đến việc tiết kiệm. Đó là dịp Đại hội Đảng lần thứ III, Bác thường xuyên ăn cơm cùng các đại biểu. Một bữa trưa, Bác ăn cơm với đoàn đại biểu ngành Đường sắt. Mấy anh chị cứ chống đũa không chịu ăn để được ngắm Bác. Thấy vậy, Bác đến bên và hỏi vui: “Các cô, các chú mệt quá hay ốm mà bỏ cơm thế này? – Rồi Bác nói luôn – ăn ngon miệng, ăn hết thì báo nhà bếp nấu thêm. Nhưng ăn không hết cũng phải báo cho nhà bếp để giảm khẩu phần đi. Mỗi đĩa xào, mỗi bát canh đều là tiền của đóng góp của nhân dân lao động. Tiết kiệm, thu vén được chút nào là có lợi cho dân chút ấy !”.
Mọi lúc, mọi nơi, trong mọi lời nói, mọi cử chỉ của Bác Hồ đều thấm đẫm tình yêu thương và bài học về đạo đức. Hãy lắng nghe, hãy làm theo Người, bởi tư tưởng, đạo đức của Người vẫn là sự tốt đẹp, trong sáng nhất.
Vũ Trần