Từ “Văn hoá Đảng”, “Văn hoá Hồ Chí Minh” nghĩ về quan điểm “Văn học – nghệ thuật cũng là một mặt trận”

Gần đây chúng ta đã có dịp bàn về “Văn hóa Đảng”. Theo Nhà nghiên cứu Văn hoá- văn nghệ Trần Trọng Đăng Đàn, khái niệm “Văn hóa Đảng” có nội hàm như sau: “Văn hoá Đảng Cộng sản Việt Nam là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do hoạt động của Đảng mà tạo ra trong quá trình lịch sử từ năm 1930 cho đến ngày nay”.

Sự nghiệp văn hóa đó có được là nhờ Đảng đã kế thừa có chọn lọc, có phê phán và có sáng tạo truyền thống văn hóa dân tộc từ năm 1930 cho đến tận ngàn xưa; nhờ Đảng biết tiếp thu có chọn lọc, có phê phán, có sáng tạo văn hóa của thế giới từ cổ xưa cho tới tận thời đương đại; đặc biệt là nhờ Đảng đã biết phát huy nội lực văn hóa bản thân của các thế hệ đảng viên tập hợp được những tinh hoa văn hóa của giai cấp công nhân và của quảng đại quần chúng của cách mạng suốt từ khi mới thành lập cho đến tận hôm nay. Trong hiện tình chính trị – triết học của quốc tế và quốc gia, cần đặt văn hóa Đảng ở một vị trí thế xứng đáng ít nhất là trong hai giá trị lớn sau đây: 1- Giá trị về sự khẳng định cách mạng Việt Nam trước sau như một vẫn đi theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lênin: 2- Giá trị về sự khẳng định thể chế một đảng lãnh đạo đất nước Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sự xuất hiện vị lãnh tụ của dân tộc, lãnh tụ của Đảng, đồng thời là nhà văn hóa kiệt xuất: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là một thực tế lịch sử tạo sức mạnh tăng tốc mang tính bước ngoặt cho quá trình hình thành và phát triển văn hóa. Văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện qua sự nghiệp hoạt động cách mạng của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và đã được đúc kết lại trong trước tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặc biệt là trong ký ức tư duy và trong trí tuệ của nhiều thế hệ thần dân cách mạng. Như vậy, văn hóa Hồ Chí Minh hình thành và phát triển trước Văn hóa Đảng xét theo chiều dọc thời gian.

Thực ra, Văn hóa Hồ Chí Minh được phát sinh, hình thành từ thời kỳ niên thiếu của Nguyễn Tất Thành. Đó là thời kỳ trước năm 1911, khi Nguyễn Tất Thành còn là một thành viên nhỏ tuổi trong gia đình, trong các địa phương mà Nguyễn Tất Thành sinh sống, tại các môi trường mà Nguyễn Tất Thành học hành, tiếp xúc, quan hệ với tính chất mầm mống đó cũng đã có thể thấy màu sắc khá đậm của những tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam thời cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trong đó có pha thêm cả tinh hoa của văn hoá truyền thống ViệtNam trước đó.

Suốt 30 năm Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc bôn ba nhiều nơi trên thế giới để tìm đường cứu nước, văn hóa nơi Nguyễn Tất Thành được phát triển một cách rực rỡ trở thành văn hóa Hồ Chí Minh. Nhìn một cách tổng quát, Văn hóa Hồ Chí Minh là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần do hoạt động của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh mà tạo ra. Trong khối phức hợp rộng lớn những giá trị vật chất và tinh thần của Văn hóa Hồ Chí Minh có những giá trị đặc biệt rực rỡ cần được xếp vào hàng đầu.

Trong số những giá trị rực rỡ đó, trước tiên là sự tạo dựng nên một phương sách chiến lược cứu dân, cứu nước thích hợp xét trong mối tương quan với chiều dọc thời gian theo lịch đại và trong mối tương quan với chiều ngang đồng đại của tình thế quốc tế và quốc gia hơn nửa thế kỷ của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh.

Giá trị rực rỡ thứ hai của Văn hoá Hồ Chí Minh là tài tình trong sáng lập, sáng tạo trong điều hành, minh mẫn trong định hướng cho sự phát triển của một chính đảng cách mạng – Đảng Cộng sản Việt Nam – với mục đích xây dựng đất nước Việt Nam dân chủ, giàu mạnh, theo con đường xã hội chủ nghĩa và thực hiện lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.

Giá trị rực rỡ thứ ba cấu thành Văn hóa Hồ Chí Minh là sự hình thành và phát triển một hệ thống tư tưởng được gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin chắt lọc từ những tính hoa trí tuệ của nhân loại gắn với truyền thống tốt đẹp của trí tuệ dân tộc Việt Nam là nét cơ bản nổi bật nhất trong Tư tưởng Hồ Chí Minh làm cốt lõi cho Văn hóa Hồ Chí Minh.

Giá trị rực rỡ thứ tư làm nền tảng đồng thời là nét mang tính tổng hợp xuyên suốt toàn bộ của Văn hoá Hồ Chí Minh là sự mở ra cho đất nước cho dân tộc một thời đại mới: Thời đại Hồ Chí Minh. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng có nhiều anh hùng hào kiệt. Nhưng, chiến công hiển hách trong sự nghiệp chống ngoại xâm, thành tựu vĩ đại trong công cuộc cải cách đất nước, thành quả to lớn trong hoạt động xây dựng đất nước của họ… dẫu sao vẫn không thể sánh kịp với chiến công, thành tựu, thành quả của vị anh hùng hào kiệt Hồ Chí Minh. Bởi vì chiến đấu với giặc ngoài mà Hồ Chí Minh giữ vai trò thống lĩnh; làm cách mạng cải cách đất nước mà Hồ Chí Minh giữ vai trò lãnh đạo tối cao không phải là để thay đổi những người bóc lột này bằng những kẻ bóc lột khác mà là để xóa bỏ hoàn toàn chế độ người bóc lột người. Đặc điểm cơ bản chính của Thời đại Hồ Chí Minh là ở giá trị này. Đó cũng là nét thuộc loại đậm nhất trong bức tranh toàn cảnh Văn hóa Hồ Chí Minh.

Giá trị rực rỡ thứ năm làm nền tảng cho văn hóa Hồ Chí Minh là sự mở rộng đột biến vai trò quốc tế của đất nước, của dân tộc Việt Nam. Nói đến ”đột biến” trước hết là xét theo chiều dọc thời gian lùi vào quá khứ xa xưa. Những chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam từ Trưng nữ vương ở đầu Công nguyên cho đến nhà tiền Lý, nhà Triệu, nhà Ngô, nhà Đinh và suốt từ thời Thái Bình Đinh Tiên Hoàng, thời Thiên Phúc Lê Đại Hành, thời Thuận Thiên Lý Thái Tổ – Lý Thường Kiệt, thời Kiến Trung Trần Thái Tông – Trần Hưng Đạo thời Thánh Nguyên Hồ Quý Ly, thời Thuận Thiên Lê Thái Tổ – Nguyễn Trãi… cho đến thời Tây Sơn Nguyễn Huệ đã có sự mở rộng vai trò quốc tế của Việt Nam.

Tuy nhiên phạm vi mở rộng đó vẫn chỉ gói gọn trong vùng Đông Á. Cho đến thời đại Hồ Chí Minh thì vai trò Việt Nam trên trường quốc tế mới thực sự mở rộng ra toàn thế giới loài người. Suốt thời gian hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh 1911 cho đến tận 1969 có thể nói vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế liên tục đuợc mở rộng và qua những thời điểm nở rộ mang tính lịch sử vĩ đại như sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, như Cách mạng Tháng Tám 1945, như kết thúc đại thắng cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp năm 1954. Đặc biệt là thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động toàn đảng, toàn quân, toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để dẫn tới đại thắng mùa Xuân 1975. Ngày nay uy tín, thành tựu của Việt Nam trong xây hòa bình, trong việc tiến hành công cuộc đổi mới đã làm vang dội thế giới đương đại cũng chính là sự tiếp tục nét văn hoá này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giá trị rực rỡ thứ sáu làm nền tảng cho văn hoá Hồ Chí Minh là sự hình thành mẫu mực một vị lãnh tụ, một người anh hùng của thời thế mới. Anh hùng Hồ Chí Minh, theo quy luật chung, là sản phẩm của thời thế – thời thế xét ở tầm quốc gia và cả ở tầm quốc tế. Và anh hùng Hồ Chí Minh đã tác động trở lại vào thời thế, xoay chuyển thời thế theo chiều xoắn ốc đi lên để đạt tới những tầm cao lý tưởng của dân tộc và của cả nhân loại.

Một khi Văn hoá Hồ Chí Minh được nhận thức ở tầm cỡ như vậy thì những phát biểu, ý kiến trái ngược với quan điểm của Hồ Chí Minh “Văn hoá-nghệ thuật cũng là một mặt trận-Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” sẽ trở thành quá nhỏ bé, sẽ không còn chỗ đứng để góp sức gây rối trong sinh hoạt hoạt lý luận của chúng ta và những phát biểu, những ý kiến trái ngược ấy sẽ tức khắc bị loại ra khỏi bộ nhớ của những người quan tâm đến các cá nhân, các lực lượng đang phiêu lưu, rồ dại… húc đầu vào tường đá-toan tạo ra một dòng nước ngược với Văn hoá Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh và phản lại quy luật phát triển tất yếu của xã hội loài người- phản lại học thuyết Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội.

Các từ khóa theo tin:(Theo báo Văn nghệ)

cpv.org.vn

Advertisement