Tổ quốc và Bác Hồ trong lòng bà con Việt kiều

Những năm đầu của thập kỷ 1960 thế kỷ trước, ở Thái Lan, Việt kiều không được treo cờ Việt Nam một cách công khai như trước nữa. Bà con đã họp nhau lại và cùng nhất trí: Tuy ở xa đất mẹ, nhưng mỗi gia đình phải có một bàn thờ, có cờ hai màu đỏ và vàng để thờ Tổ quốc, thờ Bác Hồ và cúng tổ tiên. Được biết, có gia đình khá giả đã thuê thợ đóng bàn thờ tới hai ba ngàn bạt (đơn vị tiền tệ của Thái Lan), nhà tầm tầm thì vài ba trăm bạt, còn gia đình nào nghèo thì tự đóng lấy chẳng tốn là bao, miễn là có bàn thờ để thắp hương hướng về đất mẹ.

Thế là kiều bào ta ở Thái Lan nhà nào cũng có bàn thờ Tổ quốc, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo ở nơi cao nhất, tôn kính nhất. Hình ảnh Bác Hồ luôn khắc sâu trong lòng mọi người dân Việt kiều. Bởi, “Chẳng thà thiếu mặc thiếu ăn. Quyết không thiếu được chân dung cụ Hồ”. Cứ mỗi năm sắp đến sinh nhật Người là kiều bào lại nhộn nhịp sửa soạn, nhắc nhau: “Dù ai buôn đâu bán đâu. Tháng 5, mười chín rủ nhau thì về…”.

Chiếc bàn thờ hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam là một trong những bàn thờ do kiều bào ta ở Thái Lan mang về khi hồi hương (tháng 11 năm 1963). Nó cũng giống như rất nhiều bàn thờ của các gia đình Việt Nam thường dùng theo phong tục thờ cúng tổ tiên. Một gia đình Việt kiều sinh sống nhiều năm ở Thái Lan, quê ở Quảng Bình mang chiếc bàn thờ về nước đã kể lại: “Chúng tôi sang Thái Lan từ năm 1925. Khi nghe trong nước đánh đổ giặc Nhật, giặc Pháp, giành chính quyền vào tháng 8-1945 thì ở bên này, gia đình tôi đã may cờ treo trong nhà và tự lập bàn thờ này để thờ tổ tiên, thờ Tổ quốc, thờ Bác Hồ, tưởng nhớ về quê hương. Lúc đầu chỉ thờ ảnh Bác Hồ, không treo cờ vì sợ bị bắt bớ. Nhưng sau thì chúng tôi treo cả cờ. Chính phủ mới nắm chính quyền được mấy tháng thì bắt đầu khủng bố, bắt Việt kiều phải di tản đi ba tỉnh miền núi, bắt dỡ bỏ bàn thờ. Việt kiều ta đấu tranh kịch liệt, đòi được thờ cúng tổ tiên theo phong tục người Việt Nam… Về sau, chính quyền phải nhượng bộ nhưng lại cấm treo cờ Tổ quốc. Vì vậy kiều bào ta đã phải treo cờ bên trong và để ảnh Bác Hồ bên ngoài để che mắt chính quyền… ”.

Thật cảm động khi được ngắm nhìn chiếc bàn thờ đơn sơ nhưng rất thiêng liêng, gồm hai lọ hoa bằng nhựa, một bình hương bằng gốm sứ tráng men có trang trí “Lưỡng long chầu nguyệt”, một bát đồng bạch có đế, một đĩa đồng bạch có đế, một lá quốc kỳ bằng vải đỏ có ngôi sao vàng ở giữa nay đã bạc màu, hai cành hoa nhiều màu bằng giấy. Bàn thờ còn có các khẩu hiệu: “Tổ quốc trên hết”, “Việt Thái thân thiện muôn năm”, “Việt kiều đoàn kết muôn năm”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Đồng bào ta tuy xa quê hương nhưng vẫn nhớ về đất tổ, nhớ đồng bào, nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh với bao niềm hy vọng lớn! Do đó, khi được trở về Tổ quốc họ cũng vẫn không quên mang theo chiếc bàn thờ nhỏ, kỷ vật thiêng liêng.

Bàn thờ bằng gỗ không lớn lắm, có kích thước (63 x 48 x 83,5) cm. Hiện chiếc bàn thờ đã cũ, sơn bị bong tróc đôi chỗ, hai lọ hoa giấy cũng đã ngả màu bởi thời gian. Nhưng nó vẫn là hiện vật quý chứng minh cho lòng yêu nước nồng nàn của Việt kiều ta ở Thái Lan. Tuy ở xa Tổ quốc, thiếu tin tức ở quê nhà, lại bị bọn phản động dùng đủ mọi mưu mô chia rẽ, nhưng họ vẫn vững lòng tin tưởng ở Chính phủ, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn luôn làm trọn nghĩa vụ với Tổ quốc.

Thờ Tổ quốc, thờ Bác Hồ – việc làm mang tính tâm linh này của các gia đình Việt kiều tại Thái Lan cho thấy, dù ở đâu, làm gì, tấm lòng người con đất Việt luôn hướng về Đất Mẹ với tình yêu tha thiết và niềm nhớ thương khôn nguôi. Bởi vậy, sau khi đất nước giành được độc lập, tự do và xây dựng trong hòa bình còn bao khó khăn gian khổ, kiều bào ta ở Thái Lan vẫn mong muốn trở về để được góp sức xây dựng quê hương, đất nước, thực hiện lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Lê Minh Độ

bqllang.gov.vn

Advertisement