Tư tưởng Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh học với tư cách những môn khoa học

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, trong các văn kiện Nghị quyết của Đảng, Đảng ta đã khăng định: cùng với chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam, nền tảng tư tưởng của sự nghiệp đổi mới, là ý thức hệ chủ đạo của đời sống tinh thần xã hội. 

Nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành một yêu cầu bức xúc, có tính thời sự hiện nay. Đó còn là yêu cầu cơ bản, lâu dài, có tầm quan trọng chiến lược đối với việc xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền trong sạch vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN để thực thi quyền lực nhân dân, làm cho nhân dân trở thành người chủ đích thực của xã hội, củng cố sự bền vững của chế độ bởi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bởi sự gắn bó máu thịt giữa dân với Đảng, với Nhà nước của mình.

Yêu cầu khách quan đó của sự nghiệp đổi mới để phát triển xã hội và phát triển dân tộc, chấn hưng kinh tế và văn hóa đã đặt ra những nhiệm vụ to lớn đối với công tác tư tưởng, nghiên cứu lý luận và khoa học xã hội – nhân văn ở nước ta. Đổi mới cũng tạo ra cơ hội và môi trường thuận lợi cho sự phát triển lý luận và KHXH-NV ở nước ta, nhất là từ Đại hội VII (1991) tới nay.

Trong khung cảnh xã hội đó, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành một trọng điểm của hoạt động nghiên cứu lý luận, của KHXH-NV ở nước ta. Lần đầu tiên, một chương trình nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh ở tầm quốc gia đã được xác lập trong hệ thống các chương trình nghiên cứu KHXH-NV. Đó là một trong mười chương trình nghiên cứu KH-CN cấp Nhà nước, mang mã số KX.02 được triển khai trong 5 năm (1991- 1995) do Giáo sư Đặng Xuân Kỳ làm Chủ nhiệm.

Chương trình nghiên cứu này, sau 5 năm thực hiện đã thu được nhiều thành tựu, tuy mới là bước khai phá mở đầu nhưng rất quan trọng, góp phần tích cực vào cuộc vận động tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong Đảng và trong xã hội. Mặt khác, từ những kết quả nghiên cứu này mà tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là một môn khoa học đã ra đời ở nước ta, đã chính thức được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường ở bậc Đại học và Cao đẳng. Các giai đoạn nghiên cứu tiếp theo về KHXH-NV (1996-2000 và 2001-2005) vẫn tiếp tục đặt vấn đề nghiên cứu di sản tư tưởng Hồ Chí Minh như một trọng điểm của công tác nghiên cứu lý luận và công tác giáo dục tư tưởng chính trị trong toàn Đảng, toàn dân. Nó thấm sâu vào tất cả các chương trình, các đề tài nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau, đóng vai trò là cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu KHXH-NV ở nước ta.

Một sự kiện quan trọng là, Hội đồng Trung ương chỉ đạo việc biên soạn các gíáo trình quốc gia về các môn khoa học Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã sớm được thành lập. Sau nhiều năm nghiên cứu và biên soạn, hệ thống giáo trình quốc gia về các môn khoa học nói trên đã hoàn thành, được phê duyệt và xuất bản, cung cấp những định hướng tư tưởng và học thuật để tiếp tục xây dựng. Các giáo trình, giáo khoa cho các nhà trường Đại học và Cao đẳng của cả nước, phù hợp với ngành nghề đào tạo lần đầu tiên, giáo trình quốc gia về tư tưởng Hồ Chí Minh đã đuợc công bố, chính thức định hình môn khoa học non trẻ nhưng đầy triển vọng này. Về lâu dài, cần xây dựng đầy đủ các điều kiện để đào tạo cơ bản, dài hạn và chuyên sâu, hình thành một đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp có trình độ hhoa học và sư phạm cao về tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chúng ta chẳng những đã định hình môn khoa học tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn xây dựng ngành khoa học nghiên cứu Hồ Chí Minh mang tên Hồ Chí Minh học. Cùng với chính trị học và các khoa học chính trị đã có, trong bức tranh KHXH-NV của nước ta, từ nay đã có thêm Hồ Chí Minh học. Ngành khoa học này ra đời sẽ làm cho ”Đất nước học”, ”Dân tộc học”, ”Việt Nam học” của nước ta trở nên sống động, phong phú, sâu sắc, mới mẻ và hiện đại hơn nhiều. Bởi vì, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với đạo đức, nhân cách và lối sống của Người, cả cuộc đời và sự nghiệp của Người với tầm vóc của một nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà tổ chức thiên tài, danh nhân văn hóa kiệt xuất thế giới… chung đúc lại là sự kết tinh và thăng hoa từ những gì ưu tú, tốt đẹp nhất của đất nước, dân tộc, con người Việt Nam, của trí tuệ và tâm hồn Việt Nam, của truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam. Có thể rút ra một số nhận xét về mối quan hệ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với Hồ Chí Minh học làm cơ sở cho việc phân tích lý luận và thực tiễn về phương pháp giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh trong các nhà trường ở nước ta hiện nay.

Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh là nội dung lý luận của Hồ Chí Minh học với tư cách là một khoa học. Nếu Hồ Chí Minh học là khoa học nghiên cứu về Hồ Chí Minh thì nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận cấu thành của khoa học này. Đây là bộ phận cốt lõi, chủ yếu nhất. Khoa học nghiên cứu các vĩ nhân, danh nhân chú trọng trước hết và chủ yếu tới nghiên cứu tư tưởng, học thuyết của họ.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nghiên cứu Hồ Chí Minh trên phương diện lý luận, hoạt động lý luận, thế giới quan và hệ tư tưởng của Người. Bao quát một phạm vi rộng hơn, đa diện hơn, không chỉ là tư tưởng mà còn là cuộc đời – sự nghiệp, hoạt động thực tiễn, đấu tranh chính trị, hoạt động xã hội, sáng tạo văn hóa… Đó chính là hệ vấn đề mà Hồ Chí Minh học nghiên cứu. Là khoa học nghiên cứu vĩ nhân, Hồ Chí Minh học còn phải nghiên cứu tiểu sử, xây dựng hệ thống Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh. Vậy là nghiên cứu Hồ Chí Minh có phạm vi bao quát rộng hơn nhiều so với nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhìn theo quan điểm hệ thống và chỉnh thể thì có thể thấy hai lĩnh vực nghiên cứu này có quan hệ mật thiết, không tách rời nhau, dù mỗi lĩnh vực nghiên cứu đều có tính độc lập tương đối, có đối tượng và phương pháp nghiên cứu riêng, có đặc trưng và đặc thù riêng. Chỉ có nghiên cứu thấu đáo tư tưởng Hồ Chí Minh thì khoa học về Hồ Chí Minh mới thực sự sâu sắc, mới thực sự là một khoa học. Nhưng tính đúng đắn, chân thực và sự sâu sắc của nghiên cứu tư tưởng, lý luận chỉ có thể đạt được nếu đặt tư tưởng trong toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của Người. Hơn nữa cuộc đời, sự nghiệp ấy lại không tách rời khỏi lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và lịch sử Đảng, không thoát ly khỏi hoàn cảnh xã hội và thời đại, thế giới và quốc tế – như những nhân tố tác động tới sự hình thành tư tưởng của Người, ảnh hưởng tới cuộc đời tranh đấu hơn 6 thập kỷ và sự nghiệp của Người – sự nghiệp của một nhà chính trị chuyên nghiệp.

Những mối quan hệ này lại có thể hình dung là quan hệ giữa hoạt động lý luận với hoạt động thực tiễn chính trị của Hồ Chí Minh, là sự phát triển lôgíc của Hồ Chí Minh từ nhận thức tới hành động, từ lý luận tới thực tiễn và thực hành đấu tranh cách mạng. Tư tưởng phản ánh thực tiễn và thực tiễn được kết tinh, được khái quát thành tư tưởng trong hình thức lý luận.

Thứ hai, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như nghiên cứu tư tưởng của bất cứ một vĩ nhân, một nhà tư tưởng nào, nhất là khi nhân vật lịch sử ấy đã qua đời, nghĩa là đã kết thúc những hoạt động, đã lùi vào quá khứ và để lại di sản thì lẽ đương nhiên phải chú trọng nghiên cứu tác phẩm mà họ để lại. Do đó, một trong những phương pháp đặc trưng của nghiên cứu tư tưởng và lịch sử tư tưởng là phương pháp phân tích văn bản theo trật tự thời gian để qua lịch sử mà tái tạo lại lôgíc tư tưởng của vĩ nhân. Tuy nhiên đây không phải là phương pháp duy nhất, đây chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ và không đủ. Tác phẩm không tồn tại biệt lập bên ngoài cuộc đời và sự nghiệp của tác giả. Tác phẩm cũng không tự nó hình thành mà nó là sự phản ánh, một sự vang vọng bởi những biến cố, thăng trầm của thời đại lịch sử. Tác phẩm cũng không tự biến mình thành cứu cánh, thành mục đích tự thân, không phải là toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của vĩ nhân, nó có thể chỉ là chỗ lấp lánh, là một phần tiêu biểu, máu thịt của tâm hồn và tư tưởng của họ.
Vậy là, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ được tìm thấy trong trước tác, văn phẩm của Người mà còn phải được nhận chân trong hoạt động thực tiễn phong phú của Người, hơn 6 thập kỷ tranh đấu, hy sinh, từ lúc Người quyết định ra đi, bôn ba góc bể chân trời tìm đường cứu nước cho đến giây phút cuối cùng, khi trái tim ngừng đập và khối óc ngừng suy nghĩ, đi vào cõi vĩnh hằng và để lại muôn vàn tình thương yêu dành cho con người và nhân loại (1911-1969).

Thứ ba, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là hệ thống quan điểm lý luận, hệ thống các luận điểm khoa học (bao gồm cả những dự báo, những tiên đoán khoa học) về cách mạng Việt Nam, về quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, về chiến lược và sách lược cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc, giành chính quyền vào tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động, tiến dần từng bước tới CNXH, xây dựng chế độ XHCN về mọi mặt, về biện pháp, cách làm, bước đi trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam… mà hệ thống tư tưởng đó đồng thời còn là hệ thống phương pháp, phương pháp cách mạng, phương pháp tư duy, phương pháp ứng xử, giao tiếp, đối thoại với con người. Tư tưởng và phương pháp ấy quyện chặt vào nhau, thể hiện thành phong cách của Người. Như đã nói, đó không chỉ là trí tuệ và tư tưởng mà còn là đạo đức và nhân cách, là lối sống và văn hóa Hồ Chí Minh.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi luận điểm, mỗi nguyên lý tư tưởng không chỉ có giá trị và ý nghĩa nhận thức mà còn là những chỉ dẫn về phương pháp hành động. Đó vừa là thế giới quan vừa là nhân sinh quan, 1à phương pháp luận đồng thời là ý thức hệ. Thống nhất giữa lý luận với phương pháp, thống nhất giữa tư tưởng với phương pháp và phong cách, giữa lý luận và thực tiễn, đem lý luận ứng dụng vào thực tiễn, từ thực tiễn tổng kết và khái quát hóa thành lý luận. Đó 1à một đặc điểm nổi bật của tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đặc điểm ấy ta thấy rõ tư duy biện chứng và năng lực thực hành phép biện chứng vào đời sống xã hội và hoạt động thực tiễn của Người.

Ở Hồ Chí Minh, thực tiễn hóa lý luận gắn liền với lý luận hóa thực tiễn một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên, thành thục, không một chút nào gò ép. Người hiểu lý luận một cách thấu đáo nên làm chủ được lý luận. Người nắm bắt chính xác bản chất của thực tiễn, xu hướng vận động của nó, nên những dự báo của Người như là hệ quả hợp lôgíc của sự phân tích khoa học về thực tiễn, nhờ đó mà đúng đắn, phù hợp, được thực tiễn chứng thực. Người xa lạ với mọi biểu hiện giáo điều, chủ quan và tư biện. Người cũng vượt ra khỏi tính hình thức, khuôn sáo và cứng nhắc, tính thực dụng, thiển cận của chủ nghĩa kinh nghiệm thông tục Nhờ đó, thực tiễn Hồ Chí Minh là thực tiễn được khoa học hóa, được lý luận soi sáng dẫn dắt, nó xa lạ với lý luận suông và thực tiễn mù quáng. Hồ Chí Minh nhìn thấy giá trị bản chất ấy ở trong sự thống nhất lý luận với thực tiễn. Bởi vậy, Người căn đặn những người cách mạng: Học chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là thuộc lòng câu chữ mà điều cốt yếu là nắm lấy tinh thần và phương pháp của nó, để ứng xử với công việc và con người.

Thứ tư, tư tưởng Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh học là đối tượng của nghiên cứu khoa học vừa chuyên ngành vừa liên ngành và đa ngành, đồng thời là nội dung lý luận được truyền thụ cho mọi loại hình đối tượng đào tạo.

Giảng dạy và nghiên cứu khoa học về tư tưởng Hồ Chí Minh là hai lĩnh vực khác nhau, chúng tồn tại riêng, thống nhất chứ không đồng nhất, thống nhất trong khác biệt, thống nhất trong đa dạng.

Dù có những khác biệt nhưng giảng dạy và nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn đều có chung mục đích, mục tiêu khi tác động tới đối tượng, khi truyền ảnh hưởng, tác dụng của tư tưởng Hồ Chí Minh vào đời sống cá nhân và xã hội. Đối với bậc Cao đẳng, Đại học trở lên, giảng dạy và nghiên cứu khoa học gắn liền nhau, giảng đạy chỉ thực sự có kết quả khi việc giảng dạy đó đặt trên nền tảng của nghiên cứu khoa học và người giảng dạy không chỉ là chủ thể giáo dục sư phạm mà còn là chủ thể nghiên cứu sáng tạo, nhà sư phạm đồng thời phải là nhà khoa học, phải thực sự nghiên cứu khoa học để giảng dạy thực sự có tầm tư tưởng và khoa học, có những tìm tòi sáng tạo, những phát hiện mới mẻ về khoa học.

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo
Tạp chí Tư tưởng – Văn hoá số 1, năm 2005

cpv.org.vn

Advertisement