Sự lựa chọn của thầy giáo Nguyễn Tất Thành

Mùa thu năm 1910, thầy giáo Nguyễn Tất Thành quyết định thôi nghề dạy học ở Phan Thiết, để đến Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc hành trình đi tìm con đường cứu nước. Và ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành, mang tên mới là anh Ba, rời bến cảng Nhà Rồng, làm việc cho chiếc tàu buôn La-tút-sơ Tơ-rê-vin của Pháp.

Trong cuốn sách “Những mẩu chuyển về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Trần Dân Tiên đã kể về chuyện thầy giáo Thành (anh Ba) với người bạn. Khi thầy giáo Thành muốn rủ anh cùng đi tìm đường cứu nước, anh ngạc nhiên hỏi: “Tiền đâu?”, Thành đã giơ đôi bàn tay ra và trả lời: “Đây! Tiền đây! Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi…”. Anh bạn không thể tin nổi một người thanh niên mảnh khảnh, dám ra đi làm một việc tày trời như thế, lại chỉ bằng hai bàn tay trắng! Trong khi đó, đã có rất nhiều nhà yêu nước vừa có thế, vừa có lực, loay hoay tìm đường cứu nước, cứu dân trong vô vọng. Không chỉ có một mình anh bạn kể trên, mà còn rất nhiều người khác đã rất ngạc nhiên khi biết thầy giáo Thành đang dạy học rất an nhàn ở trường Dục Thanh do các nhà yêu nước có tên tuổi lập ra; và đặc biệt, thầy giáo Thành là “cậu ấm yêu” của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, hà cớ gì phải đi làm thuê kiếm sống trên con tàu của Pháp? Kỹ sư Bùi Quang Chiêu, một tri thức có địa vị cao ở Sài Gòn, thật bất ngờ khi gặp thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành trên con tàu ấy, ông đã nói với Thành: “Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi. Con nên chọn một nghề khác danh giá hơn…”. Anh Ba lễ phép cảm ơn ông Chiêu, nhưng không nói đồng ý hay không”.

Nhà nghiên cứu Đào Phan nhận định: “Dĩ nhiên, chỉ cần anh Ba tỏ vẻ đồng ý là ông Chiêu, một kỹ sư vào làng Tây đầy thế lực hồi đó, có thể giới thiệu ngay cho anh một nghề bàn giấy ở nước Pháp… Bùi Quang Chiêu không thể hiểu nổi cái phép xử thế ấy của Nguyễn Tất Thành đối với thời đại, khi nhà yêu nước trẻ tuổi vẫn cứ tiếp tục làm cái nghề khó nhọc của các thuỷ thủ đại dương trong nhiều năm nữa…”. “Trên con đường đời rộng lớn từ thời trẻ đến buổi già, đã có bao lần Bác phải lựa chọn hết sức gay go trong thái độ xử trí đối với nhiều tình huống thời đại. Nhưng chắc hẳn cái lựa chọn có ý nghĩa cột mốc quyết định trước tiên đối với sự nghiệp cách mạng và nhân cách của Bác, là khi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm dứt bỏ cương vị trí thức để ra đi trên vị trí công nhân nhằm tìm đường cứu nước”.

Khi nghiên cứu về “Hai mươi điểm vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nhà nghiên cứu Lê Quốc Sử đã khẳng định: “Nguyễn Tất Thành đã bỏ danh vọng của người thầy giáo, một trí thức, để trở thành người lao động và đã ra đi tìm đường cứu nước bằng con đường công nhân, của người phụ bếp, của người thuỷ thủ. Chính con đường “vô sản hoá” của Bác đã đi, trở thành một nguyên lý tuyệt vời để rèn đúc nên những chiến sĩ Cộng sản chân chính của Cách mạng Việt Nam, mà các lớp học trò về sau của Bác đều đã đi theo…”.

Tìm hiểu về con đường mà thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn cách nay gần thế kỷ, chắc hẳn chúng ta đều đồng tình với kết luận của nhà nghiên cứu Đào Phan: “Nếu không có sự lựa chọn từ Phan Thiết của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành để hoá thân vào giai cấp công nhân, thì làm sao có sự lựa chọn từ Pa-ri của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc để đi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin… Nếu không có sự quyết định từ Phan Thiết của thầy giáo Nguyễn Tất Thành, thì bạn thử nghĩ xem, làm sao có những quyết định từ Quảng Châu, Hương Cảng, Tân Trào, Hà Nội… của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với tiền đồ của Tổ quốc? Trong cách xử trí đối với thời đại qua một sự lựa chọn rất độc đáo từ bấy giờ, thiên tài của thầy giáo trẻ tuổi ở trường Dục Thanh quả đã báo trước sự lỗi lạc của vị Chủ tịch nước Việt Nam”.

Ban Biên tập

bqllang.gov.vn

Advertisement