“Ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm”

Quân dân miền Trung vừa phải gồng mình đối chọi với một đợt lũ chồng lũ lịch sử mà gần nửa thế kỷ qua mới có. Trong lúc việc khắc phục hậu quả lũ chưa xong thì cơn bão số 7 lại đang trên đường tiến vào đất liền. Thiên tai đã và đang đe doạ đến cuộc sống của rất nhiều người dân đất Việt.

Nhớ lại sáu mươi năm trước, trong thư gửi đồng bào trung du và hạ lưu chống lụt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Người ta thường nói “thuỷ, hoả, đạo, tặc”. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm”.

Thực hiện lời dạy của Bác, trong suốt sáu chục năm qua, cùng với nhiệm vụ xây dựng, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, cả nước đã dồn sức, dốc lực trong công cuộc phòng chống thiên tai. Cũng như trên mặt trận chống giặc ngoại xâm, trên mặt trận phòng, chống lụt bão, vai trò của quân đội đã luôn ở vị trí xung kích. Đặc biệt, trong đợt lũ lịch sử vừa qua, các đơn vị quân đội đã là lực lượng chủ công trong việc sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn. Nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi… sẽ khó phai mờ hình ảnh các anh Bộ đội Cụ Hồ thức suốt đêm để bảo vệ an toàn đê biển, lội nước đến tận bụng để cõng người già, trẻ em ra khỏi vùng nguy hiểm, thả hàng cứu trợ bằng máy bay trực thăng…

Tuy nhiên, qua đợt cao điểm phòng, chống thiên tai vừa qua, cũng phải thẳng thắn đánh giá, ở một vài địa phương đã không thực hiện tốt lời Bác dạy, chưa coi việc ” ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm”, tổ chức hiệp đồng chưa tốt, để xảy ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Thậm chí có nơi bị động khi nước lũ lên nhanh, các phương tiện thông tin liên lạc khi bão, lũ ập về không phát huy được tác dụng. Công tác sơ tán dân đã không thực hiện kiên quyết, dẫn đến những tai nạn đáng tiếc cho dân. Việc khắc phục hậu quả chưa kịp thời, dẫn đến những tổn thất do bão lũ gây ra rất lớn.

Để chống được giặc ngoại xâm, từ hàng nghìn năm nay, chúng ta đã có rất nhiều bài học xương máu từ công tác tổ chức, chỉ huy, xây dựng chiến thuật, thế trận…Để phòng, tránh và ngăn chặn thiên tai, chúng ta cũng đã từng có những kinh nghiệm rất quý từ việc đắp đê chống lụt đến chuyện xây nhà chống bão. Thế nhưng, cũng giống như chống giặc ngoại xâm để “ngăn giặc lụt”, đòi hỏi người dân vùng lụt phải tổ chức chặt chẽ, có thế trận hiệp đồng, có chỉ huy, sự phối hợp giữa các lực lượng…

Việt Nam nằm trong vùng có nhiều thiên tai của thế giới, trong đó nhiều nhất là bão, lũ. Dù khoa học kỹ thuật đã phát triển đến mức rất cao, nhưng cho đến thời điểm này, chúng ta chưa có khả năng điều chỉnh hướng đi của bão theo ý muốn, chưa có khả năng khống chế thời tiết mưa, nắng trên diện rộng. Vì vậy việc tránh thiên tai là rất khó. Thế nhưng, chúng ta hoàn toàn có khả năng giảm thiểu tác hại của thiên tai thông qua các giải pháp thích hợp như sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, không cho tàu thuyền hoạt động ở những vùng có gió bão, neo chắc nhà cửa, tổ chức tốt việc cứu nạn… “Ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm”, lời dạy của Bác Hồ từ sáu chục năm trước, cho đến thời điểm này vẫn còn nguyên tính thời sự.

Lê Văn Thuỳ

bqllang.gov.vn

Advertisement