(ĐCSVN)-“Tôi chỉ nghĩ sao còn có sức khỏe tốt để làm được nhiều việc Đảng và nhân dân giao cho. Tôi cũng rất tin tưởng và mong muốn lớp đảng viên trẻ hôm nay sẽ học tập thấm nhuần tư tưởng đạo đức của Bác Hồ, luôn phát huy được vai trò gương mẫu của người Đảng viên”.
Tôi gặp ông tại hội nghị khen thưởng của thành phố về tấm gương người tốt việc tốt. Tôi cứ có ấn tượng mãi về ông, nhìn bề ngoài trông ông giống như một “Bác chủ nhiệm hợp tác xã thời bao cấp”, dáng vẻ hiền lành, nụ cười đôn hậu chất phác. Ông Nguyễn Văn Nịnh ở số 10/11B ngõ Thanh Miến, Phường Văn Miếu, Quận Đống Đa, Hà Nội – hiện ông là Bí thư chi bộ cụm dân cư số 2 thuộc phường Văn Miếu. Ông sinh năm 1932, năm nay đã bước sang tuổi 75 và có hơn 57 năm tuổi Đảng, sinh ra và lớn lên tại quê lụa Hà Đông, xuất thân từ một gia đình bần nông.Năm 1949 sớm được giác ngộ cách mạng, người thanh niên 16 tuổi Nguyễn Văn Nịnh đã tham gia du kích tập trung của xã chiến đấu chống càn quét của thực dân Pháp. Năm 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông gia nhập bộ đội chủ lực F320 tham gia chiến dịch Trung du – Hà Nam Ninh. Năm 1952 bị giặc Pháp bắt giam tại nhà tù Nhà Tiền Hà Nội (Nay là nhà in Tiến Bộ), sau bị chuyển vào nhà giam Hạnh Thông Tây, Sài Gòn. Mặc dù bị địch tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ vững ý chí chiến đầu kiên cường của người chiến sỹ cách mạng. Hòa bình lập lại, ông được trao đổi tù bình về E55 thuộc Bộ tổng tư lệnh, sau đó ông chuyển về ngành giao thông vận tải. Trải qua các thời kỳ được học tập đào tạo chính trị, chuyên môn nghiệp vụ từ công nhân sửa chữa động cơ ô tô trở thành cán bộ chính quyền, công đoàn cơ sở của ngành vận tải ô tô. Dù ở bất cứ vị trí nào, ông luôn phát huy phẩm chất người lính bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Về hưu trở về đời thường, bầu nhiệt huyết cách mạng và mong muốn được cống hiến vẫn tiếp tục thôi thúc người Đảng viên lão thành không quản tuổi cao, sức khỏe ông đã tham gia nhiều hoạt động ở địa phương như: Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh, thành viên ban công tác Mặt trận, Bí thư chi bộ cụm dân cư. Với bản tính nhiệt tình và đầy trách nhiệm ông lại tối ngày lăn lộn với phong trào, luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước. Trong cuộc sống gia đình ông thực sự là một tấm gương sáng cho các con cháu noi theo. Hàng ngày, ông đảm đương việc nội trợ, từ mua bán thực phẩm đến nấu nướng giặt giũ và thuốc men chăm sóc người vợ bị ốm suốt 14 năm kéo dài của bệnh tiểu đường cao huyết áp. Năm 2001 vợ ông bị tai biến tê liệt nửa người, lúc đầu nằm bất động ông đã học và thực hiện phương pháp chữa bệnh cho vợ cùng chế độ ăn uống hợp lý, thuốc men uống đều theo sự chỉ dẫn của bác sỹ, ông đã tự tiêm cho bà một ngày 4 lần. Ông thường xuyên đưa bà ra vườn hoa bằng xe lăn để rèn luyện sức khỏe mong kéo dài tuổi thọ cho bà. Ông còn nuôi một cháu ngoại từ nhỏ sau khi mẹ cháu qua đời, đến nay cháu ngoại của ông đã lập gia đình và có công ăn việc làm ổn định.
Ông tâm sự “ Tôi tuổi đã cao, sức khỏe giảm đôi lúc thay đổi thời tiết, bệnh phổi và bệnh tim do di chứng của thời kỳ bị giặc tra tấn tù đày lại làm cho tôi có những cơn đau tức ngực khó thở, có lúc tôi nghĩ sở dĩ tôi vượt qua được những khó khăn vất vả chồng chất trong cuộc sống hàng ngày về gia đình lại đảm nhiệm được bí thư chi bộ là người đứng đầu lãnh đạo khu dân cư với biết bao diễn biến hàng ngày xảy ra. Tôi chỉ tự nhủ mình phải toàn tâm toàn trí không tiếc sức mình óc nghĩ chân bước tay làm cùng với tập thể cấp ủy, cán bộ cơ sở củng cố kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, cùng nhau hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao”.
Trước khi chia tay, tôi mới nói mục đích của buổi gặp gỡ. Ông cười khiêm tốn nói : “Tôi chỉ nghĩ sao còn có sức khỏe tốt để làm được nhiều việc Đảng và nhân dân giao cho và bù đắp lại một phần cho vợ tôi lúc tuổi xuân ở nhà chăm sóc mẹ già em nhỏ đảm đương công việc gia đình để tôi yên tâm đi kháng chiến”./.
Lê Châu