Cuối năm 1950, chúng tôi gồm 20 cán bộ quân đội và tỉnh uỷ viên các tỉnh Biên Hoà, Bà Rịa, Sa Đéc… thuộc Khu 7, Khu 8 được cử ra Bắc học tập. Đoàn do đồng chí Nguyễn Oắng (Năm Oắng), Tỉnh uỷ viên Gia Định làm trưởng đoàn.
Điểm tập trung xuất phát cuộc hành quân bộ dài ngày vượt núi rừng Trường Sơn của chúng tôi là xã An Nhơn Tây, nơi có cơ quan tuyên huấn thuộc Khu uỷ Khu 7 lúc đó. Đồng bào địa phương rất mừng khi được biết đây là một trong những đoàn cán bộ đầu tiên, con em của Nam Bộ được ra Bắc học tập và có một mong muốn là khi chúng tôi đến nơi phải xin được gặp Bác Hồ để về kể lại cho đồng bào nghe. Đó cũng là mong ước của chúng tôi. Vì vậy, khi vừa đặt chân đến trạm khách Trung ương ở Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi đã tha thiết đề đạt với trạm nguyện vọng ấy.
Sau đó không lâu, vào một sáng tháng 5 năm 1951, tại trạm khách, trong lúc mọi người đang đọc sách, trò chuyện, đi dạo dưới bóng cọ xanh mát, thì bỗng có ai đó reo to: “Bác, Bác Hồ đến!”. Chúng tôi chạy ùa ra đón Bác. Lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy Bác. Bác rất bình dị, đầu đội chiếc mũ lá, quần nâu vén cao trên đầu gối, mình khoác chiếc áo véc tông màu xanh lá cây đã cũ, chân đi dép cao su, tay chống chiếc gậy nhỏ.
Mọi người quấn quýt theo chân Bác bước vào lán gần nhất. Trong lán chỉ có hai chiếc sạp, thấy chúng tôi đông quá không đủ chỗ ngồi, Bác chủ động trở về sân. Chúng tôi ngồi vây quanh Bác. Hôm ấy, tại trạm khách Trung ương, ngoài đoàn chúng tôi vừa ở Nam Bộ ra còn có đoàn cán bộ Việt kiều cứu nước ở Thái Lan, đoàn cán bộ đi học ở Bắc Kinh cũng mới về. Thấy chúng tôi đã ổn định chỗ ngồi, Bác lấy trong túi ra chiếc đồng hồ quả quýt, bật nắp xem giờ và nói:
– Hôm nay Bác bận phải đi họp Trung ương nên chỉ ghé thăm các cháu chốc lát thôi. Bây giờ các cháu muốn hỏi chuyện gì nào?
Sau lời giải đáp câu hỏi của một số cán bộ Việt kiều ở Thái Lan về tình hình thế giới và trong nước, nhìn thấy hai cháu gái của Bác Tôn vừa học ở Bắc Kinh về. Bác ân cần hỏi:
– Đi đường leo núi, các cháu có mỏi chân lắm không?
Rồi Bác chỉ cách chữa mỏi chân bằng cách ngâm chân vào nước tiểu hoặc nước nóng theo kinh nghiệm dân gian.
Bác dặn thêm:
– Các cháu được bạn giúp ăn học, nay về nước phải viết thư ngay để cảm ơn các đồng chí cán bộ nhà trường bên đó.
Chúng tôi lặng yên nghe Bác nói… Lúc Bác đứng dậy để đi họp ai cũng quyến luyến xin được chụp ảnh với Bác làm kỷ niệm. Bác trìu mến nhìn chúng tôi cười.
Sau lần đó, đoàn chúng tôi rời trạm khách, tập trung về học Trường Nguyễn Ái Quốc (khoá 3). Tiếp đó, theo phân công, một số đồng chí đi học quân sự, một số đi nghiên cứu tại ViệnMác-Lênin ở Bắc Kinh.
Thời gian trôi đi, đến cuối năm 1952, lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc đang bước vào giai đoạn quyết liệt, đoàn chúng tôi (được bổ sung thêm một số cán bộ Đại đoàn 304 và 320) được lệnh trở vào Nam Bộ chiến đấu. Lại một vinh dự lớn, bất ngờ đến với chúng tôi, đó là: được Bác cho vào gặp, ăn bữa cơm thân mật với Bác. Trong bữa cơm, Bác rất vui, nhắc nhở chúng tôi:
– Chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân ở Nam Bộ phải được phát động rộng khắp như lưới mạng nhện, làm cho kẻ địch đi đến đâu cũng phải mắc lưới, bị vây, bị đánh, làm cho chúng đông mà phân tán, mạnh trở thành yếu.
Bác ân cần dặn dò:
– Quân, dân, chính, Đảng phải đoàn kết như ba ông đầu rau. Làm cách mạng cũng ví như nấu một nồi cơm. Nồi cơm muốn đứng vững và nấu chín phải có đủ ba ông đầu rau, thiếu một ông thì nồi cơm đổ…
Lời Bác giản dị, dễ hiểu nhưng ý nghĩa thật sâu sắc.
Kể từ ngày chúng tôi được gặp Bác Hồ đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Hình ảnh giản dị, tư tưởng, tình cảm và những lời chỉ dạy của Người luôn in đậm trong tâm trí chúng tôi; là nguồn cổ vũ, động viên chúng tôi cùng đồng bào, chiến sĩ Nam bộ vượt qua mọi khó khăn thử thách đi đến ngày thắng lợi.
Đồng Kim Hải
(Ghi theo lời kể của Đại tá Đặng Vũ Bát, nguyên cán bộ Tổng cục Chính trị).