Đã vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng bà vẫn tích cực tham gia công tác phụ nữ ở phường Thanh Lương. Các con bà đều đã trưởng thành, công tác ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước… Tên bà đã từng được Nhà xuất bản Giáo dục đưa vào bài toán đố học sinh cấp I thời chống Mỹ: “Chị Nguyễn Thị Minh Liên mỗi công ca máy dệt được 28,5m vải…”.
“Năm 1958, tôi xung phong vào công trường xây dựng Nhà máy dệt 8-3, đến cuối năm 1964 các phân xưởng dệt, sợi, nhuộm đã được hình thành. Lớp công nhân đầu tiên vào phân xưởng dệt có bà Kiều Minh Châu, tôi, Nguyễn Kim Dung… Đúng ngày 8-3-1965, Nhà máy khánh thành và vinh dự được đón Bác về thăm. Từ phân xưởng dệt, tôi chạy như bay sang phân xưởng nhuộm. Anh chị em đứng quanh Bác đông nghịt. Tôi cố kiễng chân lên để nhìn Bác cho rõ và nghe Người nói chuyện.
Làm theo lời Người dạy, cả nhà máy bừng lên khí thế mới hăng say sản xuất “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt” và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Tôi đảm nhận từ 4 máy lên 8 máy rồi 12 máy trong suốt ca dệt và thường xuyên đạt 28-30m vải một công ca máy, dẫn đầu phân xưởng dệt phẳng. Ngoài giờ sản xuất, tôi tham gia đại đội tự vệ của nhà máy. Là phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng chúng tôi đều phải luyện tập thành thục để bắn trả máy bay Mỹ. Năm 1968, tôi được chọn đi hội thao các môn quân sự ở trường bắn dưới Từ Liêm do Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức và đạt 4 điểm 10 ở môn bắn súng, giành giải Nhất. Cũng sáng hôm ấy tôi được lãnh đạo nhà máy báo chuẩn bị lên gặp Bác. Tôi vô cùng hồi hộp và sung sướng. Chiếc xe con đưa tôi vào đến sân Phủ Chủ tịch rồi mà tôi vẫn thấy trống ngực đập thình thịch. Ngồi trong phòng khách, tôi hồi hộp chờ đợi giây phút được gặp Bác. Rồi Bác xuất hiện vẫn chiếc áo ka ki giản dị mà tôi nhìn thấy trên ảnh. Bác tươi cười ôm hôn tôi hỏi “Nữ du kích Hoàng Ngân đoạt giải Nhất ở hội thi hôm qua đây phải không ? Cháu giỏi lắm !”. Nói sao hết bao nỗi xúc động của tôi lúc đó. Người ân cần hỏi chuyện chồng tôi đi B năm nào ? ở chiến trường nào ? Mẹ già có khỏe không? Các con đi sơ tán có khỏe không ? Học giỏi không?”. Tôi trả lời từng câu hỏi của Bác mà lòng cảm động khôn xiết. Bác đưa tôi vải lụa mang về biếu mẹ già và vải áo cho hai con, tặng tôi huy hiệu của Người. Người ôm hôn tôi lần nữa và dặn dò tôi cố gắng nuôi con tốt, sản xuất và chiến đấu giỏi, xứng đáng là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu. Tôi nhận quà và nghe Bác dặn mà nước mắt bỗng trào dâng.
Sau lần gặp Bác, tôi vinh dự được đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đó là những kỷ niệm thiêng liêng không bao giờ phai mờ trong ký ức tôi, người thợ dệt, cán bộ công đoàn phân xưởng dệt Nhà máy Dệt 8-3. Nhớ lời Bác dạy, tôi đã vượt qua nỗi đau đớn khi chồng tôi hy sinh. Tôi đã nén chịu riêng mình để các con yên vui học hành. Một mình gánh vác hai bên nội ngoại, tôi như con thoi giữa nhà máy và hai quê, vừa bảo đảm chất lượng vải trong ngày tăng ca (từ 2h chiều đến 6h sáng hôm sau), vừa lo cho cha mẹ già và hai con ăn học. Những ngày gian nan ấy, tôi luôn như thấy lời Bác văng vẳng và hình ảnh Bác bên mình tiếp thêm cho tôi sức mạnh vượt qua khó khăn. Năm 1969, trong đoàn đại biểu của Nhà máy đi viếng Bác, trước linh cữu của Người tôi thầm hứa sẽ khắc ghi lời Người dặn dò. Trong cuộc thi thợ giỏi toàn miền Bắc lần thứ hai, tôi đã giành giải nhất. Năm 1976, tôi được chọn vào đoàn đại biểu của Hội LHPN VN đi thăm các nước bạn bè.
Những lời Người dặn luôn thôi thúc tôi phấn đấu, trong 10 năm liền (1967-1977) tôi liên tục giữ vững danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn ngành dệt. Tôi vẫn dặn dò con cháu phải liên tục học và làm theo tấm gương của Người vì tôi có được như ngày nay là nhờ những bài học mà tôi đã học được trong lần gặp Bác.
Nguyễn Phạm