Đó là suy nghĩ đầy kính phục về Bác Hồ kính yêu của tất cả các đại biểu dự Hội nghị phát động phong trào sản xuất đông xuân, tháng 8 năm 1958, tại tỉnh Nam Định.
Hội nghị được tổ chức tại xã Yên Tiến (huyện Ý Yên), có rất đông đại biểu các xã, huyện về dự. Đúng ngày họp, Bác Hồ về thăm. Bác mặc áo bà ba nâu, hồng hào, mạnh khỏe, tươi cười bước vào hội trường. Bác đi từ dưới lên, bắt tay nhiều đại biểu các xã, rồi mới bước lên bục nói chuyện. Bác rút từ túi áo một tờ giấy ghi số liệu và bắt đầu nói về tình hình sản xuất của tỉnh Nam Định, trong đó Người chỉ rõ sự sút kém trong thu hoạch vụ chiêm và tiến độ cấy vụ mùa chưa đạt kế hoạch. Bác cũng khen ngợi ba huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và một số bà con nông dân có nhiều cố gắng trong chăm bón lúa.
Sau khi phân tích những yếu kém trong sản xuất vụ chiêm, Bác dừng lại, nhìn xuống hội trường và nhấn mạnh: Chúng ta làm ruộng, muốn lúa tốt, thu hoạch nhiều, phải hiểu thế nào là “nhất thì, nhì thục”, thế nào là “một nước, hai phân, ba cần, bốn cải tiến kỹ thuật”. Phải có đủ mạ tốt và cấy đúng thời vụ; phải chăm sóc cây lúa từ lúc còn là cây mạ đến lúc thu hoạch, bón đủ phân và có đủ nước, thường xuyên chống sâu, chuột. Bác nói chân tình, hiểu người, hiểu việc, giống như lời khuyên của một lão nông tri điền, thật gần gũi và thiết thực. Bác còn nhắc nhở các cán bộ Tỉnh ủy phải đi sát nông thôn, trực tiếp giúp đỡ và lãnh đạo sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua trong toàn tỉnh.
Trước khi ra về, Bác vào thăm một số gia đình nông dân và thăm cánh đồng xã Yên Tiến. Bác ngồi xuống bờ một thửa ruộng, dùng gang tay mình đo khoảng cách giữa hai khóm lúa. Bác tỏ ra rất vui khi thấy lúa tốt và khen “cấy dày vừa phải!”…
Lần về thăm của Bác rất ngắn, nhưng đã cổ vũ, động viên cán bộ, nhân dân tỉnh Nam Định rất nhiều. Sau đấy, cả Tỉnh ủy phân công nhau xuống từng huyện, từng xã, dành thì giờ cùng bà con nông dân bàn chuyện làm phân xanh, đôn đốc việc cấy kịp thời vụ, chăm sóc lúa mùa và chuẩn bị vụ đông xuân. Một không khí thi đua lao động rộng khắp toàn tỉnh.
Lê Minh