Chuyện xảy ra vào đêm giao thừa tết Nguyên đán năm 1960, Bác đến thăm gia đình mẹ con chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội. Cũng giống như nhiều cuộc viếng thăm không theo chương trình.
Bác cùng vài đồng chí cảnh vệ, cải trang như những cán bộ bình thường, bất ngờ vào thăm nhà chị Tín. Gần đến giao thừa, chị Tín vẫn mải miết gánh nước thuê để sáng mùng một Tết có cơm cho 4 đứa con. Gặp Bác, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước. Nắm chặt bàn tay Bác, chị bộc bạch:
– Cháu… cháu không ngờ lại được Bác đến thăm… – Chỉ nói được vậy, chị đã òa khóc.
– Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai… – Vị Chủ tịch nước ân cần an ủi.
Vào nhà chị Tín (thực chất chỉ là cái lều bán mái), trên chiếc bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một nén hương. 4 đứa nhỏ, lớn nhất 10 tuổi đang ngồi trên giường chia nhau một gói kẹo. Chồng chị Tín là công nhân khuân vác ở bến Phà Đen đã mất cách đó 4 năm, bản thân chị không có việc làm ổn định, lại đông con nên cuộc sống vô cùng vất vả. Bác đã trò chuyện, thăm hỏi khá lâu 5 mẹ con chị Tín.
Đêm ấy, trên đường về, ngồi trên xe, Bác trầm ngâm suy nghĩ. Về đến nhà, các đồng chí trong Bộ Chính trị đang chờ Bác để chúc mừng năm mới. Ai nấy đều băn khoăn vì thấy Bác không vui. Bác kể lại hoàn cảnh chị Tín cho mọi người nghe. Cuối câu chuyện, Bác nói: “Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số cán bộ các địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta”.
(Theo “Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ” – NXB Thanh Niên, tháng 5-2006)