Vai trò và ý nghĩa lịch sử của tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2009), cũng là ngày kỷ niệm 40 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (3/2/1969-3/2/2009), việc phát động học tập nghiên cứu tác phẩm đó để rút ra những bài học cần thiết trong tình hình hiện nay là một hành động dũng cảm, có tính cách mạng. Khẳng định như vậy là trên cơ sở nhận thức đúng đắn về giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm, để từ đó đi thẳng vào vấn đề, vạch ra những phương sách và biện pháp thích hợp nhằm giải quyết những tồn tại, vướng mắc, cản trở trên con đường đi lên của cách mạng lúc này đây được đặt ra một cách cấp thiết.

Nói về tác phẩm: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, có một đặc tính chung với các tác phẩm khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là được viết rất ngắn gọn, súc tích. Chỉ với chưa đầy 700 từ (684 từ) Chủ tịch Hồ Chí Minh đi ngay vào vấn đề, nêu rõ mục đích cụ thể của việc viết tác phẩm. Ngay tên tác phẩm đã cho thấy căn bệnh trầm kha, gốc của mọi tệ hại, đó là “chủ nghĩa cá nhân” và khẳng định phương thuốc cơ bản, lợi hại nhất để diệt trừ căn bệnh là “nâng cao đạo đức cách mạng”.

Mở đầu bài viết là những dòng tổng kết ngắn gọn về truyền thống yêu nước cách mạng của nhân dân ta, mà tiêu biểu là đảng viên cán bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng. “Đảng ta lãnh đạo rất sáng suốt, để đưa dân tộc ta tiến lên không ngừng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác… Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác…”. “Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào vì có những người con xứng đáng như thế”. Chuyển sang phần 2, bài viết đã đi vào nhận định, đánh giá tình hình, nêu rõ bên cạnh mặt tốt còn một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém vì mang nặng “chủ nghĩa cá nhân”, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “ mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình… Tóm lại do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”. Cuối cùng khẳng định phía Đảng phải làm những gì, mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định tư tưởng và hành động ra sao để nâng cao đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ cách mạng, góp sức nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước toàn thắng và xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công.

Để nhận thức đầy đủ giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” điểm đầu tiên cần làm rõ là tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết tác phẩm và cho công bố tác phẩm này vào năm 1969. Đối chiếu với lịch sử nước ta, năm 1969 mở đầu cho một thời kỳ đấu tranh đầy gay go, gian khổ, đòi hỏi một tinh thần đấu tranh quyết liệt đầy hy sinh gian khổ – một sự hy sinh cao cả, không bờ bến. Trong cuộc đấu tranh “cuối cùng” này mọi tư tưởng riêng tư, quyền lợi ích kỷ của cá nhân đều phải lùi bước.

Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy năm 1968, mở đầu bằng cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân, một đòn bất ngờ góp phần quyết định chiều hướng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, làm chấn động dư luận nước Mỹ và thế giới. Tổng thống Mỹ là Nichxơn đã đưa ra chiến lược quân sự “Ngăn đe thực tế”, một chiến lược toàn cầu mới nhằm khôi phục lại sức mạnh của Mỹ, cố giữ vai trò “sen đầm quốc tế”, vai trò lãnh đạo “thế giới tự do”. “Học thuyết Nicxơn” được thực hiện thí điểm ở Việt Nam, đó là chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” với âm mưu cơ bản là dùng người Việt đánh người Việt với bom đạn, đô la Mỹ, do người Mỹ chỉ huy và vì lợi ích của Mỹ. Với chiến lược “Việt Nam hoá”, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam với mục đích tránh những tồn thất lớn hơn đối với quân viễn chinh Mỹ, nhưng vẫn cố tình bám giữ miền Nam Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, với âm mưu độc ác của đế quốc Mỹ như vậy, tất nhiên cuộc chiến đấu của dân tộc ta cho Độc lập, thống nhất càng trở nên quyết liệt, gian khổ hơn. Ngay từ trong những năm đầu (1960-1970) của “Việt Nam hoá chiến tranh”, Mỹ đã gây cho ta không ít khó khăn: cơ sở của ta ở nông thôn bị tổn thất, căn cứ cách mạng bị phá hoại, phong trào quần chúng bị giảm sút. Để vượt qua nhưng khó khăn to lớn do đế quốc Mỹ và tay sai gây ra, quân dân ta trên cả hai miền Nam – Bắc nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 15 năm ký Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương (21-7-1954), đã (và phải) nêu cao hơn nữa chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh, gian khổ, quyết kiên trì đẩy mạnh cuộc kháng chiến, quyết chiến quyết thắng, đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân và ngụy quyền phải sụp đổ hết, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà.

Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, miền Nam tiếp tục giành thêm nhiều thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống “Việt Nam hoá chiến tranh” trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao và đã thu được những thắng lợi to lớn, đáng phấn khởi, tự hào. Ngay năm 1969 đã được mở đầu bằng những cuộc phản công chiến lược của quân dân ta, liên tiếp đánh bại 3 cuộc hành quân lớn của Mỹ – ngụy. Bước sang năm 1970 đến năm 1971, quân dân ta trên đà thắng lợi đã phối hợp với quân đội giải phóng Lào và Cămpuchia đánh bại cuộc hành quân của 10 vạn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn.

Bài học lịch sử cao quý đó vẫn không ngừng phát huy giá trị và gần như là một quy luật, là cứ mỗi khi cuộc chiến đấu của nhân dân ta sắp bước vào một giai đoạn ác liệt, đạt tới đỉnh điểm thì bài học lịch sử đó vẫn giữ nguyên giá trị ban đầu của nó. Liên hệ đến tình hình hiện tại, rõ ràng là cách mạng Việt Nam đã có nhiều thuận lợi so với các thời kỳ trước. Từ sau đại thắng mùa Xuân (năm 1975), miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, lãnh thổ Tổ quốc đã giành lại trọn ven, đất nước bước đầu đi lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam bắt đầu thực hiện đổi mới, rồi bước vào thời kỳ hội nhập. Đó là các điều kiện tốt tạo đà cho Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, không phải chỉ có các thuận lợi đưa tới các thành tựu và tiến bộ, mà vẫn có những khó khăn to lớn, những mặt yếu kém và hạn chế nặng nề. Các yếu kém và hạn chế nặng nề đó có nhiều loại, khách quan có, chủ quan có, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” vẫn chỉ đề cập tới loại mang tính chủ quan, là “chủ nghĩa cá nhân” mà Người đánh giá nguy hiểm nhất, là nguyên nhân của mọi sai lầm, sa ngã. Và theo Người để chữa trị tận gốc căn bệnh nguy hiểm đó, chỉ có những phương thuốc hiệu nghiệm – một thần dược – đó là nâng cao đạo đức cách mạng. Thực ra phương thuốc này đã được dùng trong các giai đoạn cách mạng trước. Trước đây, cứ mỗi khi cách mạng có một yêu cầu mới, đòi hỏi một nhận thức đúng đắn và đầy đủ về nhiệm vụ, về ứng xử và hành động thì đều có tổ chức học tập nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ và đảng viên. Các lớp chỉnh huấn cho cán bộ, chỉnh huấn cho bộ đội được tổ chức trước kia chính là để nhằm mục đích nâng cao nhận thức, đi tới hành động đúng đắn.

Liên hệ tới hiện nay, rõ ràng là yêu cầu của cách mạng đối với mỗi cán bộ, mỗi đảng viên là rất cao. Cách mạng đòi hỏi ở mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải có lòng trung thành tuyệt đối, phải toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng. Thế mà đối chiếu với thực tế xã hội, thực tế cơ quan, tình hình đội ngũ cán bộ và đảng viên vẫn còn nhiều hiện tượng rất đáng lo ngại. Đó là tệ nạn quan liêu, tham nhũng và tình trạng suy thoái về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm cho bộ máy Đảng và Nhà nước suy yếu, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ bị sói mòn, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bị thi hành sai lệch, dẫn tới chệch hướng xã hội chủ nghĩa là mảnh đất thuận lợi cho “diễn biến hoà bình”.

Tất cả các hiện tượng trên là nguy cơ lớn đối với sự nghiệp cách mạng. Phân tích mổ sẻ các tệ nạn trên, đi tới tận cùng thì vẫn là “chủ nghĩa cá nhân” được trá hình dưới muôn hình vạn trạng. Cần phải có một tinh thần sắc bén cách mạng, một ý chí cảnh giác thường trực và cao độ – các tính năng này chỉ có khi được đặt trên nền tảng một chủ nghĩa yêu nước chân chính, mới có thể phanh phui, vạch trần.

Nâng cao đạo đức cách mạng, đó là mục tiêu phấn đấu và lý tưởng hướng tới của người cán bộ, người đảng viên. Có sự bồi dưỡng tự nguyện đạo đức cách mạng với sự hỗ trợ của tổ chức, của đoàn thể thì người cán bộ, người đảng viên mới chiến thắng được “chủ nghĩa cá nhân” nguy hại, để có thể vững tiến trên con đường cách mạng gập ghềnh quanh co, lắm thác nhiều ghềnh, nhưng cũng đầy hoa thơm quả ngọt.

Đó là những lời dạy dỗ ân cần và tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trên bước đường đi lên của cách mạng.

GS. Đinh Xuân Lâm
Trường ĐH KH XH & NV

bqllang.gov.vn

Advertisement