Cách đây 50 năm (Tháng 5/1958), thể theo nguyện vọng của Bác Hồ, cán bộ, chiến sĩ phục vụ đã dựng ngôi nhà sàn hai gian bên bờ hồ dưới tán cây trong vườn Phủ Chủ tịch để làm nơi Bác ở. Ngôi nhà sàn giản dị, xinh xắn được khánh thành nhân kỷ niệm sinh nhật Bác. Anh em trong đội phục vụ ai cũng hết sức vui mừng, phấn khởi vì đây là món quà vô giá, với ý nghĩa thiết thực, tiết kiệm mừng ngày sinh của Người.
Sau chuyến đi thăm hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, trên đường về Bác trầm ngâm suy nghĩ rồi nói với các đồng chí phục vụ: Bác muốn làm một căn nhà sàn ở bên kia ao để ở và làm việc cho thoáng. Theo ý Bác, mùa hè năm 1958, anh em trong đội phục vụ bắt tay thi công ngôi nhà này. Công việc thiết kế, tính toán cụ thể được giao cho ông Nguyễn Văn Ninh, kiến trúc sư, Cục trưởng Cục thiết kế dân dụng, Bộ Kiến trúc (nay là Công ty Tư vấn xây dựng thuộc Bộ Xây dựng). Ông Ninh là một trong tám người của nước ta học kiến trúc khoá đầu tiên ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông đã từng thiết kế lễ đài Ba Đình để đón Bác và Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô Hà Nội tháng 1-1955.
Trước lúc bắt tay vào việc, Bác đã căn dặn ông Ninh rất cụ thể, tỷ mỷ. Người nói: Ngôi nhà sàn này cũng làm giống như những ngôi nhà sàn Bác đã ở chiến khu Việt Bắc. Tầng trên có hai phòng nhỏ, xung quanh cần có hành lang để các đồng chí lãnh đạo đến làm việc với Bác và tiện cho các đồng chí phục vụ đi lại. Tận dụng vách ngăn hai phòng làm giá sách nhỏ vừa tiết kiệm vừa tiện sử dụng. Bác dặn đi, dặn lại: Nhà làm bằng gỗ bình thường, loại gỗ làm tà vẹt đường sắt và trường học. Bên dưới xây bệ xi măng thấp, trên có lát ván tạo thành những hàng ghế băng dài cho các cháu thiếu niên vào chơi thăm Bác có đủ chỗ ngồi. Sau khi được Bác tham gia góp ý, bản vẽ thiết kế đã nhanh chóng hoàn thành và tổ chức thi công. Sợ việc làm nhà gây ồn áo, bụi bặm ảnh hưởng tới sức khoẻ và công việc của Bác, nên các đồng chí đã chọn đúng đợt Bác đi công tác mới tổ chức khởi công. Đội thi công gồm ba mươi cán bộ, chiến sĩ công binh khẩn trương được triệu tập. Ai nấy đều thấy rõ vinh dự, tự hào được làm nhà cho Bác Hồ nên đều cố gắng hết sức mình, sao cho nhà Bác vừa đẹp, vừa chắc chắn và phải xong trước ngày Bác đi công tác về. Một đợt thi đua rất tự giác, không cần tổ chức phát động.
Chỉ trong thời gian ngắn ngôi nhà sàn của Bác Hồ đã hoàn thành, mọi việc tất thảy đâu vào đấy. Ngôi nhà được thiết kế hai tầng theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc dài 10,5 m, rộng 6,2 m. Tầng trên có hai phòng, một phòng Bác dùng làm việc, còn một phòng để nghỉ. Tầng dưới là nơi Bác dùng để làm việc vào mùa hè, họp Bộ Chính trị, nơi tiếp khách thân mật…. Hôm Bác đi công tác về nhìn ngôi nhà sàn hai gian thoáng đãng, tầng dưới để thoáng rộng, tầng trên có hai gian, xung quanh là hành lang rộng có mành che. Mọi người ai cũng mừng nhưng rất hồi hộp, không biết ngôi nhà có hợp với ý Bác không? Ai cũng mong được nghe ý kiến trực tiếp của Bác. Như đoán được ý nghĩ của mọi người, Bác tổ chức một buổi gặp mặt tất cả số anh em tham gia công việc ngay tại tầng dưới của ngôi nhà sàn vừa mới dựng, có đủ cả chè nước, bánh kẹo. Anh em khi ấy gọi vui đây là bữa tiệc “tân gia” mừng nhà mới của Bác.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh kể rằng: Không khí của buổi liên hoan bữa ấy đầm ấm lạ thường, Bác giục mọi người ăn kẹo, uống nước, Bác khen:
– Các chú làm như thế là nhanh, tốt, bảo đảm thời gian. Nhưng còn một khuyết điểm, các chú có biết khuyết điểm gì không?
Mọi người nhìn nhau lo lắng, ông Nguyễn Văn Ninh vội đứng dậy đáp:
– Thưa Bác, so với ý Bác dặn thì có tốn kém hơn đôi chút ạ.
– Chú nói đúng, Bác cười rồi nói với mọi người:
– Nước ta còn chưa giàu, dân ta còn khổ, chưa đủ nhà ở, Bác ở thế này là quá tốt rồi, các chú không phải lo cho Bác.
Bài học về sự giản dị, tiết kiệm của Bác hôm ấy làm cho mọi người ai cũng xúc động với tấm lòng kính yêu vô hạn tới Bác kính yêu.
Ngày 18-5-1958, một ngày trước sinh nhật của Người, Bác đã dọn về ở và làm việc tại ngôi nhà sàn này. Nhà sàn Bác Hồ đã trở thành món quà sinh nhật vô giá, ý nghĩa thật giản dị, nhưng lớn lao. Ngôi nhà sàn giản dị nằm giữa Thủ đô là nơi Bác kính yêu của chúng ta sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Nhà sàn Bác Hồ không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử mà còn là một công trình kiến trúc mạng đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Hiện nay, Nhà sàn Bác Hồ là một di tích đặc biệt, quan trọng trong quần thể di tích Phủ Chủ tịch. Từ khi Bác qua đời, nơi đây đã đón tiếp hàng chục triệu lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, trong số đó có nhiều đoàn khách cấp cao, là nguyên thủ quốc gia cùng hàng trăm nước và các tổ chức quốc tế.
Theo “Sự kiện và nhân chứng” số 173 tháng 5/2008.
Thanh Hương