Người lập “bảo tàng” Bác Hồ ngay trong nhà mình

Một cụ ông, vì yêu quý Bác Hồ, đã thể hiện tình yêu của mình bằng cách bỏ ra nhiều năm đi sưu tầm tranh ảnh, tài liệu về Bác Hồ. Sau hơn 20 năm miệt mài sưu tầm, ông đã có trong tay hàng trăm bút tích cùng rất nhiều tranh ảnh Bác Hồ. Thậm chí, ông còn bỏ ra hơn trăm mét đất ngay giữa lòng thành phố để lập một bảo tàng về Bác Hồ. Cụ ông ấy có tên là Nguyễn Đình Sơn, một cựu sĩ quan thương binh, hiện đang sống ở Phường Tân Thành, thành phố Thanh Hoá.

Với dáng người nhỏ bé, có lẽ không mấy người nghĩ ông cụ đã có một thời gian dài phục vụ trong ngành công an. Theo lời kể của ông Sơn thì năm 17 tuổi, ông đã chính thức được “biên chế” trong quân đội. Đến năm 1953, ông được cử vào An toàn khu (ATK), làm nhiệm vụ “phòng gian bảo mật”, nhằm đảm bảo an toàn từ vòng ngoài cho Hồ Chủ tịch và Trung ương làm việc. Thời gian làm một người lính cận vệ, ông Sơn đã được gặp và trò chuyện với Bác Hồ đôi lần.

Ông Sơn kể, một lần ông đang tập võ cùng ông Vũ Kỳ (lúc ấy là thư ký của Bác Hồ và cũng là chỉ huy trực tiếp của ông Sơn), Bác Hồ trông thấy, đã đến tập luyện cùng. Những lần được gặp gỡ và tiếp xúc ít ỏi với Bác Hồ trong những hoàn cảnh rất bình dị khác nữa, càng làm cho lòng kính yêu Bác của ông được nhân lên. Sau này, trong 5 lần được nhận huy hiệu Bác Hồ, ông Sơn đã hai lần vinh dự được chính Người trao tặng.

Năm 1963, khi vừa học xong lớp thí điểm đại học đầu tiên của ngành công an thì vợ ông qua đời. Sau đó, ông Sơn đã xin chuyển về quê và làm việc ở Ty công an Thanh Hóa. Năm 1982, ông nghỉ hưu với cấp bậc thượng uý và chứng nhận thương binh hạng 3/4. Tính đến khi nghỉ hưu, ông đã có 28 năm phục vụ trong ngành công an và nhiều năm làm công tác bảo vệ Bác Hồ. Ngay sau khi nghỉ hưu, ông Sơn bắt tay vào việc đi sưu tầm tranh ảnh, bút tích của Bác. Ông bảo, từ lâu, ông đã mong muốn làm được một việc thật có ý nghĩa, thể hiện lòng kính yêucủa mình với Bác Hồ.

Nhưng, chỉ đến khi ông có trong tay hai bức ảnh Bác, do chính tay ông chụp được thì ông mới mơ hồ biết về những việc ông phải làm sau này. Đó là năm 1954, khi ông theo đoàn Trung ương về tiếp quản Thủ đô. Lần đó, ông đã mượn được người bạn chiếc máy ảnh và đã chụp “trộm” được hai kiểu ảnh có hình Bác Hồ. Đề tài nghiên cứu về Bác Hồ liên quan đến Thanh Hóa của ông sau này. Để việc sưu tầm tiến hành được thuận lợi, ông Sơn đã thành lập ra hẳn một Ban nghiên cứu, do ông đứng ra làm chủ nhiệm. Gọi là Ban nghiên cứu cho oai, chứ việc đi sưu tầm tài liệu, tranh ảnh và bút tích của Bác những lần về Thanh Hóa, cũng chỉ có mình ông đảm nhiệm.Sau hơn hai mươi năm sưu tầm, nghiên cứu, đến nay Ban Đề tài TLLS 2253 NV, do ông Sơn làm chủ nhiệm đã có hàng trăm bức ảnh về Bác và hàng chục bút tích (tất cả đều là bản gốc) Bác viết khi về Thanh Hóa công tác. Ngoài ra, ông còn có một lượng tài liệu khổng lồ mà ông sưu tầm được qua rất nhiều sách báo và các tạp chí.

Việc đi sưu tầm thường xuyên trong nhiều năm đã khiến lượng tài liệu trong nhà ông Sơn mỗi ngày một nhiều. Trong ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, tranh ảnh, tài liệu liên quan đến Bác Hồ được treo kín trên các bức tường. Ngay cả chiếc tủ sắt lớn làm bằng xác máy bay Mỹ, đặt ở gian giữa cũng đã chứa đầy tài liệu từ nhiều năm rồi. Để tránh mối mọt, mưa dột và ẩm mốc xâm hại đến các tài liệu quý, ông Sơn đã cho ép plastic hầu hết những tài liệu mà qua nhiều năm ông đã sưu tầm được. Chỉ cho khách xem tủ tài liệu, ông Sơn bảo: “Tất cả những tài liệu đều có một lai lịch cả đấy. Nhiều tài liệu, trước khi đem về đây, nó đã có cả một thời gian lưu lạc thăng trầm”.

Rồi ông lại kể, có tài liệu ông sưu tầm được khá tình cờ. Chẳng hạn, có lần nghe tin ông Kháng (một trong những người bảo vệ Bác) đang lưu giữ một bản bút tích của Người trong một chuyến vào Thanh Hóa làm việc, ông đã tìm đến và được ông Kháng chấp nhận mà không đòi hỏi gì. Song, cũng có những tài liệu ông Sơn phải năm lần bảy lượt đến thuyết phục gia chủ mới được họ chấp thuận cho đem về. Nhiều tài liệu đem được về rồi, ông lại phải mang ra tận Viện bảo tàng Hồ Chí Minh để nhờ xác minh lại xem bút tích đó có đúng là bút tích của Bác hay không.

Hễ nghe thấy ở đâu có tranh ảnh, bút tích, hay những thông tin về Bác Hồ có liên quan đến Thanh Hóa quê ông, thì đường xa đến mấy, ông Sơn cũng thu xếp công việc lẫn tiền bạc để lên đường.

Năm 2004, cô con gái của ông đi lao động bên Nga, có gửi chút tiền dưỡng già, ông Sơn đã dùng cả số tiền ấy để xây cất một ngôi nhà tử tế. Sau đó, ông đã chuyển dần những tài liệu từ gian nhà cấp bốn lên trưng bày tại ngôi nhà mới. Ông bảo: “Mình già rồi, sống thế nào cũng được. Nhưng những tài liệu mình đã dày công sưu tầm và nghiên cứu này thì không thể để mối mọt hoặc ẩm mốc làm hỏng được”!

Trong ngôi nhà mới xây, ông Sơn cho dựng một tấm bia đá có khắc dòng chữ rất to, rất ấn tượng ngay tại phòng khách: “Đời đời nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và các anh hùng liệt sĩ”. Ông bảo, nhờ Hồ Chủ tịch và công ơn các anh hùng liệt sĩ mà đất nước thoát khỏi ách nô lệ, nhân dân được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày nay. Ông muốn sau này, ngôi nhà của ông, nếu không trở thành một bảo tàng nhỏ về Bác Hồ, thì ít nhất, nó cũng trở thành một ngôi nhà truyền thống, có thể giáo dục lý tưởng và lòng yêu nước cho lớp trẻ trong vùng.

Sự thực thì từ lâu, ngôi nhà của ông Sơn đã trở thành một địa chỉ văn hóa được nhiều người tìm đến. Những lúc có khách, ông Sơn nhanh nhẹn và hoạt bát lạ thường. Ông giới thiệu với khách ý nghĩa và lai lịch của từng bức ảnh, lai lịch của từng trang tài liệu. Nếu vị khách nào muốn biết Bác Hồ đã bao nhiêu lần về Thanh Hóa, về trong thời gian nào, ở đâu, làm gì, ông có thể nói làu làu một cách chính xác đến khó tin.

Năm nay, ông Sơn đã bước sang tuổi 79. Ông bảo, bây giờ ông cũng chẳng đi lại được nhiều nữa. Vì vậy, lúc nào ông cũng đau đáu lo đề tài ông đã dày công nghiên cứu sau này sẽ không có người kế tục. Còn về ngôi nhà, ông vẫn thích gọi nó với cái tên Nhà bảo tàng hơn là cái tên Nhà trưng bày, dù để trở thành một nhà bảo tàng theo đúng nghĩa, thì ngôi nhà của ông còn cần thêm rất nhiều thứ nữa.

Rồi ông lại bảo, đến một lúc nào đó, ông sẽ hiến toàn bộ ngôi nhà cùng những tài liệu quý báu ông đã sưu tầm được cho Nhà nước. Bởi ông cho rằng, chỉ có Nhà nước quản lý thì những tài liệu và hiện vật trong ngôi nhà mới phát huy được hết những giá trị tinh thần của nó.

Trọng Tuyến
(Đăng trên Vietimes)

bqllang.gov.vn

Advertisement