Mùa xuân là Tết trồng cây

Hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà, các cơ quan, đơn vị khắp nơi lại cùng nhau tham gia phong trào trồng cây, gây rừng, thực hiện lời Bác dạy năm xưa “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ hải đảo xa xôi nơi đầu sóng ngọn gió, các chiến sĩ cùng người dân huyện đảo Trường Sa nô nức thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”. Phong trào trồng cây phủ xanh đảo cát đã được quân dân huyện đảo duy trì đều đặn hằng năm. Từng đơn vị, cụm dân cư và người dân đều có nghĩa vụ phải trồng và chăm sóc cây theo chỉ tiêu được phân bổ.

Còn tại tỉnh miền núi Lào Cai, dân làng Khẩu Cồ, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng lại tưng bừng lễ hội ăn thề bảo vệ rừng. Đồng bào Tày xã Tả Chải ở Bắc Hà cũng vậy, năm nào cũng tổ chức lễ cúng rừng vào dịp năm mới. Mọi người cùng nhau thắp hương cùng thề bảo vệ rừng, trồng rừng và bàn về các quy định bảo vệ rừng. Các lễ hội này của đồng bào miền núi mang ý nghĩa khuyến khích phong trào trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc và động viên bà con dân tộc không đốt rừng làm nương rẫy.

Tại miền xuôi, học sinh các trường học, rồi các cụ già, thanh niên… đều phát động phong trào trồng cây xanh nhân dịp đầu Xuân năm mới. Nhiều nơi vẫn duy trì phong trào chăm sóc, bảo vệ và trồng mới vườn cây, ao cá Bác Hồ.

Trước thực trạng môi trường sống và môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm nghiêm trọng dẫn tới hiện tượng thay đổi khí hậu đe dọa cuộc sống của con người, chúng ta càng thấm thía lời Bác kêu gọi: “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây” để bảo vệ môi trường sinh thái cho chính cuộc sống của con người. Đồng bào miền Trung sẽ bớt được nỗi lo mỗi mùa bão lũ nếu rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ không bị chặt phá một cách bừa bãi. Phong trào trồng cây, gây rừng được phát động rộng rãi và mọi người đều có ý thức chăm sóc và bảo vệ cây xanh, là biện pháp hiệu quả để giảm nhẹ hậu quả của các thảm họa thiên tai như bão lũ. Sinh thời, Người từng kêu gọi nhân dân ta phải bảo vệ rừng như bảo vệ ngôi nhà của chính mình vậy.

Những lần đi thăm nước bạn hoặc tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia tới Việt Nam, Bác đều tổ chức trồng cây lưu niệm. Người đã trồng cây đại ở Ấn Độ, trồng cây sồi ở Nga và Người gọi đó là “những cây hữu nghị”. Cây lớn lên theo thời gian, không chỉ thể hiện tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè thế giới mà còn thể hiện ý thức bảo vệ môi trường.

Trồng cây còn có giá trị kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân, theo lời Bác Hồ dạy. Trong Di chúc, Bác cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi, ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.Trong bài viết cuối cùng của mình về “Tết trồng cây” đề ngày 5-2-1969, Bác nhắc tới “ích lợi to lớn cho kinh tế, quốc phòng” của việc trồng cây gây rừng, “đồng bào các địa phương phải biến đồi trọc thành vườn cây”.

Đẹp và ý nghĩa biết bao, nét văn hóa trồng cây ngày Xuân được Người khởi xướng và được cả nước ý thức giữ gìn, ngày một nhân rộng cho đến tận ngày nay và cả mãi mãi sau này.

Mai Xuân

bqllang.gov.vn

Advertisement