“Nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn!”

Cuộc thi “Tìm hiểu tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, báo Quân đội Nhân dân, báo Tuổi trẻ, báo Thanh niên, báo Tiền phong và Tổng Công ty Viễn thông quân đội Viettel tổ chức đã trải qua 29 tuần thi trắc nghiệm và 6 tháng thi viết với hơn 50 vạn người tham dự, bao gồm: 400.000 nghìn người tham gia thi trắc nghiệm hàng tuần, hơn 100.000 người dự thi viết hàng tháng…

Hội trường Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm sinh hoạt văn hoá sôi nổi của tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh tối 19 – 1 các chỗ ngồi đều chật kín. Phần đông đại biểu đến dự đều là các bạn trẻ. Đây cũng là lần đầu tiên, Lễ trao giải thưởng Cuộc thi “Tìm hiểu tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức tại thành phố mang tên Bác.

Theo báo cáo của Ban tổ chức, cuộc thi “Tìm hiểu tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, báo Quân đội Nhân dân, báo Tuổi trẻ, báo Thanh niên, báo Tiền phong và Tổng Công ty Viễn thông quân đội Viettel tổ chức đã trải qua 29 tuần thi trắc nghiệm và 6 tháng thi viết đã có hơn 50 vạn người tham dự. Số lượng người dự thi tăng dần theo từng tuần, từng tháng, chất lượng các bài viết cũng ngày một nâng cao. Cuộc thi đã thật sự có sức lan tỏa và tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội, tác động sâu sắc đến nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó đáng mừng là thế hệ trẻ đã tích cực hưởng ứng “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Phát biểu tại Lễ trao giải, đồng chí Đào Duy Quát, Tổng biên tập báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi nhấn mạnh: “Cuộc thi này cổ vũ động viên nhân dân cả nước có ý thức tự giác tìm hiểu tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi người đều suy ngẫm về ý nghĩa và tầm quan trọng của đạo đức đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, đối với cuộc đời và hạnh phúc của mỗi con người. Ở tất cả các xã phường, trường học, lực lượng vũ trang, cơ quan, đơn vị đều dấy lên những hình thức tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sinh động, trở thành một hoạt động công tác tư tưởng hiệu quả, quần chúng giáo dục quần chúng và biến quá trình giáo dục đạo đức rất quan trọng này thành quá trình tự giáo dục của từng người”.

Sau 6 tháng tổ chức cuộc thi, Ban tổ chức đã 3 lần trao giải thưởng cho các tập thể, cá nhân đoạt giải ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhưng đây là lần đầu tiên, lễ trao giải được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mang tên Bác. Những người đoạt giải đều đến từ các tỉnh thành khu vực phía Nam. Khán giả có mặt tại Nhà văn hoá thanh niên thành phố Hồ Chí Minh đã lặng đi vì xúc động khi nghe tâm sự của cụ Trình Thị Tán, 71 tuổi, đến từ tổ 14, Khóm Châu Long, phường Châu Phú B, Thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang: “Tôi là giáo viên trong chế độ cũ 13 năm ròng, hằng ngày từng âm thầm nén nỗi đau khi phải chào lá cờ và lãnh tụ của chế độ cũ. Ngày đất nước giải phóng, tôi đã sung sướng biết bao nhiêu khi được tự tay gỡ lá cờ, bức tượng ấy xuống, treo lá cờ đỏ sao vàng và tượng Bác Hồ lên bàn thờ Tổ quốc. Giây phút ấy, tôi tự nói với lòng mình: “Bác Hồ, người Việt Nam đẹp nhất mới xứng đáng ở vị trí này. Về sau, trở thành giáo viên của chế độ mới, tôi luôn dạy học trò của mình, trước hết phải làm theo 5 điều Bác Hồ dạy. Cuộc vận động, cuộc thi với tôi thật ý nghĩa, tôi đã tham gia cuộc thi bằng tình cảm và những trải nghiệm của chính cuộc đời mình”. Cụ Trình Thị Tán cũng là một nhân vật khá đặc biệt của cuộc thi. Cụ đã 6 lần tham gia thi viết và có tới 4 lần đoạt giải.

Khác với lần trao giải ở các địa phương khác, cuộc trao giải tại thành phố Hồ Chí Minh để lại một dấu ấn đặc biệt, đó là sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ. Ban tổ chức vui mừng cho biết, so với các địa phương khác trong cả nước, khu vực phía Nam là khu vực có số lượng người tham gia thi trắc nghiệm qua mạng Internet cao nhất. Điều đó chứng tỏ giới trẻ ngày nay rất nhạy bén với công nghệ thông tin nhưng không thờ ơ với các vấn đề chính trị – xã hội như nhiều người thường ngộ nhận. Em Phan Thanh Tú, học sinh lớp 11 cho biết: “Chúng em tham gia thi trắc nghiệm về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải chỉ là một cuộc chơi “cho vui” mà qua cuộc thi để học tập, nâng tầm nhận thức và hành động của bản thân mình”.

Anh Lê Hoàng Việt Lâm, thiếu uý, giảng viên Khoa Mác – Lênin, Trường Đại học An ninh nhân dân (TP Hồ Chí Minh) là người đã tham gia và giành tới hơn 40 giải thưởng tại các cuộc thi được tổ chức ở Trung ương cho rằng, cuộc thi này là cuộc thi để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất trong anh. Bởi lẽ: “Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Đảng ta đang phát động có ý nghĩa quan trọng, với sức lan toả rộng lớn đã chứng tỏ tình cảm và trách nhiệm của tất cả mọi người dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và vận mệnh dân tộc. Tuy nhiên, giáo dục, học tập về đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải đi đến thức tỉnh được lương tâm của mỗi con người, làm cho mỗi người tự mình hình thành được một “toà án lương tâm” đủ sức phán xét thật nghiêm khắc bản thân mỗi người. Làm sao để mỗi người “nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn” thì cuộc vận động mới có thể đạt được hiệu quả thiết thực”.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức cuộc thi đã trao giải thưởng của các cuộc thi tháng, thi tuần cho 31 bài viết đoạt giải ở khu vực phía Nam. Có 6 giải nhất, 4 giải nhì, 3 giải ba (cuộc thi tuần) và 01 giải nhất, 6 giải ba, 11 giải khuyến khích (cuộc thi tháng). Đặc biệt, có những người đã tham dự rất nhiều lần và đạt nhiều giải thưởng như: trung uý Nguyễn Đình Sơn, giảng viên Khoa lý luận Mác – Lê nin Trường sĩ quan Lục quân 2; bác Trình Thị Tán (71 tuổi), Tổ 14 Khóm Châu Long, phường Châu Phú B, Thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang…

Hà Nguyên Minh

bqllang.gov.vn

Advertisement