Ấm sáng những ngọn lửa bên Người

Đến ngày lịch sử 3 tháng 2 năm nay, Đảng ta tròn 78 mùa xuân và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng đi trọn năm đầu triển khai thực hiện.

Đúng vào dịp này năm trước, khi đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thay mặt Bộ Chính trị phát động cuộc vận động sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng và làm thí điểm khá công phu ở một số ngành, đơn vị, địa phương, vẫn có không ít người, kể cả cán bộ, đảng viên âu lo, trăn trở.

Bởi chỉ cách đây mấy năm, chúng ta cũng tiến hành cuộc vận động”Xây dựng, chỉnh đốn Đảng” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Di chúc thiêng liêng của Người và Nghị quyết Hội nghị Trung ương sáu (lần 2) khoá VIII. Dù đã thu được những kết quả đáng khích lệ thì trong sâu xa của tâm nguyện, chưa mấy ai tự bằng lòng.

Những câu chuyện về Người

Chưa bao giờ, một đợt sinh hoạt chính trị – văn hoá gây được cảm xúc mãnh liệt, ấn tượng sâu sắc cho mọi người như các hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – một trong những nội dung quan trọng của cuộc vận động được tổ chức trong năm qua. Gọi là hội thi vì sự kiện này thu hút rất nhiều người, đủ mọi thành phần, lứa tuổi, dân tộc, cả tín đồ tôn giáo tham gia.

Ở thủ đô Hà Nội, hội thi lần đầu tiên được tổ chức tại quận Ba Đình – nơi mà hai, ba thế hệ người dân ở đây có may mắn, vinh dự được sống gần Bác những ngày Cách mạng tháng Tám vừa thành công và quãng thời gian 15 năm sau ngày thủ đô được giải phóng. Những chuyện kể về Bác ở hội thi này làm cho hết thảy người nghe đều rưng rưng xúc động. Hội thi cấp cơ sở của xã Dương Hà, huyện Gia Lâm; hội thi cấp quận, huyện ở Đông Anh, Từ Liêm, Long Biên… được tổ chức vào buổi tối, tại đình làng hay sân vận động huyện, thu hút hàng ngàn người đến dự.

Có thí sinh đã tuổi hạc, tóc mây, vậy mà khi kể về Bác vẫn ngập tràn một nỗi niềm kính yêu tha thiết. Chị Cao Thị Oanh – nhân viên Trạm truyền tải điện Thanh Hoá, ra Hà Nội tham dự hội thi do Công ty truyền tải Điện I tổ chức. Chị Oanh kể câu chuyện “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” làm cả hội trường mấy trăm người chứa chan nước mắt, không gian tĩnh lặng rồi vỡ oà tiếng vỗ tay khi chị kết thúc.

Ở Ban Tuyên giáo Trung ương – cơ quan thường trực cuộc vận động, Ban giám khảo hội thi ở đây đã trao giải nhất cho chị Nguyễn Thị Ánh – một nhân viên công nghệ thông tin. Ánh quê Nam Đàn, Nghệ An. Với câu chuyện “Bác Hồ về thăm quê” đã được in trên sách, báo, phát trên sóng phát thanh từ nhiều năm, vậy mà khi kể, chất giọng Nam Đàn cùng sự cảm nhận chân thành, tinh tế của Ánh đã đưa người nghe đến gần như tận cùng của cảm xúc với bao mới mẻ, bất ngờ.

Cuộc thi “Tôi yêu tổ quốc tôi, tôi yêu đồng bào tôi” do Báo Sinh Viên Việt Nam và Hoa Học Trò tổ chức có số lượng thí sinh vượt xa mong đợi ban đầu. Trò Quỳnh Hương đoạt giải nhì với bài viết “Thấy tình yêu trong những áng mây bay”. Theo em, để nói lời yêu với tổ quốc mình, người viết có thể không phải là “một cao thủ văn chương”, nhưng nhất thiết phải là một công dân có trái tim luôn nồng nàn nhiệt huyết.

Với các em, “Tổ quốc có hương”: Mùa hạ hương lúa, mùa thu hương cốm..; “tổ quốc có màu”: Màu xanh của núi, của cây, màu vàng của rơm rạ, màu đỏ của đất Tây Nguyên, màu trắng của muối mặn Sa Huỳnh, Năm Căn; “tổ quốc có vị mặn”: Vị mặn của đất đai, của mồ hôi, nước mắt, cả máu nữa… Em Kim Ngân – người đoạt giải ba cuộc thi, viết: ” Mỗi chúng con là một Việt Nam, một Việt Nam trẻ. Và xin cha mẹ, thầy cô hãy tin, khi nhìn chúng con, bạn bè thế giới đã nhìn thấy tổ quốc mình với những gì giản dị nhất, sinh động nhất, tươi trẻ nhất”.

Hội thi “Chúng em kể chuyện tấm gương đạo đức Bác Hồ” do Trung ương Đoàn TNCSHCM tổ chức lôi cuốn hàng vạn thiếu niên, học sinh tham gia. Tại Hà Nội, có 4 thí sinh là công dân của 4 nước: Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc và Bỉ. Bác Hồ trong câu chuyện của các em là người rất mực yêu thương, quý trọng thiếu nhi quốc tế; đi thăm nước nào, Bác cũng dành cho trẻ thơ sự quan tâm đặc biệt. Câu chuyện “Quả táo Bác Hồ” được các em kể có sức truyền cảm lạ kỳ.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Ninh Bình, Đồng Nai, Tây Ninh…, người lên kể chuyện tấm gương đạo đức Cụ Hồ là các chức sắc, tín đồ đạo Phật, đạo Thiên Chúa. Theo họ, Cụ Hồ cũng cao cả, thánh thiện, nhân ái, giàu đức hy sinh như Đức Phật Thích Ca, như Chúa Giêsu. Trong câu chuyện, họ trân trọng nhắc đến câu nói nổi tiếng của Bác Hồ về các đấng tối cao của các tôn giáo.

Ấm sáng những ngọn lửa

Một năm, chỉ là bước khởi đầu của con đường dài rộng. Tuy vậy, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đạt được một số kết quả quan trọng. Nhiều cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ và đầy đủ hơn về tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; về vị trí, vai trò của đạo đức đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội; nhận rõ: Đạo đức là “gốc” của mỗi con người, nhất là người cách mạng; cần thường xuyên trau dồi, vun đắp để cái gốc đó ngày một vững vàng.

Ở Bệnh viện Đa khoa Đắc Nông, việc đầu tiên mà tập thể cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế ở đây thực hiện cuộc vận động là học lại, làm tốt hơn 12 điều y đức. Năm qua, bệnh viện tiến hành 3 đợt khám sức khoẻ cộng đồng, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa và một số trạm biên phòng.

Tổ chức Đoàn Thanh niên ở đây thực hiện trên 300 ca mổ cho bệnh nhân nghèo là người già bị đục thuỷ tinh thể và trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch. Bệnh viện phối hợp với Hội Chữ thập Đỏ tỉnh, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh quyên góp tiền ủng hộ của các doanh nghiệp, cơ quan, người hảo tâm để lập tủ thuốc tình thương, bếp ăn tình thương. Tất cả số bệnh nhân thuộc diện 139 (theo Quy định của Chính phủ) vào bệnh viện được khám – chữa bệnh không mất tiền, được hưởng suất ăn miễn phí 12.000 đồng/người/ngày.

Khi được hỏi: Việc làm nào để lại ấn tượng sâu đậm nhất qua cuộc vận động, Giám đốc Bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường trả lời: Trong năm 2007, có 3 bệnh nhân khi được đưa đến viện đã ở trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, người bị vỡ lá lách, người bị vỡ gan, lần khác là sản phụ bị băng huyết nặng sau khi sinh con. Cả ba lần, bệnh nhân đều cần tiếp một lượng máu lớn, trong khi người thân ở xa, chưa đến kịp.

Không chần chừ, một số bác sĩ, y sĩ có cùng nhóm máu với người bệnh đã tự nguyện hiến máu. Lại có những việc nhỏ, rất bình thường, nhưng nếu bệnh viện nào cũng làm được thì hiệu quả cuối cùng là không nhỏ. Đó là quy định: Bác sĩ, y tá, hộ lý không được nhận tiền nong, quà cáp của bệnh nhân khi họ đang khám, điều trị tại cơ sở y tế của mình; không được lạm dụng các xét nghiệm nếu thấy không cần thiết; công khai, minh bạch việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, xây dựng nhà cửa, kho tàng; không bố trí khu chữa bệnh bình dân gần khu chữa trị theo yêu cầu cho người có thu nhập khá, người giàu có…Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Thanh Nhàn, Trường Đại học Y Hà Nội đi theo hướng này và đã tạo được bước chuyển đáng khen ngợi.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Thành uỷ ban hành Chỉ thị 15 – CT/TU, gắn việc thực hiện cuộc vận động với phong trào Ba xây, ba chống: “Xây tác phong quần chúng – chống quan liêu, cửa quyền; xây tinh thần trách nhiệm – chống tham ô, nhũng nhiễu; xây ý thức cần kiệm – chống lãng phí, xa hoa”. Năm qua, khối cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các ngành công an, hải quan, thuế, tài nguyên – môi trường đã có sự tiến bộ rõ về tác phong, lề lối làm việc, thái độ ứng xử, cải cách thủ tục hành chính.

Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An gắn việc thực hiện cuộc vận động với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và các phong trào sôi nổi khác: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; xây dựng Quỹ Vì người nghèo; giúp đỡ nhân dân vùng bị thiên tai; thi đua lập thành tích kỷ niệm tròn 50 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh nhà. Huyện Nam Đàn – quê Bác, ngay từ năm 2004 đã xoá xong toàn bộ nhà tranh cho hộ nghèo, nay tiếp tục quyên góp giúp đỡ các địa phương miền núi.

Đảng bộ các cơ quan dân – chính – Đảng có 20 cơ quan, đơn vị và Đảng bộ khối doanh nghiệp bước đầu có 10 doanh nghiệp đăng ký giúp các xã nghèo của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Sự giúp đỡ này bao gồm: Quyên góp tiền giúp đồng bào xoá nhà tranh; tham gia bồi dưỡng cán bộ cơ sở; chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ; khảo sát đất đai, tiềm năng để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sản xuất. Chỉ tính số tiền quyên góp ủng hộ người nghèo, xã nghèo; tu bổ nghĩa trang liệt sĩ; chăm sóc gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh… đã lên tới con số hàng chục tỉ đồng.

Ở Công ty Bảo Việt Nghệ An, mọi người bước vào cuộc vận động bằng nghĩ suy, hành động hết sức tự nhiên, giản dị: Thực hiện cuộc vận động, trước hết là cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp và cho mỗi cán bộ, nhân viên làm việc tại đây. Hình ảnh một doanh nghiệp mạnh, tiếng tăm thơm lành; hình ảnh những cán bộ, nhân viên tươi tắn, lịch thiệp, trung thực, hết lòng với mọi người… sẽ là sức hút mạnh mẽ với bất cứ khách hàng nào.

Qua một năm thực hiện tốt cuộc vận động, doanh thu của công ty đạt gần 55 tỉ đồng, tăng 13,2% so với năm trước. Mỗi tháng, mỗi cán bộ, nhân viên ở đây góp vào Quỹ xã hội, từ thiện ít nhất là 1 ngày lương. Năm 2007, công ty tiếp tục giữ vững danh hiệu Đơn vị thi đua xuất sắc của Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam. Có một doanh nghiệp khác ở tỉnh Quảng Bình – Công ty lâm công nghiệp Long Đại, qua thực hiện cuộc vận động cũng thu được kết quả đáng khích lệ.

Doanh thu cả năm của công ty đạt 91 tỉ đồng, vượt 42% kế hoạch, nghĩa vụ ngân sách vượt 75% kế hoạch, thu nhập người lao động đạt 1,9 triệu đồng/tháng, tăng 20% so với năm trước. Nguyễn Ngọc Sơn – Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công ty – cho biết: Công nhân chúng tôi học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, bắt đầu bằng các câu chuyện giản dị mà xúc động về Người. Chuyện “Ba chiếc balô” được anh em ở các tổ cơ động bảo vệ rừng hết sức tâm đắc và ghi nhớ.

Mỗi chuyến đi rừng dài ngày, anh em chuẩn bị tư trang, lương thực, thực phẩm và dụng cụ hỗ trợ kỹ càng hơn, kế hoạch chuyến đi được xây dựng chu đáo, thiết thực hơn. Các chuyện kể “Thời gian quý hoá lắm”, “Không có việc gì khó”, “Phải biết bảo vệ từng cành cây” thì ngay cả các cháu nhỏ, các bậc cao niên trong khu tập thể đều thuộc và có thể kể lại một cách mạch lạc, hào hứng. Khi được hỏi: Những tập thể, cá nhân nào đạt thành tích cao trong cuộc vận động, Giám đốc Trần Đức Bá trả lời không phút đắn đo: Là Trần Quang Đảm – Giám đốc Lâm trường Khe Giữa; Phan Thanh Sơn – công nhân Lâm trường Rừng Thông; Nguyễn Đăng Tiếng – Văn phòng công ty; Nguyễn Văn Tiếp – Xí nghiệp khai thác vận tải; Phan Mạnh Hùng – Xí nghiệp chế biến nhựa thông…

Mỗi ngày, lại có thêm những con người, sự việc như đã kể, gần gũi, thân thương lẫn trong muôn mặt đời thường. Ấy là lúc chúng ta thắp sáng một ngọn lửa. Ấy là lúc bên Người, ta toả sáng, ánh sáng giản dị, khiêm nhường.

Theo Nguyễn Thế Kỷ – Lao Động

bqllang.gov.vn

Advertisement