
Alden Whiteman đã viết rất thiện cảm với Bác Hồ cũng như cuộc đấu tranh chống đế quốc của dân tộc Việt Nam ngay khi nước Mỹ còn tham chiến. Ảnh: TL
LTS: Trên báo chí phương Tây có một mục gọi là Obituary. Đó là mục dành cho những bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của một người nổi tiếng vừa mất. Nhiều cơ quan báo chí đã đặt sẵn bài viết về các nhân vật nổi tiếng ngay khi họ còn sống, và khi họ vừa nằm xuống thì có ngay bài xuất hiện ở mục Obituary.
Bài viết về chủ tịch Hồ Chí Minh dưới đây là thuộc loại bài Obituary như vậy. Nó được đăng trên tờ báo danh tiếng của Mỹ New York Times ngay sau khi Bác Hồ của chúng ta vừa qua đời. Tác giả bài viết là Alden Whitman (1913-1990), một nhà báo Mỹ, viết cho New York Times từ 1951 và nổi tiếng về những bài viết cho mục Obituary.
Chính khách nổi bật
Trong số các chính khách thế kỷ XX, Hồ Chí Minh nổi bật về sự dẻo dai và kiên trì khi ông theo đuổi mục đích giành độc lập cho Việt Nam và về thành công trong việc kết hợp chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa cộng sản.
Từ trẻ ông đã mong muốn tự do cho Việt Nam đang bị Pháp đô hộ. Ông đã kiên trì qua nhiều năm khi cơ hội đạt mục đích của ông là vô cùng nhỏ nhoi và dường như khó tin. Cuối cùng, ông đã tổ chức nên việc đánh bại Pháp năm 1954 tại trận Điện Biên Phủ lịch sử. Trận đánh đó, khúc ca khải hoàn của chiến lược chiến tranh du kích, diễn ra chín năm sau ngày ông được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Sau sự phân chia tạm thời nước Việt Nam bằng vĩ tuyến 17 theo hiệp định Geneve năm 1954 và sau khi sự phân chia đó bị chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam được Mỹ hậu thuẫn biến thành thực tế tàn nhẫn, ông Hồ đã lãnh đạo nhân dân miền Bắc chống chọi lại thế lực quân sự hùng mạnh của Mỹ. Trong chiến tranh, Thủ đô Hà Nội của ông Hồ cùng với các thành phố khác thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom.
Đồng thời ông Hồ còn là nguồn cảm hứng cho Mặt trận Dân tộc giải phóng (Việt Cộng) hoạt động ở Nam Việt Nam trong cuộc đấu tranh lâu dài và tốn kém chống lại chế độ Sài Gòn cùng Mỹ và các đồng minh.
Trong cuộc chiến tranh mà Mỹ ngày càng dính sâu vào, đặc biệt từ sau năm 1964, ông Hồ vẫn khéo léo giữ được thế cân bằng trong quan hệ với Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Hai nước này bất đồng về tư tưởng nhưng vẫn là nguồn chính cung cấp lương thực và vũ khí cho Việt Nam. Nhờ những biện pháp ngoại giao khôn khéo của mình, ông vẫn giữ được quan hệ thân thiện với mỗi bên.
Nhã nhặn, tinh tế, thạo đời, lịch thiệp, không thù ghét cá nhân
Đối với 19 triệu người ở bắc vĩ tuyến 17 và hàng triệu người khác ở nam vĩ tuyến, thân hình nhỏ bé, mảnh khảnh giống như chiếc ngà voi của ông Hồ, với khuôn mặt dài khổ hạnh, chòm râu phơ phất, đôi má trũng sâu, và cặp mắt sáng, là của một vị tộc trưởng, là George Washington của dân tộc ông.
Mặc dù tên ông không được gắn cho các quảng trường, dinh thự, nhà máy, sân bay hay tượng đài, nhưng sức hấp dẫn của ông là hiển nhiên, cũng như tình cảm của người dân bình thường dành cho ông.
Bác Hồ luôn đặc biệt quan tâm đến nền giáo dục nước nhà. Ảnh T.L
Ông được người dân quen thuộc gọi là “Bác Hồ”. Trước khi những đòi hỏi của chiến tranh khiến ông phải hạn chế bớt các bổn phận của mình, ông thường tới thăm các làng mạc và thị trấn. Ăn mặc giản dị, ông đặc biệt thích đến các trường học và trò chuyện với trẻ em.
Những người phương Tây biết ông đều tin rằng, dù ông rất khôn ngoan, mưu mẹo trong các vấn đề chính trị rộng lớn, nhưng trong cách nói chuyện của ông đối với dân chúng không hề có cảm giác nào như vậy.
Quả thực, uy tín cá nhân của ông Hồ phổ biến đến mức tất cả mọi người, ngay cả các kẻ thù chính trị của ông, đều thừa nhận là nếu như cuộc tổng tuyển cử theo Hiệp định Geneve được tổ chức thì nước Việt Nam đã được thống nhất dưới sự lãnh đạo của ông.
Thông minh, tháo vát và tận tụy, ông Hồ đã tạo được ấn tượng tốt đẹp nơi nhiều người tiếp xúc với ông. Một người như thế là Harry Ashmore của Trung tâm nghiên cứu các thể chế dân chủ và là cựu chủ bút tờ Arkansas Gazette.
Ông Ashmore và ông William C.Baggs, chủ bút tờ Miami News đã quá cố, là những người Mỹ cuối cùng đã có cuộc trò chuyện dài với ông Hồ khi họ đến thăm Hà Nội đầu năm 1967.
“Ông Hồ là một người nhã nhặn, tinh tế, rất thạo đời, với cung cách lịch thiệp và không hề có sự thù ghét cá nhân”, ông Ashmore nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Tại buổi gặp ông Hồ mặc bộ quần áo trắng cổ cao quen thuộc của ông, chân đi đôi dép cao su hở ngón. Ông liên tục hút thuốc, loại thuốc Salems của Mỹ.
“Tôi nghĩ tôi biết nhân dân Mỹ”
Cuộc nói chuyện kéo dài một giờ của họ bắt đầu bằng tiếng Việt có người phiên dịch, ông Ashmore nhớ lại, nhưng sau đó chuyển ngay sang tiếng Anh. Ông Hồ đã khiến Ashmore kinh ngạc trước khả năng thông thạo tiếng Anh của ông. Tiếng Anh là một trong những thứ tiếng ông Hồ nói lưu loát, cùng với các thứ tiếng Trung, Pháp, Đức và Nga.
Có một lúc ông Hồ nhắc lại với Ashmore và Baggs là ông đã từng đến Mỹ. “Tôi nghĩ là tôi biết nhân dân Mỹ”, ông Hồ nói, “và tôi không thể hiểu làm sao họ lại có thể ủng hộ sự dính líu vào cuộc chiến tranh này. Chẳng lẽ tượng Thần Tự do đã bị lộn ngược đầu?”
Đây là câu hỏi tu từ mà ông Hồ cũng đặt ra đối với những người Mỹ khác để nhấn mạnh điều ông nghĩ là mâu thuẫn: Một dân tộc thuộc địa đã làm cách mạng giành được độc lập lại gây chiến để đàn áp nền độc lập của một dân tộc thuộc địa khác.
Ông Hồ hiểu sâu sắc lịch sử nước Mỹ và ông đã tận dụng lợi thế này vào mùa hè năm 1945 khi viết bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ông nhớ nội dung Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, chứ không phải thuộc từng câu chữ. Từ phái đoàn quân sự Mỹ khi đó hợp tác với ông, ông đã cố gắng vô vọng kiếm một bản sao của Tuyên ngôn, và khi không có ai kiếm được nó, ông Hồ đã tóm tắt lại những điều ông nhớ được.
Bản Tuyên ngôn của Mỹ mở đầu: “Tất cả mọi người được tạo ra bình đẳng; họ được tạo hóa của họ cấp cho một số quyền không thể chuyển nhượng được; trong số đó có quyền Sống, Tự Do và mưu cầu Hạnh Phúc”. Sau khi giải thích điều đó nghĩa là “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”, ông Hồ liền liệt kê, theo cách Tuyên ngôn của Mỹ, những nỗi khổ của nhân dân mình và tuyên bố sự độc lập của họ.
“Hãy chờ khi tôi chết đã. Khi đó anh có thể viết gì về tôi tùy ý”
Ngoài những người Mỹ, ông Hồ còn gây được thiện cảm với nhiều người có dịp gặp ông trong nhiều năm. “Một con người hết sức đáng yêu và thân thiện” là lời mô tả của Jawaharlal Nehru, lãnh tụ Ấn Độ. Paul Mus, nhà Đông phương học người Pháp từng có nhiều cuộc trò chuyện thân thiết với ông Hồ những năm 1946 và 1947 nhận thấy ông là “một nhà cách mạng không khoan nhượng về chính trị và không thể mua chuộc được, một kiểu Thánh Just”.
Một sĩ quan hải quân Pháp có dịp quan sát con người Việt Nam mảnh khảnh này trong ba tuần ông là khách đi tàu đã kết luận rằng ông Hồ là “một con người thông minh và quyến rũ, một nhà lý tưởng nồng nàn dốc hết đời mình cho sự nghiệp đã theo đuổi” và là một người “có niềm tin chất phác vào những khẩu hiệu chính trị – xã hội của thời đại chúng ta, và nói chung, vào mọi thứ được in ra”.
Ông Hồ là một người cộng sản hết sức thực tế, làm nhiều hơn nói. Các bài viết bài nói của ông đơn giản, rõ ràng, phần lớn mang nội dung tuyên truyền hoặc luận chiến, khó kết được vào hệ thống của học thuyết Mác-xít.
Giống Mao Trạch Đông, một lãnh tụ cộng sản anh em, ông Hồ có làm thơ, một số bài khá xúc động. Bài “Đêm thu” ông làm khi bị Quốc dân đảng Trung Quốc bắt giam năm 1942-1943 đã được đọc lên qua bản dịch của Aileen Palmer:
Trước cửa lính canh bồng súng đứng
Trên trời trăng lướt giữa làn mây
Rệp bò lổm ngổm như xe cóc
Muỗi lượn nghênh ngang tựa máy bay
Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ
Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay
Ở tù năm trọn thân vô tội
Hòa lệ thành thơ tả nỗi này.
Việc ông Hồ lên nắm quyền và nổi tiếng thế giới là một câu chuyện không có đầy đủ tài liệu. Ngược lại, những chi tiết của quá trình này lại có một số điểm thiếu chính xác. Điều này dẫn đến chỗ có thời gian người ta ngờ là có hai ông Hồ, một thông tin mà Sở mật thám Pháp coi thường khi họ so sánh các bức ảnh hai thời kỳ trước và sau của ông Hồ.
Một cách giải thích cho sự nhầm lẫn này là ông Hồ dùng hàng chục bí danh trong quá trình hoạt động của mình mà tên gọi Hồ Chí Minh chỉ là một trong số đó. Một lý do khác là ông Hồ không muốn công khai tiểu sử của mình. “Anh biết đấy, tôi là một người già, và một người già như tôi thì thích giữ lại cho mình một vài bí mật nho nhỏ”, ông nói với B. Fall. Và ông nháy mắt nói tiếp: “Hãy chờ khi tôi chết đã. Khi đó anh có thể viết gì về tôi tùy ý”.
Tuy nhiên, ông Fall kể lại, trước khi rời Hà Nội ông đã nhận được một bản tóm tắt cuộc đời ông Hồ không có chữ ký, “rõ ràng đây là làm theo lệnh ông cụ”.
Bất chấp bề ngoài có vẻ muốn tự xóa mình đi, ông Hồ vẫn biết cách thể hiện mình. Ông Fall kể có lần ông đưa cho ông Hồ xem bức ký họa vợ ông vẽ ông Hồ. “Phải, đẹp lắm. Trông nó rất giống tôi”, ông Hồ thốt lên.
Ông lấy bó hoa ở bàn bên cạnh trao cho Fall và nói: “Anh hãy nói với cô ấy là bức vẽ rất đẹp, nhờ anh thay tôi tặng cô ấy bó hoa này và hôn vào hai má cô ấy hộ tôi nhé”.
Vũ khí nguyên tử cũng không thể bắt chúng tôi đầu hàng
Ông Hồ tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của cuộc chiến tranh. Năm 1962 khi cuộc chiến còn bó hẹp giữa một bên là quân đội Nam Việt Nam và 11000 cố vấn Mỹ và một bên là quân giải phóng số lượng ít hơn, ông đã nói với một vị khách Pháp: “Chúng tôi đã phải chiến đấu gian khổ tám năm để đánh bại nước Pháp các ông, mà ông biết là nước ông có những quan hệ cũ ở đây. Bây giờ chế độ Nam Việt Nam được trang bị tốt hơn, lại được Mỹ hỗ trợ. Quân Mỹ mạnh hơn Pháp rất nhiều, dù họ hiểu chúng tôi kém hơn. Vì vậy có lẽ phải mất 10 năm để làm việc đó, nhưng nhân dân anh hùng của chúng tôi ở miền Nam cuối cùng sẽ đánh bại chúng”.
Đầu năm 1967 ông vẫn tin tưởng như vậy khi trò chuyện với Ashmore và Baggs. “Chúng tôi đã chiến đấu cho nền độc lập của mình hơn 25 năm”, ông nói với họ, “và tất nhiên chúng tôi yêu quý hòa bình, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ nền độc lập của mình để đổi lấy hòa bình với Mỹ hay bất cứ ai khác”.
Kết thúc cuộc gặp, ông nắm bàn tay phải lại thành quả đấm và nói xúc động: “Các ngài cần phải biết quyết tâm của chúng tôi. Ngay cả vũ khí nguyên tử của các ngài cũng không thể bắt được chúng tôi đầu hàng sau cuộc đấu tranh lâu dài và mãnh liệt vì nền độc lập của đất nước”.
Ông bình thản khi nói về cái chết của mình. Người ta yêu cầu ông bỏ thuốc lá nhưng ông vẫn hút. “Khi các ngài đến tuổi già như tôi thì chẳng phải lo lắng đến tác hại của thuốc lá nữa”, ông nói.
Bài viết của tác giả Alden Whitman, New York Times, 4/9/1969
Ngân Xuyên (dịch)
Theo hoatdongtuthien.org
Phương Thúy (st).