Đại úy Hồ Thị Thu sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, mẹ là cơ sở nuôi giấu nhiều cán bộ huyện và tỉnh Quảng Đà (cũ). Năm 12 tuổi chị đã làm liên lạc du kích xã Xuyên Phú, huyện Duy Xuyên, sau đó trở thành chiến sĩ Quân giải phóng.
Những năm 1965-1966, quê chị ở thôn 3, Dãn Cường, có một đại đội Mỹ đóng chốt. Có lần Mỹ đốt hết nhà, giết 72 người dân vô tội. Căm thù giặc, có đêm chị bí mật vào đồn vác được 5 khẩu AR15 giao cho du kích. Chị còn lợi dụng sơ hở của địch cùng bạn gái bỏ cát vào nòng 13 khẩu súng trước khi báo cho du kích và bộ đội địa phương tập kích thắng lớn. Đầu tháng 12-1967, ở Nỗng Bà Trình, chị phục kích lính Mỹ đi càn, diệt gần hết cả tốp. Nhưng cũng tại trận này chị bị sức ép nặng, bị mảnh đạn vào đầu được tỉnh đội Quảng Nam cho ra Bắc an dưỡng đầu năm 1968.
Tôi tìm đến số nhà 36 đường Nguyễn Tri Phương, phường Chính Giản, thành phố Đà Nẵng để nghe chị kể về kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ. Đã lớn tuổi rồi nhưng chị vẫn giữ được nét đẹp của thời con gái. Chị nhớ lại:
Một buổi chiều tháng 5, chú Phượng ở Ban thống nhất Trung ương thông báo: “Chiều nay các cháu không đi đâu xa, không ăn cơm tối, ở nhà sẵn sàng…”. Tôi và các bạn nhỏ Võ Phổ, Hồ Ngọc Biên (Quảng Nam), Nguyễn Văn Hòa, Ngô Bê (Thừa Thiên), Đoàn Văn Luyện, Ngô Văn Nết (Quảng Ngãi) và Hồ Văn Mên (Thủ Dầu Một) rất hồi hộp. Mới 3 giờ chiều chúng tôi đã rủ nhau tắm rửa, ăn mặc tươm tất, đội mũ tai bèo lên xe cùng chú Phượng.
Chú Phượng phổ biến nhanh gọn: “Hôm nay Bác Hồ muốn gặp các cháu thiếu nhi dũng sĩ miền Nam”. Chỉ cần nghe đến Bác, là cả bọn mừng rơn, hét lên sung sướng. Đang miên man suy nghĩ thì trước mặt đã thấy ngôi nhà sàn của Bác ẩn dưới hàng cây cổ thụ, đẹp như một bức tranh. Cổng mở, chúng tôi thấy Bác Hồ, Bác Tôn ngồi chờ nơi ghế đá. Cả đoàn không ai bảo ai cùng reo lên: “Bác! Bác!…”, rồi chạy vào ôm hôn hai Bác thật lâu. Cùng tiếp khách hôm ấy có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Tố Hữu và chú Vũ Kỳ. Chú Tố Hữu giới thiệu tên, thành tích từng cháu với Bác. Bác xoa đầu, ôm hôn từng cháu, riêng tôi là con gái được Bác cho ngồi gần cùng Ngô Văn Nết người nhỏ tuổi nhất. Bác hỏi: “Cháu là Thu phải không?” – “Dạ, cháu là Hồ Thị Thu, quê ở Quảng Nam” – “Cháu học lớp mấy rồi?”. Tôi ngập ngừng nói thật: “Thưa Bác nhà cháu nghèo, đông con, cha mất sớm, cháu chưa được đi học”. Tôi ngước nhìn lên thấy Bác rơm rớm nước mắt. Kéo tôi vào lòng, sửa vành mũ tai bèo, Bác nói: “Rồi cháu sẽ được đi học”. Bác mời chúng tôi ăn chiều. Bác ăn rất ít và luôn gắp thức ăn cho từng người trong đoàn. Bác bảo tôi kể chuyện lấy súng Mỹ, dùng mìn tự tạo đánh thắng Mỹ cho Bác nghe, rồi bất chợt Bác hỏi: “Thế còn chuyện cháu phá 13 khẩu súng của Mỹ?”. Tôi không ngờ Bác biết cả chuyện này và tôi kể lại cho Bác nghe. Bác hỏi tiếp: “Đồng bào miền Nam sống chiến đấu thế nào?”. Tôi thưa với Bác: “Bà con quê cháu không sợ hy sinh gian khổ, chỉ sợ một điều”… Bác hỏi dồn: “Điều gì cháu cứ nói”. Tôi mạnh dạn: “Thưa Bác, bà con sợ sau này nước nhà thống nhất không được nhìn thấy Bác”. Bác khóc thực sự, làm cả đoàn xúc động, khóc theo…
Kể đến đây, trên gương mặt chị Thu nước mắt đã giàn giụa. Chị đưa tôi xem hai huy hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, nhiều ảnh chụp với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Thiếu tá Nguyễn Ngọc Anh, chồng chị, cũng là chiến sĩ Quân giải phóng, đưa tôi xem hai cuốn sách “Người tốt, việc tốt” của Bác Hồ tặng chị và cuốn “Bác Hồ với miền Nam, miền Nam với Bác Hồ” đã bạc màu. Anh nói: “Đây là kỷ vật, tài sản quý nhất của vợ chồng mình”.
Gần bốn thập kỷ đã qua, chị Thu chỉ day dứt một điều: Dịp ấy, tháng 5-1969 đang điều trị “Phục hồi trí nhớ” ở Viện 108, Bác Hồ có điện thăm hỏi bệnh tật của chị. Thế mà lúc ấy chị không nhớ được gì để trả lời cho Bác yên tâm. Bốn tháng sau, Bác đã ra đi… Sau này được các bác sĩ kể lại chị cứ ân hận và khóc mãi.
Đỗ Như Thuần
(Tạp chí Sự kiện nhân chứng)