Bác Hồ với đồng bào dân tộc Tây Nguyên

Ngày 19 tháng 4 năm 1946, Hội nghị các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku (Gia Lai). Trên 100 đại biểu dân tộc Tây Nguyên, Nam Trung Bộ đã về dự Hội nghị. Trong Hội nghị này, các đại biểu đã vinh dự đón nhận bức thư viết của Bác Hồ: “Đồng bào Kinh hay Tày, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Ba Na, Xê Đăng hay M’Nông và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng, khổ, no, đói bên nhau…Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”.

Đó là tình cảm cao quý của Người đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, như truyền thêm sức mạnh cho đồng bào vững niềm tin vào Đảng, Bác Hồ, đoàn kết đứng lên làm cách mạng, đánh đuổi quân xâm lược, giữ lấy núi rừng Tây Nguyên.

Cách mạng tháng Tám thành công, bác sĩ Y Ngông được trúng cử vào Quốc hội. Trong buổi đầu tiên Quốc hội ra mắt, bác sĩ Y Ngông được nghe Bác Hồ phát biểu:…“Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của người Kinh và người Thượng”…

Bác sĩ Y Ngông kể: Tôi còn nhớ một chuyện xảy ra năm 1949, giặc Pháp vào một làng Ê Đê ở Đak Lak, chúng đem hai tấm ảnh, một ảnh Đắc-Giăng-Liơ (D’Argenlieu) và một ảnh Hồ Chủ tịch ra hỏi dân làng:

– Ai là Hồ Chí Minh, ai là D’Argenlieu?

– Người gầy gầy là ông Hồ Chí Minh, người mũi lõ là D’Argenlieu.

– Ai tốt, ai xấu?

– Ông Hồ Chí Minh là người tốt, D’Argenlieu là người xấu

– Vì sao ông Hồ Chí Minh tốt?

– Vì người lãnh đạo đánh thực dân phát xít Pháp, phát xít Nhật, đem lại hạnh phúc cho dân tộc chúng tôi. Thực dân Pháp là kẻ thù xâm lược.

Lòng kính yêu Bác Hồ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nhiều như cây trên rừng, cao như núi đá, dài như nước suối. Từng rễ cây rừng cũng muốn uống nước nguồn của Bác Hồ, từng lá cây trên núi cũng muốn đón gió của Bác Hồ.

Anh A Vai, dân tộc Pakô, anh hùng lực lượng vũ trang kể:

– A Vân, một trai làng của dân tộc Pakô, dẫn dân làng đi gặt lúa, tiếp tế cho cách mạng. Mọi người đang gặt thì địch đến càn. A Vân hô lớn báo hiệu cho bà con rút chạy. Anh ở lại đánh lạc hướng và bị địch bắt. Bọn chúng tra khảo anh nhưng anh không hề khai lấy nửa lời. Chúng đánh đập anh rất dã man làm anh ngất đi nhiều lần. Khi tỉnh dậy chúng lấy đinh đóng vào mười đầu ngón tay và mười ngón chân của anh vào cây Tyo. Anh A Vân đau đớn nhưng không hề kêu than lấy một lời. Anh im lặng nhìn thẳng vào mặt quân thù. Cái nhìn im lặng và cặp mắt anh làm cho quân thù khiếp sợ. Trước khi hi sinh A Vân đã gọi A Vóoc Hồ ba lần…

Hôm tôi lên đường ra thăm miền Bắc, các già làng băn khoăn sợ tôi còn trẻ không nói hết tấm lòng của người Pakô với A Voóc Hồ, với Cách mạng và đồng bào miền Bắc ruột thịt, nên các già làng đã căn dặn tôi: “Nếu được gặp A Voóc Hồ, con không biết nói điều gì thì cứ kể chuyện A Vân và cây Tyo kia cho A Vóoc Hồ nghe là đủ, vì đó là tấm lòng của người Pakô chúng ta đối với A Vóoc Hồ.”

Gần đây, chúng tôi về thăm lại vùng căn cứ kháng chiến Buôn Ngô, huyện Kroong Bông, được gặp lại già làng A MaRil là một du kích dũng cảm thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã từng dùng tên tẩm thuốc độc bắn chết nhiều lính Mỹ, đẩy lùi nhiều trận càn của địch, bảo vệ an toàn vùng căn cứ kháng chiến của ta. Gặp lại chúng tôi A MaRil mừng lắm. Sau một ngày leo đèo vượt suối, dẫn chúng tôi vào thăm lại hang đá Buôn Ngô. A MaRil tiếp chúng tôi dưới một mái nhà sàn, bên ché rượu cần và nói:

– Có được cuộc sống ấm no như hôm nay, người dân Buôn Ngô ơn Bác Hồ, ơn Đảng lắm.

Ơn này cao như núi Cư Yang Sing, dài như sông Krông Bông, người Buôn Ngô khắc sâu muôn đời.

Rồi A MaRil lấy ra một gói nhỏ được bọc nhiều lớp vải và giấy, trong đó có một ảnh Bác Hồ và một lá cờ đỏ sao vàng bằng giấy lụa đã bạc màu.

A MaRil nói: Ảnh Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc này là do một cán bộ miền Nam tặng mình hồi mới đánh xong giặc Pháp, tập kết ra miền Bắc. Mình giữ vật quý này gần 50 năm rồi đấy. Trong những năm đánh Mỹ ác liệt, mấy lần buôn làng bị cháy, bọn địch càn đi quét lại nhiều lần, nhưng mình vẫn giữ nó. Hai vật quý này là niềm tin của mình, của Buôn Ngô đối với Bác Hồ, với Cách mạng đó.

Rồi A MaRil kể: “Hồi kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buôn mình có ba người gùi gạo vào rừng cho cách mạng. Trên đường đi họ gặp một toán biệt kích, chúng bắt được 3 người và định đưa ra bắn. Trong nhóm người đó có già làng AMaYa, ông nói với lính ngụy: Trước sau gì bọn mày cũng bắn chúng tao, nhưng trước khi đưa ra bắn, bọn mày cho tao được hát. Thế thôi, AMaYa hát bài Khan Êđe. Cả toán lính ngụy, chủ yếu là người dân tộc, ngồi nghe im phăng phắc theo lời kể khan của AMaYa. Kể xong già làng AMaYa nói: Cán bộ, bộ đội Cụ Hồ là Cách mạng, họ cũng tốt như Đam San, đánh kẻ ác, cứu người nghèo khổ bảo vệ làng buôn. Bọn mày là con em đồng bào, nên quay súng trở về với Cách mạng với Bác Hồ, để được như Đam San diệt kẻ ác cứu đồng bào, buôn làng mình”.

Nghe AMaYa nói vậy, một tên lính đứng lên và nói: “Già làng nói trúng cái bụng chúng mình lắm. Thôi chúng mình đi theo già làng về với Cách mạng, anh em ơi! Thế là cả toán lính ngụy trở về với Cách mạng”.

Kể xong A MaRil cười sảng khoái và nói: “Tình cảm của người dân Buôn Ngô đối với Bác Hồ, đối với Cách mạng là thế đó”.

Cụ Y BilAlêô, dân tộc Êđê, nguyên là Phó Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, được hân hạnh gặp Bác, sau khi Người thăm hỏi ân cần…cụ mạnh dạn thưa chuyện với Bác: “Đồng bào Tây Nguyên còn nghèo lắm, nghèo cả cán bộ nữa, muốn xin Bác cho nhiều cán bộ giỏi ạ”.

Bác cười và nhẹ nhàng hỏi lại:

– Đồng bào ta có nuôi gà không?

– Thưa bác, đồng bào nuôi nhiều gà lắm ạ.

– Đồng bào nuôi nhiều gà như vậy là tốt, lần này gà đẻ năm trứng, lần sau mười trứng, mười trứng rồi nở thành con. Chính những con gà đẻ và nở trong vùng ấy mới thích hợp với hoàn cảnh ở đó…Cứ mỗi năm có một hai cán bộ dân tộc đi làm việc, nhiều năm sẽ có nhiều cán bộ gương mẫu, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân tộc mình…

Cụ Y BilAlêô khẳng định: “Tình cảm của Bác Hồ đối với dân tộc là sức mạnh vô biên, luôn luôn tràn đầy như nước sông Ba và cao như ngọn núi Cư Giang Sin. Chúng tôi nhớ lời Bác Hồ và uống rượu cần thề với nhau sẽ mãi mãi đi theo con đường của Bác vạch ra để giải phóng quê hương”.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tư tưởng của Bác về vấn đề dân tộc vẫn còn im đậm trong trái tim chúng ta, tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào dân tộc Tây Nguyên vẫn sống mãi trong lòng mọi người. Nó đã trở thành niềm tin, sức mạnh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vững bước đi theo con đường của Bác Hồ đã chọn, để bảo vệ và xây dựng Tây Nguyên ngày càng đẹp giàu.

Theo cuốn Hồ Chí Minh – Hiện thân của Văn hóa Hòa bình
Anh Tú (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement