Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông – Phần thứ hai: C

Thực trạng công tác bảo tồn, tôn tạo và tổ chức hoạt động giáo dục, tuyên truyền khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (tiếp theo)

oOo

III. NHỮNG HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Những mặt hạn chế

Những kết quả nổi bậy như đã nêu ở trên là cơ bản, nhưng thực trạng công tác bảo tồn, tôn tạo hiện vật của di tích và hoạt động giáo dục, tuyên truyền phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử – văn hoá của Khu di tích trong thời gian qua còn một số hạn chế sau đây:

Công tác sưu tầm tư liệu, bảo tồn, tôn tạo hiện vật của di tích chưa được chú trọng quan tâm thường xuyên

Hệ thống tư liệu, hiện vật của di tích trải qua 50 năm, là những tài liệu có giá trị to lớn về chính trị, lịch sử và văn hoá. Song thực trạng công tác sưu tầm, bổ sung tư liệu, bảo quản giữ gìn hiện vật ở Khu di tích Đá Công trong thời gian qua còn nhiều bất cập, cụ thể là:

+ Công tác đánh giá, quy hoạch hệ thống tư liệu, hiện vật di tích với tư cách là ngành khoa học bảo tồn, bảo tàng chưa được đặt ra. Thực chất mới thực hiện việc quản lý, kiểm kê, kiểm nghiệm hàng năm.

+ Việc lập hồ sơ, lý lịch các hiện vật của Khu di tích tuy đã có nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ.

+ Công tác sư tầm, bổ sung tư liệu, hiện vật liên quan đến Khu di tích, nhất là thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương sống, làm việc tại Khu di tích còn hạn chế.

+ Công tác bảo tồn, tôn tạo di tích chưa phát huy được nghiên cứu tổng thể và chưa có quy hoạch được cấp trên có thẩm quyền quyết định.

– Công tác giáo dục, tuyên truyền phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử – văn hoá của Khu di tích chưa tương xứng với vị trí, ý nghiã của một di tích đặc biệt.

Công tác đón tiếp, tuyên truyền, phục vụ cán bộ và nhân dân đến thăm quan học tập và tổ chức sinh hoạt chính trị tại Khu di tích được tiến hành hơn 10 năm trở lại đây, do đó nhiều nội dung còn thiếu, cần được bổ sung, hoàn thiện, như:

+ Trước hết là những quy định, quy chế bảo đảm cho công tác đón tiếp, tuyên truyền, vừa không ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị, vừa phục vụ nhân dân tận tình chu đáo; đồng thời đấu tranh phê phán đối với hoạt động me tín, di đoan, lợi dụng Khu di tích về Bác để tuyên truyền xuyên tạc.

+ Công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa của Khu di tích chưa được nhiều. Hầu hết cán bộ và nhân dân đến tham quan Khu di tích đều thông qua giới thiệu của những người đã từng đến tham quan (điều tra xã hội học có 71% số người biết đến Khu di tích do bạn bề, người thân giới thiệu; chỉ có 10% biết đến Khu di tích qua sách, báo).

+ Nội dung giới thiệu về Khu di tích tuy đã được bổ sung, chỉnh lý, nhưng cần tiếp tục được hoàn thiện, nhất là những tư liệu lịch sử quý. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, nhân viên đón tiếp, tuyên truyền hướng dẫn chưa chuyên nghiệp, do đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công tác đón tiếp, tuyên truyền. Khi giới thiệu, hướng dẫn, chưa tạo được sự hấp dẫn, tạo cảm xúc lắng đọng cho người nghe.

+ Quy trình tham quan có điểm chưa thật hợp lý (trong khi có đoàn đang dâng hương tưởng niệm Bác ở tầng 1, nhưng trên tầng 2 của ngôi nhà 2 tầng vẫn tổ chức tham quan, giới thiệu cho khách), các dịch vụ văn hoá phẩm tuyên truyền, giới thiệu về Khu di tích còn ít.

+ Một số hiện vật quý liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương và những hiện vật trong thời gian gìn giữ thi hài Bác tại Khu di tích chưa được giới thiệu, trưng bày.

– Công tác phối hợp hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử – văn hoá của Khu di tích còn hạn chế.

Bộ Tư lệnh đã giao cho Đảng uỷ, Thủ trưởng Đoàn 285 chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đón tiếp tuyên truyền tại Khu di tích. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đoàn 285 cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng uỷ và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh. Đặc biệt là sự phối hợp, hiệp đồng và chỉ đạo của các cơ quan chức năng trong Bộ Tư lệnh. Tuy vậy, thời gian qua, công tác phối hợp hiệp đồng để thực hiện nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền phát huy ý nghĩa của Khu di tích có lúc, có nơi, có thời điểm chưa chặt chẽ. Trong đó có một số nội dung cần được nghiên cứu, bổ sung, cụ thể:

+ Đăng ký các đoàn đến tham quan học tập tại Khu di tích.

+ Nắm yêu cầu, nội dung, hình thức và nhu cầu cụ thể của các đoàn khi vào di tích.

+ Sự phối, kết hợp giữa các cơ quan của Bộ Tư lệnh trong chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá nội dung, hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền của Đoàn 285.

2. Nguyên nhân hạn chế

– Nguyên nhân khách quan

+ Di tích Đá Chông là một căn cứ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương, sau này được sử dụng là nơi giữ gìn thi hài Bác do đó được bảo vệ tuyệt đối an toàn và bí mật. Vì vậy, tài liệu liên quan đến quá trình hình thành Khu di tích và tư liệu về hoạt động của Bác và các đồng chí Trung ương không được ghi chép, lưu giữ. Mặt khác, các nhân chứng lịch sử đều tuổi cao, sức yếu, nhiều đồng chí đã mất. Do đó việc xác minh, sưu tầm tài liệu, hiện vật rất khó khăn.

+ Di tích nằm trong vùng khí hậu, thời tiết thuận lợi cho sự xâm hại của nấm, mốc, côn trùng. Môi trường, khí hậu thường xuyên tác động ảnh hưởng đến chất lượng, kiến trúc, thẩm mỹ các hiện vật. Vì vậy việc bảo quản, giữ gìn các hiện vật gặp nhiều khó khăn.

+ Chủ trương đón tiếp cán bộ và nhân dân đến tham quan khu vực mới được triển khai. Nhiều mặt công tác tổ chức, đón tiếp và các hoạt động giáo dục, tuyên truyền chưa được bổ sung đáp ứng được nguyện vọng và tình cảm của cán bộ và nhân dân đến với Khu di tích.

– Nguyên nhân chủ quan

+ Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng và cán bộ chỉ huy các cấp đối với công tác giáo dục, tuyên truyền phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử – văn hoá của Khu di tích có mặt còn hạn chế.

Nhiệm vụ đón tiếp các đoàn đến tham quan, học tập tại Khu di tích đã được tiến hành đã hơn 10 năm, nhưng đến nay chưa được sơ kết, tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặt khác, sự quan tâm đầu tư con người, phương tiện phục vụ nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Việc đầu tư quy hoạch tổng thể Khu di tích, phân vùng phạm vi khu vực di tích và phạm vi yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.

+ Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ làm nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền tại Khu di tích chưa đáp ứng với vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của Khu di tích.

Tổ chức biên chế chưa lựa chọn được đội ngũ cán bộ, nhân viên phù hợp với nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền; nhất là đội ngũ hướng dẫn viên. Những năm gần đây đã tuyển chọn một số nhân viên nữ tại địa phương (ở các xã liền kề) vào làm nhiệm vụ trong đơn vị, nhưng chưa được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, nên trình độ, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho anh chị em làm công tác đón tiếp, tuyên truyền còn ít về thời gian và nghèo nàn về nội dung. Tổ chức tham quan, rút kinh nghiệm hoạt động của các di tích khác trong phạm vi tỉnh Hà Tây và cả nước còn ít, chưa có hiệu quả thiết thực.

+ Duy trì và thực hiện các quy chế, quy định chưa chặt chẽ, nghiêm túc. Chưa chủ động tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, với các địa phương trong công tác tuyên truyền, quảng bá về Khu di tích.

Để thực hiện tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Khu di tích, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã có những quy định, quy trình tổ chức đón tiếp, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên trong những năm qua, có thời điểm việc duy trì chưa được chặt chẽ, có lúc lại buông lỏng. Những việc làm đó đã tác động đến suy nghĩ, tình cảm của nhân dân khi đến tham quan Khu di tích. Một số đoàn sau khi tham quan xong đã viết thư kiến nghị hoặc phản ánh tình hình về công tác phục vụ, đón tiếp của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ làm nhiệm vụ trong đơn vị.

Trong công tác quảng bá, tuyên truyền về hoạt động Khu di tích chưa thể hiện sự tích cực, chủ động. Nội dung, hình thức tuyên truyền qua sách báo, văn hoá phẩm còn nghèo nàn. Trong suy nghĩ còn lấn cấn, chưa phân biệt rạch ròi tuyên truyền về Khu di tích và yêu cầu nhiệm vụ chính trị, bảo vệ và giữ gìn tuyệt đối an toàn căn cứ dự phòng của công trình Lăng. Chính vì vậy công tác tuyên truyền về Khu di tích còn hạn chế, hiệu quả không cao.

3. Bài học kinh nghiệm

Quá trình trực tiếp quản lý, bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo và tổ chức đón tiếp, tuyên truyền về Khu di tích từ những năm 1975 và nhất là giai đoạn 1995 đến nay, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

Một là, thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ; trực tiếp là Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ trong việc giữ gìn, quản lý, bảo vệ Khu di tích là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đối với nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Tuỳ từng điều kiện, thời gian cụ thể, Trung ương Đảng, Chính phủ có sự chỉ đạo triển khai các hoạt động tại Khu di tích cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.

Khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới thắng lợi; nhu cầu tình cảm, giáo dục truyền thống được quan tâm, đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Khoá VIII đã trực tiếp chỉ đạo đơn vị tổ chức đón tiếp cán bộ và nhân dân vào thăm quan Khu di tích. Đơn vị đã báo cáo Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị. Sau khi có ý kiến chỉ đạo thống nhất từ trên xuống, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã ban hành các quy định, quy chế tổ chức phục vụ nhân dân đến tham quan, tưởng niệm Bác tại Khu di tích một cách an toàn, thuận tiện.

Quá trình tổ chức cho các đoàn đến tham quan, tưởng niệm Bác và tổ chức các sinh hoạt chính trị tại Khu di tích đã xuất hiện tư tưởng của một bộ phận cán bộ các ban, ngành và địa phương muốn đưa Khu di tích trở thành một địa điểm du lịch, kinh doanh đơn thuần như các danh lam thắng cảnh khác. Nắm bắt được tư tưởng trên đây, đơn vị đã báo cáo Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp tục quản lý, giữ gìn, bảo vệ Khu di tích Đá Chông.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, bài học bám sát sự chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng luôn luôn có giá trị đối với các thế hệ cán bộ, công nhân viên và chiến sĩ trong đơn vị.

Hai là, nhạy bén phát hiện tình hình, chủ động tham mưu đề xuất kịp thời với Đảng, Chính phủ, Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc Phòng trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng của Khu di tích.

Phát huy tác dụng của Khu di tích với nhiệm vụ quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thiết bị, công trình phục vụ là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, trực tiếp là Đoàn 285. Tổ chức đón tiếp các đoàn cán bộ và nhân dân tới tham quan, tưởng niệm Bác và sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống bảo đảm chu đáo, thuận tiện. Song công tác bảo vệ an ninh phải tuyệt đối an toàn. Không được gây phiền hà cho nhân dân.

Bằng những quy định, hướng dẫn cụ thể của đơn vị và nhất là thái độ tận tình, chu đáo của cán bộ, nhân viên và chiến sĩ đối với nhân dân đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho mọi người khi về thăm Khu di tích. Hình ảnh bộ đội Cụ Hồ nói chung và hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Lăng Bác và Khu di tích của Người tiếp tục được toả sáng, tạo được niềm tin và sự yêu mến, kính trọng của nhân dân.

Để đảm bảo bí mật và tuyệt đối an toàn cho công trình, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã tham mưu, đề xuất với trên về quy trình tổ chức cho nhân dân vào tham quan Khu di tích.

Mặt khác, quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, để phát huy thế mạnh về vị trí của Khu di tích, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã báo cáo Nhà nước và Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Những công trình, thiết bị kỹ thuật dự phòng; doanh trại, công trình phục vụ nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới, đón tiếp khách và đặc biệt là hệ thống cứu hoả, phòng chống cháy rừng đã được quan tâm và đầu tư xây dựng cơ bản, hiệu quả cao.

Để phát huy thế mạnh về đất đai, đơn vị đã chủ động lập kế hoạch triển khai tăng gia, chăn nuôi, trồng trọt. Những khu rừng mới trồng, vườn cây, vườn rau xanh tốt; đàn bò, đàn lợn và hồ cá… vừa tôn thêm cảnh quan, môi trường quanh Khu di tích, vừa là những sản phẩm trực tiếp đưa vào phục vụ nâng cao đời sống cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Đoàn 285 và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng.

Với ý nghĩa sâu sắc đó, bài học chủ động tham mưu, đề xuất với trên để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, luôn luôn là kinh nghiệm thực tiễn bổ ích cho toàn đơn vị.

Ba là, đoàn kết chặt chẽ với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương và các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn. Tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các cán bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng của Khu di tích.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, trực tiếp là các xã Minh Quang, Ba Trại, Thuần Mỹ huyện Ba Vì và các xã Đồng Luận huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ và các cơ quan, đơn vị đứng chân trong địa bàn đã có công lao to lớn cùng với đơn vị bảo vệ, giữ gìn tuyệt đối an toàn Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông. Vì vậy, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng luôn luôn đặt lên hàng đầu việc xây dựng và duy trì bền vững sự đoàn kết chặt chẽ giữ đơn vị và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương.

Từ năm 1992, huyện Ba Vì và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã ban hành quy định phối hợp bảo vệ tuyệt đối an toàn Khu di tích. Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam – Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Bộ Tư lệnh và huyện uỷ, uỷ ban nhân dân huyện Ba Vì, các xã liền kề thường xuyên tổ chức hội nghị đoàn kết quân dân nhằm củng cố, duy trì mối quan hệ gắn bó giữa đơn vị và địa phương nơi đóng quân.

Đối với các bộ, ngành ở Trung ương, ngoài sự chỉ đạo thường xuyên của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm về vật chất và tinh thần để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Doanh trại, nơi ở, cơ sở hạ tầng và phương tiện làm việc của đơn vị được cải thiện hơn so với trước. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức các đoàn đến tham quan, trồng cây và tặng vật kỷ niệm phục vụ cho công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Khu di tích. Những tình cảm của nhân dân cả nước thực sự là nguồn động viên to lớn đối với cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị.

Đây cũng là bài học trong công tác phối hợp, hiệp đồng có giá trị thực tiễn đối với lãnh đạo, chỉ huy các cấp của đơn vị.

bqllang.gov.vn

Advertisement