Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông – Phần thứ hai: B

Thực trạng công tác bảo tồn, tôn tạo và tổ chức hoạt động giáo dục, tuyên truyền khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (tiếp theo)

oOo

II. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC, TUYÊN TRUYỀN TẠI KHU DI TÍCH

1. Nội dung, hình thức giáo dục tuyên truyền

– Nội dung

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông là một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt. Nội dung giáo dục, tuyên truyền tập trung làm rõ về ý nghĩa lịch sử di tích, hoạt động của Bác và Trung ương tại Khu di tích, những năm tháng giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến tranh ác liệt. Để thực hiện tốt yêu cầu trên, ngay từ khi được trên đồng ý để cán bộ và nhân dân đến tham quan Khu di tích, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh dã chỉ đạo cơ quan ban hành nội dung giới thiệu Khu di tích. Đây là tài liệu làm cơ sở cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và cán bộ, nhân viên làm công tác đón tiếp, tuyên truyền sử dụng làm nội dung giới thiệu về Khu di tích. Tháng 12 năm 2007, quá trình nghiên cứu, nhóm đề tài đã tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh nội dung giới thiệu lần thứ hai. Hiện tại nội dung giới thiệu gồm 5 phần chính:

Phần một, “Vài nét về địa danh Đá Chông – Ba Vì – Hà Tây”;
Phần hai, “Bác Hồ với Khu di tích Đá Chông”;
Phần ba, “Những hiện vật gắn liền với hoạt động của Bác tại Đá Chông”;
Phần bốn, “Nơi giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh”;
Phần năm, “Di tích lịch sử – nơi giáo dục truyền thống”.

Qua điều tra 1.300 người (tỷ lệ 90%) đến tham quan Khu di tích, có 1.170 người cho là nội dung giới thiệu tốt, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của khách đến với Khu di tích.

Tham quan di tích giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Thông qua các sự kiện, hiện vật ở Khu di tích để tuyên truyền, giáo dục cán bộ, nhân dân về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sự nghiệp giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Tổ chức tham quan là công tác giáo dục khoa học. Đến với di tích khách tham quan sẽ được cảm nhận cái đẹp, cái hay một cách trực tiếp – các giác quan chủ yếu là mắt và tai. Người thuyết minh sẽ giảng giải cho họ một cách sinh động rõ ràng. Người xem sẽ tận mắt nhìn thấy và họ sẽ cảm thụ một cách tích cực.

Hướng dẫn khách tham quan tại Khu di tích Đá Chông được tiến hành theo đề cương giới thiệu Khu di tích. Khách tham quan bao gồm nhiều đối tượng khác nhau, nhu cầu ở mức độ khác nhau nên các cơ quan chức năng và Đoàn 285 đã chủ động xây dựng đề cương tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Song điểm đặc thù của khách đến với Khu di tích Đá Chông đó là lòng kính trọng và sự ham hiểu biết về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên nhu cầu nghe giới thiệu chi tiết, tỉ mỉ khá phổ biến.

Hiện nay hoạt động tham quan tại Khu di tích Đá Chông được chia làm hai loại: Tham quan toàn diện và tham quan theo chủ đề. Song cơ bản các đoàn tham quan theo hình thức toàn diện là phổ biến. Cụ thể là khách tham quan được nghe giới thiệu khái quát toàn bộ nội dung di tích: Từ lịch sử hình thành di tích Đá Chông rồi lần lượt tới những giá trị cơ bản của Khu di tích toát lên thông qua các hiện vật (tức là trình bày mối liên quan, quá trình tồn tại và hiện diện của hiện vật đến ngày nay). Bên cạnh hình thức tham quan toàn diện, đội ngũ cán bộ tuyên truyền ở Khu di tích Đá Chông còn tổ chức hướng dẫn tham quan theo chủ đề (tuỳ theo đối tượng và nhu cầu của khách tham quan).

Số lượng khách đến tham quan cũng thay đổi theo từng quý. Hàng năm khách tham quan tập trung vào các tháng 3, 4, 5, 8, 9. Đây là thời gian có nhiều lễ hội (đầu xuân), có những ngày kỷ niệm lịch sử về Bác (ngày sinh, ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Đối tượng khách đến tham quan cũng đa dạng, nhưng hiện nay Khu di tích mới đón tiếp chủ yếu các đoàn đi tham quan tập thể, với đối tượng chủ yếu là cán bộ, bộ đội, thanh niên, cựu chiến binh và hầu hết ở các địa phương miền Bắc (chiếm tỷ lệ hơn 70% khách tham quan). Kể từ năm 1995 đến tháng 6 năm 2007, đã đón tiếp được hơn 400.000 lượt người đến tham quan, học tập tại Khu di tích.

Đặc biệt, do tính chất đặc thù của Khu di tích , hàng năm Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vinh dự được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, các đoàn thể ở Trung ương và địa phương đến tham quan Khu di tích. Vào những dịp họp Quốc hội, hội nghị Trung ương Đảng, Đại hội Đảng toàn quốc, nhiều đồng chí uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội đã đến thăm Khu di tích.

Ngày 07 tháng 01 năm 1998, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Khu di tích, trồng cây lưu niệm và ghi sổ cảm tưởng:

“Hôm nay, ngày 7 tháng 01 năm 1998, lên thăm lại Khu di tích K9, cũng thường gọi là khu Đá Chông, nhìn lên bức tượng khá giống Bác, ngồi lại tại cái bàn trước đây Bác đã họp cùng các anh trong Bộ Chính trị, càng nhớ Bác vô cùng, cảm thấy như ngày nào lên đây làm việc với Bác.

Rõ ràng là Bác sống mãi với non sông,đất nước, với các thế hệ; Bác vẫn lãnh đạo quân và dân ta, dưới ngọn cờ của Bác và của Đảng, thắng lợi tới đỉnh cao mới, thực hiện lý tưởng, cũng là mong muốn tốt bậc của Bác, đưa đất nước ta đến độc lập và thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

Ngày xuân, càng nhớ Bác kính yêu”.
TB: Nhìn Sông Đà, càng nhớ Bác.
Nơi đây thật là sơn thuỷ hữu tình.

Ngày 16 tháng 5 năm 2001, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đến thăm Khu di tích, dự lễ gắn biển nơi giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và trồng cây lưu niệm. Tổng Bí thư đã ghi sổ cảm tưởng:

“Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 111 Ngày sinh của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, tôi vô cùng xúc động được đến thăm Khu di tích Đá Chông, một trong những nơi Bác Hồ đã làm việc và yên nghỉ, xin được thắp nén hương thơm tưởng niệm Bác.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, vững bước vào thế kỷ XXI thoả lòng mong ước của Người.

Tôi cảm ơn toàn thể cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Công binh, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang làm hết sức mình xây dựng, gìn giữ, tôn tạo di sản vô cùng quý giá này cho hôm nay và mãi mãi mai sau”.

Ngoài hình thức tham quan, nghe giới thiệu về Khu di tích là chủ yếu, những năm gần đây, một số hình thức khác cũng được tiến hành và có hiệu quả tốt như: Sinh hoạt chính trị; lễ báo công với Bác; kết hợp tham quan học tập, giao lưu văn nghệ, thể thao… Tất cả những hình thức hoạt động đó đã tạo ra sự hấp dẫn, phong phú của Khu di tích.

2. Quy trình tổ chức hoạt động

Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và quản lý Khu căn cứ dự phòng kết hợp với tổ chức tham quan, học tập, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã thống nhất quy trình tổ chức hoạt động giáo dục, tuyên truyền tại Khu di tích Đá Chông như sau:

– Tất cả các đối tượng khách vào Khu di tích phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh. Cơ quan Văn phòng giúp Bộ Tư lệnh đăng ký và cấp giấy vào Khu di tích cho các tập thể, cá nhân sau khi đã được Bộ Tư lệnh phê duyệt. Đoàn 285 có nhiệm vụ tổ chức đón tiếp, hướng dẫn các đoàn vào tham quan học tập.

– Các đoàn khách của tỉnh Hà Tây, Thành phố Sơn Tây, huyện Ba Vì, các xã và các cơ quan liền kề với đơn vị, Bộ Tư lệnh uỷ quyền cho Thủ trưởng Đoàn 285 đón tiếp, hàng ngày tổng hợp tình hình đón tiếp báo cáo Bộ Tư lệnh (qua Trực chiến Bộ Tư lệnh).

– Để tránh phiền hà cho các đoàn đi tập thể có nguyện vọng vào tham quan Khu di tích nhưng chưa được Bộ Tư lệnh cấp giấy vào tham quan, khi đến cổng Khu di tích, Bộ Tư lệnh uỷ quyền Thủ trưởng Đoàn 285 kiểm tra, nếu đủ điều kiện (đi tập thể, có người phụ trách, hoặc có giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị vào tham quan) thì tổ chức cho các đoàn vào Khu di tích.

Tóm lại, mặc dù yêu cầu bảo vệ tuyệt đối an toàn Khu dự phòng cho công trình Lăng, nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân vào tham quan Khu di tích. Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã có những quy định phù hợp, vừa thuận tiện cho nhân dân, vừa chấp hành tốt quy định bảo vệ (hiện nay chưa cho phép người nước ngoài vào tham quan Khu di tích).

– Về các tuyến tham quan: Để phát huy tác dụng công tác đón tiếp tuyên truyền tại Khu di tích Đá Chông, đơn vị đã hình thành phân tuyến, các điểm tham quan hợp lý theo vòng khép kín. Khách đến tham quan thông thường bắt đầu tập kết từ bãi để xe ô tô lên thẳng nhà sàn, sau đó tham quan khu vực Đá Chông, vòng phía sau nhà sàn tham quan khu vực nhà xe (tham quan xe Zin, xe Páp và xe cứu thương dùng để di chuyển thi hài Bác trong chiến tranh), sau đó tiếp tục tham quan khu vực các hiện vật trưng bày tại ngôi nhà ngang; tiếp đó tham quan nhà kính (nơi giữ gìn thi hài Bác) rồi theo đường xuống khu vực hồ nước trở ra. Tham quan theo tuyến trình tự các điểm như vậy vừa phù hợp với yêu cầu của khách cũng như trình độ, nhu cầu của từng đối tượng, bảo đảm tính khoa học, lôgíc tiết kiệm được thời gian, tiện cho quá trình phục vụ nhưng lại vừa đảm bảo trật tự.

bqllang.gov.vn

Advertisement