Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông – Phần thứ hai: A

Thực trạng công tác bảo tồn, tôn tạo và tổ chức hoạt động giáo dục, tuyên truyền khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông

oOo

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BẢO TỒN, TÔN TẠO CÁC HIỆN VẬT TẠI KHU DI TÍCH

1. Các yếu tố thiên nhiên, xã hội tác động ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, tôn tạo các hiện vật

Đá Chông có, diện tích 234ha chủ yếu là đồi rừng, trong đó có 15ha ao hồ; phía Bắc giáp xã Thuần Mỹ, phía Nam giáp xã Minh Quang, phía Đông giáp xã Ba Trại thuộc huyện Ba Vì, phía Tây bao bọc bởi Sông Đà, vượt qua bên kia sông là xã Đồng Luận thuộc huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ.

Hệ thống giao thông thuỷ bộ từ Đá Chông đi mọi nơi đều thuận tiện “tiến công, thoái thủ, nhanh chóng, bí mật, bất ngờ”. Theo quốc lộ 87 qua Sơn Tây về Hà Nội có thể đi theo đường 32 hoặc đường Láng – Hòa Lạc. Cách Đá Chông gần 1 km là đường đi Ba Chẹ, nối với Quốc lộ số 6 đi Hoà Bình, Lai Châu, Điện Biên. Đường thuỷ ngược Sông Đà lên vùng núi chiến khu hoặc xuôi về đồng bằng Bắc Bộ. Đường không, có một bãi đất bằng phẳng ngay dưới chân đỉnh U Rồng có thể làm sân bay trực thăng.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Đá Chông để làm nơi làm việc, nghỉ ngơi của Bác và Trung ương, hệ thống nhà cửa, đường sá, hầm trú ẩn… được xây dựng và củng cố, bảo đảm an toàn cho Bác và Trung ương.

Trong những năm chiến tranh từ 1969 đến 1975, thi hài Bác được gìn giữ tại Đá Chông. Hệ thống công trình và nhà cửa được tu sửa phục vụ cho nhiệm vụ chính trị: gìn giữ lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ năm 1995 đến nay, Đá Chông là nơi đón tiếp, tuyên truyền phục vụ cán bộ, nhân dân đến tham quan, tưởng niệm Bác. Hàng năm, Khu di tích đều được tu bổ, tôn tạo khang trang hơn.

Toàn thể quần thể Khu di tích được chia thành 4 khu theo thứ tự: A, B, C, D. Những hiện vật lịch sử gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng; những hiện vật liên quan đến sự nghiệp giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tập trung ở Khu A. Các khu khác là vị trí đóng quân bảo đảm phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị hiện nay.

Trải qua những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt và hàng chục năm sau hoà bình, cốt nguyên thuỷ và chất lượng các công trình cơ bản không thay đổi, do vậy, di tích vẫn giữ được nét đặc trưng như khi mới xây dựng.

Các yếu tố tự nhiên

Điều kiện địa hình thuận lợi cho chiến lược quốc phòng an ninh nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng, bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Đá Chông. Mặt khác, điều kiện khí hậu, thời tiết cũng ảnh hưởng rất lớn tới việc bảo quản giữ gìn các hiện vật: độ ẩm cao, nhất là vào mùa mưa, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển làm ảnh hưởng tới hệ thống công trình và hiện vật.

Nhiệt độ hàng năm vào mùa hè có lúc lên đến 41,60C; mùa đông nhiệt độ xuống thấp; mùa xuân độ ẩm lên đến 88%, . Mùa mưa tập trung vào các tháng 6, 7, 8, lượng mưa hàng năm 1682 – 1798mm, có lúc xảy ra giông bão và lốc xoáy. Trong điều kiện như vậy, các vật liệu cấu thành di tích chịu tác động chu kỳ, chuyển từ trạng thái vật lý này sang trạng thái đối cực khác (nóng, lạnh, khô, ẩm, co, nở), các vật liệu như: gỗ, vữa, vôi, ngói…đều rất nhạy cảm với biến động của nhiệt độ và độ ẩm.

Ánh nắng mặt trời thường xuyên tác động đến các công trình một cách chậm chạp và khó nhìn thấy. Sự thay đổi thời tiết giữa ban ngày với ban đêm, giữa mùa nóng với mùa khô, mùa mưa, mùa lạnh đã làm cho các vết nứt trên các hiện vật di tích xuất hiện. Trên mặt ngoài tường của những ngôi nhà xây dựng bằng gạch, đá gây ra hệ số nở khác nhau.

Do tác động của nước mưa, những bộ phận bằng gỗ, bằng sắt đã bị han gỉ, long lở và một số viên gạch đã xuất hiện các vết nứt nhỏ. Những nơi ẩm không có ánh nắng mặt trời chiếu sáng, các loài côn trùng, nấm mốc phát triển. Ở những chỗ sử dụng nhiều vật liệu gỗ, bị đọng nước (như chỗ nối của mái dốc thoải và các tấm ngói, lá lớp trên mái nhà) bị thủng, nước ngấm vào đòn tay hay các bộ phận mái đỡ khác cũng sẽ bị mục hoặc nấm mốc làm cho sức bền và độ chịu lực của các bộ phận yếu dần đi.

Tác động sinh học

Đá Chông nằm trong khu vực có hoạt động mạnh của côn trùng, nấm mốc và đặc biệt là các yếu tố phá hoại các di tích kiến trúc bằng gỗ. Bên cạnh đó việc độ ẩm cao là môi trường cho các nấm mốc xâm thực, phân giải các độc tố trong gỗ, tạo điều kiện cho mối, côn trùng phá hoại. Ngoài mối và nấm còn có các loại cỏ cây dại, rêu là mối nguy cơ ăn mòn sinh học thường xuyên. Các cửa, sàn, lan can gỗ hàng năm đơn vị đã có các đợt diệt mối, côn trùng, sâu bọ nhưng do tốc độ phát triển của chúng quá nhanh dẫn đến một số công trình bị xuống cấp và mục ruỗng như: Nhà hậu cần, khung cửa nhà sàn, ngói, tay đỡ mái nhà… Những hạng mục này năm 2000 đã được tu bổ, và năm 2006 có sự tu sửa lớn đối với khu vục nhà hậu cần, nhà trưng bày hiện vật.

Ảnh hưởng của môi trường đến các loại vật liệu

Gỗ được sử dụng ở các công trình tai Khu di tích chủ yếu là: gỗ lim, lát, dổi, chất lượng gỗ rất tốt, được coi là vật liệu có tính cơ lý cao và có độ bền. Tuy nhiên sau nhiều năm dưới sự tác động của môi trường khắc nghiệt thì sự xâm thực của côn trùng là không tránh khỏi. Những tác động xâm thực của môi trường và sinh học đó gây cho gỗ bị rỗng, thủng phần trong, làm giảm khả năng chịu lực. Các loại sản phẩm đất nung bao gồm: gạch xây, gốm có men hoặc không men, ngói các loại, gạch lát, gạch trang trí các loại, vôi vữa, xi măng, các vật liệu bằng đá tự nhiên, dùng để xây máng, lát nền, xây tường, lan can, trang trí; các vật liệu bằng kim loại như: Đồng, sắt, nhôm… Các vật liệu bằng sứ, kính; các vật liệu có nguồn gốc thực vật và khoáng chất để trang trí như bột màu, nhựa thông… Các loại vật liệu trên đều bị lão hóa, biến chất dưới tác động của môi trường tự nhiên. Sự thoái hóa này ngày càng xảy ra nhanh và mạnh hơn nếu vật liệu xuống cấp, trực tiếp tiếp xúc với thiên nhiên: gạch ngói bị rêu mốc, mùn mục, mất men, bào mòn; kim loại bị han gỉ, gẫy; sơn bị bong tróc, mất màu, tường vôi bị bục rữa.

Quá trình bị huỷ hoại của vật liệu dưới sự tác động của tự nhiên là nguyên nhân chính, ngoài ra còn do ý thức giữ gìn bảo quản và điều kiện khách quan tác động hạn chế việc tôn tạo, bổ sung dẫn đến sự xuống cấp của công trình. Việc nghiên cứu để phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của thiên nhiên cần được tính đến trong biện pháp trùng tu, bảo tồn, nhằm nâng cao chất lượng tuổi thọ của toàn bộ di tích và từng công trình.

Các yếu tố xã hội

Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực Đá Chông tương đối ổn định; nhân dân đa số là thuần nông, trung thành với cách mạng, có trách nhiệm đối với việc bảo vệ Khu di tích. Đó là điều kiện thuận lợi rất lớn trong việc phối hợp bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử của Khu di tích.

Bên cạnh đó còn có những mặt trái đã tác động đó là: Đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn và ý thức trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn Khu di tích chưa cao, do vậy một số người dân chấp hành không nghiêm quy định bảo vệ và giữ gìn Khu di tích (vào khu vực Đá Chông chăn thả trâu bò, chặt cành lấy củi…). Những năm gần đây, ở khu vực Đá Chông cũng đã xuất hiện một số tệ nạn xã hội. Điều này đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn tuyệt đối Khu di tích, phòng chống cháy rừng và giữ gìn trật tự an ninh địa bàn đóng quân của đơn vị.

2. Những hiện vật tại Khu di tích Đá Chông

– Những hiện vật gắn liền với thời kỳ Bác Hồ và Trung ương làm việc tại Đá Chông

Ngôi nhà 2 tầng

Ngôi nhà 2 tầng được thiết kế xây dựng trên một quả đồi cao ở Khu A, phỏng theo kiểu nhà sàn. Nhà này do Cục Doanh trại – Tổng cục Hậu cần thiết kế và thi công. Ngôi nhà được xây vào năm 1959, khánh thành ngày 15 tháng 3 năm 1960 và vẫn thường được gọi với tên quen thuộc là ngôi nhà sàn.

Ngôi nhà 2 tầng được xây dựng theo hình chữ L, bằng gạch, trát vữa và quét ve màu xanh nhạt, với diện tích là 275 m2.

Tầng một của ngôi nhà được bố trí làm phòng họp, trang thiết bị gồm bàn, ghế, quạt trần. Hệ thống cửa được đẩy ra, vào trên ray, bệ cửa dùng làm ghế ngồi khi cần thiết. Tại ngôi nhà này, Bác đã tiếp khách quốc tế và tổ chức họp bàn những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tầng hai gồm 4 phòng: Phòng Bác nghỉ, phòng họp nhỏ và 2 phòng khách. Phòng Bác nghỉ được đặt những đồ dùng đơn giản, quen thuộc. Chiếc đệm cỏ của đồng bào Sơn La tặng Bác; chiếc đèn bàn, tấm thảm len là quà tặng của Trung Quốc. Hai phòng khách được bố trí ngay chính diện ngôi nhà với tiện nghi và đồ dùng giống nhau.

Phía Tây ngôi nhà có căn hầm trú ẩn được xây dựng cùng lúc với xây dựng ngôi nhà 2 tầng. Hầm được đào sâu xuống lòng đất, đề phòng máy bay địch ném bom xuống khu vực.

Ngôi nhà phục vụ

Phía sau ngôi nhà 2 tầng là nhà phục vụ số 1 và số 2. Mỗi nhà có 4 gian, dùng để bố trí nơi nghỉ của bộ phận phục vụ; nhà kho; bếp, phòng ăn và phòng tắm.

Con đường bậc thang chạy từ chân đồi lên ngôi nhà 2 tầng

Con đường này có 81 bậc, được xây bằng gạch. Từng bậc và chiếu nghỉ được rải sỏi cuội. Hai bên đường trồng 2 hàng râm bụt, hiện nay còn một số cây râm bụt được trồng từ những năm đầu.

Vườn cây quanh nhà 2 tầng

Trước sân ngôi nhà 2 tầng trồng 2 cây vải, xung quanh gốc vải bây giờ đã xây lại. Những khi tiếp khách ở đây, buổi trưa Bác kê một chiếc ghế mây và nằm nghỉ bên gốc cây vải bên trái.

Phía trước ngôi nhà, có một khu vườn, Bác cho trồng nhiều loại hoa như: hoa ngâu, nhài, địa lan. Khu vườn này những năm gần đây, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đến thăm Khu di tích đã trồng cây lưu niệm.

Đầu hồi ngôi nhà, Bác cho cải tạo thành 2 vườn nhỏ. Một bên vườn trồng quế, một bên trồng cây ăn quả. Xung quanh Bác cho trồng các cây bưởi, vải. Góc vườn trồng cây ngọc lan.

Hòn non bộ

Mỏm đá tự nhiên nằm chính giữa ngôi nhà 2 tầng. Khi xây dựng nhà, Bác cho xây quây lại, đưa nước vào tạo thành hòn non bộ trang trí cho ngôi nhà, vườn cây và cả khu vực. Những lần tiếp khách tại đây, Bác đều giới thiệu và chụp ảnh với các vị khách quốc tế bên hòn non bộ.

Các mỏm Đá Chông

Từ ngôi nhà 2 tầng xuôi sườn đồi về phía Sông Đà, có 3 mỏm đá chông cụm lại hình tượng như 3 đỉnh núi Ba Vì thu nhỏ. Phía dưới 3 mỏm Đá Chông là những phiến đá to, phẳng. Đây chính là nơi Bác và các đồng chí cùng đi đã ngồi nghỉ, ăn cơm và quyết định lựa chọn Đá Chông làm nơi nghỉ và làm việc của Bác và Trung ương.

Ngôi nhà khách

Ngôi nhà mái ngói 2 tầng là nơi dành cho các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng lên làm việc và nghỉ ngơi. Phía sau ngôi nhà có căn hầm đặt tổng đài điện thoại của Cục Bưu điện Trung ương phục vụ Bác và Trung ương làm việc tại đây.

Sân bay trực thăng

Bãi đất bằng phẳng ngay sát chân đỉnh U Rồng được xây dựng làm sân bay trực thăng. Bác đã đi máy bay trực thăng lên Đá Chông 2 lần (một lần lên khánh thành ngôi nhà 2 tầng và một lần đi cùng với Anh hùng vũ trụ Liên Xô G.M Ti – tốp). Những năm giữ gìn thi hài Bác tại Đá Chông, nhiều lần các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu đã đi máy bay trực thăng lên kiểm tra tình hình khu vực.

– Những hiện vật gắn liền với thời kỳ giữ gìn thi hài Bác tại Đá Chông

Nhà kính và công trình giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh.

Nhà kính và công trình giữ gìn thi hài Bác được cải tạo, thi công vào cuối năm 1969m, ngay sau khi Bộ Chính trị quyết định giữ gìn thi hài Bác tại K9.

Nhà kính gồm 2 tầng với tổng diện tích là 628 m2. Tầng 1 gồm phòng họp, phòng khách và bếp. Tầng 2 có 3 phòng: Phòng sinh hoạt chung và 2 phòng ở của chuyên gia y tế Liên Xô.

Công trình giữ gìn thi hài Bác được xây ốp gạch men trắng, có hệ thống điều hoà thông gió và phòng làm thuốc đặc biệt. Trong phòng đặt hòm kính (do Xưởng 49, Bộ Tư lệnh Công binh thi công). Ngoài phần nổi còn phần ngầm của công trình.

Những chiếc xe tham gia di chuyển thi hài Bác

Xe UAZ cứu thương biển số FH-1468 tham gia di chuyển thi hài Bác từ những buổi đầu. Ngày 2 tháng 9 năm 1969, chiếc xe này do đồng chí Nguyễn Văn Hợp lái đã đưa thi hài Bác từ ngôi nhà 67 – cạnh nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch về Công trình 75A trong Quân y viện 108. Sau đó lại tiếp tục đưa thi hài Bác từ công trình 75A về công trình 75B (Hội trường Ba Đình) để phục vụ Lễ Quốc tang. Tháng 5 năm 2007, bệnh viện Trung ương Quân đội đã thống nhất giao xe cứu thương cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm hiện vật tại Khu di tích Đá Chông.

Xe Zin 157 biển số 470-189 được Tổng cục Kỹ thuật cải tiến máy, bệ gầm, bộ nhíp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khi di chuyển. Trong 6 năm chiến tranh, chiếc xe này đã trực tiếp di chuyển thi hài Bác từ Hà Nội lên K84 cũng như từ K84 về Hà Nội.

Xe Páp lội nước, biển số 31-162 đã đưa thi hài Bác vượt sông an toàn, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác trong những năm chiến tranh.

– Những hiện vật được tôn tạo, xây dựng từ sau năm 1975 đến nay

Nơi tưởng niệm Bác và cầu thang sắt tại ngôi nhà 2 tầng

Thể theo nguyện vọng của cán bộ, nhân dân khi tới thăm quan Khu di tích, ngày 17 tháng 4 năm 1995 (tức ngày 18 tháng 3 năm Ất Hợi), đơn vị đã lập bàn thờ Bác tại ngôi nhà Người đã sống và làm việc. Hai năm sau, ngày 8 tháng 5 năm 1997, đơn vị đã đúc pho tượng bằng đồng và tôn tạo nơi tưởng niệm Bác tại ngôi nhà này.

Năm 1997, để phục vụ cán bộ, nhân dân tham quan tầng 2 của ngôi nhà được thuận lợi, đơn vị đã xây dựng cầu thang sắt ở phía sau ngôi nhà. Khi khách tham quan xong, sẽ theo cầu thang này đi xuống.

Các mỏm Đá Chông

Khu vực 3 mỏm Đá Chông chính là địa điểm mà ngày 23 tháng 2 năm 1958, Bác Hồ và Đoàn cán bộ lên kiểm tra khu vực Đá Chông đã nghỉ trưa ăn cơm tại đây. Ngay dưới vị trí 3 mỏm Đá Chông có một phiến đá tương đối bằng phẳng, còn lại đường đi đến và quanh khu vực rất dốc. Năm 1996, đơn vị đã tiến hành tôn tạo, xây dựng tường bao quanh để tạo nơi bằng phẳng cho mọi người khi đến tham quan Khu di tích.

Hệ thống đường sá

Năm 1986, đơn vị tiến hành kè hồ Khu B, dải nhựa các con đường trong Khu di tích và xây dựng đường phía Tây ngôi nhà 2 tầng tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người đi tham quan toàn bộ Khu di tích.

Ngôi nhà ngói 2 tầng dành cho Trung ương lên làm việc, nghỉ ngơi

Ngôi nhà này từ năm 2001 đã được cải tạo nội ngoại thất làm các phòng nghỉ phục vụ các đoàn khách đến tham quan tại Khu di tích. Bê phải nhà 2 tầng là bể bơi phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới và là nơi dự trữ nước để phòng chống cháy rừng.

Khu huấn luyện, rèn luyện bộ đội

Phía Đông sân bay trực thăng những năm gần đây đã được xây dựng các công trình phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, rèn luyện sức khoẻ cho bộ đội. Công trình gồm 3 ngôi nhà, sân thể thao và bãi vật cản.

Công trình phòng chống cháy rừng

Năm 2006, để đáp ứng yêu cầu phòng chống cháy rừng, đơn vị đã báo cáo và được trên đồng ý cho xây dựng công trình phòng chống cháy rừng tại phía Bắc của Khu di tích. Công trình gồm bể chứa nước, hệ thống đường ống nước và nơi bảo vệ, quan sát, phát hiện phục vụ phòng chống cháy rừng.

3. Kiến trúc công trình và hệ thống kỹ thuật của Khu di tích

Kiến trúc công trình và hệ thống kỹ thuật của Khu di tích gồm nhiều hạng mục khác nhau.

– Công trình kiến trúc của Khu di tích

Các công trình kiến trúc bao gồm: Nền móng, tường, cột, và hệ thống hành lang, kết cấu nền, gạch lát nền; hệ thống mái và các chi tiết trang trí; hệ thống cửa, panô; kết cấu gỗ, thép, trần trang trí; sân vườn, hồ nước, cây cảnh.

Trải qua nhiều năm, các kết cấu vật liệu nói trên đã bị hư hỏng, xuống cấp, dưới sự tác động của thiên nhiên và môi trường. Trong đó, một số hạng mục công trình cần được tiếp tục tôn tạo, hoặc tu sửa lớn.

Hệ thống kết cấu chịu lực của các công trình ở Đá Chông chủ yếu là tường gạch, kiểu thức trang trí rất giản đơn, chủ yếu là phân vị các trụ ốp, gỗ, màu sắc trang trí trên tường là màu xanh, màu vàng, màu đỏ của ngói, màu xanh của cửa, chớp và khung cửa. Cách sử dụng màu đơn giản nhưng màu sắc tổng thể ở di tích rất hài hoà với cảnh quan, môi trường. Ngôi nhà 2 tầng, phòng nghỉ của Bác, nơi họp của các đồng chí Trung ương, nơi đón tiếp khách… được thiết kế phỏng theo nhà sàn ở Phủ chủ tịch. Khu nhà kính và nhà dành cho các đồng chí Trung ương lên làm việc tại Đá Chông cũng được xây dựng từ kiểu dáng, đến chất liệu hài hòa với khung cảnh, địa hình.

– Hệ thống kỹ thuật của Khu di tích

Tình trạng kỹ thuật của các công trình chính trong Khu di tích Đá Chông được đánh giá theo các khu: Khu A bao gồm ngôi nhà sàn Bác và Trung ương làm việc, nhà bộ phận phục vụ, nhà ở của chuyên gia Liên Xô và nơi giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh; nhà ở của lực lượng bảo vệ; hệ thống hầm trú ẩn và sân bay. Khu B, C và D là nơi ở của Đoàn 285 mới được xây dựng từ sau năm 1975. Có thể khái quát như sau:

+ Hệ thống thoát nước

Địa hình ở đây là khu vực đồi cao cho nên hệ thống thoát nước chủ yếu dựa vào tự nhiên (không gây úng ngập), các hướng thoát nước đều chảy xuống ruộng, ao hồ. Trước đây hệ thống thoát nước chỉ có các hố ga, mương thoát nước chủ yếu được xếp bằng đá, năm 1996 mới được xây dựng thành hệ thống thoát nước kiên cố.

Hệ thống điện chiếu sáng

Hệ thống chiếu sáng ngoài trời: Do yêu cầu tính đặc thù của di tích cho nên hệ thống chiếu sáng ở đây đơn giản, cũ, khả năng chiếu sáng thấp (trước năm 1970 phải dùng máy phát điện; sau năm 1970 mới có điện lưới; năm 1990 mới làm hệ thống dây trần cột dẫn từ trạm biến áp đi các khu). Hệ thống chiếu sáng trước kia bóng đèn chủ yếu là sợi đốt tròn, công suất từ 60w đến 110w, có chao sắt che phía trên, về sau (kể từ khi tổ chức các hoạt động tham quan học tập) bổ sung thêm hệ thống đèn chiếu sáng – đèn nấm ngoài trời khá đẹp và tốt.

Hệ thống chiếu sáng trong nhà: Nguồn cấp điện lấy từ điện lưới sinh hoạt tiêu dùng được kéo vào tủ điện tổng của Đoàn 285, phân ra từng khu bằng các đường dây con, được cải tạo lắp đặt thiết bị bảo vệ (Aptomat). Các phụ tải trong nhà không được phân pha đều trong quá trình cải tạo, sửa chữa. Hệ thống dây dẫn trong các nhà dẫn đến các thiết bị phụ tải (đài, quạt, ổ cắm, máy điều hòa) luồn qua ống ghen đặt nối và được đi ngầm trên trần, tường…

Chiếu sáng nhà sàn, nhà kính chủ yếu là đèn neon. Đèn tròn sợi đốt (có chao) được bố trí xen kẽ chủ yếu ở Phòng khách số 1, 2; sân, vườn trong sảnh và hành lang. Các đèn này được gắn trên tường và trần nhà.

4. Thực trạng công tác bảo tồn, tôn tạo, trưng bày các hiện vật, di tích

– Công tác thống kê

Việc thống kê các hiện vật của di tích đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Khi thực hiện đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo phát huy tác dụng Khu di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông”, nhóm nghiên cứu đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm xác minh chuẩn xác các sự kiện lịch sử diễn ra tại Khu di tích. Trên cơ sở đó, trực tiếp cùng Đoàn 285 tiến hành thống kê các hiện vật, thiết lập mẫu quản lý để nắm chắc hồ sơ, lý lịch hiện vật của Khu di tích. Qua thống kê hiện có: 05 ngôi nhà; 01 công trình đặc biệt; 02 hầm trú ẩn; 01 sân bay trực thăng; 03 xe ô tô; ngoài ra còn hàng trăm hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong Khu di tích.

– Thực trạng trưng bày, bảo quản, tôn tạo

– Trưng bày các hiện vật

Những năm qua Khu di tích Đá Chông đã chú trọng đến công tác trưng bày các hiện vật, có tổ chức, có chọn lọc, phù hợp với nội dung tuyên truyền, giúp người xem nhận thức được một cách khoa học về lịch sử, tự nhiên và xã hội, giúp họ hình dung được những sự kiện lịch sử tại Đá Chông. Điểm nổi bật ở đây là đã kết hợp chặt chẽ giữa nội dung tuyên truyền và giải pháp mỹ thuật với việc tận dụng cảnh quan môi trường, các trang thiết bị kỹ thuật, tài liệu… (mỹ thuật, không gian văn hoá tại thực địa cơ bản còn nguyên hiện trạng) cung cấp được nhiều lượng thông tin từ các hiện vật ở di tích.

Hầu hết khách đến tham quan Khu di tích Đá Chông và các nhà chuyên môn đều có chung ý kiến: Trưng bày ở Đá Chông vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính khoa học và nghệ thuật. Cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ công tác tại Khu di tích Đá Chông đã có quá trình lao động nghiêm túc, kỷ luật với lòng tôn kính và biết ơn Bác vô hạn, có am hiểu nhất định về bảo quản di tích và những vấn đề có liên quan khác. Đồng thời am hiểu về lịch sử và nghệ thuật trưng bày. Khi tổ chức trưng bày các hiện vật, đã gắn với các sự kiện, thời gian, các giai đoạn lịch sử. Từ hiện vật tĩnh (nhà cửa, đồ dùng…) đến hiện vật sinh hoạt đời thường như: bát đĩa, vỏ chăn hoa, gối bông, ga trải giường, chăn len, thảm Trung Quốc, khăn lót gối ở phòng ngủ và làm việc của Bác Hồ…; hiện vật liên quan đến nhiều người như: chậu hoa rửa mặt của Trung Quốc, phích đựng nước đá loại 5 lít, sọt đựng rác, gạt tàn thuốc lá… Các hiện vật dùng cho cá nhân như: súng săn của cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tặng, giá khăn mặt, ấm chén; các hiện vật liên quan đến công tác bảo vệ giữ gìn thi hài Bác như xe Páp, xe Zin ba cầu 157, xe cứu thương… tất cả các hiện vật đó đã được trưng bày và bố trí sắp xếp khoa học, bảo đảm tính thẩm mỹ, tính lịch sử và hiện thực, giúp người tham quan hình dung được quá trình lịch sử diễn biến Khu di tích Đá Chông.

+ Bảo quản tu sửa, tôn tạo các di tích hiện vật

Hàng năm Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng nghiên cứu ban hành và bổ sung những quy định về việc bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị văn hoá chính trị Khu di tích Đá Chông. Năm 1992 Huyện uỷ Ba Vì đã có Nghị quyết số 21 về việc phối kết hợp các lực lượng của Huyện Ba Vì với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt là 3 xã Minh Quang, Ba Trại, Thuần Mỹ với Đoàn 285 trong việc bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo và phát huy tác dụng Khu di tích Đá Chông. Cùng với các hoạt động phối hợp thường xuyên của Đoàn 285, vào dịp 22 tháng 12 hàng năm Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền, đoàn thể Huyện Ba Vì – Hà Tây tổ chức hội nghị đoàn kết quân dân, đánh giá những mặt mạnh, yếu, bàn, đề xuất chủ trương, biện pháp thiết thực hữu hiệu để bảo vệ và phát huy giá trị Khu di tích Đá Chông, góp phần bảo vệ tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bảo quản tu sửa, tôn tạo các di tích, hiện vật.

Từ những năm 1990, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đầu tư đáng kể cho việc tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới một số hạng mục công trình. Năm 1994 trùng tu ngôi nhà 2 tầng (nhà sàn): đảo lại ngói, sơn lại tường, cửa. Ngày 17 tháng 4 năm 1994 đặt bàn thờ, phục vụ khách tham quan dâng hương tưởng niệm Bác; làm bổ sung cầu thang sắt sau ngôi nhà phục vụ khách tham quan đi lại thuận lợi; tu sửa lại căn hầm trú ẩn, bể nước và hòn non bộ; quy hoạch lại và trồng bổ sung vườn cây phía trước và bên trái nhà 2 tầng. Năm 1996 tôn tạo lại khu vực các mỏm Đá Chông – nơi Bác Hồ và các đồng chí trong đoàn nghỉ ăn cơm trưa ngày 23 tháng 2 năm 1958. Những năm tiếp theo, xây dựng nhà xe và trưng bày các xe PAP, xe ZIN 157 và xe cứu thương gắn liền với việc di chuyển thi hài Bác trong những năm chiến tranh ác liệt. Khu nhà nghỉ dành cho các đồng chí Trung ương khi lên làm việc, căn hầm đặt tổng đài điện thoại của Cục Bưu điện Trung ương phục vụ Bác Hồ và các đồng chí Trung ương làm việc tại K9 cũng được tu bổ, tôn tạo khang trang. Cạnh sân bay trực thăng là khu huấn luyện, thể thao, công trình cứu hoả được đầu tư xây dựng cơ bản, vững chắc, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, rèn luyện sức khoẻ bộ đội và phòng chống cháy rừng. Hệ thống đường sá ở Khu di tích cũng được cải tạo nâng cấp từ mặt đường cấp phối, nay đã được rải nhựa, bê tông. Đoạn đường vào Khu A, Khu B hai bên trồng những hàng cây chò thẳng tắp làm tôn vẻ đẹp của con đường và Khu di tích. Nhìn chung, các đợt tu bổ, tôn tạo đều theo đúng nguyên tắc tu sửa di tích, cố gắng giữ được cơ bản hiện trạng ban đầu.

bqllang.gov.vn

Advertisement