Giải pháp chủ yếu nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng khu di tích lịch sử chủ tịch hồ chí minh tại đá chông (tiếp theo)
oOo
III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY TÁC DỤNG KHU DI TÍCH
1. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo tồn, tôn tạo và đón tiếp, tuyên truyền
– Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ với nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng Khu di tích
Hiện nay, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng Khu di tích Đá Chông là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một trong những nhiệm vụ chính trị của Đoàn 285. Do vậy, Thường vụ, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện toàn diện các nhiệm vụ của Đoàn 285. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan thường xuyên hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ Đoàn 285 hoàn thành tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các hiện vật và thực hiện tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền nhân dân đến tưởng niệm Bác và tham quan Khu di tích. Bộ Tư lệnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị như sau:
+ Phòng Tham mưu chỉ đạo việc xây dựng tổ chức lực lượng hợp lý; huấn luyện, rèn luyện bộ đội về quân sự, nghi lễ, công tác bảo vệ an ninh địa bàn.
+ Phòng Chính trị chỉ đạo công tác bồi dưỡng, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, bảo vệ chính trị nội bộ trong sạch, xây dựng mối đoàn kết quân dân gắn bó; sưu tầm, làm rõ các tài liệu, sự kiện về Khu di tích.
+ Phòng Hậu cần chỉ đạo việc trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, tăng gia sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả; quan tâm nơi ăn ở, sinh hoạt và bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ.
+ Phòng Kỹ thuật chỉ đạo về công tác bảo quản, tu sửa các hiện vật, sử dụng, vận hành các thiết bị kỹ thuật, xây dựng các công trình liên quan.
+ Cơ quan Văn Phòng tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đón tiếp, tuyên truyền; tiếp nhận và thông báo, trao đổi với Đoàn 285 về các lực lượng đến Khu di tích.
+ Đoàn 275 và các cơ quan, đơn vị có lực lượng tham gia huấn luyện, thi công công trình ở khu vực phải tăng cường giáo dục cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ về ý thức, trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn Khu di tích.
+ Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và môi trường phối hợp với Đoàn 285 trồng, chăm sóc cây, đầu tư các dự án về tăng gia sản xuất, bảo vệ rừng.
Đối với Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 285 luôn quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, vừa chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức đơn vị làm tốt công tác bảo vệ, giữ gìn tuyệt đối an toàn Khu di tích và thực hiện tận tình, chu đáo nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền nhân dân đến tưởng niệm Bác, sinh hoạt chính trị và tham quan khu vực.
Thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và công tác chỉ đạo, hướng dẫn giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện, mỗi nội dung công việc luôn có sự biến động và các yếu tố phức tạp nảy sinh (bảo đảm an ninh, phòng chống cháy rừng, xử lý các tình huống…), do vậy lãnh đạo, chỉ huy Đoàn 285 phải thường xuyên quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, tích cực chủ động triển khai hoàn thành toàn diện các nội dung công việc theo kế hoạch. Những nội dung đột xuất, phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải chấp hành chế độ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo trước khi tiến hành. Riêng những nhiệm vụ, tình huống khẩn trương, yêu cầu nhanh chóng xử lý, sau đó tổng hợp báo cáo kết quả để tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Thường vụ, Bộ Tư lệnh.
Trước hết phải coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị nhận thức sâu sắc về niềm vinh dự tự hào gắn với trách nhiệm được Đảng, Nhà nước, Quân đội tin tưởng giao thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn Khu di tích là góp phần quan trọng vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Làm tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền là góp phần quan trọng vào việc phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử – văn hoá của Khu di tích Đá Chông.
Giáo dục để cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ nhận thức đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung công việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy ý nghĩa lịch sử – văn hoá của Khu di tích. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng trong đơn vị, giữa đơn vị với địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Tổ chức phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, hợp lý cho các ban, đội, các lực lượng trong Đoàn tham gia thực hiện công tác giữ gìn, bảo quản hiện vật và công tác đón tiếp tuyên truyền. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, triển khai thực hiện các nội dung công việc. Quan tâm bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên chiến sĩ; chăm lo chính sách hậu phương quân đội, ổn định nơi ăn, ở của các đồng chí gắn bó lâu dài với đơn vị.
Trong từng bộ phận, nhất là bộ phận trực tiếp đón tiếp, tuyên truyền phải xác định rõ đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, đòi hỏi sự công phu, tỷ mỷ, thận trọng, chu đáo trong sưu tầm, xác minh làm rõ các sự kiện quan trọng, trong giữ gìn, bảo quản các hiện vật quý giá và tận tình, chu đáo trong công tác đón tiếp, tuyên truyền. Mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trực tiếp làm công tác bảo quản, giữ gìn hiện vật di tích phải luôn yên tâm với nhiệm vụ, yêu nghề, say mê tìm hiểu, học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn.
Định kỳ, hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác bảo quản, giữ gìn các hiện vật và đón tiếp, tuyên truyền tại Khu di tích. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ. Gắn kết quả công tác bảo quản hiện vật, đón tiếp, tuyên truyền với việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sĩ.
Đồng thời với quá trình giáo dục về tình cảm, trách nhiệm của mỗi bộ phận, mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ với công việc, cần đấu tranh chống các tư tưởng lệch lạc, đơn giản, chủ quan, cho rằng: Nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo Khu di tích là nhiệm vụ của những nhà chuyên môn khoa học, đơn vị không có chức năng, nhiệm vụ trong công việc này; hay tư tưởng đơn giản, chủ quan trong công tác đón tiếp, tuyên truyền…
– Nghiên cứu đề xuất báo cáo kiện toàn tổ chức lực lượng tại Khu di tích hợp lý.
Đoàn 285 là đơn vị cơ sở thuộc Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nhiệm vụ bảo đảm tuyệt đối an toàn Khu di tích; tổ chức tăng gia sản xuất tập trung của đơn vị; trồng, chăm sóc, phòng chống cháy rừng và đón tiếp tuyên truyền phục vụ nhân dân đến tưởng niệm Bác Hồ và tham quan Khu di tích.
Để bảo đảm hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, Đoàn 285 được tổ chức biên chế và phân công nhiệm vụ như hiện nay là phù hợp, cân đối. Tuy nhiên, do yêu cầu công tác bảo tồn, tôn tạo các hiện vật và mở rộng công tác đón tiếp, tuyên truyền. Cần điều chỉnh, tăng cường lực lượng và bố trí nơi ăn, ở cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
– Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Những cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ làm công tác bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn các hiện vật và tổ chức đón tiếp, tuyên truyền có vai trò rất quan trọng, trực tiếp tuyên truyền giới thiệu các sự kiện, hiện vật nhằm phát huy ý nghĩa của Khu di tích.
Thời gian qua, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Đoàn 285 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn, bảo quản các hiện vật. Tổ chức tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền, giới thiệu để nhân dân hiểu rõ ý nghĩa chính trị, lịch sử – văn hoá của Khu di tích Đá Chông. Song, thời gian tới phát triển thêm nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo Khu di tích và yêu cầu nhiệm vụ công tác đón tiếp, tuyên truyền ngày càng cao; một số cán bộ có kinh nghiệm chuyển công tác, hoặc nghỉ hưu. Chính vì vậy đơn vị cần quan tâm bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
+ Nội dung bồi dưỡng phải toàn diện, nhưng tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ công tác bảo quản, giữ gìn hiện vật và công tác đón tiếp, tuyên truyền.
Công tác bảo quản, giữ gìn các hiện vật yêu cầu rất cụ thể, tỷ mỷ. Do vậy cần bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ nắm vững những kiến thức về quản lý, giữ gìn, lưu giữ các hiện vật, bảo đảm: Hiện vật phải được quản lý đầy đủ chặt chẽ, khoa học, giữ gìn nguyên vẹn, lâu dài, tránh xuống cấp, đổ vỡ, sai lệch…; phương pháp bảo quản, lau chùi, kiểm kê, điểm nghiệm các hiện vật và cách thức trưng bày, tuyên truyền, giới thiệu các hiện vật truyền thống.
Cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trực tiếp làm công tác đón tiếp, tuyên truyền đòi hỏi phải có bản lĩnh vững vàng, kiến thức toàn diện và phương pháp, nghệ thuật tuyên truyền hấp dẫn, cuốn hút người nghe, muốn vậy phải tập trung bồi dưỡng các nội dung sau:
Tổ chức nghiên cứu, học tập về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mọi người phải nhận thức sâu sắc rằng: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và nhân loại; luôn có ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, vượt qua mọi thử thách, khó khăn để đạt mục đích cách mạng; tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, kính trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, hết mực vì con người; là tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là nhà chính trị kiệt xuất, nhà văn hoá lớn và là nhà quân sự thiên tài.
Tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về sự nghiệp giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác, nhất là những năm chiến tranh chống Mỹ vô cùng ác liệt, khó khăn, gian khổ, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 đã kề vai, sát cánh với chuyên gia y tế Liên Xô để vượt qua. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh và biết ơn công lao trời biển của Hồ Chủ tịch đối với nước với dân. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài an toàn thi hài Bác, để các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế đến viếng Người, thể hiện quyết tâm mãi mãi đi theo con đường độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Người đã lựa chọn. Thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà Người đã hằng mong đợi.
Bồi dưỡng kiến thức toàn diện về truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc, của quân đội, trực tiếp là truyền thống của địa phương. Khu vực Sơn Tây, Ba Vì, Hà Tây là nơi “Địa linh nhân kiệt” (Đất thiêng sinh người tài), người làm công tác đón tiếp tuyên truyền cần tìm hiểu sâu lịch sử truyền thống dân tộc; truyền thống quân đội, truyền thống của địa phương. Hiểu rõ quá trình hình thành, phát triển Khu di tích Đá Chông. Sưu tầm những tư liệu, tài liệu của địa phương, trong nhân dân truyền miệng về Khu di tích này. Nắm vững các lực lượng quân đội, địa phương đã tham gia xây dựng, bảo vệ Khu di tích. Hiểu được vị trí chiến lược về quân sự, thuận lợi về giao thông đường không, đường thủy, đường bộ của Khu di tích. Nắm vững mối liên hệ mật thiết giữa di tích Đá Chông với các khu di tích, các khu du lịch trong khu vực… và phong tục, tập quán văn hóa của địa phương.
Học tập nghiệp vụ lễ tân, đón tiếp khách văn minh, lịch sử, tận tình chu đáo, để lại ấn tượng sâu sắc cho nhân dân mỗi khi đến tham quan, tưởng niệm và tổ chức các hoạt động tại Khu di tích. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Đoàn 285 cũng như bộ phận trực tiếp làm công tác đón tiếp tuyên truyền phần lớn còn trẻ, chưa được đào tạo cơ bản, kinh nghiệm còn hạn chế. Do vậy để công tác đón tiếp tuyên truyền mang lại hiệu quả thiết thực cần tập trung bồi dưỡng về nghiệp vụ lễ tân.
Mỗi người dân thuộc mọi lứa tuổi, mọi thành phần, mọi địa phương đến với Khu di tích đều xuất phát từ tình cảm kính yêu Bác Hồ, muốn tìm hiểu, học tập cuộc đời thanh tao, giản dị của Bác. Do vậy người làm công tác đón tiếp, tuyên truyền phải thật sự gần gũi, tôn trọng, kính trọng khách, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực sự có những phút giây thoải mái, linh thiêng khi đến với Khu di tích của Người.
Bồi dưỡng, giáo dục về tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận rõ âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, kịp thời phát hiện và làm thất bại mọi ý đồ đen tối của các thế lực thù địch đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; làm tốt công tác bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhân dân khi đến tham quan, tưởng niệm tại Khu di tích. Chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch không từ thủ đoạn nào hòng vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân, chia rẽ Đảng với dân, chia rẽ quân đội với nhân dân… Trong tình hình đó, người làm công tác đón tiếp, tuyên truyền cũng phải hết sức cảnh giác, phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Trước tình hình tiêu cực hiện nay và các tệ nạn xã hội xảy ra ở mọi địa điểm. Những khu di tích, nơi du lịch tập trung đông người là mảnh đất màu mỡ cho bọn trộm cắp cờ bạc, hành nghề mê tín dị đoan hòng lừa bịp khách. Do vậy, đơn vị và những người làm công tác đón tiếp, tuyên truyền phải nắm vững an ninh địa bàn, cảnh giác phát hiện các thủ đoạn lừa bịp khách đến tham quan; chủ động phối hợp với các lực lượng bảo đảm an ninh ở địa phương để xử lý các trường hợp vi phạm.
+ Phương pháp bồi dưỡng là kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị tổ chức và từng cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ tự giác nghiên cứu, học tập, tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình công tác.
Đơn vị phải có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng chặt chẽ, khoa học. Thực hiện phương châm: Lấy bồi dưỡng tại đơn vị là chính, thông qua thực tiễn, thông qua công việc hàng ngày để tự bồi dưỡng lẫn nhau, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, cán bộ bồi dưỡng nhân viên, chiến sĩ; động viên những người đi trước truyền thụ kinh nghiệm để dìu dắt các thế hệ tiếp theo. Tổ chức mời các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về bảo tàng, di tích, các báo cáo viên về tư tưởng Hồ Chí Minh đến giúp đỡ, nói chuyện với cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ. Tổ chức tham quan, học tập các di tích lịch sử, văn hoá trong khu vực. Lựa chọn cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có phẩm chất, có triển vọng đi đào tạo chuyên ngành, hoặc bổ túc tại các trường về công tác bảo tồn, tôn tạo các hiện vật và đón tiếp, tuyên truyền. Hàng năm tổ chức hội thi về công tác bảo tồn, tôn tạo và đón tiếp, tuyên truyền để động viên khích lệ kịp thời.
Khuyến khích, động viên mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ tích cực, chủ động tự học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ nghiệp vụ công tác bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn các hiện vật cũng như công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Khu di tích. Tích cực giúp đỡ, ủng hộ, tạo điều kiện về thời gian, bố trí lực lượng hợp lý để mọi người có điều kiện được học tập. Quan tâm động viên khen thưởng những bộ phận, cá nhân có kết quả học tập tốt. Đồng thời kiểm tra, nhắc nhở, phê bình những trường hợp bảo thủ, chậm tiến, lười học tập, rèn luyện.
– Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo các hiện vật và tổ chức đón tiếp, tuyên truyền tại Khu di tích
Nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo, sưu tầm các hiện vật gốc tại Khu di tích qua nửa thế kỷ rất công phu, tỷ mỷ, trong điều kiện môi trường gặp nhiều khó khăn, phức tạp và công tác đón tiếp, tuyên truyền phải thường xuyên cải tiến, đổi mới nên cần có sự quan đầu tư về cơ sở vật chất và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Trước hết, đơn vị cần quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ đón tiếp nhân dân. Hiện nay hệ thống đường giao thông, đường đi lại trong Khu di tích, khu nhà chờ, bãi đỗ xe, nơi nhân dân nghỉ khi mưa nắng đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên cần quan tâm đầu tư về các trang thiết bị: Bản đồ, sơ đồ; biển báo chỉ dẫn đường đi để mọi người đi tham quan được thuận lợi.
Để phục vụ quá trình giới thiệu các hiện vật, cần gắn các biển tên đồ vật, cây trồng cho thống nhất. Những đồ vật mới bổ sung, hoặc mới tu sửa, tôn tạo như: Bàn thờ Bác, cầu thang sắt, thềm lên hiên ngôi nhà 2 tầng, máy điều hoà ở phòng Bác nghỉ… cần chú thích rõ thời gian, nguồn gốc để dễ phân biệt với hiện vật gốc.
Do yêu cầu công tác giữ gìn, bảo quản các hiện vật, nên đầu tư các phương tiện, hoá chất nhằm bảo quản, giữ gìn các hiện vật làm bằng vật liệu: gỗ, sắt, thủy tinh, sứ, vải, len dạ… chống xuống cấp.
Vườn cây Bác trồng, các vị khách quốc tế (Bà Đặng Dĩnh Siêu, Anh hùng vũ trụ G.M Ti-tốp trồng) và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trồng cần đầu tư chăm sóc để phát triển xanh tốt.
Đồng thời, từng bước nghiên cứu, đầu tư về các trang thiết bị, ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ công tác tuyên truyền. Ở những nơi chủ yếu như: Bãi đỗ xe, nhà chờ có hệ thống loa để hướng dẫn khách tham quan và cùng với các khu vực nhà 2 tầng, nhà kính bố trí hệ thống camera quan sát các hoạt động của nhân dân, vừa phục vụ công tác đón tiếp, tuyên truyền, vừa đảm bảo an ninh khu vực.
2. Tiếp tục sưu tầm, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khoa học về Khu di tích để có cơ sở bảo tồn, tôn tạo và tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục
Khu di tích Đá Chông là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc, quốc tế và sự nghiệp giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Do vậy phải lập hồ sơ khoa học để phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm, tìm hiểu cũng như bảo quản Khu di tích lâu dài.
– Trước hết phải sưu tầm, tập hợp các tài liệu có liên quan tới di tích
Đây là việc làm lâu dài, thường xuyên, song giai đoạn đầu cần sưu tầm tất cả các tài liệu gắn với quá trình hình thành và phát triển của Khu di tích qua các thời kỳ trước năm 1945, từ năm 1945-1957, từ năm 1957-1969, từ năm 1969-1975 và từ năm 1975-2007. Mỗi thời kỳ phải làm rõ được tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị quản lý; những sự kiện nổi bật diễn ra trong từng thời kỳ và ý nghĩa lịch sử, văn hoá; mối quan hệ với địa phương như thế nào?
Những tư liệu, tài liệu về các thời kỳ của Khu di tích hiện nay lưu giữ chủ yếu ở Bảo tàng Hồ Chí Minh và một số cơ quan lưu trữ của Trung ương, Hà Tây và quân đội. Giai đoạn sau 1975 đã có một số phương tiện thông tin đại chúng: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội, Báo Tiền phong, Đài Truyền hình Hà Nội, Hà Tây… đưa tin, bài về các hoạt động tại Khu di tích. Những tư liệu, tài liệu này cần được sưu tầm, tập hợp, thống kê khoa học, giữ gìn cẩn thận để phục vụ công tác nghiên cứu, tra cứu cũng như tiếp tục sưu tầm bổ sung sau này.
Tên của khu di tích cũng cần được thống nhất, bởi vì qua các thời kỳ tên gọi của khu di tích có sự khác nhau. Thời kỳ Pháp thuộc (trước năm 1945) là đồn điền Satupô; trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) là khu căn cứ kháng chiến “Ba Vì” của tỉnh Sơn Tây; thời gian xây dựng (1959-1960) được mang mật danh công trường V; thời kỳ Bác và Trung ương làm việc ở đây (1960-1969) được gọi là “Khu căn cứ K9”; từ những năm giữ gìn thi hài Bác (1969) đến nay mang mật danh K84. Do vậy, cần thống nhất tên đầy đủ là “Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Tây”; có thể gọi tắt là “Khu di tích Đá Chông”.
Trong lý lịch di tích cần xác định rõ điểm phân bố của Khu di tích, xác định rõ những lần Bác Hồ đến Đá Chông và những sự kiện diễn ra tại đây.
Ngoài ra cần làm rõ nội dung lịch sử, loại di tích, khảo tả di tích, các hiện vật trong di tích, giá trị lịch sử, tình trạng bảo quản, phương án bảo vệ, sử dụng di tích.
– Chụp ảnh các hiện vật, nhân chứng và ghi chép lời kể của nhân chứng từng thời kỳ
Do yêu cầu công tác bảo đảm bí mật nên việc ghi chép, lưu giữ các tài liệu liên quan đến các sự kiện, hiện vật tại Khu di tích rất hạn chế. Hiện nay, những hồi ức, kỷ niệm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp gắn bó với Khu di tích có ý nghĩa, giá trị thực tiễn. Do vậy phải thống kê, lập danh sách các nhân chứng qua 2 thời kỳ Bác Hồ, Trung ương làm việc tại Đá Chông (1957-1969) và thời kỳ giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh (1969-1975) để tiến hành chụp ảnh nhân chứng; ghi lời kể của nhân chứng và xin chữ ký, dấu xác nhận của chính quyền địa phương hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Kết hợp với ghi chép lời kể nhân chứng cần tiến hành ghi âm giọng nói nhân chứng để sau này so sánh chứng thực nội dung kể chuyện của nhân chứng. Do thời gian lâu, tuổi tác, trí nhớ, sức khỏe của nhân chứng bị giảm sút… nên đơn vị phải tổ chức tọa đàm, hội thảo để giám định lời kể của nhân chứng, tạo sự thống nhất về mỗi sự kiện, hiện vật tại Khu di tích Đá Chông.
Những nội dung cần Hội thảo thống nhất một số sự kiện, hiện vật gắn với các thời kỳ. Cụ thể thời kỳ 1957-1969 cần làm rõ: thời điểm đầu tiên Bác Hồ đến với Đá Chông và sau đó Bác đến mấy lần, thời gian, nội dung từng lần và có những ai đi cùng với Bác; xác định rõ các hiện vật ngôi nhà 2 tầng, nhà kính, nhà bếp; các hiện vật như bàn ghế, giường tủ… nguồn gốc, xuất xứ, lý lịch những hiện vật đó.
Thời kỳ 1969-1975 Hội thảo các nhân chứng làm rõ về quá trình xây dựng các công trình phục vụ nhiệm vụ y tế, bảo vệ, thời gian từng lần đón đưa, đón thi hài Bác, thời gian thi hài Bác ở đó diễn ra những sự kiện quan trọng nào, các đồng chí Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam lên viếng Bác mấy lần, có những ai…
– Vẽ ghi di tích theo đúng hiện trạng và lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích
Những hiện vật của Khu di tích Đá Chông cơ bản được giữ gìn rất tốt. Song một số hiện vật: Nhà 2 tầng nơi Bác họp, tiếp khách và nghỉ ngơi; nhà kính nơi giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh; nhà phục vụ đều không giữ được bản thiết kế ban đầu, theo thực tế đã quét vôi, ve lại các ngôi nhà và tu sửa một số nội dung. Do vậy cần tiến hành vẽ ghi những hiện vật chủ yếu như: Tổng thể Khu di tích, ngôi nhà sàn, nhà kính, nhà bếp bảo đảm đúng thực tế, tỷ mỷ, khoa học, theo yêu cầu của vẽ ghi di tích. Đó là những tài liệu, các bản vẽ để làm tài liệu căn cứ sau này tu sửa, phục chế khi có tình huống xảy ra. Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng có các lực lượng kiến trúc, xây dựng, nếu phát huy được thì sẽ rất thuận lợi trong quá trình tu sửa, bảo quản, sửa chữa sau này.
Theo quy định của Pháp lệnh bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 14/LCT/HĐNN7 ban hành ngày 4 tháng 4 năm 1984; Nghị định 288/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ngày 31 tháng 12 năm 1985 và Thông tư hướng dẫn thi hành của Bộ Văn hóa – Thông tin số 206/VHTT ngày 22 tháng 7 năm 1986 thì mỗi di tích lịch sử – văn hóa nên có từ 2 đến 3 khu vực bảo vệ: Khu vực I là khu vực bất khả xâm phạm, giữ nguyên yếu tố gốc; Khu vực II là khu vực bao quanh trực tiếp và Khu vực III là khung cảnh thiên nhiên của di tích.
Như vậy, đề nghị đơn vị báo cáo với Bộ Quốc phòng và trao đổi với huyện Ba Vì, với tỉnh Hà Tây về lập biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích Đá Chông. Với hiện trạng toàn bộ khu vực Đá Chông đơn vị đang quản lý, nên phân chia thành 3 khu vực, bao gồm: Khu vực I (Di tích Đá Chông) có phạm vi không gian như sau: Bắc đến đường lên, đầu nhà kính số 2, Nam là ngoài vị trí thắp hương tại 3 hòn Đá Chông, Đông là đến đường dạo ven hồ Khu B, Tây là theo đường dạo mới làm quanh di tích, có 3 công trình trọng tâm: Nhà 2 tầng Bác Hồ ở, nhà kính giữ gìn thi hài Bác và nhà phục vụ số 1.
Khu vực II: Là diện tích xung quanh Khu di tích, có phạm vi không gian như sau: Bắc đến hết sân bay, sân quần vợt, phía Nam giáp hàng rào bảo vệ dọc sông Đà, phía Tây…, phía Đông giáp khu vực tăng gia tập trung của đơn vị; trọng tâm của khu vực này có các công trình: Nhà 2 tầng trước đây các đồng chí Trung ương nghỉ; sân bay trực thăng; công trình huấn luyện, phòng chống cháy rừng.
Khu vực III: Là toàn bộ diện tích còn lại 234ha do đơn vị đang quản lý.
– Lập sổ thống kê hiện vật và kiểm kê các hiện vật có trong di tích
+ Giữ nguyên các yếu tố gốc là yêu cầu đầu tiên trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích. Từ thực trạng hiện nay, các nhân chứng sẽ có cơ sở để suy nghĩ, hồi tưởng lại những thay đổi so với thời gian trước, đề xuất giải pháp bảo tồn, phục chế các hiện vật gốc. Do vậy đơn vị cần quan tâm xây dựng kế hoạch bảo quản, tôn tạo Khu di tích. Trong kế hoạch cần xác định rõ những hiện vật nào cần giữ nguyên, hiện vật nào cần tôn tạo, hiện vật nào cần phục chế để có giải pháp tổng thể.
Giữ nguyên toàn bộ môi trường, cảnh quan vốn có của Khu di tích như: sân, vườn, cây trồng, hàng rào.
Giữ lại toàn bộ đồ dùng hiện có trong từng căn phòng, từng ngôi nhà của Khu di tích. Giữ nguyên vị trí của từng đồ dùng có trong các phòng, các nhà
di tích.
Tiến hành quay phim, chụp ảnh toàn cảnh, từng hiện vật trong từng ngôi nhà, từng căn buồng, nhằm lưu giữ các hiện vật, bố trí các hiện vật, khi tu sửa ngôi nhà, hoặc bàn giao các thế hệ, người trông coi có tài liệu để làm căn cứ.
Đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, công nghệ để giữ nguyên hiện trạng các hiện vật. Hiện nay những hiện vật tại Khu di tích rất đa dạng: Gỗ, sắt, sứ, hiện vật đơn chiếc, đa chiếc, máy móc, phương tiện vận tải… cần đầu tư công nghệ bảo quản đồ gỗ, chống mối mọt, sơn chống gỉ, điều hòa bảo đảm không khí, môi trường vệ sinh xung quanh…
Lập sổ thống kê hiện vật và ghi số kiểm kê tạm thời các hiện vật đang lưu giữ tại Khu di tích theo số liệu kiểm kê thường xuyên.
Tổ chức ghi chép chặt chẽ, khoa học, chính xác, đúng các nội dung về hiện vật theo quy định; tiến hành lập phiếu ghi chép hiện vật theo mẫu của Bộ Văn hoá – Thông tin.
Đơn vị phối hợp mời chuyên gia về: khảo cổ, di tích, bảo tàng tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng các hiện vật tại Khu di tích.
Có kế hoạch sưu tầm nguồn gốc, xuất xứ các hiện vật có giá trị tại Khu di tích như: Nhà 2 tầng, nhà kính, bàn ghế, giường tủ Bác Hồ dùng và tiếp khách.
Ghi sổ kiểm kê bước đầu theo mẫu.
Ghi ký hiệu kiểm kê cho hiện vật.
Trên cơ sở thống kê, phân loại, mời chuyên gia về hiện vật xác định, thẩm định thực trạng hiện vật thành các nhóm để quản lý:
+ Hiện vật nguyên gốc, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng;
+ Hiện vật đã tu sửa, hoặc hư hỏng, xuống cấp để có kế hoạch tôn tạo, phục chế theo bản gốc;
+ Hiện vật còn thiếu tiến hành sưu tầm, bổ sung đầy đủ.
Theo thống kê, hiện nay đơn vị đang quản lý 176 hiện vật. Đề nghị nghiên cứu lập hồ sơ khoa học 100 hiện vật. Tập trung vào các khu vực như:
+ Hiện vật gắn với thời kỳ Bác Hồ và Trung ương làm việc tại đây: Nhà 2 tầng, đồ dùng trong ngôi nhà, hầm trú ẩn, hòn non bộ, đường “Rèn luyện sức khoẻ”;
+ Cây trồng trong vườn: Đặc biệt là những cây quý được Bác và các vị khách trồng từ trước; cây vải trước ngôi nhà 2 tầng Bác đã nghỉ trưa dưới gốc cây; nơi 3 mỏm Đá Chông Bác đã nghỉ và ăn cơm trưa.
+ Hiện vật sau này phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác: Những chiếc xe làm nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác, phòng để thi hài Bác tại Đá Chông; hòm kính và các dụng cụ y tế phục vụ nhiệm vụ này.
– Tổ chức bố trí, trưng bày các hiện vật bảo đảm khoa học, thuận lợi cho công tác đón tiếp, tuyên truyền.
Hiện vật hiện nay ở Khu di tích chủ yếu được giữ nguyên như hiện trạng ban đầu, đều là những hiện vật gốc, có giá trị thực tiễn rất lớn trong công tác nghiên cứu, tìm hiểu. Có các hiện vật gắn liền với lúc Bác sống, lúc giữ gìn thi hài Bác và sau này các tổ chức, cá nhân trao tặng. Cần tiến hành những công việc sau:
+ Bố trí sắp xếp hiện vật ở: Nhà 2 tầng gồm những hiện vật sinh thời Bác Hồ đã sử dụng: Giường tủ, bàn ghế… Những cây trồng giữ nguyên vị trí như ban đầu.
Công việc bố trí sắp xếp các hiện vật tại nhà bếp cần phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh để bảo đảm tính khoa học, thẩm mỹ, dễ bảo quản, giới thiệu tuyên truyền.
Những hiện vật, cây trồng sau này bổ sung, tôn tạo, trồng mới ghi biển chú thích nói rõ xuất xứ để khách tham quan dễ nhìn, dễ thấy.
+ Trưng bày những hiện vật mà trước đây đã dùng phục vụ Bác nghỉ, tiếp khách, các tập thể, cá nhân trao tặng Bác; những hiện vật phục vụ quá trình giữ gìn thi hài Bác: 3 chiếc xe ô tô, các dụng cụ y tế; hoặc những hiện vật các tập thể, cá nhân trao tặng đơn vị phục vụ nhiệm vụ giữ gìn Khu di tích tổ chức trưng bày tại ngôi nhà phục vụ số 1 để khách tham quan, theo dõi được thuận lợi.
– Tiến hành bảo quản thường xuyên các hiện vật.
Hiện vật, cây trồng tại Khu di tích rất đa dạng, đơn vị cần phân loại các dạng hiện vật để có chế độ bảo quản thường xuyên hợp lý.
+ Đối với toàn bộ Khu di tích, hàng ngày đều phải tiến hành quét dọn trong nhà, cầu thang, ngoài sân, đường dạo cho sạch sẽ. Hàng tuần tiến hành tổng vệ sinh toàn bộ khu vực.
+ Những hiện vật trong khu vực nhà 2 tầng, nhà trưng bày, nhà xe, nhà kính hàng tuần lau chùi, vệ sinh sạch sẽ.
Việc bảo quản các hiện vật nên giao cho người chuyên trách. Nhân viên bảo quản cũng cần được trang bị kiến thức bảo quản cần thiết để có thể sử dụng đúng phương tiện (từng chổi, giẻ lau, bàn chải cứng hay mềm…) hoặc hoá chất, đơn giản phục vụ cho việc bảo quản hàng ngày.
+ Những hiện vật thuộc thiết bị kỹ thuật, ô tô có chế độ vận hành định kỳ và bảo dưỡng hợp lý.
+ Cây trồng trong vườn có chế độ chăm sóc: tưới nước, bón phân, diệt trừ sâu bọ thường xuyên.
+ Hàng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác bảo quản, tôn tạo hiện vật và hiệu quả công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Khu di tích.
Ghi nhật ký di tích hằng ngày để tiện theo dõi hoạt động, tổng hợp số lượng đoàn, số lượng khách và những nội dung công việc quan trọng. Phân công cán bộ (nhân viên) ghi nhật ký hàng ngày. Ghi tóm tắt công việc diễn ra trong ngày tại di tích. Ghi cụ thể các đoàn, thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương nào, số lượng người, phương tiện đến, nội dung, chương trình hoạt động tại Khu di tích. Những Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần ghi cụ thể, chi tiết tên người đứng đầu, tổng số người trong đoàn, nội dung hoạt động, thời gian đoàn ở lại Khu di tích và cán bộ của đơn vị đón dẫn đoàn.
Chú ý ghi chi tiết những công việc đột xuất xảy ra, hoặc việc di chuyển hiện vật hay tu sửa, thay thế vật liệu xây dựng trong ngôi nhà di tích. Nhật ký đóng thành quyển, ngoài bìa ghi tên di tích và thời gian bắt đầu ghi đến kết thúc.
– Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tôn tạo cảnh quan, môi trường Khu di tích và các khu vực xung quanh, vừa bảo đảm nguyên trạng vừa có bước phát triển
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể toàn bộ khu vực Đá Chông của đơn vị, để có giải pháp tu sửa, tôn tạo các khu vực cho phù hợp.
+ Quy hoạch Khu vực I (Khu di tích), với yêu cầu mọi yếu tố gốc còn lại trong di tích phải được bảo vệ nguyên trạng như hiện nay. Nghiêm cấm mọi sự di chuyển địa điểm thay đổi, bổ sung. Đề nghị trưng bày các hiện vật tại nhà phục vụ số 1. Trong khu vực này nên bố trí thêm ghế đá để phục vụ khách vừa tham quan, vừa nghỉ ngơi được thuận tiện; đồng thời quy hoạch các khu vực trồng, chăm sóc cây do lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng, tạo cảnh quan môi trường đẹp.
+ Quy hoạch Khu vực II, là khu vực điều chỉnh xây dựng để bảo vệ không làm ảnh hưởng đến giá trị, vẻ đẹp của di tích. Trong Khu vực II xây dựng các công trình phục vụ huấn luyện, rèn luyện bộ đội và phòng chống cháy rừng. Yêu cầu các công trình phải đảm bảo phù hợp với không gian tổng thể, nhằm mục đích tôn tạo khu vực di tích.
+ Quy hoạch Khu vực III, các khu vực khác trong phạm vi đơn vị quản lý cần xây dựng, bố trí hệ thống giao thông, điện, điện thoại tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan. Đồng thời quy hoạch xây dựng các khu đồi cây, vườn cây, khu tăng gia sản xuất, chăn nuôi, hồ cá phù hợp để tôn vẻ đẹp và đảm bảo môi trường cho Khu di tích.
+ Hàng năm, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”, tạo nên phong trào trồng cây, chăm sóc cây và bảo vệ rừng tại Khu di tích.
3. Thường xuyên cải tiến, đối mới công tác đón tiếp, tuyên truyền nhằm phát huy tác dụng Khu di tích.
– Xây dựng quy chế đón tiếp khách, quy định bảo vệ Khu di tích, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện chặt chẽ, thống nhất.
Hiện nay, quy định tổ chức đón tiếp các đoàn đến tưởng niệm Bác và tham quan Khu di tích đã quy định rõ: Các đoàn muốn đến Khu di tích phải đăng ký trước. Trong đó, cơ quan Văn phòng tiếp nhận, đăng ký các đoàn của địa phương, các bộ, ban, ngành; Đoàn 285 tiếp nhận các đoàn của huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây và lãnh đạo tỉnh Hà Tây giới thiệu. Trường hợp có đoàn do không nắm vững quy định mà đã đến Khu di tích thì Chỉ huy Đoàn 285 nắm cụ thể và giải quyết. Về cơ bản, quy trình tiếp nhận các đoàn đã từng bước đi vào nền nếp.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc đăng ký của các đoàn, đề nghị tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung quy chế, quy định trong đơn vị, nhân dân địa phương để triển khai thực hiện.
Trong quy chế cần quy định cụ thể thời gian, phạm vi, đối tượng được đến tham quan Khu di tích. Quy định nội dung tưởng niệm Bác, sinh hoạt chính trị, trồng cây, đóng góp giúp đỡ vật chất, tinh thần cho Khu di tích.
Riêng với quy chế bảo vệ khu vực xây dựng chưa đầy đủ, cần bổ sung, hoàn chỉnh để triển khai thực hiện thống nhất. Trong quy định bảo vệ khu vực cần quy định rõ chế độ khen thưởng, xử phạt các trường hợp vi phạm công tác bảo đảm an toàn cho Khu di tích.
+ Phối hợp các lực lượng, các phương tiện tuyên truyền rộng rãi quy chế, quy định, trước mắt là đối với các đoàn đến tham quan tại Khu di tích.
Làm tốt công tác giáo dục nhân dân địa phương thấy rõ trách nhiệm bảo vệ tuyệt đối an toàn Khu di tích là trách nhiệm của địa phương, là góp phần bảo đảm trật tự an ninh xã hội của địa phương.
Phối hợp với các lực lượng trong, ngoài đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân tuyên truyền về quy chế bảo vệ, tham quan Khu di tích. Có kế hoạch thông qua các tổ chức Đảng, đoàn thể, trường học ở địa phương để phối hợp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định bảo vệ Khu di tích.
– Tổ chức đón tiếp chặt chẽ, khoa học các đoàn đến thăm Khu di tích
+ Tổ chức đón tiếp
Khu di tích Đá Chông cách Hà Nội khoảng 70km, đường giao thông đi lại chưa thật thuận lợi. Do vậy cần phối hợp với địa phương tổ chức các biển báo giới thiệu cho khách đến Khu di tích được thuận lợi. Phối hợp các lực lượng của địa phương bảo đảm an ninh, an toàn, thuận lợi cho các đoàn đến tham quan Khu di tích.
Phối hợp các lực lượng: Cơ quan Văn phòng, huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây, tổ chức tiếp nhận, trả lời đề nghị của các đoàn đến tham quan Khu di tích.
Phân công lực lượng đón tiếp, phục vụ các đoàn đến tham quan Khu di tích tận tình, chu đáo.
+ Do yêu cầu nhiệm vụ và phạm vi phục vụ, hiện nay các đoàn lên tham quan và tổ chức các hoạt động tại Khu di tích rất đa dạng. Để thuận lợi cho công tác đón tiếp, tuyên truyền, đề nghị: Các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành của Trung ương, lãnh đạo các địa phương do Thủ trưởng Bộ Tư lệnh dẫn và giới thiệu. Một số đoàn thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh ủy quyền do thủ trưởng các cơ quan dẫn. Các đoàn còn lại do Thủ trưởng Đoàn 285 mà thường xuyên, trực tiếp là cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ hướng dẫn viên và giới thiệu.
– Chủ động nghiên cứu, xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp về Khu di tích
Khu di tích Đá Chông mới đi vào hoạt động, hiện nay có nhiều lực lượng tham gia tuyên truyền, giới thiệu cho các đoàn: Thủ trưởng Bộ Tư lệnh; cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Đoàn 285 và một số cán bộ của các cơ quan trong Bộ Tư lệnh. Do vậy cần biên soạn nội dung đề cương giới thiệu để bảo đảm tính chính xác, chân thực, thống nhất, đầy đủ, toàn diện.
Đề cương tuyên truyền, giới thiệu nên kết hợp giữa ngôn ngữ nói với bản đồ, sa bàn và các hiện vật thực tế trong Khu di tích.
Đề cương tuyên truyền nên bố cục theo quy trình các đoàn đến tưởng niệm Bác, tham quan toàn bộ Khu di tích. Nội dung tuyên truyền nên khái quát toàn bộ quá trình hình thành, phát triển của Khu di tích qua các thời kỳ. Khẳng định rõ vị trí chiến lược của Khu di tích mà Bác Hồ và Trung ương đã chọn làm căn cứ; giới thiệu được cơ bản những lần Bác Hồ lên làm việc, tiếp khách tại Khu di tích và thời gian giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh tại đây; giới thiệu làm nổi bật những sự kiện, hiện vật gắn liền với Bác Hồ khi Người còn sống và giữ gìn thi hài sau khi Người qua đời.
Ngoài đề cương tuyên truyền chung, nên mở rộng các nội dung: Như sưu tầm những chuyện kể về sự quan tâm của Bác Hồ và những lần Bác lên thăm Khu di tích; những tình cảm của nhân dân địa phương tham gia xây dựng, bảo vệ, giữ gìn Khu di tích; những câu chuyện vượt khó khăn vất vả của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 trong những năm tháng chiến tranh; tình cảm của chuyên gia Liên Xô với Việt Nam, với Bác Hồ và với cán bộ, nhân viên y tế Việt Nam.
Tại Khu di tích sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động. Do vậy cần xây dựng thêm những nội dung tuyên truyền chuyên đề cho các hoạt động: tham quan; lễ báo công, phát động thi đua; trồng cây lưu niệm.
Xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng: Lão thành cách mạng, bộ đội, nhân dân, các cháu học sinh…
Đơn vị đầu tư xây dựng phim tài liệu, ấn phẩm văn hoá giới thiệu, tuyên truyền về các hoạt động của Khu di tích cho khách đến tham quan.
Thông qua trang tin điện tử trên hệ thống Internet của Ban Quản lý Lăng, tổ chức tuyên truyền, giới thiệu cho nhân dân cả nước về ý nghĩa lịch sử – văn hoá của Khu di tích; hướng dẫn các đoàn đến các địa điểm đăng ký tham quan và tổ chức các hoạt động tại Khu di tích Đá Chông. Đồng thời bố trí lực lượng, phương tiện trả lời, giải đáp những ý kiến muốn tìm hiểu về Khu di tích Đá Chông.
– Tích cực cải tiến, đổi mới các nội dung, hình thức đón tiếp, tuyên truyền sinh động, phong phú, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá tại Khu di tích
Tổ chức đón tiếp, tuyên truyền giới thiệu cho nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hoá là mục đích, là kết quả của cả quá trình bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Đá Chông. Để thực hiện được mục tiêu này đơn vị phải tích cực cải tiến, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền sinh động, tạo sự hấp dẫn, cuốn hút nhân dân đến tham quan Khu di tích.
Trước hết, phải cải tiến, đổi mới hình thức tuyên truyền. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền bằng thuyết minh như hiện nay là chủ yếu với tuyên truyền bằng trực quan sinh động. Thông qua những hiện vật, cây trồng, cảnh quan, môi trường của Khu di tích, cán bộ, nhân viên đón tiếp, tuyên truyền giới thiệu cụ thể về ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng chiến lược của Khu di tích mà Bác Hồ đã chọn, tái hiện lại những công việc, sinh hoạt của Bác Hồ, các đồng chí Trung ương Đảng; giới thiệu cho mọi người thấy sự khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 cùng chuyên gia y tế Liên Xô trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác ở nơi này.
Tại khu đón tiếp ban đầu (bãi đỗ xe), nên có hệ thống bản đồ, sơ đồ giới thiệu khái quát về toàn cảnh cũng như quá trình hình thành, phát triển của Khu di tích. Ở đây và dọc đường dạo quanh hồ Khu B nên bố trí có hệ thống: pa nô, khẩu hiệu, tranh ảnh giới thiệu về nhiệm vụ, cảnh quan, môi trường của Khu di tích. Trong khu vực nhà 2 tầng nên có bảng ảnh phản ánh những hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hoá của các đoàn tại Khu di tích.
Đồng thời phải nắm vững nhu cầu, nguyện vọng của các đoàn đến với Khu di tích để lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền cho phù hợp.
+ Đối với các đoàn nhân dân đến tưởng niệm Bác và tham quan Khu di tích, tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, giới thiệu theo quy trình. Từ bãi đỗ xe, quanh đường dạo hồ Khu B, lên nhà 2 tầng, dâng hương tưởng niệm Bác, tham quan ngôi nhà, vườn cây, hòn non bộ, khu vực 3 hòn Đá Chông – theo đường dạo đến nơi 3 chiếc xe – nhà trưng bày, nhà kính nơi giữ gìn thi hài Bác – xuống đường dạo quanh hồ, về khu vực ban đầu. Thời gian khoảng 1 giờ đến 1 giờ 30 phút. Riêng đoàn có các cụ già, thương binh, người khuyết tật ưu tiên cho xe của khách đưa, đón tại vọng gác số 2.
Đối với các đoàn là khách của Bộ Tư lệnh tổ chức đón tiếp tại phòng khách thuộc nhà kính số 2 để giới thiệu khái quát về toàn cảnh của Khu di tích và nhiệm vụ đơn vị. Sau đó lên dâng hương, tưởng niệm Bác và thực hiện quy trình tham quan bình thường.
+ Đối với các đoàn đến sinh hoạt chính trị: Tổ chức lễ báo công, trao phần thưởng, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, kết nạp Đội… phải hiệp đồng trước về nội dung, thời gian tiến hành, số người tham dự. Đơn vị giúp đỡ về âm thanh, chụp ảnh lưu niệm, hướng dẫn về nghi lễ bảo đảm trang trọng và tổ chức tại sân sỏi cuội, trước ngôi nhà 2 tầng. Sau đó dâng hương tưởng niệm Bác và tiến hành quy trình tham quan bình thường.
+ Đối với các đoàn có nhu cầu tham quan chuyên đề; tổ chức giới thiệu thêm về khu vực đặt tổng đài điện thoại; sân bay trực thăng, công trình huấn luyện, phòng chống cháy rừng tại Khu di tích.
+ Đối với các tập thể, cá nhân có nguyện vọng đến trồng cây, đóng góp hiện vật phục vụ công việc sưu tầm hiện vật, bảo quản, giữ gìn và tôn tạo Khu di tích, chỉ huy đơn vị bố trí thời gian đón tiếp, tiếp nhận trang trọng, chu đáo.
Quá trình tổ chức đón tiếp, tuyên truyền, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ phải luôn lắng nghe, giải thích, đáp ứng nguyện vọng của khách nhằm tìm hiểu các sự kiện, hiện vật, cây trồng tại Khu di tích. Đồng thời phải thực sự cầu thị, vui vẻ tiếp thu sự đóng góp xây dựng của mọi người để cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Khu di tích.
4. Phối hợp với các cấp, các ngành, các lực lượng và địa phương trong công tác bảo tồn, tôn tạo, tuyên truyền, quảng bá và phát huy tác dụng Khu di tích
– Thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng về mọi mặt hoạt động của Khu di tích
Trên cơ sở kế hoạch dài hạn và ngắn hạn, hàng năm, đơn vị chủ động đề nghị các cơ quan Trung ương và Quân đội quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phục vụ các nhiệm vụ tại Khu di tích.
Mọi công việc tôn tạo, đón tiếp, tuyên truyền, của Khu di tích Đá Chông phải xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương và Bộ Quốc phòng.
Quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, những vấn đề mới phát sinh liên quan đến yêu cầu nhiệm vụ chính trị cần kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của trên để triển khai thống nhất.
– Phối hợp với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và các cơ quan, đơn vị ở địa bàn trong bảo vệ an ninh phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng Khu di tích
Cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong khu vực luôn xác định việc phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, với Đoàn 285 trong công tác giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn Khu di tích Đá Chông là tình cảm, là trách nhiệm của địa phương. Do vậy, trên cơ sở Quy chế về phối hợp bảo vệ Khu di tích và Quy định phòng chống cháy rừng đã được ký kết giữa Huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện Ba Vì với Thường vụ, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, cần tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả để có cơ sở bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng một số quy định, phương án phối hợp bảo vệ an ninh địa bàn… Có quy định về biểu dương, khen thưởng tập thể cá nhân thực hiện tốt và xử lý kỷ luật những trường hợp vi phạm.
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ, giữ gìn Khu di tích, cần tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân. Thông qua hệ thống tổ chức đảng, chính quyền thôn, xã, huyện, các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, thông qua các trường học đối với các cháu thanh thiếu niên. Đặc biệt là các xã liền kề (Minh Quang, Ba Trại, Thuần Mỹ của huyện Ba Vì, Hà Tây và xã Đồng Luận của huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) và các cơ quan, đơn vị đứng chân trong địa bàn.
Trong quá trình triển khai thực hiện các quy chế, quy định về phối hợp, phải coi trọng việc tổ chức xây dựng lực lượng (đơn vị, địa phương và các cơ quan, trường học trong địa bàn), phương án phối hợp, hiệp đồng xử lý các trường hợp vi phạm quy định bảo vệ Khu di tích và vi phạm quy định bảo đảm an ninh – xã hội trong địa bàn, phòng chống cháy rừng. Duy trì nền nếp chế độ giao ban, thông tin, thông báo tình hình khu vực giữa đơn vị, địa phương và các cơ quan trong địa bàn.
Nhân dân đến tưởng niệm Bác và tham quan Khu di tích còn có nhu cầu tìm hiểu phong tục, tập quán, nét văn hoá của địa phương. Do vậy, cần vận động nhân dân và các cơ quan, đơn vị trong địa bàn chủ động tham gia làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân đến với Khu di tích. Động viên nhân dân địa phương tham gia công tác tuyên truyền từ việc tiếp nhận, giải thích, liên hệ các đoàn đến với Khu di tích. Xây dựng thái độ văn minh, lịch sự phục vụ khách đến với Khu di tích cũng như khách đến với quê hương Ba Vì, Hà Tây giàu truyền thống văn hoá, hiếu khách.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Lâm sinh, Lâm trường, Công an, Kiểm lâm trong địa bàn để tích cực bảo vệ, chăm sóc rừng cây, tôn vẻ đẹp và môi trường trong lành cho Khu di tích.
– Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các lực lượng và các cá nhân liên quan trong công tác bảo tồn, tôn tạo, tuyên truyền, quảng bá và phát huy tác dụng Khu di tích
Khu di tích Đá Chông đang trong quá trình hoàn thiện, đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm, do vậy cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chuyên ngành của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây để triển khai các nội dung: Xây dựng Hồ sơ khoa học sưu tầm, làm rõ nguồn gốc, xuất xứ các sự kiện, hiện vật, tổ chức trưng bày hiện vật… làm phong phú các hoạt động đón tiếp, tuyên truyền tại Khu di tích.
Để thực hiện tốt nội dung này, cần chủ động liên hệ, trao đổi, gặp gỡ, đề nghị các nhân chứng kể lại, chép lại những hồi ức, kỷ niệm của bản thân, của đơn vị mình đã phục vụ Bác Hồ, phục vụ Trung ương Đảng trong giai đoạn 1957-1969 và tham gia nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh từ năm 1969 đến năm 1975.
Định kỳ tổ chức gặp mặt cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trực tiếp gắn bó với Khu di tích để ôn lại truyền thống, cung cấp thêm tư liệu và trao đổi các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo, đón tiếp, tuyên truyền tại Khu di tích.
Với vị trí quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của Khu di tích, sẽ có nhiều tập thể, cá nhân có nguyện vọng đóng góp vật chất, tinh thần (trao tặng hiện vật, tặng giống cây quý, góp ý kiến…) phục vụ công việc bảo tồn, tôn tạo các hiện vật tại Khu di tích, cũng như các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phát huy tác dụng Khu di tích. Do vậy, đơn vị cần có kế hoạch tổ chức tiếp nhận sự đóng góp thật trang trọng, ý nghĩa.
Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương trong việc tuyên truyền, quảng bá về Khu di tích và các hoạt động diễn ra tại Khu di tích.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ và nhân dân cả nước, trọng tâm là các cơ quan, đơn vị, trường học trong địa bàn nắm vững những quy định đến tham quan và tổ chức các hoạt động tại Khu di tích. Thông tin đầy đủ, kịp thời, cụ thể những nội dung được làm và những nội dung không được làm tại Khu di tích. Có biện pháp ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng tổ chức tham quan để tiến hành các hoạt động mê tín, dị đoan trong Khu di tích. Quá trình tuyên truyền, thông tin rộng rãi, thuận lợi, tránh phiền hà cho nhân dân trong việc liên hệ và tổ chức tham quan Khu di tích.