Giải pháp chủ yếu nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng khu di tích lịch sử chủ tịch hồ chí minh tại đá chông
oOo
I. TÌNH HÌNH VÀ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN CỦA KHU DI TÍCH
1. Những thuận lợi cơ bản trong quá trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng của Khu di tích
“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” . Việc bảo tồn, tôn tạo các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giáo dục truyền thống cho các thế hệ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và bạn bè quốc tế ủng hộ.
– Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm giữ gìn, bảo quản các Khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh để giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân
Di tích được đánh giá như là tài sản văn hoá của quốc gia, tồn tại mãi mãi theo quá trình phát triển của dân tộc. Vì vậy bảo tồn di tích là một nhu cầu tất yếu. “Một nước mất hết di tích thì không còn có ý nghĩa”; “Giữ di tích để sử dụng chúng trong việc giáo dục tư tưởng, động viên quần chúng thi đua yêu nước, nghiên cứu khoa học, xây dựng nền văn hoá mới”; “Phải coi các di tích lịch sử là tài sản quý của quốc gia. Có những chủ trương và biện pháp có hiệu lực bảo tồn lâu dài các di tích lịch sử và giá trị văn hoá để giáo dục nhân dân về lòng yêu nước và tự hào dân tộc, về truyền thống lịch sử văn hoá, tạo điều kiện cho nhiều thế hệ có thể thưởng thức tiếp thu, nghiên cứu các giá trị văn hoá cổ truyền, tiếp tục sáng tạo ra những giá trị văn hoá mới thể hiện tầm cao của thời đại và chiều sâu của truyền thống vừa dân tộc, vừa hiện đại”.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tôn tạo, xây dựng nhiều công trình về Người, như: Lăng Bác, các Bảo tàng, Khu di tích và phòng trưng bày Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, hiện nay có khoảng 663 khu di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc nhiều tỉnh thành, từ Pắc Bó – Cao Bằng, Sơn Dương – Tuyên Quang, Định Hoá – Thái Nguyên, Hà Nội, Kim Liên – Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Dục Thanh – Phan Thiết, Bến Nhà Rồng – Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn hàng ngàn công trình của nhân dân trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã và đang được xây dựng để tưởng niệm Bác. Những bảo tàng, khu di tích, công trình tưởng niệm Bác sẽ là nơi để tổ chức giáo dục truyền thống: “Làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh… nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng”, góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức cách mạng, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Thực tế tại Lăng Bác, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Khu di tích Đá Chông cho thấy số lượng nhân dân trong nước và khách quốc tế đến viếng Người và tổ chức sinh hoạt chính trị, văn hoá ngày càng tăng cao. Thống kê số lượng nhân dân và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan khu vực những năm gần đây, năm sau cao hơn năm trước (năm 2000 số lượng hơn 1,8 triệu lượt người, năm 2006 gần 2 triệu lượt người). Sau hơn 32 năm tổ chức lễ viếng, đã có hơn 34 triệu lượt người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) và ngày mất của Người (2/9) hàng năm, số lượng khách đến viếng Bác mỗi buổi rất đông, có buổi lên tới hơn 3,1 vạn người vào Lăng viếng Bác.
– Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hoá thế giới, do đó đwocj bầu bạn quốc tế quan tâm và tạo mọi điều kiện cho việc sưu tầm, giữ gìn các hiện vật gắn bó với quá trình hoạt động cách mạng của Người trên toàn thế giới
Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết: “Ghi nhận rằng năm 1990 sẽ được đánh dấu bằng lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hoá lớn”.
Những nước trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc và hoạt động đã công bố những tư liệu rất có giá trị để nghiên cứu, sưu tầm về cuộc đời hoạt động của Người. Tại Pháp, Chính phủ đã dặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường của thành phố Môngtơri. Tại Trung Quốc đặt tượng bia lưu niệm những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và vẫn tôn trọng giữ gìn khu lưu niệm nơi ra đời Tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (Quảng Châu – Trung Quốc). Ở Nga, Cu Ba và rất nhiều nước trên thế giới đã đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nơi trung tâm thủ đô. Đặc biệt tại Thái Lan: “Với mong muốn phát triển quan hệ hai nước, ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt Dự án làng hữu nghị Việt – Thái tại Bản Mạy, nơi Người từng sống và khơi dậy lòng yêu nước của cộng đồng người Thái gốc Việt xưa”.
Với những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phong trào cách mạng thế giới, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân nghiên cứu, tìm hiểu về Người: “Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc cũng đang toả ra một cái gì vừa lịch thiệp và tế nhị… Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai”. Tư tưởng, sự nghiệp và đạo đức Hồ Chí Minh luôn là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới và là nhu cầu tìm hiểu của khách quốc tế khi đến Việt Nam tham quan du lịch. Tống kê tại Lăng Bác, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh cho thấy lượng khách nước ngoài đến viếng, tham quan ngày một tăng cao. Kể từ ngày mở cửa đón khách, đã có hơn 4 triệu lượt khách quốc tế của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào Lăng viếng Bác. Đặc biệt nguyên thủ các nước trên thế giới, đảng cánh tả ở các nước châu Mỹ La Tinh… sang thăm Việt Nam hầu hết đều đến viếng Bác. Đó là cơ sở, là nguồn cổ vũ động viên chúng ta xây dựng và phát huy ý nghĩa các khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
– Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Ba Vì, Hà Tây luôn quan tâm đầu tư phát triển các di tích gắn với các khu du lịch ở địa phương
Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm nhiều đến việc đầu tư xây dựng các khu di tích lịch sử. Trong Nghị quyết số 16-NQ/TV ngày 23 tháng 10 năm 2006 của Tỉnh uỷ Hà Tây về lãnh đạo đẩy mạnh công tác văn hoá thể thao của tỉnh đến năm 2010 và những năm tiếp theo khẳng định: “Rà soát , bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển văn hoá thể thao đến năm 2020. Trước mắt, tập trung hoàn chỉnh quy hoạch các di tích trọng điểm của tỉnh gắn với phát triển kinh tế du lịch; quy hoạch hệ thống dịch vụ văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh, triển khai thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích của Hà Tây đến năm 2020”. Trên cơ sở đó, Kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá- xã hội nhiệm kỳ 2006- 2010 của Đảng bộ tỉnh Hà Tây đã xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế, vùng trọng điểm Ba Vì, Sơn Tây và chú trọng phát triển du lịch gắn liền với tăng trưởng kinh tế và giữ vững tinh hình an ninh chính trị, xã hội của địa phương.
Đặc biệt, đối với Khu di tích Đá Chông, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Tây, Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì, các xã, các thôn liền kề và đồng bào các dân tộc quanh Khu di tích luôn xác định việc phối hợp với đơn vị để giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn Khu di tích là tình cảm, trách nhiệm của địa phương; xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế bảo vệ, quy định phòng chống cháy rừng, xây dựng hàng rào bảo vệ bao quanh khu vực Đá Chông.
– Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định giữ gìn, bảo vệ, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa và lịch sử Khu di tích Đá Chông là nhiệm vụ chính trị trọng tâm luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ
Thường vụ Đảng uỷ Đoàn 969 và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện các mặt công tác bảo vệ an ninh, phòng chống cháy rừng, đón tiếp tuyên truyền tại Khu di tích Đá Chông. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đoàn 969 lần thứ VII đã xác định: “Tiếp tục hoàn thiện quy định đón tiếp khách, quy trình tham quan, tưởng niệm Bác, nội dung giới thiệu Khu di tích và những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K84. Cải tạo phòng trưng bày những hiện vật quý về cuộc đời hoạt động của Bác và hiện vật liên quan đến nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong giai đoạn chiến tranh (1969- 1975)” . Đơn vị sẽ tập trung đầu tư bảo tồn, tôn tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác đón tiếp, tuyên truyền; xây dựng các công trình phục vụ huấn luyện, rèn luyện bộ đội, phòng chống cháy rừng và tăng gia sản xuất.
– Quá trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa và lịch sử của Khu di tích luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước. Nhất là cơ quan chuyên ngành và các cán bộ, chiến sĩ đã có thời gian gắn bó với Khu di tích
Các cơ quan chuyên ngành: Bảo tàng Hồ Chí Minh; Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108… đã quan tâm, giúp đỡ đơn vị sưu tầm, cung cấp tư liệu, hình ảnh, xây dựng Hồ sơ khoa học về Khu di tích; phối hợp với đơn vị tổ chức hội thảo thống nhất các sự kiện, hiện vật liên quan đến Khu di tích; hướng dẫn đơn vị bố trí, sắp xếp, trưng bày các hiện vật trong Khu di tích khoa học, thuận lợi cho công tác bảo quản, khai thác.
Các cơ quan của tỉnh Hà Tây, huyện Ba Vì, các đơn vị đứng chân trên địa bàn và nhiều tổ chức, cá nhân sẽ đóng góp về tinh thần, vật chất phục vụ quá trình tôn tạo, bảo quản, phát triển Khu di tích.
Đặc biệt, những cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng, bảo vệ Khu di tích từ những ngày đầu luôn lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất về Khu di tích; nhiệt tình, trách nhiệm cung cấp, giúp đỡ đơn vị sưu tầm, làm rõ các sự kiện, hiện vật gắn liền với Khu di tích trong các thời kỳ Bác sống và làm việc, cũng như sau này giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh.
2. Một số khó khăn tác động, ảnh hưởng tới quá trình giữ gìn, bảo quản, tôn tạo Khu di tích Đá Chông
– Công tác sưu tầm đầy đủ các sự kiện, hiện vật gốc phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo Khu di tích gặp nhiều khó khăn
Một số nhân chứng, sự kiện, hiện vật gắn liền với những năm tháng Bác Hồ và Trung ương Đảng làm việc, tiếp khách tại đây chưa được làm rõ, gặp khó khăn rất lớn cho việc lập Hồ sơ khoa học về Khu di tích.
Từ năm 1975 trở về trước, đây là khu căn cứ tuyệt mật. Chỉ một số ít người của các cơ quan trực tiếp: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Sơn Tây và Đoàn Tân Trào- Công an nhân dân vũ trang được biết. Còn lại, ngay cả chính quyền và nhân dân địa phương cũng không được rõ về nhiệm vụ của Khu di tích, nên mọi công việc, sự kiện diễn ra ở khu vực này không được tuyên truyền, việc lưu giữ, ghi chép rất hạn chế, chủ yếu do kể chuyện lại.
Hiện vật ở đây phần lớn không rõ xuất xứ, một số tài liệu lưu giữ ở Văn phòng Trung ương, Ban Tài chính Quản trị Trung ương, Phủ Chủ tịch… nhưng cũng chưa thật chính xác về số lượng, chủng loại, thời gian, hồ sơ lưu trữ không có. Các công trình: Nhà 2 tầng, nhà kính, nhà phục vụ bản thiết kế ban đầu, hồ sơ hoàn công chưa sưu tầm được.
– Công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn, chống sự xâm hại đến Khu di tích trong điều kiện thực tế có những khó khăn phức tạp
Khu di tích Đá Chông diện tích rộng, địa hình phức tạp, có núi, hồ, rừng, giáp sông, đường giao thông, bến sông nằm trong khu vực bảo vệ, gây trở ngại trong việc quản lý, bảo vệ tuyệt đối an toàn Khu di tích. Vào mùa mưa có thể xảy ra lũ hoặc ngập do nước sông Đà dâng cao; mùa khô hanh, việc phòng chống cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Nhận thức về vị trí, ý nghĩa của di tích và ý thức trách nhiệm bảo vệ của một bộ phận nhân dân trong khu vực còn hạn chế. Phong trào quần chúng đấu tranh, ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy chế bảo vệ Khu di tích chưa sâu rộng. Một số trường hợp xâm hại: phá hàng rào, chăn thả gia súc, săn bắn chim…, làm ảnh hưởng đến yêu cầu bảo vệ tuyệt đối an toàn Khu di tích.
– Tổ chức lực lượng và cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ tại Khu di tích còn gặp những khó khăn
Khu di tích ở xa trung tâm Bộ Tư lệnh, một số cán bộ, công nhân viên do điều kiện khó khăn về hậu phương gia đình, bản thân chưa thật sự yên tâm, tâm huyết với nhiệm vụ được giao.
Đơn vị chưa có lực lượng chuyên trách, chưa có kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, tôn tạo các hiện vật của Khu di tích. Tổ chức lực lượng, trình độ, năng lực của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ, đón tiếp tuyên truyền có mặt còn hạn chế cả về kiến thức chuyên ngành và kinh nghiệm truyền đạt, giới thiệu, tuyên truyền phục vụ khách tham quan.
Trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng, đón tiếp, tuyên truyền phục vụ sinh hoạt chính trị, bảo quản hiện vật, chăm sóc cây trồng, rừng cây đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện, chưa đồng bộ.
Yêu cầu công tác đón tiếp, tuyên truyền phải sâu rộng, toàn diện, để nhân dân cả nước, trực tiếp là nhân dân địa phương nhận thức sâu sắc về ý nghĩa lịch sử – văn hoá của Khu di tích.
– Sự chống phá của kẻ thù và các hiện tượng lợi dụng mê tín dị đoan tác động, ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Đá Chông
Các thế lực thù địch đang tăng cường các hoạt động chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh: phủ nhận, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp tư tưởng, sự nghiệp – đạo đức Hồ Chí Minh; tách tư tưởng Hồ Chí Minh với đường lối, chính sách của Đảng. Ra sức tuyên truyền xuyên tạc việc giữ gìn thi hài Bác, bảo quản, tôn tạo các công trình của Người là việc làm tốn kém, không thực hiện Di chúc của Người, thực chất là hạ bệ lãnh tụ Hồ Chí Minh; làm phai nhạt niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng, với Bác Hồ kính yêu.
Trước đây, khu Đá Chông đã được nhân dân địa phương tuyên truyền là nơi linh thiêng, sau này là nơi yên nghỉ của Bác trong những năm chiến tranh, nên dễ bị một số đối tượng lợi dụng mê tín dị đoan, thần thánh hoá, tuyên truyền xuyên tạc giá trị lịch sử – văn hoá của Khu di tích.
3. Triển vọng phát triển của Khu di tích Đá Chông
– Khu di tích Đá Chông là một di tích lịch sử – văn hoá.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đơn vị sẽ xây dựng các công trình phục vụ, huấn luyện, rèn luyện bộ đội; như xây dựng khu nhà ở, hội trường, sân bãi, thao trường phục vụ huấn luyện, rèn luyện bộ đội; phục vụ nhiệm vụ phòng chống cháy rừng: Như hệ thống phòng chống cháy, bể chứa nước, trạm quan sát, phát hiện cháy rừng; phục vụ nhiệm vụ trồng, chăm sóc rừng và tăng gia sản xuất: Cây trồng, khu vực chăn nuôi, hồ thả cá.
Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, địa phương lên thăm Khu di tích sẽ trồng cây lưu niệm. Nhiều tổ chức, cá nhân có nguyện vọng đóng góp các hiện vật, cây quý tôn tạo cảnh quan, môi trường Khu di tích thêm phong phú.
Một số đơn vị như Bộ Tư lệnh Công binh, Cục Bưu điện Trung ương… trước đây tham gia thiết kế, thi công công trình phục vụ Bác Hồ, phục vụ Trung ương sẽ tôn tạo, xây dựng các công trình trước đây để giáo dục truyền thống.
– Nhiệm vụ của Khu di tích ngày càng phát triển với yêu cầu cao
Trong những năm tới, nhiệm vụ của Khu di tích sẽ tiếp tục phát triển với yêu cầu ngày càng cao: Bảo đảm tuyệt đối an toàn Khu di tích; bảo quản, giữ gìn, tôn tạo các hiện vật tại Khu di tích; đón tiếp, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử – văn hoá của Khu di tích; phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, rèn luyện bộ đội, tăng gia sản xuất cho đơn vị.
Để góp phần thực hiện thắng lợi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Chủ động tham mưu, đề xuất với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng tổ chức các hoạt động đón tiếp, tuyên truyền, phát huy cao nhất ý nghĩa chính trị, văn hoá của công trình Lăng Bác và Khu di tích Đá Chông, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
– Hình thức đón tiếp, tuyên truyền được mở rộng và số lượng cán bộ, nhân dân đến tham quan Khu di tích ngày càng đông
Thời gian qua, các đoàn cán bộ, nhân dân đến tham quan Khu di tích đã có một số hoạt động như: Tưởng niệm Bác, tham quan Khu di tích, trồng cây lưu niệm, đó là những hình thức phổ biến. Tiến tới do nhu cầu sinh hoạt chính trị văn hóa, các hình thức kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, Lễ báo công, tuyên dương công trạng, kết hợp với các nhà nghiên cứu, sưu tầm về Bác, về Đá Chông, về nơi địa linh nhân kiệt sẽ đến tìm hiểu.
Theo khảo sát, hiện nay số lượng khách chủ yếu là nhân dân địa phương và một số cơ quan, đơn vị ở khu vực Hà Nội. Sắp tới phải tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân, các cơ quan, đơn vị trong cả nước sẽ đến tham quan Khu di tích ngày càng nhiều. Có thể mỗi buổi tới hàng ngàn người, hàng năm lên tới hàng chục vạn người. Đặt ra yêu cầu tổ chức lực lượng đón tiếp tuyên truyền và cơ sở hạ tầng phục vụ khách phải phát triển nhanh.