Kết luận
oOo
1. Khu di tích lịch sử Đá Chông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm căn cứ của Người và Trung ương. Trong những năm 1957-1969, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhiều lần lên thăm, làm việc họp bàn, quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước và tiếp khách quý. Sau này Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chọn làm nơi giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh. Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã kề vai, sát cánh cùng với chuyên gia y tế Liên Xô vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng, tạo tiền đề cơ bản cho sự nghiệp giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Trong những năm qua, được sự giúp đỡ của các ngành, các cấp ở Trung ương và quân đội; các cơ quan, đơn vị chuyên ngành; trực tiếp là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, đơn vị đã giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn Khu di tích, từng bước mở rộng đón tiếp, tuyên truyền, phục vụ chu đáo các đoàn khách trong nước đến tưởng niệm Bác và tham quan Khu di tích; đầu tư xây dựng các công trình phục vụ các nhiệm vụ của đơn vị và góp phần bảo vệ, tôn tạo cảnh quan, môi trường Khu di tích.
Trên cơ sở đánh giá khách quan, khoa học, có thể khẳng định: Khu di tích Đá Chông có giá trị lịch sử, văn hoá đặc biệt; góp phần tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu, tìm hiểu về tư tưởng, cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tìm hiểu về sự nghiệp giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác.
3. Từ đánh giá thực trạng công tác giữ gìn, bảo quản hiện vật và hoạt động đón tiếp, tuyên truyền tại Khu di tích; để dự báo được triển vọng của Khu di tích trong những năm sắp tới. Đồng thời cũng đề ra những yêu cầu và giải pháp nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy tác dụng Khu di tích. Những giải pháp được đề xuất trong là những nội dung cơ bản, mang tính định hướng cho lãnh đạo, chỉ huy trong việc quản lý, tổ chức các hoạt động của đơn vị và Khu di tích.
4. Hoạt động của Khu di tích phải gắn liền với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Di tích lịch sử phải được bảo vệ, giữ gìn nguyên hiện trạng ban đầu. Những khu vực lân cận được sử dụng phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị phải được bố trí hài hòa, tuyệt đối không được phá vỡ cảnh quan, môi trường Khu di tích.
5. Cuốn sách ra đời được sự giúp đỡ tận tình của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ qua các thời kỳ đã có vinh dự được làm nhiệm vụ tại Khu di tích Đá Chông và đặc biệt là bộ phận lưu trữ hồ sơ, tài liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây. Sự cung cấp tư liệu, hồ sơ của các tập thể, cá nhân là cơ sở khách quan, khoa học để công trình “Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông” hoàn chỉnh và xuất bản.
Tuy vậy, trong tình hình thực tiễn, với những khó khăn khách quan, chủ quan, cuốn sách chưa đáp ứng được đầy đủ những vấn đề đặt ra của lãnh đạo, chỉ huy và nguyện vọng của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị. Hy vọng ở những công trình nghiên cứu sau này sẽ có đầy đủ những tư liệu, số liệu về Khu di tích lịch sử đặc biệt – K9 – K84 – Đá Chông.