Cựu phóng viên chiến tranh TASS viết về 3 lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ tiếp lãnh đạo Đoàn TNCS Lênin tại Việt Nam (tháng 12/1964).

“Chúng tôi đã nghe những hồi tưởng của Bác Hồ, chăm chú nhìn khuôn mặt bộc trực của Người. Xuyên qua cặp mắt kính lão, đôi mắt tinh anh, cho dù đã có phần mệt mỏi, của Người đang nhìn chúng tôi. Người ngồi đó đầu đội mũ lưỡi trai, cổ quàng khăn ấm (trời hôm ấy rất lạnh)”.

Sergei Afonin là cựu phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Liên Xô (TASS) tại Việt Nam. Ông đã công bố cuốn sách “Những năm tháng nóng bỏng” nói về những trải nghiệm của mình cùng với nhân dân Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

Hiện nay cựu phóng viên chiến tranh của TASS đang sống cùng với vợ và đứa con trai út trong một căn hộ nhỏ ở ngoại ô phía Nam Moskva. Trong căn hộ của họ không có những đồ vật đắt tiền, nhưng nó lại rất giàu những vật kỷ niệm được đưa từ Việt Nam về: Hội họa sơn mài, những bức tranh đại chúng từ làng Đông Hồ, những hộp khảm xà cừ, những búp bê, những tấm bưu thiếp… Vợ ông, Ludmila Afonina không nói bằng tiếng Việt, nhưng cũng yêu Việt Nam với tình yêu nồng nhiệt như chồng bà. Những năm tháng tuổi trẻ hạnh phúc của họ đã diễn ra ở Hà Nội. Dưới đây là lời kể của ông về ba lần được gặp Bác Hồ.

***

Tôi vô cùng may mắn và hạnh phúc đã ba lần được gặp và được nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kỷ niệm về niềm hạnh phúc này tôi sẽ giữ mãi cho đến trọn đời.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên

Đó là vào năm 1961, tôi đến thực tập tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi là sinh viên làm luận văn tốt nghiệp và là người phiên dịch ngoài biên chế trong Đại sứ quán Liên Xô và cơ quan đại diện thương mại. Thỉnh thoảng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi trên chiếc xe hơi “Chiến thắng” đến cơ quan đại diện thương mại của Liên Xô để xem những bộ phim Xôviết mới trong phòng chiếu phim đầy đủ tiện nghi. Vì Bác Hồ thông thạo tiếng Nga nên ở đó không cần phiên dịch.

Vào một trong những buổi chiều như thế, khi ở cửa ra của phòng chiếu phim, Bác Hồ đã trông thấy tôi, trong chốc lát Người dừng lại và hỏi tôi bằng tiếng Nga:

– Cháu nói được tiếng Việt không?

Quả thật, tôi đã đứng ngây người ra, chính vì đấy là lần đầu tiên tôi được trông thấy con người huyền thoại ấy gần đến như thế. Tôi vô cùng hồi hộp và xúc động, và sau giây lát im lặng, tôi đã trả lời:

– Dạ, cháu nói không được nhiều lắm ạ…

– Vậy cháu có thích ở đây không?

– Cháu rất thích, cháu yêu Việt Nam.

Hồ Chủ tịch mỉm cười và khi chia tay, Người đã nói bằng tiếng Việt:

– Này cháu, cháu cần phải học thật tốt tiếng Việt đấy nhé. Chúc cháu nhiều thành công…

Cuộc gặp gỡ thứ hai

Vào tháng 12/1964, trong thành phần của Đoàn đại biểu thanh niên Xôviết, tôi đã đến thăm Việt Nam. Dẫn đầu đoàn đại biểu là Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Lênin Iuri Torxuev, tôi là chuyên viên Ban quốc tế của Ban chấp hành Trung ương Đoàn. Trước ngày cuối cùng của cuộc đi thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp chúng tôi. Người đã nồng nhiệt ôm hôn các vị khách, mời khách uống trà. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất khỏe mạnh và tràn đầy nghị lực. Người hơi gầy, đôi mắt hiền từ tinh anh, chòm râu bạc, giọng nói dịu dàng, bộ quần áo giản dị, đôi dép xăng-đan…

Chủ tịch hỏi chúng tôi đã có những ấn tượng gì về cuộc đi thăm. Tôi đã dịch những lời phát biểu trả lời của đồng chí Trưởng đoàn đại biểu ra tiếng Việt, đương nhiên tôi nhớ đến lời khuyên của Hồ Chủ tịch đã dành cho tôi ba năm trước trong lần gặp đầu tiên. Sau đó Bác Hồ đã kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng Người đã sống ở Liên Xô. Người đã hết sức khâm phục nghị lực và chí hướng vươn tới mục tiêu, mà nhờ đó nhân dân Xôviết đã dốc lòng xây dựng một xã hội mới trong những năm hai mươi và ba mươi. Về tình hình ở Việt Nam, nơi những tên xâm lược Mỹ đã gây chiến tranh ở miền Nam và bắt đầu ném bom miền Bắc, Chủ tịch đã nói ngắn gọn: “Một khi chúng đã xâm phạm đến đất nước chúng tôi, nhân dân chúng tôi nhất định sẽ đánh đuổi được kẻ thù“. Trong đó Người nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của tình đoàn kết quốc tế với sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam. Trong thời kỳ đó, trong phong trào Cộng sản quốc tế đã có những sự bất đồng nghiêm trọng, và Hồ Chí Minh đã không đề cập đến chủ đề ấy. Đơn giản Người chỉ nhấn mạnh niềm tin của mình vào quê hương của Cách mạng tháng Mười.

Cuộc gặp gỡ thứ ba

Vào tháng 2/1969, Đoàn đại biểu thanh niên Xô-viết do đồng chí Bí Thư thứ nhất Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin Evghenie Chiajenikov dẫn đầu đã sang thăm nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Khi đó, với cương vị là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Liên Xô (TASS) và của Báo “Sự thật Đoàn Thanh niên Cômxômôn”, và đã làm việc ở Hà Nội được mấy năm, tôi được đưa vào thành phần của đoàn đại biểu này.

Chúng tôi đã đi thăm những khu vực khác nhau của miền Bắc Việt Nam, đã gặp gỡ với thanh niên trong các nhà máy, ở các vùng nông thôn, trong các trường học, trên các trận địa trực chiến và chúng tôi đã cảm nhận được hoàn toàn ý chí hướng tới chiến thắng không gì lay chuyển được của nhân dân Việt Nam, bất chấp những tội ác khủng khiếp nhất của giới quân phiệt Mỹ. Nhân dân Việt Nam anh hùng tuân theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập và tự do“, đã giáng trả bọn xâm lược những đòn chí mạng và đã làm tất cả vì giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc.

Ngày đáng nhớ 25/2/1969 ấy sẽ không bao giờ quên được. Đoàn đại biểu của chúng tôi đã có vinh dự gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cuộc trò chuyện thân tình đã diễn ra trong ngôi nhà nhỏ một tầng, được xây dựng trong những năm chiến tranh trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Chủ và khách trao nhau những vòng tay ôm, những nụ hôn bè bạn, những cái bắt tay nồng ấm. Khi mọi người đã ngồi vào bàn, Bác Hồ lấy ra chiếc bót thuốc lá và mời hút thuốc lá. Tôi không biết vì sao nữa – chúng tôi đã từ chối, và rồi sau đó mới hiểu ra rằng, đương nhiên là như vậy, cần phải đón nhận từ tay Người những điếu thuốc lá này như là món quà tinh thần. Bác Hồ đã không châm thuốc hút và bắt đầu cuộc trò chuyện:

– Chúng tôi rất rất vui mừng chào đón các bạn đã đến Việt Nam. Chắc các bạn đã thấy rõ là người dân chúng tôi có một tình yêu chân thành và nồng ấm như thế nào đối với nhân dân Xô-viết. Khi có đất nước các bạn cùng với chúng tôi, chúng tôi tin tưởng vào tương lai hạnh phúc của mình. Hồ Chí Minh đã nói rất mặn nồng về Liên Xô, Người đã nhớ lại những sự kiện khác nhau trong cuộc sống ở Moskva.

– Hồi ấy, là thời kỳ khó khăn của những năm hai mươi và ba mươi, cũng giống như bây giờ ở đất nước chúng tôi – Người nhấn mạnh.

– Nhưng hồi ấy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói thêm, các bạn chỉ có một mình, còn bây giờ nhân dân chúng tôi không đơn độc…

– Sau đó những người Xô-viết đã sống tốt hơn – Hồ Chủ tịch nói tiếp – Có một lần tôi đã hỏi một cô gái (Hồ Chí Minh nói bằng tiếng

Nga: Hỏi cô Phifa), tại sao cô ấy mặc chiếc áo choàng lụa sáng tươi, tô điểm đôi mắt và đi giày cao gót. Cô ấy đã tự hào trả lời ngay: “Chính vì tôi chịu khó làm việc và đây là do tôi làm ra”. Sau đó ở Moskva đã xuất hiện tàu điện ngầm, có thêm nhiều xe hơi…
Chúng tôi đã nghe những hồi tưởng của Bác Hồ, chăm chú nhìn khuôn mặt bộc trực của Người. Xuyên qua cặp mắt kính lão, đôi mắt tinh anh, cho dù đã có phần mệt mỏi, của Người đang nhìn chúng tôi. Người ngồi đó đầu đội mũ lưỡi trai, cổ quàng khăn ấm (trời hôm ấy rất lạnh).

Nữ du kích trẻ Nguyễn Thị Kim Lai đã áp giải viên phi công Mỹ William Robinson

Hồ Chí Minh châm thuốc hút rồi bắt đầu kể về việc năm 1925 Người đã làm việc ở Quốc tế Cộng sản như thế nào, đã thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và mấy năm sau thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam…

Vâng, tầm vóc của con người Hồ Chí Minh, tôi thiết nghĩ, hãy còn chưa được thấy rõ đến tận cùng. Phía sau Người là một cuộc đời đầy những thử thách cam go của Nhà cách mạng, của Người yêu nước và của Người chiến sĩ quốc tế vĩ đại. Người đã bị những tên thực dân Pháp kết án tử hình, đã trải qua suốt hàng chục nhà tù ở Hongkong và Trung Quốc. Từ năm 1941 Người còn tiên đoán rằng Liên Xô sẽ đánh tan nước Đức phát xít vào năm 1945, và rằng cũng vào năm đó Việt Nam sẽ giành được độc lập. Điều tiên đoán đó đã xảy ra đúng như thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong các cuộc chiến tranh Vệ quốc chống lại những tên thực dân Pháp và những tên xâm lược Mỹ. Hồ Chí Minh đã cho chúng tôi xem một số bức ảnh ghi lại những cuộc gặp gỡ của Người với thanh niên miền Bắc Việt Nam, và với các chiến sĩ lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.

– Thanh niên chúng tôi – Người nhấn mạnh, thật anh hùng, đó là lực lượng xung kích của chúng tôi.

Trên một trong những bức ảnh là hình một cô gái Việt Nam mảnh dẻ đang áp giải tên phi công Mỹ to béo.

– Rất nhiều người đến đất nước chúng tôi và họ rất ngạc nhiên, tại sao một đất nước nhỏ và kém phát triển như thế, lại đương đầu thành công cuộc xâm lược của Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh nói – Nhưng khi đưa bức ảnh này ra, mọi chuyện đã trở nên rõ ràng. (Về sau chúng tôi được biết rằng bức ảnh nổi tiếng này do phóng viên Phan Thoan chụp ngày 20/9/1965 tại tỉnh Hà Tĩnh. Nữ du kích trẻ Nguyễn Thị Kim Lai đã áp giải viên phi công Mỹ William Robinson).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết thúc buổi gặp mặt bằng những lời biết ơn Lênin và Cách mạng tháng Mười:

– Tất cả những thắng lợi của chúng tôi đều gắn liền với tên tuổi của Lênin, tất cả chúng tôi đều biết ơn quê hương của Cách mạng tháng Mười.

(Theo Nhat-Nam.ru)
Phương Thúy (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement