Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong những năm 1981-1989

Mùa đông năm 1980, từ rừng núi Cao Mê Lai ở biên giới Cam-pu-chia – Thái Lan, tôi nhận được quyết định của Bộ Quốc phòng điều động về Đoàn 969 công tác. Khoác ba lô về Cục Chính trị Quân khu 7, gặp đồng chí Đại tá Tám Hòa – Chủ nhiệm Chính trị Quân khu, tôi hỏi: “Thưa đồng chí Cục trưởng, Đoàn 969 là đơn vị nào?”.

Đồng chí Tám Hòa tươi cười nói: “Đồng chí Viện rất vinh dự được trên điều động về Đoàn 969 là đơn vị Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Nghe Chủ nhiệm Chính trị nói vậy, tôi muốn reo lên vì vui sướng. Thế là, sau những tháng năm tham gia cuộc hành quân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, với 14 năm ở chiến trường miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, nay tôi được về làm người lính cận vệ Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, có vui sướng nào hơn. Đây là một phần thưởng vô giá đối với tôi.

Bồi hồi nhớ lại, khi công tác ở địa phương, là đại biểu Quốc hội khoá II, tôi có vinh dự được 11 lần gặp Bác Hồ. Ấn tượng nhất là 2 lần được chụp ảnh với Bác và 1 lần được Bác hỏi chuyện. Năm 1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tôi được Ban Bí thư Trung ương Đảng gửi giấy mời về dự. Buổi sáng hôm khai mạc Đại hội, giờ giải lao thấy Bác nói chuyện với mọi người ngoài hành lang, tôi cố len vào trong để được đứng gần Bác, được nghe Bác nói chuyện và được nhìn thấy Bác rõ hơn. Sau khi nói chuyện với đồng chí Nguyễn Lam – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Bác nói: “Chú Lam chọn cho bác một cháu trai, một cháu gái trẻ tuổi nhất là công nhân, nông dân đến chụp ảnh với Bác”. Thật không ngờ, tôi lúc ấy mới 25 tuổi và chị Len là công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng được chọn chụp ảnh chung với Bác.

Về công tác tại Đoàn 969, tôi được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Tổ chức. Với kinh nghiệm tích luỹ trong những năm làm công tác đảng, công tác chính trị, tôi hiểu rằng công tác tổ chức xây dựng Đảng, trực tiếp là xây dựng tổ chức cơ sở Đảng giữ một vị trí vai trò đặt biệt quan trọng.
Vào những năm 1980 – 1981, tổ chức của đơn vị tiếp tục được hoàn chỉnh. Bộ Quốc phòng xét thấy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong cơ cấu tổ chức của Binh đoàn 32 không hợp lý, nên đã quyết định đơn vị trở thành một đầu mối trực thuộc Bộ. Cơ cấu tổ chức của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng gồm: Các cơ quan, đơn vị và các ban trực thuộc. Nhưng lúc này ở Đảng bộ Đoàn 969 vẫn tổ chức thành 2 cấp: Cấp Đảng bộ Đoàn 969 (tức là cấp Bộ Tư lệnh) và cấp liên chi bộ các cơ quan, liên chi bộ các đơn vị. Hệ thống tổ chức Đảng như vậy không phát huy được sức mạnh lãnh đạo, chỉ huy, quyền chủ động và trách nhiệm ở cấp phòng, đoàn, ban trực thuộc.

Căn cứ vào Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa IV) và tình hình cụ thể của Đảng bộ, đơn vị làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt, tổ chức mang tính đặc thù, tôi cùng anh em trong Ban Tổ chức tham mưu cho Phòng Chính trị báo cáo với Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Tổ chức – Tổng cục Chính trị về kế hoạch củng cố hệ thống tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ.

Được cấp trên đồng ý, Thường vụ Đảng ủy đề ra kế hoạch cụ thể cho từng bước đi, từ làm điểm đến mở rộng. Từng ban, đội thành lập chi bộ; từng phòng và Viện 69 thành lập đảng bộ cơ sở, mỗi đảng bộ có từ 4 đến 6 chi bộ và tổ chức bầu đảng ủy (gồm 5 uỷ viên, có bí thư và phó bí thư). Chi bộ Ban Cán bộ sinh hoạt trong Đảng bộ Phòng Chính trị; Chi bộ Ban Đối ngoại sinh hoạt trong Đảng bộ Văn phòng; Chi bộ Ban Tài chính sinh hoạt trong Đảng bộ Phòng Hậu cần. Từng Đoàn thành lập đảng bộ cơ sở, mỗi đảng bộ có từ 5 đến 6 chi bộ và tổ chức bầu đảng ủy (từ 5 đến 7 ủy viên, có bí thư và phó bí thư). Riêng Đội K84 (nay là Đoàn 285) thành lập chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy Đoàn 969.

Song song với củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức là cụ thể hoá tiêu chí xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh sát với yêu cầu thực tiễn của Đảng bộ, đó là: Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện quản lý đảng viên và xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy, cán bộ các cấp là khâu then chốt. Các cấp ủy đảng cùng cơ quan Chính trị thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên hiểu sâu, nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Các chi bộ phải quản lý chặt chẽ từng đảng viên cả về chính trị tư tưởng, hành động, tác phong lối sống. Đặc biệt là quản lý những đảng viên là cán bộ chủ trì các cấp cả về nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ huy, đồng thời quan tâm quản lý chặt chẽ những đảng viên vi phạm kỷ luật, năng lực hạn chế.

Tập trung lãnh đạo đơn vị, cơ quan hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị thường xuyên, là thước đo đánh giá năng lực, kết quả lãnh đạo của từng đảng bộ, từng chi bộ. Căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ, từng đảng ủy, chi bộ phải xác định rõ mục tiêu, biện pháp lãnh đạo cho từng tháng, quý, năm, từng nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời chỉ đạo, giải quyết dứt điểm những tồn tại, khuyết điểm của đơn vị, cơ quan mình.

Duy trì nghiêm nền nếp chế độ sinh hoạt, cải tiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng ủy, chi bộ. Trong sinh hoạt phải thể hiện tính lãnh đạo, tính chiến đấu và tính giáo dục. Định kỳ 6 tháng, hàng năm tiến hành sơ kết, tổng kết công tác lãnh đạo và tổ chức lấy ý kiến đóng góp phê bình của quần chúng đối với tổ chức đảng và đảng viên.

Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện theo 4 tiêu chuẩn: Lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; tích cực, tự giác học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, chuyên môn nghiệp vụ khoa học kỹ thuật và làm tốt công tác vận động quần chúng.

Công tác phát triển đảng lúc này được coi trọng, nhất là khối các đơn vị tỷ lệ lãnh đạo thấp (khoảng 10%). Các Đảng bộ cơ sở đã lập kế hoạch phát triển đảng cho từng năm, từng quý, từng chi bộ. Nguồn kết nạp Đảng dựa vào tổ chức Đoàn thanh niên, lựa chọn những đoàn viên ưu tú trong quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, các tiểu đội trưởng, các tổ trưởng sản xuất, các chiến sỹ thi đua, thợ máy ưu tú. Mỗi năm Phòng Chính trị mở một lớp đối tượng để bồi dưỡng cho quần chúng hiểu sâu về Đảng, xác định rõ động cơ phấn đấu vào Đảng.

Chăm lo công tác lãnh đạo quần chúng, trước hết là xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn thanh niên, giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là có ý nghĩa chiến lược đối với đất nước, đối với đơn vị.

Việc củng cố kiện toàn hệ thống tổ chức cơ sở đảng và cải tiến nội dung phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chi bộ ở Đảng bộ Đoàn 969 những năm 1981- 1989 thực sự phù hợp với đặc thù của đơn vị làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Được các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy toàn Đảng bộ đánh giá là hợp lý, nâng cao được sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quyền hạn nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, nâng cao được số lượng, chất lượng đảng viên, phát huy được vai trò quần chúng trong việc tham gia xây dựng Đảng, góp phần hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dương Văn Viện
Nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

bqllang.gov.vn

Advertisement