Xứng đáng là “người cán bộ của cán bộ”

Sau ít ngày tôi được về đơn vị nhận nhiệm vụ (tháng 10 năm 1981), Ban Cán bộ tổ chức sinh hoạt, hôm ấy có đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Đại tá Tư lệnh Lương Soạn đến dự. Trước khi vào nội dung chính của cuộc họp, đồng chí Trưởng ban Nguyễn Đình Minh đọc Quyết định của Bộ Quốc phòng điều tôi về giữ chức Trưởng ban Cán bộ thay cho đồng chí. Sau đó, đồng chí giới thiệu đồng chí Lương Soạn phát biểu giao nhiệm vụ cho tôi và động viên anh em trong Ban.

Với chất giọng trầm ấm và mộc mạc của người con quê hương Quảng Nam, đồng chí Tư lệnh nhấn mạnh: “Ban Cán bộ phải thật sự là nơi tin cậy để anh em cán bộ trong đơn vị yên tâm gửi gắm cả tình cảm và niềm tin của họ vào đó. Mỗi đồng chí trong Ban Cán bộ phải thật sự xứng đáng là những cán bộ của cán bộ”.

Sau khi đồng chí Trưởng ban Nguyễn Đình Minh nghỉ hưu, Ban Cán bộ còn lại ba người: anh Nguyễn Bắc Son, anh Doãn Đức Xuân và tôi. Trên cương vị công tác mới, tôi vừa đi nghiên cứu tình hình ở cơ sở, vừa học tập, vừa công tác, vừa nhận bàn giao công việc. Tôi cùng anh em cán bộ trong Ban tiếp tục nghiên cứu, viết bổ sung để hoàn chỉnh bản báo cáo quy hoạch và kế hoạch công tác cán bộ của đơn vị chuẩn bị thông qua Thường vụ để kịp gửi báo cáo về Cục Cán bộ theo đúng thời gian quy định.

Nội dung và khối lượng công việc nhiều, thời gian hoàn thành lại gấp, mới về giữ chức Trưởng ban Cán bộ, tôi không tránh khỏi những băn khoăn lo lắng bởi lẽ “Vạn sự khởi đầu nan”. Tôi chỉ lo rằng với một khối lượng công việc lớn và quan trọng như thế liệu anh em trong Ban có hoàn thành đúng với thời gian kế hoạch đặt ra hay không? Chất lượng công việc có đạt được theo yêu cầu hay không? Bao nhiêu những suy tư trăn trở lo lắng về công việc ngày đêm cứ vương vấn, bề bộn trong tôi.

Tất cả những lo lắng ấy dường như lại càng tăng lên khi thời gian báo cáo với Thường vụ đã đến. Đó là vào một ngày hạ tuần của tháng 1 năm 1982. Sáng hôm ấy tôi dậy sớm hơn mọi ngày để chuẩn bị thật tốt cho những công việc còn lại. Tôi tranh thủ đọc thật kĩ bản báo cáo của mình để đề phòng có sự “trục trặc” khi báo cáo.

Hội nghị Ban Thường vụ có các đồng chí Nguyễn Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Lương Soạn – Phó Bí thư Đảng ủy, Nguyễn Văn Tưởng – Ủy viên Thường vụ.

Bản báo cáo mà tôi trình bày gồm: Quy hoạch cán bộ và kế hoạch công tác cán bộ năm 1982. Mặc dù đã được các đồng chí trong Ban chuẩn bị rất kĩ, nhưng không hiểu sao, khi báo cáo trước Thường vụ tôi vẫn cảm thấy hồi hộp. Nhưng được các đồng chí trong Thường vụ động viên, khích lệ, tôi đã trình bày một cách nhuần nhuyễn báo cáo của Ban Cán bộ. Tôi thực sự vui mừng sau khi nghe cả ba đồng chí trong Thường vụ phát biểu đều thể hiện sự nhất trí với nội dung báo cáo.

Các đồng chí cho rằng đây là một bản báo cáo có chất lượng tốt, vừa cơ bản, vừa có trọng tâm trọng điểm. Báo cáo đã quán triệt được những nội dung cơ bản trong Nghị quyết của cấp trên vào tình hình thực tiễn công tác cán bộ của đơn vị.

Sau phần thảo luận đánh giá chung, Thường vụ dành nhiều thời gian tập trung thảo luận nhằm làm rõ hơn, toàn diện hơn về tiêu chuẩn, về phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, trình độ năng lực nhận thức, năng lực tham mưu tổ chức thực hiện, về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, về kiến thức và độ tuổi. Thường vụ xác định phải đặc biệt coi trọng cả phẩm chất và năng lực, trong đó phải lấy tiêu chuẩn phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng làm gốc.

Sau một hồi trầm tư suy nghĩ, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Lương Soạn phát biểu nhấn mạnh cụm từ xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”. Đồng chí cho rằng: Muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”, nhiệm vụ trọng tâm và trước hết là phải tập trung vào xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì lãnh đạo chỉ huy từ cấp Bộ Tư lệnh đến cấp cơ sở phải thực sự vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Tôi tâm đắc với những ý kiến sâu sắc ấy của đồng chí Lương Soạn, tôi thấm thía và hiểu rằng mọi việc từ việc nhỏ đến việc lớn, cấp trên bao giờ cũng phải làm gương cho cấp dưới, cấp trưởng phải làm gương trước cấp phó, cán bộ đảng viên phải làm gương trước quần chúng, sĩ quan phải làm gương trước hạ sĩ quan và chiến sỹ. Sự gương mẫu của cấp trên bao giờ cũng là mệnh lệnh “không lời” để cấp dưới học tập và noi theo. Tôi luôn nhận thấy Tư lệnh là một người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy kiên định vững vàng, một lòng một dạ với công việc. Luôn luôn toàn tâm toàn lực với nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, lúc nào cũng tâm huyết với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên” theo lời Bác Hồ đã dạy. Đối với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác, bao giờ đồng chí cũng kiên định, trung thành son sắt. Luôn xác định cho bản thân và giáo dục cho cán bộ chiến sĩ trong đơn vị nhận rõ đó là nhiệm vụ trọng tâm số một, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là tính nguyên tắc bất di bất dịch trong mọi hoạt động của đơn vị nói chung và bản thân đồng chí nói riêng.

Phần đánh giá và thảo luận về quy hoạch cán bộ, Thường vụ cho rằng, lâu nay ta vẫn quy hoạch và sắp xếp cán bộ theo công thức cấp phó lên thay cấp trưởng. Làm như vậy có thuận lợi là khi lên thay đồng chí cán bộ đó không mất thời gian để tìm hiểu nhiệm vụ và nắm tình hình đơn vị. Hơn nữa cũng không xáo trộn nhiều về tư tưởng. Tuy nhiên, cách làm này cũng dễ nảy sinh tư tưởng “Sống lâu lên lão làng”, tư tưởng “chờ đợi”, thậm chí trong quá trình quy hoạch, sắp xếp còn xuất hiện tư tưởng thiên về “chính sách” nên cá biệt có cán bộ mới được bổ nhiệm lên cương vị cao hơn nhưng chất lượng và năng lực làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu, tín nhiệm của quần chúng không cao.

Để khắc phục được tình trạng nêu trên, Thường vụ yêu cầu cấp ủy các cấp và cơ quan chức năng quản lý cán bộ cần nghiên cứu một cách đồng bộ và toàn diện hơn để triển khai quy hoạch cán bộ theo các phương pháp như:

– Phương pháp tuần tự cùng tuyến và tuần tự không cùng tuyến.
– Phương pháp vượt cấp cùng tuyến và vượt cấp không cùng tuyến.
– Phương pháp ngang cấp cùng tuyến.

Đồng chí Nguyễn Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, phát biểu nhấn mạnh: Phải tránh tình trạng khi quy hoạch chỉ chuẩn bị một người để đưa vào nguồn thay thế cho cả hai hoặc ba chức danh. Không nên cho cán bộ là “con dao pha” muốn sử dụng chỗ nào cũng được và cũng không nên chuẩn bị một người làm nguồn thay thế cho một chức danh. Làm như vậy dễ dẫn tới sự hụt hẫng trong đội ngũ cán bộ.

Trong phần phát biểu của mình, đồng chí Nguyễn Văn Tưởng – Ủy viên Thường vụ nêu ý kiến: Cần chú trọng đến khâu bố trí, sắp xếp cán bộ sao cho đúng người, đúng việc, đúng thời điểm, đúng vị trí, đúng sở trường, đúng chức danh, ngành nghề. Tiếp thu ý kiến của Thường vụ, những người làm công tác cán bộ chúng tôi có thêm những kinh nghiệm và những tư duy mới sâu sắc hơn trong công việc của mình. Thực tiễn cũng đã chứng minh rằng thông thường người cán bộ nào cũng phải trải qua các thời kỳ, lúc cán bộ có khả năng làm việc tốt nhất, tổ chức cần nắm chắc và đánh giá chính xác cán bộ để kịp thời giao nhiệm vụ cho họ. Những cán bộ năng lực đã hạn chế, uy tín và tín nhiệm trước tập thể giảm sút, tổ chức cũng phải đánh giá đúng cán bộ và không nên sắp xếp người cán bộ đó đảm nhiệm những công việc trọng trách của đơn vị nữa. Làm được như vậy sẽ bảo đảm được tính khách quan khoa học, tính bình đẳng, trung thực trong công tác cán bộ.

Hôm nay, khi ngồi viết lại những kỷ niệm sâu sắc ấy, tôi như được sống lại quãng thời gian với những kỷ niệm đẹp nhất trong suốt 25 năm qua (tháng 10 năm 1981 đến tháng 5 năm 2006). Những tình cảm tốt đẹp, những lời huấn thị, những quan điểm tư tưởng, những nội dung thảo luận, kết luận của Thường vụ về công tác quy hoạch và kế hoạch công tác cán bộ của đơn vị ngày ấy đến nay vẫn còn lắng đọng mãi trong tôi với biết bao những kỷ niệm sâu sắc nhất và đẹp nhất không thể nào quên.

Đại tá Dương Đức Thạc
Nguyên Chủ nhiệm Chính trị – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

bqllang.gov.vn

Advertisement