Tháng năm mãi mãi bên Người

Năm 1975, sau chiến thắng 30-4, công trình xây dựng Lăng Bác Hồ đã hoàn thành thực sự là một sự kiện lớn làm nức lòng quân dân cả nước. Giờ đây, chúng ta đã biết công việc bảo vệ thi hài Bác trong những năm chiến tranh khốc liệt từ ngày Bác mất đến ngày đón Bác về Lăng. Trong 6 năm (1969-1975) đằng đẵng lo âu ấy, thi hài Bác đã 5 lần phải di chuyển để tránh địch hoạ, thiên tai. Mỗi lần di chuyển thi hài Bác trọn vẹn an toàn là một chiến công lớn của những cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 – Đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ đã được Đảng và nhân dân tin yêu giao cho gìn giữ tài sản tinh thần vô giá của dân tộc. Nhưng đây là công việc đặc biệt, tuyệt mật. Vì thế trong muôn nỗi lo toan của quân và dân ta ngày ấy có một nỗi lo canh cánh mà không ai dám hỏi, dám nói ra rằng: Bác đang ở đâu, thi hài của Người liệu có được bảo vệ chu toàn cho đến ngày đất nước toàn thắng?.

Năm 1972, Sư đoàn 308 chúng tôi đang chiến đấu tại Quảng Trị. Đến cuối năm đế quốc Mỹ vẫn trì hoãn ký hiệp định Pa-ri nhằm leo thang chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc. Tin Mỹ dùng máy bay B52 ném bom xuống Thủ đô Hà Nội làm cho chúng tôi hết sức lo lắng, bồn chồn. Sau buổi nắm tình hình tư tưởng bộ đội của sư đoàn hôm ấy, chúng tôi đã ghi nhận nhiều tâm tư của cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị, trong đó rất nhiều người băn khoăn về việc bảo vệ thi hài Bác trong trận quyết chiến cuối cùng này. Tháng 5 năm 1975 vào Sài Gòn vừa được giải phóng, tôi đến Đại học xá Minh Mạng gặp gỡ nói chuyện với các em sinh viên, nhiều em sinh viên băn khoăn hỏi tôi: “ Thi hài Bác Hồ có được giữ gìn tốt không anh? Bao giờ thì công trình Lăng Bác khánh thành?”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Việc này các em mới biết hay đã biết từ trước ngày giải phóng Sài Gòn?”.

Một nữ sinh viên nhanh nhẹn trả lời: “Bọn em biết từ lâu rồi. Chúng em thường xuyên nghe trộm đài Hà Nội. Chúng em mong đến ngày Lăng Bác hoàn thành để được ra Hà Nội gặp Bác”. Tôi càng hiểu thêm tình cảm sâu nặng của thanh niên, học sinh miền Nam đối với Bác Hồ kính yêu.

Cuối cùng thì ngày cả nước mong đợi cũng đã đến. Ngày 29 tháng 8 năm 1975, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành, Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có thêm một công trình văn hoá lớn nằm liền kề biểu tượng của Việt Nam, của Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội: Chùa Một Cột độc đáo được xây dựng từ thời Lý vào lúc đạo Phật hưng thịnh nhất. Trước cửa Lăng Bác Hồ xuất hiện một cảnh tượng chưa bao giờ người dân Việt Nam được chứng kiến trên đất nước ta- Những kíp tiêu binh lễ phục trang nghiêm, đẹp cả trong tư thế đứng nghiêm và trong từng bước đi, nhịp quay khi đổi gác. Hai chiến sĩ Nông Văn Thành và Nguyễn Văn Ri được vinh dự đứng tiêu binh trước Lăng Bác trong ngày khánh thành. Họ đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng, tay nắm chắc thân súng, không một cử động nhỏ. Trước mắt các anh là những dòng người bước đi nhẹ nhàng như một dòng chảy bất tận vào Lăng.

Đã nhiều lần tôi được vào Lăng viếng Bác hoặc có việc đi qua khu vực Lăng Bác. Dù được gặp Bác hay chỉ đi ngang qua Lăng cứ bắt gặp thảm cỏ Ba Đình xanh mát mắt, trong tim tôi lại nhớ đến bài thơ phổ nhạc của Viễn Phương:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng
Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ
Từng dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.

Đã có hàng trăm tác phẩm thi ca viết về Người, bài ca nào cũng bắt nguồn từ xúc cảm sâu xa của các nghệ sĩ đã may mắn được gặp Bác hoặc chưa có dịp để có được niềm hạnh phúc lớn ấy. Nhưng đến nơi yên nghỉ của Người, như một phản xạ tự nhiên, tôi cứ nhớ ngay những câu thơ trên, vì hình tượng thơ của Viễn Phương luôn diễn ra hàng ngày trước mắt tôi: những dòng người với sắc áo muôn màu chuyển động, uốn quanh, như một tràng hoa, như một đoá hoa đang bừng nở. Từ ngày đầu tiên đến hôm nay vẫn thế.

Ngay sau ngày Bác Hồ qua đời, mặc dù trong lúc đất nước còn đắm chìm trong mịt mù khói lửa chiến tranh, nhưng việc xây dựng Lăng Bác đã trở thành nguyện vọng thiết tha của toàn dân, toàn quân ta. Đồng bào và chiến sĩ cả nước đều mong muốn có một nơi an nghỉ cuối cùng của Bác để thể hiện phần nào công lao và sự nghiệp vĩ đại của Người, để thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau có điều kiện tới viếng Bác và nguyện đi tiếp con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Tổ quốc ta lúc đó còn bị chia cắt làm hai miền. Miền Nam đi trước về sau, lúc sinh thời Người nhớ thương da diết. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, có một ước ao lớn nhất chưa thực hiện được là trở lại Sài Gòn, gặp lại miền Nam yêu dấu. Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim của Bác và Bác cũng luôn có trong trái tim mỗi người dân miền Nam. Năm 1966, khi tiếp một nhà báo Cuba, Bác đã đặt một bàn tay lên ngực mình nói rằng: “Nhân dân miền Nam, mỗi nhà, mỗi người có một nỗi đau riêng, đem cộng lại tất cả những nỗi đau đó lại là nỗi đau của tôi”. Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Bác nhiều lần đề nghị Bộ Chính trị bố trí cho Bác vào thăm hỏi, động viên quân dân ta ngay tại chiến trường miền Nam. Nhưng nhận thấy sức khoẻ của Bác không đảm bảo, nên Bộ Chính trị đã tìm mọi cách trì hoãn chuyến đi ấy. Vào mùa xuân năm 1968, đồng chí Lê Đức Thọ trước khi vào miền Nam công tác đã đến chào Bác. Bác lại tha thiết đề nghị Bộ Chính trị được đi thăm miền Nam. Đồng chí Lê Đức Thọ lại phải khéo léo từ chối nói rằng: Bác chỉ có thể đi đường hàng không qua Phnôm Pênh. Như vậy phải làm hộ chiếu và người ta dễ dàng nhận ra Bác vì Bác có râu. Bác bảo: “Thì cạo râu đi”. Đồng chí Lê Đức Thọ thưa: “Bác cạo râu đi thì đồng bào miền Nam không còn nhận ra Bác nữa”. Nghe vậy, Bác ngồi yên rất buồn. Lúc chia tay, Bác đã ôm lấy đồng chí Lê Đức Thọ và Người không kìm được nước mắt. Hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ bắt đầu từ ngày 5 tháng 6 năm 1911 trên con tàu buôn mang tên “Đô Đốc La-tut-sơ Tơ-rê-vi-lơ” rời bến Nhà Rồng. Người đã đi khắp các châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ La tinh làm nên sự nghiệp lớn “chấn động địa cầu” – là người khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Có ai ngờ lần tạm xa ấy cũng là lần Bác vĩnh biệt Sài Gòn, vĩnh biệt miền Nam yêu thương.

Quyết định của Bộ Chính trị giữ gìn nguyên vẹn và lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây Lăng lúc đó thực sự là nguồn cổ vũ lớn đối với đồng bào miền Nam, đối với quân dân cả nước, biến đau thương thành sức mạnh, quyết “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giành toàn thắng để sớm được về Lăng gặp Bác. Những gì diễn ra bên Lăng Bác Hồ trong những năm qua đã chứng minh quyết định giữ gìn nguyên vẹn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng là đúng ý Đảng, hợp lòng dân, phù hợp với truyền thống đạo lý nhân nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Tính đến hết tháng 12 năm 2006 đã có 32.750.170 lượt người vào Lăng viếng Bác, trong đó khách nước ngoài có 3.573.309 người thuộc 132 nước và 68 tổ chức quốc tế. Công cuộc đổi mới đất nước đạt được những thành tựu quan trọng, điều kiện đi lại của nhân dân thuận tiện, giao lưu quốc tế phát triển đã làm cho lượng khách trong nước và nước ngoài đến Lăng thăm viếng Bác mấy năm gần đây tăng lên không ngừng. Vào những ngày này, trung bình có từ 50 đến 70 đoàn khách quốc tế cùng hàng ngàn đồng bào ta, đủ các lứa tuổi từ khắp mọi miền đất nước ngày ngày lặng lẽ, thành kính xếp hàng dài vào Lăng viếng Bác. Thủ đô Hà Nội có cả ngàn năm lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh. Nhưng không có danh thắng nào lại có được sức hấp dẫn như khu vực Lăng Bác. Nhiều cụ già ở các miền quê xa chưa một lần đặt chân đến Thủ đô đã nói với con cháu: “Ước gì ra Hà Nội để được vào Lăng viếng Bác”. Với khách nước ngoài thì nhiều người chung một ý kiến: Chưa đến Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì coi như chưa đến Hà Nội. Ngay cả những ngày Lăng không mở cửa trong tuần theo thường lệ (thứ hai và thứ sáu) bà con ta, các cháu thiếu nhi, du khách nước ngoài cũng vẫn đi lại tấp nập trên những con đường trong khu vực Lăng Bác để hít thở không khí trong lành, ngắm cảnh quan, ghi hình chụp ảnh lưu niệm.

Những cuốn sổ vàng mà Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu giữ xếp thành một chồng cao ngất đã lưu lại những cảm nghĩ chân thành sâu lắng của đồng bào, đồng chí, của nhân dân các dân tộc ở khắp mọi miền đất nước, của bè bạn trên khắp các lục địa với đủ các ngôn ngữ gốc Sla-vơ, La tinh, tượng hình, Phạn…

Đoàn đại biểu quận 1, thành phố Hồ Chí Minh viết: “Vô cùng xúc động được vào Lăng viếng Bác, Bác mãi mãi sống trong trái tim đồng bào Nam Bộ, lời ấy đời đời giữ mãi trong lòng của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh … Nhớ thương Bác vô cùng. Nguyện học tập và sống theo gương Bác”.

Đoàn đại biểu Ê-ti-ô-pi-a viết: “Đến thăm Lăng Bác Hồ, chúng tôi có một ấn tượng sâu sắc: Bác Hồ không chỉ là nhà cách mạng vĩ đại của nhân dân Việt Nam, mà Người còn là niềm hy vọng của các dân tộc châu Phi cũng như những dân tộc khác đang đấu tranh quét sạch chủ nghĩa đế quốc ra khỏi Tổ quốc mình…”.

Đoàn đại biểu phụ nữ Mỹ viết: “Chúng tôi yêu mến đất nước Việt Nam vì ở Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đời của Người là một biểu tượng hoà bình đầy đủ nhất… Chúng tôi coi lãnh tụ Hồ Chí Minh như lãnh tụ của nhân dân tiến bộ Mỹ”.

Bà A-sa-la-li, Chủ tịch Liên đoàn phụ nữ Ấn Độ viết: “Tôi xin nghiêng mình tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người châu Á vĩ đại, một con người thật sự vĩ đại, người tiên phong của tất cả các dân tộc bị áp bức. Lời nói bất hủ của Người về tự do là món quà quý giá nhất mà loài người phải giữ lấy…”.

Những dòng cảm tưởng của hàng triệu người đã đến Lăng viếng Bác tập hợp lại có thể in thành nhiều pho sách. Nhưng đấy mới chỉ là một phần nhỏ bé so với tình cảm bao la nồng thắm đối với Bác bất kể thời gian và những biến động của lịch sử.

Có lần, tôi được gặp đoàn các Bà mẹ Anh hùng từ vùng đất Mũi Cà Mau vào Lăng viếng Bác. Các mẹ đều đã ở tuổi trên dưới 70, lại đi bằng ô tô. Tuổi trung niên như tôi, nghĩ đến một chuyến đi xuyên Việt bằng ô tô đã thấy ngại, thế mà các mẹ lại không thích ngồi máy bay. Tôi hỏi nguyên do, thì một mẹ giải thích: “Đi ô tô để tham quan đất nước, để việc hành hương về thăm Bác có thêm nhiều ý nghĩa”.

Người cao tuổi nhất trong đoàn là mẹ Nguyễn Thị Thanh, đã 73 tuổi. Cả ba người con trai của mẹ đều đã hy sinh trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Những mất mát quá lớn lao đã làm cho mẹ già hơn nhiều so với tuổi tác. Mẹ cao gầy, gương mặt hốc hác, tóc sương, da mồi. Mới chỉ thoáng nghe câu hỏi của tôi: “Cảm xúc của mẹ như thế nào khi vào Lăng viếng Bác”, ánh mắt già nua của mẹ bỗng mờ đi, nước mắt từ từ lăn trên đôi gò má nhăn nheo đen sạm. Một lát sau mẹ mới thốt lên được mấy lời: “Buồn lắm, cảm động lắm… ước chi những ngày này Bác còn sống để chứng kiến cảnh nước nhà thống nhất, để Bác vào thăm bà con miền Nam, bà con đất Mũi”. Mẹ Thanh chỉ nói được có vậy. Những câu hỏi tiếp theo của tôi chỉ được mẹ trả lời bằng hai hàng nước mắt của một người mẹ đã khô héo vì khổ đau, tưởng như không bao giờ còn có thể khóc được nữa. Nhìn mẹ Thanh khóc, sống mũi tôi bỗng thấy cay cay dẫu trước đó tôi đã được nghe các anh, chị trong Ban Đón tiếp kể lại nhiều mẩu chuyện về tình cảm của đồng bào miền Nam với Bác.

Đúng như đàn con hiếu thảo khi cha mất đã không có mặt chịu tang, các đoàn miền Nam ra thăm Bác những ngày đầu Lăng Bác mới mở cửa đón khách có nhiều chuyện thật cảm động. Mới bước vào phòng tiếp đón nhiều người đã khóc sụt sùi. Đến khi vào Lăng mong được một lần trông thấy Bác thì mắt nhoè lệ, xúc động cứ dâng trào không thể kìm nén cho đến tận lúc rời Lăng. Thế là từ miền Nam xa xôi ra Hà Nội gặp Bác, đứng bên Bác mà không nhìn rõ được gương mặt cha già.

Chị cán bộ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, có nhiệm vụ dẫn đoàn các mẹ đi viếng Bác tâm sự với tôi: Nhận nhiệm vụ này em vừa vui vừa lo. Vui vì đây là lần đầu tiên em được ra Thủ đô, được vào Lăng viếng Bác. Lo vì các mẹ tuổi đã cao, đường đất lại xa xôi thế có chuyện gì xảy ra ở giữa đường nơi đèo cao, đồng vắng thì thật rầy to. Nhưng may quá trừ một sự cố ở thành phố Hồ Chí Minh, còn lại càng đến gần Hà Nội, các mẹ lại càng khoẻ ra. Chính em có lúc cũng rất mệt lại được các mẹ xúm vào động viên: “Cố ăn cho nhiều để khi ra đến Hà Nội khoẻ mạnh, má con chúng mình vô Lăng viếng Bác ngay”. Trong lúc nói chuyện với tôi ánh mắt chị trưởng đoàn long lanh vui và còn ẩn chứa một điều kỳ lạ gì đó mà chị chưa hiểu hết đã làm cho các mẹ anh hùng của Cà Mau đến được Hà Nội bình an, mạnh khoẻ.

Những người dân từ khắp mọi miền đến đây mỗi người đều có hoàn cảnh riêng, trăm người trăm số phận, mỗi người có cách thể hiện riêng nhưng có một nét chung là tất cả đều mang trong lòng tình cảm đối với Bác rất sâu xa, thánh thiện mà dân dã. Xin dẫn ra một vài thí dụ: Bà Nguyễn Thị Lan ở thành phố Hải Phòng từ nhiều năm nay năm nào bà cũng đến viếng Bác ba lần vào dịp: Tết âm lịch, ngày sinh Bác 19-5, ngày Quốc khánh cũng là ngày Bác mất 2-9. Bà đã trở thành người thân của tập thể cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ, đón tiếp đồng bào trong nước và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác. Con cháu, dòng họ của bà Lan cũng thường xuyên vào viếng Bác. Có lần đoàn con, cháu, họ hàng của bà Lan vào viếng Bác đông tới 50 người, ngồi chật cả một phòng khách lớn. Bà Lan là người có tính cách khác lạ. Có lần bà nói: “Tôi không có thì giờ để đến các chùa chiền. Đi chùa là để lễ thánh cầu phúc. Bác Hồ anh minh là bậc thánh từ lúc còn sống, không chỉ dân ta, mà khắp bàn dân thiên hạ đều biết, nên tôi thấy chỉ đến viếng, đến lễ Bác là đủ phúc đức cho con cháu rồi. Đấy là ý nghĩ của riêng tôi. Tôi nghĩ thế nào cứ nói ra đúng như thế”.

Cụ Đỗ Viết Ân ở Thái Bình cũng là một lữ khách để lại cho cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Lăng nhiều ấn tượng đặc biệt. Không chỉ ở khu vực Lăng, ở nhà khách 37 Hùng Vương, mà ở chùa Quán Sứ, nhiều người cũng biết cụ, giúp đỡ, phục vụ cụ rất tận tình. Cụ Ân đã hơn trăm tuổi nên được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình dành cho chế độ ưu đãi đặc biệt. Cụ Ân có thẻ đi tàu xe không mất tiền. Lên Hà Nội viếng Bác khi thì cụ vào ăn nghỉ tại nhà khách 37 Hùng Vương (tất nhiên cũng không mất tiền), lúc thì ra “ăn mày” cửa phật ở chùa Quán Sứ. Dù nghỉ ngơi ở chỗ nào từ năm 1990 trở về trước cứ sáng ngày 3 tháng 9 là cụ có mặt ở Ban Đón tiếp để vào Lăng viếng Bác. Đã thành lệ từ chiều mồng 2, mấy anh chị em trong Ban Đón tiếp đã nhắc nhở nhau: “Nhớ sáng ngày mai đón cụ Ân vào Lăng viếng Bác”.

Cùng với năm tháng, những dòng người ngày nối ngày lặng lẽ vào Lăng viếng Bác để soi vào tấm gương trong sáng của Bác, để nâng cao lòng tin, xoá những ưu tư, xác nhận những chân giá trị cuộc sống trước bão tố cuộc đời, để yêu cái Người đã từng yêu, để được bồi đắp thêm sinh lực đi tiếp con đường Người đã đi suốt cả cuộc đời. Cùng với hoạt động lớn đó, Lăng Bác còn là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt chính trị phong phú. Nhiều đơn vị tân binh trước ngày lên đường, lễ kết nạp đoàn viên, đảng viên, nhiều đoàn đại biểu của nhiều cơ quan, xí nghiệp, những tài năng trẻ dâng lên Bác kính yêu những thành tích trong lao động, học tập, công tác đã sôi nổi diễn ra thường xuyên bên Lăng Người. Ngọn lửa thiêng từ nơi đây được chuyển đi thắp sáng tinh thần thượng võ ở các đại hội thể thao toàn quốc, ở các địa phương. Nhiều đôi trai gái khi làm lễ thành hôn cũng đến trước Lăng bày tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn Người. Trong những đôi trai gái đến đây dâng hoa lên Người trong ngày lễ thành hôn, có một chú rể mà cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Lăng hay nhắc đến đó là Thượng uý Phạm Minh Thanh thuộc Đoàn M25 Bộ đội Hải quân. Anh Thanh là một người lính thường xuyên gắn bó với những hòn đảo xa xôi nhất của Tổ quốc. Từ Trường Sa, Thanh được nghỉ ít ngày để tổ chức lễ cưới. Ngày giờ tiến hành hôn lễ đã được đôi bên gia đình hai họ quyết định. Nhưng vào ngày đó, Lăng Bác lại không mở cửa đón khách theo quy định thường lệ. Cô dâu, chú rể và cả hai gia đình coi dâng hoa tưởng niệm Bác là một việc làm có ý nghĩa lớn và hệ trọng phải thực hiện bằng được và ngày cưới của họ đã lùi lại rất tự nguyện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, là người bạn lớn của nhân dân thế giới. Hoà cùng hàng ngàn, hàng vạn người dân Việt Nam ngày ngày vào Lăng viếng Bác luôn có những đoàn khách nước ngoài đến Việt Nam, đến với Bác từ khắp các quốc gia. Các đồng chí trong Ban Đón tiếp tại Lăng là người thường xuyên tiếp xúc với khách quốc tế, đã kể cho tôi nghe nhiều mẩu chuyện thể hiện tấm lòng của bè bạn bốn phương từ các nguyên thủ quốc gia đến những khách du lịch dành cho Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

Cách đây mấy năm, có một đoàn rất đông cựu chiến binh Pháp vào Lăng viếng Bác. Hôm ấy là ngày lễ, nên đồng bào ta và khách nước ngoài đến viếng Bác lên đến hơn 30 ngàn người. Dưới nắng hè gay gắt phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, một vài người trong đoàn tỏ vẻ bực bội khó chịu. Nhưng trong đoàn cựu chiến binh Pháp nhiều người lại biểu lộ thái độ rất trầm tĩnh kiên nhẫn. Nghe cán bộ ta giải thích, xin lỗi vì sự chậm trễ, có vị cựu chiến binh vội vàng xua tay nói:

– Các ông không có lỗi, không có lỗi. Đứng đây chờ đợi phải chịu nắng nóng, cái nắng Việt Nam đáng sợ thật, nhưng tôi lại có thêm được một thu hoạch bằng trực giác của mình. Nhìn dòng người Việt Nam vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi mới thật hiểu sự ngưỡng mộ của dân tộc ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh cao tới mức nào.

Tổng thống Cộng hoà Áo Thô-mát Kle-xtin vào Lăng viếng Bác, nhìn thấy nhân dân ta đủ các lứa tuổi trẻ già, gái trai đến viếng lãnh tụ vĩ đại của mình, ông rất xúc động. Tổng thống đã đề nghị đồng chí phụ trách Lăng được ra bắt tay những người dân Việt Nam tình cờ gặp gỡ bên Lăng Bác. Dòng lưu bút nào có thể ghi lại được tình cảm của vị nguyên thủ quốc gia này với Chủ tịch Hồ Chí Minh chính xác và đầy đủ hơn thế.

Những người khách từ hơn một trăm quốc gia đến viếng Bác không phải do sự hiếu kỳ hay cử chỉ xã giao. Những người khách phương xa đến đây trước đó đều ít nhiều đã biết đến Bác, đã hiểu tiểu sử và sự nghiệp của Người. Sự hiểu biết về Người có mức độ khác nhau, nhưng tất cả những người đã qua đây đều biểu lộ sự kính trọng sâu sắc đối với Bác bằng thái độ, cử chỉ, lời nói và những dòng cảm tưởng với nhiều cách diễn đạt khác nhau. Có lời nói, ý tứ của những người nước ngoài quốc tịch khác nhau, thời điểm vào Lăng viếng Bác của họ cách nhau đến 2 năm nhưng lại giống nhau. Đó là trường hợp một nhà báo Đức và một cán bộ phụ nữ của Ba Lan. Hai vị khách này không dùng từ viếng mà dùng từ thăm. Họ lập luận: viếng là đến với những người đã chết, thăm là đến với người còn sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc vĩ nhân đáng xếp vào hàng bất tử của nhân loại. Đồng chí hướng dẫn viên của ta nói thêm: Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, ngày làm việc của Người rất căng thẳng. Khi tuổi đã cao, sức khoẻ giảm sút, giữa hai cuộc tiếp khách Người thường để nguyên quần áo nằm nghỉ mươi phút. Tư thế của Người, trang phục của Người hiện ở trong Lăng là phỏng theo những giây lát nghỉ ngơi của Người. Đối với chúng tôi, Người sống mãi, Người đang nằm nghỉ chốc lát. Nghe vậy, vị khách Đức và vị khách Ba Lan ở hai thời điểm khác nhau đều bật lên một câu nói giống nhau: “Các ông rất thông minh, rất xứng đáng là con cháu Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Để có được lời khen ngợi của nhân dân và bầu bạn quốc tế, kể từ khi Bác đi xa, từ ngày Lăng Bác mở cửa đón khách, cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Lăng, những người có hạnh phúc lớn suốt tháng năm luôn được gần gũi bên Người đã coi nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác, bảo vệ Lăng, đón tiếp đồng bào đến viếng Bác là một nhiệm vụ vinh quang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao cho. Họ đã đem hết sức mình với tinh thần tự nguyện cao nhất, tổ chức thực hiện nghiêm cách chuẩn xác, công phu tỉ mỉ công việc giữ gìn thi hài Bác. Coi đó là tài sản tinh thần dân tộc vô giá của hôm nay và của muôn đời con cháu.

Bút ký của Đại tá Nguyễn Việt Sơn – Báo Quân đội nhân dân

bqllang.gov.vn

Advertisement