Những thông số nóng … lạnh

Hệ thống thông gió – điều hòa không khí của công trình Lăng là một hệ thống lớn và hoàn chỉnh. Công việc khảo sát từ giai đoạn tiền thiết kế được thực hiện rất công phu, có tham khảo nhiều công trình cùng loại tương tự ở trong và ngoài nước. Trang bị đồng bộ, công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên và tu bổ định kỳ được thực hiện theo kế hoạch chặt chẽ. Kết quả khai thác, vận hành liên tục nhiều năm đã chứng tỏ hiệu lực và độ tin cậy của hệ thống công nghệ này. Tuy vậy, do tác động của khí hậu nhiệt đới và do đặc điểm hoạt động của công trình, có lúc hệ thống kỹ thuật của công trình đã gặp phải những nhiễu động từ môi trường, vượt khỏi dự liệu và cần phải hoàn thiện bổ sung.

Đơn vị khai thác vận hành cùng với các chuyên gia Liên Xô đã xử lý thành công một số vấn đề kỹ thuật phát sinh, khá phức tạp, ngay từ những năm đầu.

Tiếp nhận vận hành, chúng tôi quan tâm ngay đến việc khắc phục mọi sự cố kỹ thuật to, nhỏ xảy ra của hệ thống công nghệ, phân công nhau theo dõi, nắm bắt nhanh các dạng trục trặc, hỏng hóc, không kể giờ nào, hễ được tin có “pan” bất kỳ vừa xảy ra, chúng tôi đều đến bám sát, xác định ngay nguyên nhân (từ tiếng gõ lạ phát ra ở các ổ trục, chiếc cua-roa căng, chùng không đều; các tín hiệu chập chờn, có điều chỉnh mà thông số vẫn “lì” ra). Sau đó chúng tôi đem so các thông số đọc trực tiếp và băng tự ghi của thiết bị đo từ xa, tìm những chỗ vênh, không khớp… Có lần, đã nửa đêm còn nổ ra cuộc tranh luận ở gian máy chính vì nghi vấn có 1 động cơ “xéc vô” kéo van bị hỏng. Không ngại cái thang cao 4 mét lênh khênh, anh em thay nhau leo lên kiểm tra. Quả thật động cơ và van vẫn hoạt động tốt, nhưng bị một vấu tiếp điểm bị kẹt lò xo… nên đèn tín hiệu trên bảng hiển thị báo van không hoạt động.

Báo động nhầm đã không ít lần xảy ra, nhưng không ai tỏ ra ngần ngại khi lại phải làm cái việc tương tự cho những trường hợp khác.

Thực sự, chúng tôi đặc biệt để ý dõi theo những bộc lộ bất thường, đáng lo nhất là khi chúng đồng thời xảy ra cùng thời điểm. Càng phải chú ý hơn là theo dõi khả năng dự trữ đưa ra xử lí, hóa giải các sự cố đó.

Không phải đợi lâu, một trục trặc kỹ thuật dạng phức tạp đã xảy ra, sớm hơn chúng tôi nghĩ: Đọng sương trong công trình và quá tải của thiết bị chủ lực.

Chuyện xảy ra vào thứ tư, ngày 17 tháng 9 năm 1975, lúc 9 giờ 20 phút, đang trong lễ viếng thì xảy ra hiện tượng không khí nóng, ẩm ngoài trời theo sức ép đã đẩy cửa gió, vượt qua hai cánh cửa lớn (mở chính hướng đông) giữa công trình, với khối lượng lớn (có thể gấp vài ba lần công suất của hệ thống thông gió cơ khí đặt sẵn trong Lăng). Hàng trăm mét vuông tường, trần, sàn ốp đá cùng mang nhiệt độ mát, lạnh. Khi không khí nóng ẩm bên ngoài tràn vào thì một hiện tượng tự nhiên về vật lý kiến trúc đã xảy ra: các bề mặt bên trong công trình có không khí điều hoà, nhiệt độ thấp hơn môi trường bên ngoài nhanh chóng bị đọng sương, đẫm nước, rồi tụ lại, chảy thành dòng… Có gió trời thổi mạnh, dung ẩm bên ngoài lại cao. Suốt khu vực tiền sảnh và ở chân hai cầu thang lối vào, lối ra đều bị nước đọng thành vũng. Không khí ngưng, đọng đem mùi mốc nồng vào và làm cả không gian ẩm ướt. Từng bậc lên, xuống, trước chỉ có dính ít bụi đất do giày dép bước qua, lúc này đã tạo thành lớp bùn mỏng. Cả tấm thảm len lớn màu đỏ sáng và đẹp thế, nay sũng nước, màu xỉn lại.

Phải tạm ngắt dòng người viếng ngay trước cửa Lăng. Hàng chục đồng chí Đội Kiến trúc, vệ sinh được huy động ngay, với giẻ lau, bàn đẩy, bắc ghế, bắc thang, giải quyết cấp tốc. 15 phút sau, lễ viếng mới được tiếp tục. Nhưng chỉ độ một giờ sau, lại phải làm lại lần khác.

Hôm đó, nắng không gắt nhưng trời rất oi bức (độ ẩm tương đối đến 85%). Gió đông khá mạnh thổi thẳng vào công trình. Tôi đã theo dõi suốt buổi sáng hiện trạng này. Là những người đã từng làm công tác thiết kế và giảng dạy về vi khí hậu công trình ở Binh chủng Công binh và Học viện Kỹ thuật Quân sự, chúng tôi không phải tìm lâu về nguyên nhân, nhưng cũng bị “sốc” trước mức độ gây xáo trộn quá nhanh của sự cố này.

Suốt tuần sau, chúng tôi mở lại các hồ sơ thiết kế và dùng máy đo những đại lượng liên quan để làm rõ các hiện tượng chính, phụ (chúng đồng thời xảy ra như thế nào). Rồi tập trung vào hướng để giải quyết hiện tượng bất thường trên, cần phải làm gì?

Câu trả lời tìm ra từ nghiên cứu hồ sơ thiết kế là: không có mục tiêu “chống đọng sương” đặt vào nhiệm vụ vận hành của 4 hệ điều hòa trung tâm! Việc chống các nhiễu động lớn từ môi trường khí quyển ngoài vào công trình không được “đặt thành vấn đề” từ thiết kế gốc! Thế là đã rõ ràng.

Điểm mấu chốt lúc này là phải giải quyết vấn đề “chống đọng sương” như thế nào?

Về lý thuyết – có thể nghiên cứu các yếu tố:

Lăng Bác là một công trình có yêu cầu riêng. Vào thời gian tổ chức lễ viếng, cửa chính của Lăng phải mở hoàn toàn (không thể đóng kín như các công trình bình thường);

Vậy cần và có thể tạo ra một màn chắn bằng không khí, với ý tưởng: “có cửa mà như không có cửa”. Màn chắn “mềm” đó, các máy cơ khí của ta sẽ tạo ra không mấy khó khăn, nhưng công suất của nó tính ra khá lớn. Và kiến trúc phía ngoài cửa Lăng sẽ bị biến dạng đi rất nhiều! Ai làm nổi việc này?

Toàn những chuyện quá lớn vào thời điểm năm 1975 – 1976! Vài phương án lý thuyết phác họa đều ít tính khả thi. Vậy là chưa chọn được cách nào ?

Chúng tôi cho rằng, về chống đọng sương hiện chưa có biện pháp khả thi; nhưng về quá tải, vẫn phải chủ động nâng cao công suất lạnh cho các máy điều hòa. Vì công suất lạnh là năng lượng cơ động để phục vụ thường xuyên và cũng có thể chống nhiễu được. Nắm bắt được tình hình trên, Tổ chuyên gia thường trực tại Lăng đã báo cáo về Mát-xcơ-va. Nhóm chuyên gia thiết kế hàng đầu đã bay sang Hà Nội sớm hơn dự định 2 tháng để cùng chúng ta giải quyết vấn đề lớn này. Ngay trên sân bay Nội Bài, ông Ra-vin (người Nga) nói vui: “Những thông số lạnh đã làm “nóng” người chúng ta lên”.

Cả chục ngày liên tiếp, ta và Bạn tất tả mở, đóng máy để đo đạc, tính toán… và bàn bạc nhiều, rồi kết luận được về tham số nước kỹ thuật: Phải hạ thấp nhiệt độ nước ra của máy lạnh xuống 30C nữa. Có như vậy mới đạt công suất như nhà máy tuyên bố được. Kết luận quan trọng này làm chúng tôi e ngại; vì nhiệt độ nước gần mức đóng băng! Chỉ sơ xểnh một chút thì tắc, vỡ ống trao đổi nhiệt xảy ra ngay. Nên phải thêm vào thiết bị khống chế, đảm bảo an toàn bổ sung.

Hạ thấp được nhiệt độ nước kỹ thuật hiển nhiên cho phép tăng công suất máy điều hòa lên rất đáng kể.

Chúng ta còn thu hoạch thêm, rất bổ ích về tay nghề – là kỹ năng điều chỉnh có kết hợp giữa số lượng và chất lượng; tăng áp và giảm áp cục bộ cho những khu vực công tác có nhu cầu chống nhiễu ngắn hạn; là cắt sớm dao động (và giảm biên độ thăng giáng) của chúng… anh em thợ vận hành ở các phòng B32 và F2 có thêm cẩm nang vận hành, thêm kỹ năng thao tác, thêm một số bài tập thực hành sinh động. Có đồng chí đã thi nâng bậc được trước thời hạn.

Vào một ngày, ông Ra-vin có trong tay tập tài liệu do tôi tập hợp từ Đài khí tượng Láng về. Nội dung thu gọn là các thống kê “tần suất gió hướng đông, đông nam vào mùa nóng ở Hà Nội và vận tốc gió trung bình trong các tháng”.

Tập tài liệu mỏng nhưng ông Ra-vin đọc khá lâu, trầm ngâm, ông nói: “Xác suất có gió theo hướng đông và đông nam là nhiều đấy, ta có tăng được công suất lạnh cho máy điều hòa, nhưng cũng mới chỉ đủ sức chống được những ca gây đọng sương cường độ thấp thôi. Còn phụ thuộc nhiều vấn đề khác… trong đó có tài nghệ điều chỉnh của người vận hành nữa!.

Mỉm cười, ông đọc lời một khúc hát đồng dao Nga:

Có con chim nhỏ trong tay,

Vẫn hơn đợi chú ngỗng bay trên trời – Đúng không ?

Chúng tôi cùng cười vui. Ông Ra-vin là một chuyên gia lớn, có nhiều bằng đại học, đã thiết kế nhiều công trình, ông đã nhận ra cái giới hạn và cái tương đối đã đạt được khá khách quan.

Chúng tôi (Bạn và ta) không quên những đêm thức trắng cùng nhau dựng mô hình lắp thiết bị và theo dõi vận hành. Những trái tim cùng nhịp đập trăn trở khi gặp tình tiết hóc búa và cùng dâng trào hứng khởi khi thu về kết quả (thông số hiện ra trên các biểu đồ rất khách quan vì hoàn toàn tự động). Giây phút đó, những con số hình như cũng có sức sống, gây nỗi ám ảnh khó quên.

Từ năm 1990, các chuyên gia kỹ thuật của Bạn thôi không còn làm việc tại Lăng. Bằng nỗ lực vươn lên, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân vận hành đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật công trình Lăng.

Thông số nhiệt ẩm, thông số nóng… lạnh, nỗi vất vả và niềm vui sáng tạo, nơi quy tụ những cố gắng của anh em công nhân và kỹ sư nhiều lớp nối tiếp, cũng là của các nhà lãnh đạo, quản lý và của tình bạn bè hữu nghị một thời chưa xa.

Đại tá Lương Lâm
Nguyên Đoàn trưởng Đoàn 195 – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

bqllang.gov.vn

Advertisement