Những giây phút thiêng liêng bên Người

Ngày ngày, hàng ngàn, hàng vạn đồng bào ở khắp mọi miền đất nước và khách quốc tế về Lăng viếng Bác. Năm này qua năm khác, thế hệ này đến thế hệ khác, dòng người ấy cứ nối tiếp nhau dài vô tận như tấm lòng của người dân đất Việt đối với Bác kính yêu.

Trong cuộc đời mỗi người dân Việt Nam ai cũng khát khao mong ước được một lần về Lăng viếng Bác để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và thương nhớ Bác khôn nguôi.

Là một cán bộ có vinh dự tự hào được phục vụ tại Lăng Bác từ những ngày đầu, tôi vẫn còn in đậm những hình ảnh hết sức xúc động về tình cảm của các đoàn nguyên thủ quốc gia; các đoàn đại biểu trong và ngoài nước và các tầng lớp nhân dân khắp mọi miền của Tổ quốc đến với Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta. Đó là những kỷ niệm sâu sắc nhất trong quãng thời gian hơn 30 năm phục vụ tại Lăng Bác.

Có lẽ vì tôi là người miền Nam nên thường được phân công đón tiếp các đoàn miền Nam ra viếng Bác. Cảm động nhất là lần đón tiếp một đoàn bà mẹ Việt Nam Anh hùng từ miền Nam ra Lăng viếng Bác. Tôi và các đồng chí trong Ban Đón tiếp đón các mẹ ở phòng khách sang trọng nhất. Trong đoàn, nhiều mẹ đã ngoài 70, 80 tuổi, bước đi chậm chạp, khó khăn. Sự chịu đựng hy sinh, mất mát đã in hằn trên khuôn mặt khắc khổ của các mẹ, chỉ có đôi mắt là còn tinh tường. Chúng tôi đã đón tiếp phục vụ các mẹ một cách tận tình chu đáo nhất chỉ mong đền đáp một phần nào sự hy sinh mất mát lớn lao của các mẹ cho nền độc lập tự do của đất nước. Tôi rất thấu hiểu nỗi đau tột cùng của các mẹ, bởi vì tôi cũng có mẹ và 3 em là liệt sĩ. Tôi đã dành trọn buổi sáng để giới thiệu với các mẹ về công tác giữ gìn thi hài Bác, xây dựng Lăng và tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào miền Nam. Cảm động nhất là khi các mẹ xem phim tư liệu về những giờ phút cuối đời của Bác. Bước ra khỏi phòng chiếu phim, mẹ nào cũng nước mắt rưng rưng. Một mẹ vừa lấy vạt áo dài lau nước mắt, vừa nghẹn ngào nói với tôi: “Đêm qua mẹ không ngủ được cứ trông trời mau sáng để được đến Lăng viếng Bác. Nhìn thấy hình ảnh Bác mà thương nhớ Bác quá chừng!”.

Tôi biết các mẹ rất xúc động nên trước khi vào Lăng viếng Bác tôi đã động viên các mẹ: Vào viếng Bác, các mẹ phải nén xúc động đừng khóc để nhìn Bác cho kỹ hơn, về nhà còn kể lại cho con cháu nghe nhé”.

Trên đường vào Lăng tôi còn giới thiệu cho các mẹ về Lăng và những sản vật quý giá của đồng bào miền Nam gửi ra xây dựng Lăng Bác. Tôi nhìn thấy các mẹ tươi tỉnh nên đã yên tâm, nhưng ngờ đâu khi vào phòng Bác nghỉ, vừa nhìn thấy Bác, một vài mẹ sụt sùi khóc thế rồi cả đoàn khóc theo. Khi ra khỏi Lăng tôi hỏi các mẹ: “Các mẹ có nhìn thấy Bác rõ không?”.
Mẹ nào cũng nói nhìn Bác không rõ. Giây phút mong mỏi, đợi chờ cả một đời của các mẹ đã không thực hiện được. Chắc chắn các mẹ ra về sẽ không thể yên lòng.

Nghĩ vậy, tôi nói với anh em phục vụ: “Để các mẹ tĩnh tâm tôi sẽ dẫn các mẹ vào viếng Bác lần nữa vì các mẹ ở xa, tuổi cao sức yếu, lần đầu tiên cũng có thể là lần cuối cùng các mẹ ra Hà Nội và vào Lăng viếng Bác”.

Tôi lại động viên các mẹ một lần nữa: “Con sẽ dẫn các mẹ vào viếng Bác, đây là lần cuối cùng nên các mẹ không được khóc để nhìn thấy Bác cho rõ hơn”.

Sau một hồi lâu, các mẹ bình tĩnh và tự dặn nhau không được khóc. Tôi dẫn các mẹ đi vòng phía sau Lăng để nhập vào dòng người đi viếng. Lần này các mẹ đi chậm hơn nên có thể nhìn kỹ được phong cảnh bên ngoài và trong Lăng. Các mẹ bước vào phòng Bác nằm, với những bước đi chầm chậm, chăm chú nhìn Bác, miệng nói khẽ những lời cầu nguyện. Ra khỏi Lăng mẹ nào cũng vui vẻ, trong lòng tôi cũng trào lên niềm vui khó tả, vì đã giúp các mẹ thực hiện trọn vẹn niềm ao ước bấy lâu.

Khi ra về các mẹ cầm tay tôi bịn rịn mãi như không muốn rời. Có một mẹ bật khóc và nói với tôi trong nước mắt: “Được gặp Bác rồi, có chết mẹ cũng yên lòng” – Mình mẹ nói nhưng tôi hiểu rằng đó cũng là tâm trạng chung của các mẹ trong đoàn khiến tôi cũng không sao cầm được nước mắt.

*

*       *

Tháng 9 năm 1989, Đoàn cán bộ tử tù miền Nam ra thăm miền Bắc và vào Lăng viếng Bác. Đoàn có 36 anh chị em do anh Lê Quang Vịnh làm Trưởng đoàn. Ngày hôm ấy Lăng đóng cửa để chuẩn bị làm công tác tu bổ định kỳ hàng năm. Được cấp trên đồng ý, Đoàn vào thăm Bác buổi chiều. Đây cũng là cơ hội để các anh các chị có dịp đến gần Bác, ở lâu bên Bác và nhìn Bác rõ hơn. Đồng chí Tư lệnh Nguyễn Văn Tưởng và các cán bộ chủ trì của cơ quan Bộ Tư lệnh trực tiếp đón Đoàn.

Trong chiến tranh, các anh, các chị là những thanh niên đã tham gia các phong trào hoạt động cách mạng ở miền Nam, trải qua nhiều nhà tù của Mỹ, Ngụy, chịu biết bao nhiêu cực hình tra tấn dã man, chết đi, sống lại nhiều lần. Nhiều đồng chí đã bị địch kết án tử hình (chưa thi hành án) thì miền Nam giải phóng, Tổ quốc đón các anh về. Mặc dù bị địch tra tấn bằng các ngón đòn “hiện đại” nhưng các anh chị vẫn cắn răng chịu đựng, giữ vững khí tiết cách mạng sáng ngời. Các anh các chị là những con người gang thép trước quân thù.

Đồng chí Tư lệnh dẫn Đoàn đi thăm Lăng và khu vực xung quanh; không khí thật thân tình, cởi mở. Mười bốn năm sau ngày giải phóng miền Nam, các anh các chị mới có dịp về Lăng viếng Bác, trên khuôn mặt người nào cũng biểu lộ niềm sung sướng rạng ngời cho dù còn in đậm những nét khắc khổ đớn đau của một thời vào sinh ra tử. Được đón các anh các chị từ cõi chết trở về, đồng chí Tư lệnh và anh em chúng tôi đã dành cho Đoàn những tình cảm hết sức thân mật như những người thân trong gia đình, đáp ứng nguyện vọng thiết tha, cháy bỏng mà các anh chị đã ấp ủ bao nhiêu năm trời là được nhìn thấy Bác. Cũng như đồng bào miền Nam, các anh các chị có nhiều thiệt thòi, chưa được đón Bác vào thăm, nhưng trong trái tim các anh, các chị luôn có hình bóng Bác. Trong những lúc bị địch tra tấn dã man, cầm tù trong các chuồng cọp, các anh các chị luôn thầm nhắc đến Bác để giữ vững khí tiết người cách mạng, quyết đấu tranh thắng lợi để chờ ngày gặp Bác.

Ngày mong đợi đã đến. Hôm nay các anh các chị quây quần bên Bác. Nh­ư sợ Bác thức giấc nên các anh chị im lặng, rón rén đi quanh nơi Bác nằm rồi lần lượt đứng lên bục gỗ cao để nhìn Bác được rõ hơn. Các anh chị chăm chú nhìn kỹ từ chòm râu, mái tóc của Bác trong ánh mắt rơm rớm lệ. Ai cũng muốn ở bên Bác lâu hơn cho thỏa lòng mong ước bấy lâu và cũng là dịp hiếm có được đứng gần bên Bác.

*

*       *

Khi tiễn đoàn các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Đoàn cán bộ tử tù miền Nam ra về, tôi thấy lòng mình thảnh thơi vui mừng vì đã góp một phần nhỏ bé để các mẹ, các anh, các chị thỏa mãn nguyện vọng và ước mơ của đời mình. Song, có những đoàn đã để lại trong lòng tôi nỗi day dứt còn mãi đến bây giờ. Đó là vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác và khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có hàng vạn đồng bào trong nước và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác. Trong dòng người hôm đó có đoàn thương binh Hà Nội. Hầu hết các anh chị là thương binh hỏng mắt, trong đó có nhiều cặp vợ chồng mù cả hai mắt phải nhờ con và đồng đội dắt đi. Tôi và đồng chí Trương Điện Biên – Trưởng ban Đón tiếp đón đoàn và các đồng chí tiêu binh đã đưa xe lăn giúp các anh các chị vào Lăng viếng Bác. Nhưng vì đoàn đông, xe lăn không đủ nên một số anh chị phải đi bộ. Nhìn các anh chị dìu nhau bước chậm rãi vào Lăng lòng chúng tôi vô cùng xúc động. Đến gần Lăng các đồng chí tiêu binh đã nhẹ nhàng nâng các anh chị qua những bậc tam cấp, bậc cầu thang để vào phòng thăm Bác. Các anh các chị đã hiến dâng xương máu và đôi mắt quý giá nhất của đời mình cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Các anh các chị chưa được gặp Bác lần nào, ước ao mãi hôm nay mới được gặp. Đến nơi Bác nằm, đồng chí tiêu binh ra hiệu cho đoàn đứng lại rồi nói nhỏ: “Bác Hồ đang ở trước mặt các anh các chị đấy!”

Cả đoàn ngước nhìn lên, nhưng nào có ai thấy được Bác đâu. Mọi người đứng lặng im để cho những giọt nước mắt chạy dài trên má. Nhìn cảnh này, mọi người trong phòng ai cũng xót thương, sụt sùi khóc theo họ.

Khi đoàn ra về, anh em chúng tôi mãi day dứt với suy nghĩ: Mọi người vào Lăng viếng Bác để được nhìn thấy Bác. Còn các đồng chí thương binh mù cả hai mắt thì thấy Bác làm sao? Tuy không nhìn thấy Bác, nhưng Bác luôn luôn ở trong trái tim các anh các chị. Các anh, các chị đã đến với Bác bằng cả tấm lòng và trái tim!

*

*       *

Lăng Bác đã trở thành nơi hội tụ tấm lòng và niềm tin không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn của cả bạn bè quốc tế. Từ ngày mở cửa cho đến nay đã có hàng trăm đoàn nguyên thủ quốc gia và hàng triệu người khắp năm châu bốn biển đủ mọi màu da vào Lăng viếng Bác. Trong số những đoàn mà tôi được đón và hướng dẫn vào Lăng viếng Bác, có một đoàn để lại trong tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc. Tôi còn nhớ như in vào tháng 12 năm 1995 đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Cu-ba do Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô dẫn đầu vào Lăng viếng Bác. Trời mùa đông, Quảng trường Ba Đình lộng gió nhưng chúng tôi những người vinh dự được đón đoàn trong Lăng cảm thấy ấm áp hẳn lên. Mỗi người dân Việt Nam đều rất hiểu về nhân dân Cu-ba anh hùng, về Chủ tịch Phi-đen nổi tiếng trên thế gới. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Cu-ba đã gắn bó với nhau trong đấu tranh cách mạng và xây dựng cuộc sống mới. Trong những năm gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân ta đã được Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đến thăm và vào tận chiến trường. Đồng chí đã nói một câu nổi tiếng: “Vì Việt Nam, nhân dân Cu-ba sẵn sàng hiến cả máu của mình”.

Trong buổi đón tiếp hôm nay, mặc dù chúng tôi biết chính xác giờ Đoàn đến nhưng ai cũng mong chờ hồi hộp. Khi đoàn xe dừng lại, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô trong bộ quân phục và chiếc mũ lưỡi trai màu xanh ôliu bước ra khỏi xe. Tôi bước lại gần và đứng nghiêm chào, Chủ tịch chào đáp lại theo nghi thức nhà binh. Tôi vô cùng bất ngờ khi Chủ tịch bắt tay tôi, một cử chỉ thân tình hiếm thấy ở một nguyên thủ quốc gia. Sau đó, tôi hướng dẫn đoàn vào Lăng viếng Bác theo nghi lễ trọng thể dành cho các nguyên thủ. Chủ tịch bước đi nhanh nhẹn ung dung thư thái. Đến trước thềm Lăng, Đoàn dừng lại và Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô bước đến vòng hoa sửa lại băng viếng cho ngay ngắn, một việc làm thể hiện lòng tôn kính đối với Bác. Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô lặng lẽ bước vào phòng Bác nằm. Đến trước Bác, Chủ tịch giơ tay chào rồi bỏ mũ xuống đứng lặng im. Chưa có nguyên thủ quốc gia nào đứng lâu bên Bác đến thế. Dường như Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô không muốn rời Bác. Tôi chủ động mời Chủ tịch ra về. Nhìn nét mặt, tôi thấy đồng chí rất xúc động, không nhanh nhẹn như lúc vào Lăng, mà chậm rãi bước ra khỏi phòng viếng.

Trong giây phút thiêng liêng đó, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô dành hết tình cảm cho Bác và nhân dân Việt Nam.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hiếm có là khi tôi viết những dòng hồi ức này vào đúng ngày sinh lần thứ 80 của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô và Chủ tịch vừa phải trải qua một ca phẫu thuật lớn, làm chấn động tình cảm của nhân dân Cu-ba, Việt Nam và bạn bè trên thế giới.

Viết lại những kỷ niệm này, tôi xin tặng cho các đồng chí làm công tác đón tiếp cũng như toàn thể cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ ngày đêm bảo vệ giữ gìn an toàn tuyệt đối thi hài Bác để cho các thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi được đến thăm viếng Người; bày tỏ được nguyện vọng và tình cảm sâu xa nhất của đời mình đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Đại tá Phạm Tuấn
Nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

bqllang.gov.vn

Advertisement