Những ngày đầu mới thành lập, cơ sở làm việc và nơi ăn ở tập thể của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gặp rất nhiều khó khăn vất vả. Khối cơ quan Bộ Tư lệnh làm việc trong một không gian với diện tích hẹp tại khu vực số 1 – phố Ông Ích Khiêm, Ba Đình, Hà Nội. Chiều chiều, sau giờ thể thao từ Tư lệnh đến người chiến sĩ khối cơ quan đều “hoà mình” trong một nhà tắm chung. Một phần cơ quan và khối các đơn vị ở tại khu vực phía sau Lăng. Doanh trại bộ đội là khu lán trại tạm của công trường xây dựng công trình Lăng bàn giao lại. Vào những trưa hè nóng bức, các mái tôn thi nhau toả nhiệt nóng hầm hập như thử thách, tôi luyện thêm sức trẻ của những người chiến sĩ. Nhưng niềm vinh dự, tự hào được sống và làm việc tại Lăng Bác đã động viên, khích lệ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ nhanh chóng ổn định mọi mặt để tập trung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt.
Sau 8 năm tu sửa, xây dựng nhà cửa, nơi làm việc đã có sự đổi thay khang trang hơn nhiều so với trước. Đến cuối năm 1983, đơn vị nhận được Chỉ thị số 300/CT ngày 18 tháng 11 năm 1983 do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng Đỗ Mười ký yêu cầu giải phóng mặt bằng để xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nội dung Chỉ thị nêu rõ: “Đối với các nhà ở tập thể, nhà làm việc, nhà kho của Ban phụ trách quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình và khu Đa Minh (cần cải tạo để làm thêm chức năng khu tập kết) thì Bộ Xây dựng có trách nhiệm làm thủ tục xin Nhà nước vốn đầu tư, thiết kế và xây dựng phù hợp với tiến độ xây dựng Bảo tàng; Ban phụ trách Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình có trách nhiệm đề xuất yêu cầu sử dụng, xin cấp đất, di chuyển theo tiến độ”, đồng thời giao cho Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng khu Hậu cần – kỹ thuật gồm: 1 nhà kho, 1 nhà xưởng, 1 nhà gara xe đặc chủng, 3 nhà gara xe tải, xe con và 1 nhà quản lý điều hành 4 tầng tại khu Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa với diện tích 1,3 hécta để đền bù cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng.
Việc giải phóng mặt bằng để xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đòi hỏi rất khẩn trương để kịp khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người (19- 5- 1990). Trong khi đó, việc giải phóng mặt bằng ở khu vực Hào Nam vẫn dậm chân tại chỗ. Hợp tác xã nông nghiệp Hào Nam chưa nhất trí bàn giao mặt bằng vì vị trí này là ao rau muống và hồ thả cá, đây là nguồn sống chính của bà con xã viên. Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã yêu cầu nếu giao đất thì đơn vị phải nhận và giải quyết công ăn việc làm cho ít nhất 50 con em xã viên. Chính vì khó khăn đó mà từ năm 1984 đến 1987, Bộ Xây dựng mà trực tiếp là Ban Quản lý công trình xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh không thể xây dựng khu hậu cần- kỹ thuật để bàn giao cho đơn vị theo đúng kế hoạch được.
Nhiệm vụ ổn định nơi ăn ở của bộ đội lúc này đặt ra hết sức cấp thiết. Thường vụ, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Trước tiên là phải thành lập một bộ phận chuyên trách để tham mưu, giúp việc. Vậy là tháng 12 năm 1986 Bộ Tư lệnh đã quyết định thành lập lâm thời Ban Quản lý công trình xây dựng cơ bản. Thành viên trong Ban mới đầu chỉ có 3 đồng chí: Trung tá, Kỹ sư xây dựng Trần Quốc Dân, Đoàn trưởng Đoàn 295 – Trưởng ban; Thượng uý, Kỹ sư xây dựng Bùi Việt Dũng, Trưởng ban Doanh trại Phòng Hậu Cần – Phó trưởng ban và Thượng uý, Kỹ sư xây dựng Hoàng Cao Thắng – Trợ lý Kỹ thuật.
Trong những buổi đầu, Ban Quản lý công trình xây dựng cơ bản luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Văn Tưởng, Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng. Nhiệm vụ đầu tiên của Ban là tiếp nhận, quản lý xây dựng khu Hậu cần – kỹ thuật tại Hào Nam.
Nhận thấy rõ “vạn sự khởi đầu nan”, anh em trong Ban đã khẩn trương tiếp nhận, nghiên cứu Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Hồ sơ quy hoạch thiết kế kỹ thuật khu hậu cần – kỹ thuật Hào Nam từ Ban Quản lý công trình xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Mỗi người một việc, toả xuống nắm tình hình, đồng thời tuyên truyền vận động xã viên, thuyết phục Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã tạo điều kiện ủng hộ, giúp đỡ đơn vị. Công sức của anh em đã được đền đáp. Hợp tác xã Hào Nam đồng ý để đơn vị thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định của Nhà nước. Điều mà từ 4 năm trước đây Ban quản lý công trình xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh không thực hiện được.
Liên tục trong thời gian này, toàn công trình xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh tiến hành rất khẩn trương, sôi nổi, đặt ra nhiệm vụ giải phóng mặt bằng khu vực sau Lăng Bác của đơn vị ngày một đến gần. Bài toán tiếp theo là đảm bảo nơi ở cho các đơn vị Đoàn 195, Đoàn 295, Đoàn 275 – lực lượng chủ yếu của Bộ Tư lệnh và nhu cầu nhà ở để ổn định hậu phương gia đình cho hàng trăm cán bộ, công nhân viên.
Sau khi Thiếu tướng Lương Soạn qua đời (tháng 6 năm 1987), đồng chí Nguyễn Văn Tưởng được giao quyền Tư lệnh. Là người chủ trì đơn vị, đồng chí tiếp tục chỉ đạo và giao nhiệm vụ: “Ban quản lý công trình xây dựng cơ bản phải tham mưu, giúp Bộ Tư lệnh liên hệ, xin đất ở khu vực Hà Nội với tổng diện tích đất khoảng 2 hécta, có thể ở vài ba vị trí khác nhau, nhưng gần đơn vị để quản lý, chỉ huy và điều hành công việc được thuận lợi”.
Nhiệm vụ “tìm đất” thật là khó khăn. Nhưng anh em trong Ban đều nhận thức được đây là chủ trương lớn của Đảng ủy, của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, là yêu cầu để xây dựng đơn vị chính quy và là cơ sở để thực hiện công tác chính sách hậu phương quân đội.
Ban đầu chúng tôi tìm đến Hợp tác xã Hoa rau Ngọc Hà vì ở đó Bộ Tư lệnh đang có một khu tập thể gia đình ở Đại Yên nhưng không tìm được ví trí đất đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi lại đến Hợp tác xã Thành Công (nơi đã giải quyết cho đơn vị đất năm 1983 để làm nhà ở gia đình K8) nhưng chỉ còn những mảnh đất nhỏ, lẻ không đáng kể.
Hành trình tiếp tục đưa chúng tôi về phía Tây thành phố. Ở khu vực Cống Vị còn nhiều hồ ao rộng, nhưng không biết thuộc địa phận phường nào quản lý? Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi đã nắm được những thông tin cần thiết. Chủ sở hữu những ao hồ đó là của Hợp tác xã Hoa rau Cống Vị. Trong đầu anh em lại vẳng vẳng câu hỏi: “của hợp tác xã”, “lại liên quan đến cơm áo gạo tiền của bà con xã viên”? Chúng tôi tìm đến với Ban chủ nhiệm hợp tác xã. Qua liên hệ ban đầu, chúng tôi đã thấy ở khu vực này có đủ diện tích đáp ứng với yêu cầu của đơn vị.
Kế hoạch thứ tự các công việc liên hệ xin đất được đặt ra. Bước đầu chúng tôi báo cáo và được đồng chí Tư lệnh hết sức khen ngợi. Đồng chí chỉ đạo mời Ban chủ nhiệm Hợp tác xã Hoa rau Cống Vị về Lăng viếng Bác và thăm đơn vị để Thủ trưởng Bộ Tư lệnh trao đổi trực tiếp. Buổi gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng thắm tình quân dân cá – nước. Ban Chủ nhiệm hợp tác xã đã nhất trí cao về phương án đền bù, bàn giao mặt bằng, mà không đi kèm với yêu cầu phải giải quyết công ăn việc làm cho con em xã viên như ở Hào Nam trước đây. Bước đầu thành công, cần phải khẩn trương chuẩn bị hồ sơ, luận chứng kinh tế kỹ thuật để báo cáo đề nghị thành phố Hà Nội xin thủ tục cấp đất và báo cáo Hội đồng Bộ trưởng xin kinh phí đầu tư xây dựng.
Một buổi trưa mùa hè năm 1987, chúng tôi mời đồng chí Nguyễn Quyết Chí, chuyên viên Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (hiện nay là Vụ trưởng Văn phòng Chính Phủ) đi khảo sát khu vực. Chiếc xe com-măng-ca đưa chúng tôi từ đường Kim Mã rẽ phải xuống một khu đất mới cấp cho Đại sứ quán Liên Xô để xây dựng Trung tâm nghiên cứu hợp tác văn hoá khoa học kỹ thuật vừa được san lấp xong (hiện nay chính là khu vực Đại sứ quán Nhật Bản và bãi đỗ xe Ngọc Khánh) xe bị batinê dừng tại chỗ. Rảo bước chân trên nền cát nóng bỏng, tôi báo cáo với anh Chí về hai vị trí đất mà đơn vị sẽ xin. Nhìn thấy hai hồ nước mênh mông, anh Chí nói vui: “Bộ Tư lệnh Lăng xin để thả cá à ?”. Cả đoàn cùng cười, biết như vậy là anh đã nhất trí ủng hộ.
Hơn một năm bám sát Phòng Quản lý quy hoạch – Uỷ ban xây dựng cơ bản Hà Nội và được sự ủng hộ của Kiến trúc sư Trương Tùng, lúc đó là Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, kiêm Phó trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã hoàn tất thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, lập luận chứng kinh tế kỹ thuật được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt và được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định cấp hai khu đất ở X1 và X2 Cống Vị, với diện tích hơn 13 ngàn mét vuông cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau 4 năm khẩn trương thi công, từ năm 1988 đến 1991 khu hậu cần – kỹ thuật Hào Nam đã xây dựng xong. Các khu nhà kho, nhà xưởng, nhà gara xe, trạm xăng dầu, trạm biến thế điện và nhà quản lý điều hành khang trang bề thế, kịp thời phục vụ các hoạt động của đơn vị. Còn khu vực X1, X2 Cống Vị đến năm 1992 cũng đã xây dựng xong. Những ngôi nhà chiêu đãi sở, trạm xá, nhà ở gia đình; nhà khách; nhà ăn, nhà ở tập thể với tổng diện tích xây dựng hàng chục ngàn mét vuông, kịp thời phục vụ việc giải phóng mặt bằng cho Đoàn 195, Đoàn 295 mà không ảnh hưởng tới kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng thời đón tiếp 54 gia đình cán bộ, công nhân viên về ở khu tập thể.
Với chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng uỷ Đoàn 969, Bộ Tư lệnh và Ban Quản lý Lăng, được sự quan tâm chỉ đạo của Hội đồng Bộ trưởng, sự giúp đỡ của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, chỉ trong 6 năm (từ năm 1987 đến năm 1992) chúng ta đã có các cơ sở kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị đặc biệt, có địa điểm ổn định làm cơ sở để xây dựng doanh trại, nơi ăn ở của bộ đội ngày càng khang trang và góp phần giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cho cán bộ, công nhân viên của đơn vị.
Tháng 12 năm 1992 Ban Quản lý công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các cán bộ, nhân viên trong Ban tiếp tục được phân công về các cơ quan, đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Năm tháng đã qua, nhưng mỗi lần nghĩ lại hành trình đi tìm đất giữa thủ đô Hà Nội của Ban là hình ảnh cố Tư lệnh Thiếu tướng Nguyễn Văn Tưởng lại hiện về rất rõ trong tâm trí tôi.
Đại tá Bùi Việt Dũng
Trưởng ban Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình