Người dẫn đầu cuộc hành quân rèn luyện

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975- 30/4/1985), Đoàn thanh niên Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức phong trào “Hành quân thần tốc, quyết thắng” nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và rèn luyện thể lực cho cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: “giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Cuộc hành quân được tổ chức vào một buổi tối, đầu hè trời nóng nực, oi ả. Toàn bộ đoàn viên thanh niên tập trung tại sân Đoàn 275, được tổ chức thành hai cánh quân: Đoàn viên thanh niên Đoàn cơ sở 275 là cánh quân thứ nhất; cánh quân thứ hai là lực lượng đoàn viên thanh niên của các cơ quan, đơn vị còn lại. Thời gian xuất phát là 20 giờ, yêu cầu hành quân đúng đường quy định, bảo đảm nhanh, an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị.

Lệnh hành quân chuẩn bị được tuyên bố. Thật bất ngờ, Trực ban nội vụ của Đoàn thông báo: Thiếu tướng Lương Soạn- Tư lệnh và Thủ trưởng các cơ quan Bộ Tư lệnh cùng tham gia cuộc hành quân. Mọi người rất ngạc nhiên. Đồng chí Lương Soạn là một cán bộ lãnh đạo cao cấp đứng đầu Bộ Tư lệnh, với bao bộn bề công việc quan trọng, tuổi tác so với chúng tôi cao hơn rất nhiều, vào bậc cha chú. Nhưng nhìn kìa, Tư lệnh và các cán bộ cơ quan ai cũng vai mang nặng trĩu chiếc ba lô. Có lẽ các Thủ trưởng cũng đã biết được yêu cầu của cuộc hành quân là ngoài vũ khí trang bị, thì chiếc ba lô phải đủ trọng lượng tối thiểu là 30kg.

Trước hàng quân, Tư lệnh Lương Soạn dõng dạc tuyên bố: “Tư lệnh sẽ dẫn đầu cánh quân thứ nhất. Đồng chí Hoàng An, Phó Tham mưu trưởng về quân sự dẫn đầu cánh quân thứ hai. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hành quân theo đội hình để động viên, giúp đỡ đoàn viên thanh niên”.

Đây là cuộc hành quân đầu tiên của chúng tôi- Những cán bộ, chiến sĩ là đoàn viên, thanh niên còn rất trẻ cùng với một vị tướng dầy dạn kinh nghiệm, vì vậy ai cũng thấy vinh dự, bồi hồi, háo hức, nhiệt tình hăng hái muốn thể hiện sức trẻ của mình, vượt lên đi thật nhanh. Nhưng sự háo hức đó không được lâu, chỉ chừng 15 phút sau là bắt đầu biểu hiện của sự uể oải, tốc độ chậm dần, không thể so sánh được với sức vóc cao lớn, vạm vỡ của một vị tướng đã ngoài 60 tuổi, vẫn bền bỉ dẻo dai, phong độ và dầy dạn kinh nghiệm của hơn 40 năm hoạt động cách mạng, xông pha trận mạc. Với phẩm chất phong cách sôi nổi, nhiệt tình, chất phác, rất tình cảm và dễ gần, vừa hành quân, Tư lệnh vừa kể lại cho chúng tôi nghe về truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Nam, về hoàn cảnh gia đình và quá trình giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng của mình.

Như được thể, chúng tôi thi nhau đưa ra những câu hỏi: “Thủ trưởng quê ở vùng nào của Quảng Nam ạ?”; “Quê của Thủ trưởng có vất vả nghèo khó không?”; “Truyền thống anh hùng bất khuất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quê hương đất Quảng như thế nào ạ?”.

Với chất giọng miền Trung đầm ấm, sôi nổi, đồng chí Lương Soạn kể: Quê của mình ở xã Tam Hải, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, là một xã ven biển miền Trung có phong cảnh rất đẹp, người dân quê mình sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đánh bắt gần bờ vì không có phương tiện đi xa, nên cuộc sống vô cùng lam lũ, khó khăn vất vả. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên mình chỉ được học hết lớp ba, rồi phải đi ở, làm thuê cho địa chủ để giảm bớt khó khăn cho cha mẹ, mặc dù rất chăm chỉ lao động, xong mình vẫn bị chủ nhà ngược đãi. Không chịu đựng được mình đã bỏ về nhà và không cần nhận lại tiền công (là một cái áo vỏ sui tính công của cả năm đi ở cho gia đình địa chủ).

Khi về nhà, tuy còn nhỏ nhưng mình rất tích cực tham gia phụ giúp gia đình những việc phù hợp, mà vẫn không hay biết cha mẹ và các anh, chị đang tham gia hoạt động cách mạng và nuôi giấu cán bộ cách mạng trong nhà. Bản thân chỉ cảm nhận và luôn thắc mắc là: “Tại sao hàng ngày cả nhà mình vẫn luôn ăn một món khoai luộc, trong khi đó cha mẹ vẫn nấu cơm và đem vào trong buồng kín cho ai đó?”. Tò mò trước việc chưa rõ, cùng cảm nhận những việc làm của cha mẹ và các anh, chị trong nhà, trực giác chủ quan về sự bất công của thực dân Pháp, sự bóc lột thậm tệ của tầng lớp địa chủ cường hào, nên mình đã có một hành động khá “liều”. Hôm đó, mình đã bất ngờ chạy thẳng vào trong buồng và tận mắt nhìn thấy các đồng chí cán bộ đang in ấn tài liệu, truyền đơn cách mạng, mọi thắc mắc được giải toả, mình chính thức biết được những việc làm của cha, mẹ, các anh, chị trong gia đình đang hoạt động và nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Cũng từ đó, nhận thấy sự giác ngộ của mình, tổ chức đã thử thách và giao cho mình một số công việc như: canh gác, phục vụ, làm liên lạc cho tổ chức. Sau thời gian giao việc, thử thách thấy đáp ứng được yêu cầu, đến năm 1942 tổ chức đã chính thức công nhận và giao nhiệm vụ cho làm bảo vệ, làm liên lạc cho các đồng chí cán bộ và cơ quan Tỉnh uỷ Quảng Nam hoạt động bí mật, tham gia thu gom vật liệu, in ấn, chuyển tài liệu mật cho tổ chức cách mạng của tỉnh tại địa phương.

Sau này, chúng tôi được biết quê hương đồng chí Lương Soạn là một vùng quê ven biển nghèo khó nhưng giàu truyền thống văn hoá, yêu nước, cách mạng. Các cụ thân sinh ra đồng chí Lương Soạn cũng thuộc tầng lớp nông dân nghèo, nhưng đã sớm giác ngộ cách mạng, là cơ sở nuôi dấu cán bộ cách mạng của Đảng và cơ quan Tỉnh uỷ Quảng Nam, có đồng chí trưởng thành, là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước như đồng chí Võ Chí Công – Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bản thân đồng chí Lương Soạn được giáo dục, nuôi dưỡng và ảnh hưởng trực tiếp từ truyền thống cách mạng của địa phương, gia đình, khí tiết cách mạng của các đồng chí cán bộ lão thành, cùng nỗ lực chủ quan của bản thân nên đã sớm giác ngộ, nhiệt tình tham gia cách mạng.

Khí thế sôi nổi của cuộc hành quân cũng như tình cảm của đồng chí Lương Soạn đã làm cho chúng tôi mạnh dạn thoải mái hơn. Một chiến sĩ trẻ măng, mồ hôi ướt đầm bước nhanh về phía Tư lệnh hỏi nhỏ: “Thưa Tư lệnh, Tư lệnh hãy kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm về những năm tháng tuổi trẻ hoạt động được không ạ?”.

Sau một lát suy nghĩ, Tư lệnh tiếp tục câu chuyện: “Tháng 10 năm 1943 vừa tròn 20 tuổi, mình đã chính thức thoát ly gia đình tham gia hoạt động trong Đội du kích Vũ Hùng. Không quản ngại gian khổ, hy sinh, bản thân luôn hăng hái rèn luyện phấn đấu trở thành Đội phó, chỉ huy Đội tham gia nhiều trận đánh. Tháng 8 năm 1945, mình trực tiếp chỉ huy Đội tham gia cướp chính quyền tại huyện Quế Sơn – tỉnh Quảng Nam. Sau này Đội du kích Vũ Hùng đã trở thành huyền thoại lịch sử truyền thống trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giành chính quyền năm 1945 của tỉnh Quảng Nam. Đến tháng 9 năm 1945, mình tình nguyện nhập ngũ phục vụ Quân đội nhân dân Việt Nam, tháng 7 năm 1946, mình vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Mình đã được trực tiếp tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường với nhiều cương vị khác nhau.

Kỷ niệm thì nhiều, nhưng chuyện gian nan, khó khăn vất vả đáng nhớ nhất là chuyện bị thương của mình. Trong khi chiến đấu ở chiến trường Kon Tum, tại một trận đánh Đồn Mang Đen, một cứ điểm phòng ngự kiên cố của quân Pháp, bộ đội ta đã tổ chức xung phong nhiều đợt nhưng chưa tiến vào được bên trong để tiêu diệt hoàn toàn quân địch, quân số lại bị thương vong bất lợi cho ta, nên chỉ huy phải quyết định rút ra ngoài, tổ chức trinh sát, nghiên cứu kỹ xây dựng nhiều phương án, tập luyện, giáo dục tư tưởng và chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, hạ quyết tâm chiến đấu và chiến thắng cho đợt tập kích tấn công địch. Lần này, mình được giao trực tiếp chỉ huy một hướng, theo đúng như hợp đồng chiến đấu, khẩu lệnh phát ra đơn vị đồng loạt nổ súng, trận chiến đấu nhanh chóng giành thắng lợi. Trong khi đang chỉ huy bộ đội tiếp tục truy kích tàn quân địch và củng cố, thu dọn trận địa thì một ổ hoả lực phía sau của địch chưa bị tiêu diệt bỗng nhiên bắn ra xối xả, làm mình bị trọng thương. Một vết thương xuyên qua bụng, một vết thương ở tay. Câu chuyện bị thương của mình có những tình tiết rất ly kỳ, chỉ những người trong cuộc, đã từng trực tiếp trải qua chiến đấu mới thấu hiểu hoàn cảnh, sự ác liệt của chiến tranh và tin sự việc đó là thật, còn chưa biết mà chỉ mới nghe kể lại như các cậu thì cứ như chuyện cười của lính.

Vết thương ở bụng của mình rất nặng, ruột lòi ra ngoài, mất nhiều máu, trong khi bông băng có hạn nên quân y đã phải lấy một cái bát ăn cơm úp vào vết thương, rồi dùng một cái khăn quàng nối cùng với băng cuốn chặt bụng cầm máu và giao cho hai chiến sĩ cứu thương đưa mình về quân y tuyến sau điều trị. Khi chuyển đi phải băng qua rừng rậm. Đang đi tổ cứu thương nghe thấy tiếng ào ào của một đàn voi rừng đang tiến về hướng chúng mình. Tình huống thật bất ngờ, nếu đi tiếp thì không được, mà quay lại cũng không kịp. Chỉ cần gây ra tiếng động nhỏ làm cho đàn voi chú ý thì sẽ rất nguy hiểm cho cả Tổ. Trên cương vị chỉ huy, ít nhiều cũng có kinh nghiệm, lại đang bị thương nặng nên mình đã ra lệnh cho hai chiến sĩ để mình lại và chạy tránh voi. Mình nằm lại, nín thở, chờ đợi, nếu có bị đàn voi tấn công thì một mình mình chết. Nhưng thật là may, đột nhiên đàn voi chẳng hiểu vì sao lại chuyển sang hướng khác. Đến khi khu rừng trở lại yên tĩnh, hai chiến sĩ cứu thương quay lại tìm, gặp nhau chúng mình rất cảm động, ôm chầm lấy nhau mà khóc, mừng cho sự may mắn sống sót của mình, rồi tiếp tục cuộc hành trình đưa mình về trạm quân y điều trị kịp thời.

Sau này trong một lần (vào khoảng năm 1983-1984) trên đường từ nhà (làng Trích Sài- Bưởi) đi làm qua đường Hoàng Hoa Thám mình đã tình cờ nhận ra một trong hai người chiến sĩ năm xưa cáng mình đi cấp cứu, đó chính là ông già Giáng chuyên chở bia cho các cơ quan Trung ương ở Hà Nội, mà mọi người trong cơ quan vẫn thường quen gọi là “Ông già bia”. Hai người gặp và nhận ra nhau thật bất ngờ nhưng vô cùng cảm động, chúng mình lại ôm chầm lấy nhau rưng rưng nước mắt như ngày nào cách đây đã 30 năm trong rừng già Tây Nguyên. Từ đó về sau chúng mình vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi nhau và ôn lại những kỷ niệm xưa. Ông già Giáng còn tặng lại mình chiếc khăn ngày trước đã dùng băng bó vết thương cho mình mà ông vẫn giữ được làm kỷ niệm”.

Câu chuyện về quá trình tham gia hoạt động cách mạng và những kỷ niệm sâu sắc của đồng chí Thiếu tướng Lương Soạn là bài học bổ ích cho quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của mỗi chúng tôi, mà ngay khi đó đã làm cho chúng tôi quên đi cái nóng nực và mọi sự mệt nhọc. Quãng đường hành quân như ngắn lại, câu chuyện chưa hết thì chúng tôi đã về tới Đoàn 275 an toàn, đầy đủ về người, vũ khí trước giờ quy định 10 phút và sớm hơn cánh quân thứ hai của đơn vị. Chúng tôi ai nấy đều phấn khởi, vui vẻ trở về đơn vị nghỉ ngơi và chuẩn bị cho công việc mới trong trạng thái khâm phục, kính trọng người lãnh đạo, chỉ huy đứng đầu một đơn vị nhưng rất đức độ, dễ gần và hăng say, nhiệt tình với công việc, với phong trào quần chúng, nhất là thế hệ trẻ mà Tư lệnh luôn yêu quý và tin cậy.

Đại tá Cao Đình Kiếm
Phó Chủ nhiệm Chính trị – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

bqllang.gov.vn

Advertisement