Nắm vững thời cơ, vững vàng đi lên trong khó khăn

Hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc, ngày 12 tháng 01 năm 1990, tôi về nước và mang theo cả suy tư sau khi tận mắt chứng kiến sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa tại hàng loạt các nước: Ba Lan, Đức, Hung-ga-ri, Tiệp Khắc và muộn hơn nữa là Ru-ma-ni. Tôi luôn hy vọng: Liên Xô – thành trì của cách mạng vô sản sẽ là điểm tựa vững chắc để dần dần khôi phục chủ nghĩa xã hội tại các nước Đông Âu. Nhưng điều hy vọng đó không còn. Năm 1991, nước Cộng hoà Liên bang Xô Viết sụp đổ – Một chế độ xã hội chủ nghĩa đã bị tan rã ở ngay chính quê hương của Lê-nin, quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Sự việc này đã ảnh hưởng rất sâu sắc tới quan hệ Việt – Nga, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là quan hệ giữa Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Viện Lăng Lê-nin trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ.

Ngay từ năm 1969, Bạn luôn cử ba chuyên gia y tế giỏi sang Việt Nam trực tiếp làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, dù sơ tán đi bất cứ nơi đâu, Bạn luôn có mặt đồng cam cộng khổ với ta để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này. Năm 1975, nhờ sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khánh thành tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài thi hài Bác được thuận lợi hơn, đồng thời phát huy được ý nghĩa chính trị, văn hoá của công trình Lăng.

Nhưng từ đầu năm 1992 trách nhiệm của Bạn trong việc giữ gìn thi hài Bác có sự đổi thay. Nhóm chuyên gia y tế của Bạn thường trực ở Việt Nam giảm từ ba người xuống còn hai người. Tiếp theo, ngày 4 tháng 3 năm 1992, đồng chí P.I. Phô-men-cô, chuyên gia y tế xin về nước trước thời hạn, chỉ còn lại đồng chí Iu.N. Cô-nô-nư-khin. Đây là điều bất thường, vì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giúp ta giữ gìn thi hài Bác từ trước tới nay, Bạn có nguyên tắc làm việc tập thể, chưa bao giờ Bạn làm việc với ta chỉ có một người. Sau đó nhiều lần Bạn không tới trực tiếp kiểm tra trạng thái thi hài Bác khi kết thúc các buổi lễ viếng. Từ ngày 14 tháng 3 năm 1992, Bạn không tới trực tiếp mà chỉ trao đổi qua điện thoại rằng: “Bây giờ không làm việc với Việt Nam nữa, các anh phải tự làm lấy…”.

Trước tình hình đó, ta càng nhận thức sâu sắc hơn quan điểm độc lập, tự chủ, phải phấn đấu vươn lên mạnh mẽ hơn nữa để làm chủ công nghệ, lấp vào chỗ trống khi gián đoạn sự giúp đỡ của chuyên gia y tế Liên bang Nga. Tuy đây là ngành khoa học bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng ai cũng nhận thức được vai trò quan trọng của dung dịch giữ gìn lâu dài thi hài Bác mà các bạn Liên Xô vẫn giữ tại Lăng Bác coi như bí mật quốc gia của Bạn, mà ta phải tôn trọng. Vì vậy ta muốn thúc đẩy Bạn chuyển giao dung dịch đó cho ta tự quản lý. Bằng những phương pháp ngoại giao khéo léo với Tổng cục Kỹ thuật thuộc Bộ kinh tế Đối ngoại của Cộng hoà Liên bang Nga, ngày 17 tháng 3 năm 1992, hai chuyên gia của Tổng cục Kỹ thuật thuộc Bộ Kinh tế Đối ngoại Liên bang Nga đã cùng với đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Tưởng trực tiếp kiểm tra dung dịch tại công trình Lăng Bác. Sau lần kiểm tra đó, đồng chí X.A. Cra-xơ-nốp, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Kinh tế Đối ngoại Cộng hoà Liên bang Nga đã có chỉ thị bàn giao dung dịch này cho Việt Nam.

Đứng trước cơ hội thuận lợi, ngày 19 tháng 3 năm 1992, tại đơn vị diễn ra cuộc họp quan trọng do Trung tướng Trần Hanh, Phó Tổng Tham mưu trưởng chủ trì. Thành phần tham dự có: Thiếu tướng Nguyễn Văn Tưởng – Tư lệnh; các đồng chí trong Thường vụ Đảng uỷ: Đại tá Đỗ Văn Khoan – Bí thư Đảng ủy, Nguyễn Quang Tấn – Phó Bí thư Đảng uỷ, Dương Đức Thạc – Uỷ viên Thường vụ; Viện 69 có: Đại tá Đỗ Văn Dai – Viện trưởng, Thượng tá Nguyễn Văn Châu – Bí thư Đảng uỷ, Phó Viện trưởng, Thiếu tá Vũ Văn Bình – Phó Viện trưởng. Hội nghị bàn về việc tiếp quản dung dịch giữ gìn thi hài Bác từ các Bạn Nga. Trong cuộc họp đã có nhiều ý kiến trao đổi khác nhau. Đa số mọi người nhất trí và mong muốn được nhận bàn giao của Bạn. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng: Khi ta tiếp nhận số dung dịch này, các Bạn ở Viện Lăng Lê-nin có thể sẽ phật ý, như vậy sẽ ảnh hưởng tới việc giữ gìn toàn vẹn thi hài Bác. Dù ý kiến có khác nhau, nhưng mọi người đều cùng chung một quan điểm, mục tiêu là phải độc lập tự chủ trong việc giữ gìn thi hài Bác.

Trong quá trình thảo luận, tôi nhớ đồng chí Trần Hanh nói rất chân thành: “… Nếu như tôi là Tư lệnh, có trong tay hơn 500 lít dung dịch để giữ gìn thi hài Bác, thì vẫn thích hơn chứ”. Câu nói dân dã đó như lời thống nhất chung của hội nghị.

Vào 9 giờ sáng ngày 20 tháng 3 năm 1992, việc bàn giao dung dịch đã được diễn ra theo đúng chỉ thị của đồng chí X.A. Cra-xơ-nốp. Tại Hội nghị bàn giao, phía Cộng hoà Liên bang Nga gồm có: Đồng chí V.Đ. Ô-ni-xen-cô, quyền đại diện toàn quyền Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Kinh tế đối ngoại; đồng chí X.V. Chu-rơ-kin, Kỹ sư trưởng, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Kinh tế Đối ngoại và có sự chứng kiến của đồng chí Iu.N. Cô-nô-nư-khin, chuyên gia y tế thường trực tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phía Việt Nam có các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Văn Tưởng – Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đại tá Đỗ Văn Dai – Viện trưởng Viện 69; Thượng tá Nguyễn Văn Châu – Bí thư Đảng uỷ, Phó Viện trưởng Viện 69 và Thiếu tá Vũ Văn Bình – Phó Viện trưởng Viện 69.

Việc bàn giao dung dịch cho phía Việt Nam là một sự kiện quan trọng trong quá trình giữ gìn thi hài Bác. Đây không phải là thay chủ thể quản lý dung dịch, mà thực chất là khẳng định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Bác của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng nói chung và các chuyên gia y tế Việt Nam nói riêng; đồng thời tạo thêm cơ sở vật chất vững chắc để ta vươn lên làm chủ công nghệ này.

Ngay trong ngày 20 tháng 3 năm 1992, đồng chí Trưởng Ban Quản lý Lăng kiêm Tư lệnh, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tưởng đã gửi thư cảm ơn và thông báo cho đồng chí X.X. Đê-bốp, Viện trưởng Viện Lăng Lê-nin. Trong thư nêu rõ: “Trước tiên, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự giúp đỡ quý báu của đồng chí đối với công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm qua.

Nhân đây, tôi cũng xin thông báo để đồng chí biết, ngày 20 tháng 3 năm 1992, theo quyết định của đồng chí X.A. Cra-xơ-nốp, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, đồng chí V.Đ. Ô-ni-xen-cô, đại diện toàn quyền Tổng cục Kỹ thuật ở Việt Nam đã bàn giao toàn bộ dung dịch hiện có ở công trình cho các bác sĩ Việt Nam. Trong khi chờ chuyên gia của các đồng chí sang thay, các bác sĩ Việt Nam tự làm thuốc theo quy trình từ trước tới nay và sử dụng, bảo quản dung dịch theo chế độ quy định.

Trong tình hình hiện nay mặc dù có nhiều thay đổi, song chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với các đồng chí hơn nữa trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở hai bên đều có lợi. Mối quan hệ hợp tác này có thể là qua Tổng cục Kỹ thuật hoặc trực tiếp với Viện Lăng Lê- nin về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Trước mắt, đề nghị đồng chí cử gấp đồng chí V.L. Kô-zen-sep và I.V Mát-vây-chúc sang Việt Nam và chuẩn bị cử 2 chuyên gia sang giúp công tác tu bổ định kỳ năm, thời gian là 45 ngày, kể từ ngày 3 tháng 9 năm 1992 và chuẩn bị các vật tư, hoá chất cần thiết cho công tác này. Riêng đối với đồng chí, chúng tôi mời đồng chí sang Việt Nam không chỉ giúp chúng tôi làm cố vấn mà là khách quý. Về thời gian, tuỳ đồng chí sắp xếp sao cho tiện, nhưng tốt nhất là cuối tháng 9 năm 1992″.

Ngay sau khi nhận bàn giao dung dịch, ngày 23 tháng 3 năm 1992, Ban Quản lý Lăng đã có báo cáo số 38/BQLL gửi Thủ tướng nêu rõ: Ta nhận số dung dịch của Liên Xô viện trợ không hoàn lại theo kế hoạch 1986 – 1990 mà Bạn vẫn coi là tài sản của Bạn… Tuy nhận bàn giao, nhưng ta vẫn tiếp tục hợp tác với Viện Lăng Lê-nin, trước khi nhận bàn giao đã bàn kỹ trong nội bộ và báo cáo đồng chí Trần Hanh và đồng chí Nguyễn Nam Khánh.

Theo đề nghị của đồng chí Tư lệnh, ngày 30 tháng 3 năm 1992, hai chuyên gia y tế là V.L. Kô-zen-sep và I.V. Mát-vây-chúc sang Việt Nam giúp ta nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác thường xuyên. Nhưng tới ngày 03 tháng 4 năm 1992, đồng chí Tổ trưởng V.L. Kô-zen-sep đề nghị ta lại tiếp tục xi dung dịch như trước đây. Đồng chí Đỗ Văn Dai đã giải thích với Bạn về tính pháp lý của việc bàn giao dung dịch giữa Bộ Kinh tế Đối ngoại của Liên bang Nga và Ban Quản lý Lăng. Các Bạn đã thông cảm và tiếp tục giúp ta làm nhiệm vụ.

Những tưởng khó khăn về chuyên gia đã qua, nhưng sự việc đã diễn ra không như chúng ta mong đợi. Nhiệm vụ làm thuốc lớn tháng 9 năm 1992, nhóm chuyên gia chủ chốt do Viện phó Iu.A. Rô-ma-cốp dẫn đầu không sang kịp, cũng không mang được dung dịch từ Mát-xcơ-va sang Việt Nam để phục vụ nhiệm vụ tu bổ định kỳ. Trước tình hình đó đồng chí V.L. Kô-zen-sep đề nghị với ta sẽ hoãn làm thuốc lớn để chờ đồng chí Iu.A. Rô-ma-cốp sang. Đồng chí Đỗ Văn Dai, Viện trưởng Viện 69 đã hội ý Thủ trưởng Viện để báo cáo Bộ Tư lệnh quyết tâm làm thuốc lớn thi hài Bác theo đúng kế hoạch đã phê duyệt. Ý kiến đó đã được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh đồng ý. Và thực tế đã chứng minh quyết tâm đó là hoàn toàn đúng đắn, đồng thời cũng khẳng định bước trưởng thành mới của cán bộ y tế Việt Nam.

Sau đó, hai đợt tiếp theo chuyên gia y tế Liên bang Nga cũng không sang được theo kế hoạch vào các thời điểm từ ngày 14 tháng 4 tới ngày 26 tháng 5 năm 1993 và từ ngày 23 tháng 11 năm 1993 tới ngày 22 tháng 4 năm 1994.

Sau những lần gián đoạn đó, chuyên gia thường xuyên không sang được để trực tiếp giúp chúng ta, các nhóm chuyên gia mới sang, sau khi kiểm tra đều có nhận xét chung: “Trạng thái thi hài Bác rất ổn định, công tác y tế được các chuyên gia Việt Nam thực hiện xuất sắc”. Có thể nói các Bạn Nga cũng rất ngạc nhiên về sự trưởng thành nhanh chóng của các chuyên gia y tế Việt Nam.

Như vậy, việc Bạn chuyển giao dung dịch cho chúng ta tự quản lý là một cơ hội lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta mạnh dạn, vững vàng đi lên trong những lúc khó khăn, thử thách.

Để có sự thành công trên, trước hết phải nói tới sự chỉ đạo sáng suốt của lãnh đạo các cấp. Ngay từ năm 1969 khi các Bạn Liên Xô đồng ý giúp chúng ta giữ gìn lâu dài thi hài Bác tại Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước ta đã căn dặn các đồng chí cán bộ thực hiện nhiệm vụ này rằng: Hiện nay các Bạn đã đồng ý giúp chúng ta, nhưng Bạn giúp ta ngày nào hay ngày ấy, phải nhớ rằng Bác Hồ là của chúng ta, cho nên ta phải tự nghiên cứu để làm chủ nhiệm vụ này. Lời căn dặn mộc mạc, giản dị, nhưng đó là chiến lược chỉ đạo rất sáng suốt và đúng đắn xuyên suốt qua mọi thời kỳ.

Sự chỉ đạo và nắm bắt thời cơ của Bộ Tư lệnh luôn nhất quán và chính xác. Điều đó đã tạo được niềm tin vững chắc cho các cán bộ y tế của Viện 69 vững vàng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình, dù ban đầu chỉ là một tổ quân y 3 người. Cán bộ khoa học Viện 69 đã mạnh dạn nghiên cứu với một niềm say mê cháy bỏng dù không có tài liệu, thiếu thốn mọi phương tiện, trang bị kỹ thuật, đời sống hàng ngày còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt họ phải làm việc “trong thầm lặng”, điều mà các thế hệ trước đây của Bộ Tư lệnh vẫn thường nói về công tác y tế đặc biệt này. Ngoài ra, cùng với sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các cơ quan, các đơn vị trong Bộ Tư lệnh, tạo thành sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách, còn có sự phối hợp hiệu quả với các cơ sở khoa học và các nhà khoa học trong các thời kỳ công tác khác nhau. Những đơn vị tiêu biểu như Viện Quân y 108, Học viện Quân y, Viện Kiểm nghiệm Cục Quân y… Trong đó có các cá nhân, những người đóng góp lớn cho sự nghiệp giữ gìn thi hài Bác như: Phó tiến sĩ Đặng Hanh Khôi, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm – Cục Quân y; Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hưng Phúc – Phó giám đốc Học viện Quân y; đồng chí Lê Đình Lý – Chính ủy Viện Quân y 108…

Chúng ta thử hình dung nếu mình không chủ động sáng tạo ngay từ năm 1969, cứ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Bạn thì từ năm 1991 chúng ta sẽ xoay xở ra sao khi chuyên gia gián đoạn, vận chuyển dung dịch thì khó khăn. Liệu thi hài Bác có được giữ gìn tuyệt đối an toàn như ngày hôm nay? Tôi nghĩ rằng chiến công này đã góp phần đáng kể tạo dựng nên truyền thống của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới là: Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hợp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo.

Đại tá,TS. Vũ Văn Bình
Phó Tư lệnh – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

bqllang.gov.vn

Advertisement