Tháng 12 năm 1980, sau khi kết thúc lớp học bổ túc văn hoá của Bộ Quốc phòng, tôi được điều về Đoàn 969 – đơn vị Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi rất cảm động và suy nghĩ: đây là một vinh dự quá lớn và cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề mà chính tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến.
Về đơn vị, tôi nhận nhiệm vụ Trưởng ban Tuyên huấn – Phòng Chính trị, được sống, làm việc và công tác trong một tập thể đoàn kết gắn bó, được các anh lớn tuổi, đi trước, có bề dày kinh nghiệm giúp đỡ, được các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên hết lòng ủng hộ, nên tôi đều hoàn thành các nhiệm vụ, lần lượt được bổ nhiệm các cương vị: Phó chủ nhiệm, Chủ nhiệm Chính trị, Phó Tư lệnh Chính trị. Được Đảng bộ tín nhiệm bầu vào Đảng ủy, Thường vụ, được phân công đảm nhiệm Phó bí thư, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969.
Ở cương vị Bí thư Đảng ủy hơn ba nhiệm kỳ, tôi đã tham mưu, đề xuất nhiều nội dung Nghị quyết quan trọng cho Thường vụ, Đảng ủy Đoàn 969. Nhưng để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất là Nghị quyết 150 của Thường vụ về lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một Nghị quyết có ý nghĩa định hướng lớn, bám sát thực tế, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí tự lực tự cường trong sự nghiệp giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh của Đảng bộ và đơn vị.
Tính đến năm 1986, sau gần 20 năm làm việc với Bạn, đội ngũ cán bộ y tế và kỹ thuật của ta đã từng bước trưởng thành, có khả năng làm thành thạo kỹ thuật thường xuyên, bằng các phương pháp thông thường đã theo dõi được diễn biến trên thi hài; vận hành được các trang thiết bị kỹ thuật mà ta có và kinh nghiệm đảm bảo môi trường tinh khiết; có thể xử lý được những trường hợp phức tạp do hoàn cảnh chiến tranh hoặc bão lụt, bất trắc xảy ra.
Tuy vậy, còn nhiều vấn đề gặp khó khăn trở ngại. Chúng ta đã làm việc với Bạn gần 20 năm, nhưng Bạn giữ bí mật tuyệt đối về hoá chất, về kỹ thuật bảo quản, kết quả những lần xét nghiệm Bạn không hề thông báo cho ta biết.
Hơn nữa, trong công tác nghiên cứu khoa học, chúng ta thiếu thiết bị, hoá chất, thiếu cán bộ chuyên sâu và đồng bộ, thiếu luận cứ khoa học để có thể giải thích được các hiện tượng và khả năng loại trừ các nhân tố gây ảnh hưởng đến thi hài.
Thời điểm đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 07, rồi đến Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ của đơn vị có sự thay đổi. Đồng chí Nguyễn Hồng Quang – Phó Tư lệnh Chính trị – từng là cán bộ tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trải qua nhiều cương vị và có bề dày kinh nghiệm xây dựng đơn vị nghỉ hưu. Một thời gian ngắn sau đó, đồng chí Lương Soạn là cán bộ tiền khởi nghĩa, dày dạn trong hai cuộc chiến tranh, từng tham gia xây dựng Lăng Bác từ những ngày đầu đã từ trần. Đối với công việc, anh luôn là một cán bộ tận tuỵ, có tinh thần trách nhiệm cao. Đối với đồng đội, anh luôn gần gũi chân thành. Đối với gia đình, anh là một người chồng, người cha hết mực thương yêu vợ con. Cuộc sống thời bao cấp gặp rất nhiều khó khăn chật vật, nhưng anh không bao giờ lợi dụng chức quyền để thu vén cá nhân. Anh ra đi để lại trong Đảng bộ và đơn vị một khoảng trống, để lại trong cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ niềm tiếc thương vô hạn.
Ngay sau đó, Thường vụ và Bộ Tư lệnh được kiện toàn. Đồng chí Nguyễn Văn Tưởng giữ chức Tư lệnh – Phó Bí thư Đảng ủy; tôi giữ chức Phó Tư lệnh Chính trị – Bí thư Đảng ủy; đồng chí Dương Đức Thạc giữ chức Chủ nhiệm Chính trị – Uỷ viên Thường vụ. Thường vụ đã bàn ngay chuyên đề về nhiệm vụ y tế. Trong đó, tập trung tham mưu, đề xuất, báo cáo Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương ra Nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Bác, làm cơ sở, làm chỗ dựa vững chắc cho đơn vị. Đồng chí Tư lệnh trực tiếp chuẩn bị văn bản để báo cáo với Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương về nhiệm vụ này.
Tại cuộc họp Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, tôi và đồng chí Tưởng được mời dự, trực tiếp nghe những ý kiến phát biểu sâu sắc của các đồng chí Lê Đức Anh, Phó bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Quyết – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; đồng chí Đoàn Khuê – Tổng Tham mưu trưởng. Các đồng chí tiếp tục khẳng định sự nghiệp giữ gìn thi hài Bác là nhiệm vụ trọng đại, mang ý nghĩa quốc gia và quốc tế, thể hiện tình cảm, niềm tin của đồng bào, chiến sĩ cả nước và cả của bạn bè quốc tế đối với Bác Hồ, với dân tộc Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đặt niềm tin và tiếp tục giao trọng trách lớn cho Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 25 tháng 02 năm 1988, Nghị quyết số 50 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương về thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức ban hành. Đảng ủy Đoàn 969 đã tổ chức ngay Hội nghị bất thường vào ngày 17 tháng 3 năm 1988 để quán triệt và thể hiện quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt.
Từ chủ trương, định hướng của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, đặt ra cho Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969 phải nhanh chóng chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, xây dựng nghị quyết chặt chẽ, có tính khả thi cao để lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.
Ngày 15 tháng 11 năm 1988, Thường vụ Đảng uỷ Đoàn 969 tổ chức hội nghị. Thường vụ đã mời các đồng chí Nguyễn Văn Tham, Phó tư lệnh – Tham mưu trưởng; Nguyễn Quang Tấn, Chủ nhiệm Kỹ thuật và một số cán bộ chủ trì của Viện 69 đến dự để nghe đồng chí Nguyễn Gia Quyền, Phó tư lệnh báo cáo chuyên đề về nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.
Đây là Hội nghị bàn về những vấn đề trọng đại, mang tính quốc gia, quốc tế; những vấn đề thể hiện sự thiêng liêng của dân tộc trong sự nghiệp giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác, giữ gìn sự đoàn kết đặc biệt giữa ta và chuyên gia Liên Xô, mong muốn tiếp tục tranh thủ được sự giúp đỡ cao nhất của Bạn, nên tất cả các đồng chí tham dự hội nghị đều phát biểu một cách sôi nổi, thận trọng và nghiêm túc.
Đồng chí Nguyễn Quang Tấn khẳng định: “Vấn đề khoa học giữ gìn thi hài là một nền khoa học có tính chất độc quyền của Liên Xô, dù Bạn không phổ biến cho ta, nhưng sau gần 20 năm trực tiếp làm việc với Bạn, ta phải tự tổng kết lại, cái gì ta đã hiểu được, đã làm được, cái gì chưa hiểu được, chưa làm được… từ đó mà bàn để định hướng cho các năm tiếp sau”.
Đồng chí Nguyễn Văn Châu tâm đắc: “Nếu Bạn bàn giao, ta có khả năng làm được và phải dứt khoát phấn đấu thực hiện, không để kéo dài đến các thế hệ kế tiếp nữa. Muốn vậy phải tập trung làm tốt công tác nghiên cứu khoa học với tư cách là một Viện nghiên cứu. Phải làm tốt đào tạo cán bộ đầu ngành, cán bộ chuyên sâu, phải báo cáo với trên xin đảm bảo trang thiết bị đồng bộ”.
Băn khoăn của các nhà khoa học cũng là nỗi trăn trở của Thường vụ. Tôi và đồng chí Tư lệnh tiếp tục nhiều lần trao đổi, bàn bạc, tích cực chuẩn bị kỹ mọi yếu tố, đánh giá đúng tình hình công tác y tế, nghiên cứu khoa học, mạnh dạn đề xuất những chủ trương, biện pháp phù hợp.
Ngày 9 tháng 3 năm 1989, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969 họp phiên cuối, sau khi phân tích kỹ về thực trạng, hội nghị đã nhất trí đánh giá: So với yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh thì kết quả đạt được chỉ là bước đầu, nhưng là một thành tựu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn sâu sắc. Bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của trên, sự giúp đỡ của Bạn, ta đã chủ động xây dựng được những cơ sở ban đầu của Viện nghiên cứu bảo quản thi hài ở một nước nhiệt đới nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố y, sinh, hoá, lý …các kỹ thuật ướp và bảo quản thi hài trong điều kiện riêng biệt ở Việt Nam. Ta đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ thành thạo các thao tác kỹ thuật …. Có khả năng vận hành các thiết bị mà ta có.
Trên cơ sở đánh giá đó, Thường vụ đã xác định chủ trương, giải pháp: Công tác y tế giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là công tác trọng tâm của toàn Bộ Tư lệnh. Viện 69 là đơn vị chuyên trách có trách nhiệm trực tiếp đảm nhiệm công tác và cùng với Bạn làm thuốc thi hài, đảm nhiệm công tác nghiên cứu khoa học đồng thời có chức năng làm tham mưu giúp Đảng uỷ mà trực tiếp là Thường vụ và Tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
….. Cần phải tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ toàn diện của Liên Xô, phối hợp với chuyên gia thực hiện nhiệm vụ bảo quản thi hài…. phải tích cực nghiên cứu học hỏi hiểu biết đầy đủ nội dung quy trình kỹ thuật, điều kiện vật chất tiến tới có khả năng tự bảo quản thi hài khi có tình huống gián đoạn do chiến tranh hoặc lũ lụt xảy ra….
Sau 3 năm chuẩn bị công phu, thực sự dân chủ, phát huy trí tuệ của toàn Đảng bộ, mà trung tâm là Thường vụ, tập thể Đảng uỷ Viện 69 và đội ngũ cán bộ chủ trì làm công tác y tế, khoa học kỹ thuật, được Nghị quyết 50 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương định hướng soi đường, nên Nghị quyết 150 có sức sống, định hướng cho Đảng bộ và đơn vị phát huy ý chí độc lập, tự cường vươn lên làm chủ vững chắc sự nghiệp giữ gìn thi hài Hồ Chủ tịch.
Ngày 16 tháng 3 năm 1989, Nghị quyết số 150 của Thường vụ về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được ban hành, phổ biến, quán triệt đến cán bộ chủ trì các cấp, được toàn Đảng bộ và đơn vị triển khai thực hiện với những nội dung công việc cụ thể.
Chủ trương về đầu tư, xây dựng nâng cấp Viện 69 để hoàn thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt đã được Bộ Tư lệnh triển khai tại Quyết định số 324/QĐ/BVL, ngày 17 tháng 5 năm 1990. Biểu biên chế mới của Viện 69 xác định gồm Thủ trưởng và các bộ phận phù hợp với nhiệm vụ: Quản lý toàn bộ công tác y tế bảo quản lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây dựng chiến lược nghiên cứu lâu dài, xác định kế hoạch nghiên cứu từng giai đoạn; quản lý công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học với quy mô từ cơ sở tới cấp Nhà nước theo hướng đã định.
Đồng thời Viện còn quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ khoa học, có kinh nghiệm và đầu tư trang thiết bị hiện đại. Viện 69 đã tích cực đào tạo cán bộ, nghiên cứu hoàn thành nhiều đề tài khoa học. Hàng chục cán bộ, nhân viên được cử sang Nga học tập, nhiều cán bộ đã phấn đấu trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa cấp 2. Chính lực lượng này đã trực tiếp quyết định vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác.
Nhìn lại những năm qua – một thời gian rất ngắn ngủi trong sự nghiệp giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng có nhiều biến động phức tạp, càng thấy ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đơn vị. Được sự lãnh đạo và chỉ đạo của trên, Đảng bộ và đơn vị đã có những chủ trương định hướng đúng và có quyết tâm cao để vượt qua những khó khăn thử thách của giai đoạn chuyển tiếp, mở ra một bước ngoặt mới trên con đường độc lập tự chủ, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, làm chủ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác để các thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi được đến thăm viếng Người.
Đại tá Đỗ Văn Khoan
Nguyên Bí thư Đảng uỷ, Phó Tư lệnh Chính trị – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh