Chiếc xe con đưa chúng tôi đến toà soạn Báo điện tử VOVNews. Hà Nội sau cơn mưa đầu mùa hè không khí mát dịu. Đường phố rực rỡ cờ, băng rôn, khẩu hiệu về chiến thắng Điện Biên Phủ và hình ảnh Bác đang cùng đoàn quân ra mặt trận. Theo cách nói của người nước ngoài: Việt Nam – Hồ Chí Minh – Điện Biên Phủ như là mối liên hệ kỳ diệu, một sự đồng nghĩa. Với chúng ta, Đảng và Bác Hồ là linh hồn của mọi thắng lợi. Vậy nên, hôm nay đi trong “âm vang Điện Biên 50 năm trang sử hào hùng”, lòng chúng tôi bồi hồi nhớ Bác. Chỉ còn ít hôm nữa là đến kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 114 của Bác và Người cũng đã đi xa gần 35 năm rồi.
Xe từ từ dừng lại ở cổng Đài tiếng nói Việt Nam, số 45 Bà Triệu. Đã hẹn trước, chị Nguyễn Thị Hoa – Trưởng phòng nội dung, người đã đến làm việc với Bộ Tư lệnh về tổ chức buổi giao lưu này đón chúng tôi vào phòng họp của toà soạn.
Đồng chí Đinh Thế Lộc, Tổng Biên tập giới thiệu đôi nét về tờ báo: “Báo điện tử VOVNews là tờ báo điện tử chính thức của Đài tiếng nói Việt Nam, duy nhất có các chương trình phát thanh hàng ngày. Đây là một tờ báo điện tử có uy tín, mang tính định hướng rõ nét và luôn đem đến cho bạn đọc những thông tin nóng, tính thời sự cao mang tính trí tuệ, được bạn đọc đánh giá cao. Truy cập vào website của VOVNews (http://www.vov.org.vn) mỗi sáng để đọc, nghe… đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của nhiều độc giả trong và ngoài nước, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.
Chúng tôi trao đổi thống nhất với nhau về nguyên tắc và nội dung chủ yếu của buổi giao lưu. Với mong muốn mang đến cho độc giả, thính giả trong và ngoài nước những hiểu biết bổ ích, chúng tôi sẽ nói về công trình Lăng Bác, về tình cảm biết ơn sâu nặng của nhân dân ta và lòng ngưỡng mộ của bè bạn quốc tế đối với Bác.
14 giờ, buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu. Trên màn hình máy vi tính hiện rõ dòng chữ: “Chúng tôi xin giới thiệu, 14 giờ ngày hôm nay 15 – 5 – 2004, VOVNews thực hiện Chương trình giao lưu trực tuyến với Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng đi có Đại tá Trần Vũ Trang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. VOVNews mời quý vị và các bạn theo dõi, cùng gửi thư, gọi điện thoại đến Toà soạn để đặt các câu hỏi giao lưu”.
Tôi nhìn rất nhanh toàn bộ căn phòng để hình dung “công nghệ sản xuất” của một tờ báo điện tử. Một căn phòng rộng rãi, toạ lạc trên tầng 6 của toà nhà lớn. Từ đây có thể nhìn thấy Hà Nội san sát những ngôi nhà cao tầng, những đường cây xanh rợp mát. Trong phòng đặt nhiều thiết bị thu, phát hiện đại. Nhiều biên tập viên, hầu hết còn trẻ, đi lại trao đổi hoặc chăm chú làm việc bên màn hình vi tính. Cùng lúc các biên tập viên và chúng tôi phải theo dõi và trả lời lần lượt từng câu hỏi hiện trên 3 màn hình vi tính.
Ngay sau khi Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn thay mặt cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, những người trực tiếp được vinh dự làm việc tại Lăng Bác gửi lời chào tới độc giả là một câu hỏi “khó” của các độc giả: Vọng Hà, Thi, Lý Châu Hòa gửi từ nước Đức về:
– Xin cho biết, trong quá trình bảo vệ thi hài Bác thì khâu nào là khâu khó nhất?.
Chúng tôi “nhập đề” ngay:
– Nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn và giữ gìn lâu dài thi hài Bác là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Ngay cả trên thế giới chỉ có Liên Xô là nước duy nhất có công nghệ giữ được lâu dài thi hài để mọi người có thể thăm viếng. Đặc biệt là ở Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm thì công việc này lại càng khó khăn hơn gấp bội, nhất là khi điều kiện kĩ thuật của chúng ta còn lạc hậu. Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước Liên Xô trước đây, mà trực tiếp là các nhà khoa học, cộng với sự nỗ lực vươn lên của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên được tham gia thực hiện nhiệm vụ này, nên những khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi ấy đã dần được khắc phục. Thi hài Bác năm nay đã bước sang năm thứ 35, vẫn được giữ gìn một cách tốt nhất. Những nét đặc trưng của Người lúc sinh thời vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Công trình Lăng ngày càng khang trang, sạch đẹp; hàng ngày đón hàng vạn lượt người vào Lăng viếng Bác.
Văn Mĩ Huệ 2@yahoo.com có một câu hỏi rất dài: “Giữ gìn thi hài Bác Hồ, đó là một công việc rất nặng nề nhưng cũng là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao. Trong thời gian chiến tranh, điều kiện vật chất rất thiếu thốn, đặc biệt là phương tiện kĩ thuật, nhưng các chú đã làm được một điều kì diệu là giữ gìn rất tốt thi hài của Bác Hồ. Cháu cũng có dịp được đi thăm khu Đá Chông, nơi đã thực hiện việc giữ gìn thi hài của Bác trong thời gian đầu tiên, cháu đã được xem chiếc xe chuyên dụng trong lần di chuyển đó và được biết là cuộc di chuyển thi hài của Bác giữa Sơn Tây và Hà Nội đã diễn ra rất khó khăn. Vậy cháu muốn biết rõ hơn về cuộc di chuyển đó được không ạ?”.
Anh Tấn đã kể lại 6 năm chiến tranh gian khổ, thiếu thốn vật chất kĩ thuật, đến mức chúng ta phải dùng những cột nước đá thay cho máy điều hòa để đảm bảo nhiệt độ trong xe di chuyển thi hài Bác. Để giữ bí mật trên đường hành quân, chỉ huy đơn vị đã phải cử những bộ phận đi trước chở vật liệu san lấp những hố ở trên đường do bom đạn của Mỹ gây ra, đảm bảo cho xe chở thi hài Bác không bị rung, xóc. Sau đó, để xóa đi dấu vết, các chiến sĩ lại phải bốc đất cát chở đi, trả lại hiện trạng lúc trước của con đường.
Cuộc trò chuyện nhiều ý nghĩa, rất lắng đọng tình cảm, nhưng có lúc khá căng thẳng, bởi giao lưu trực tuyến trên báo điện tử là một hình thức rất mới lạ đối với chúng tôi.
Lúc này, màn hình hiện lên câu hỏi của một độc giả tên là Hương, không ghi địa chỉ nơi gửi, độc giả muốn biết: “Thi hài Bác đặt trong Lăng cần bao nhiêu kinh phí để duy trì hàng năm”. Anh Tấn xoay người về phía tôi phân vân: “Chúng ta có nên trả lời hay không?”. Các biên tập viên gợi ý: nếu có những câu hỏi không tiện trả lời thì các đồng chí có thể từ chối.
Thực ra, việc này đã có nhiều người muốn biết, có thể là do họ muốn tìm hiểu về công trình, hoặc vì một mục đích khác. Trong quá trình công tác, tiếp xúc với tài liệu tham khảo phục vụ công tác tư tưởng tôi đã được đọc và nhận thấy một số người có những quan niệm, hiểu biết lệch lạc; có cả những luận điệu phản động mang dụng ý rất độc hại, chống lại việc chúng ta xây dựng Lăng Bác.
Tôi nhớ có lần vào khoảng năm 2002, một nhà báo Mỹ tên là W. xin gặp trưởng Ban quản lý Lăng để phỏng vấn. Trong khi phỏng vấn, đã mấy lần W. đều nhắc lại câu hỏi về tổ chức của đơn vị và chi phí cho việc bảo vệ giữ gìn Lăng. Trưởng ban Ban Quản lý Lăng đã nói với người phiên dịch: “Đồng chí hãy dịch cho ông ta được biết, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng là do ý nguyện thiết tha, lòng biết ơn vô hạn của dân tộc chúng tôi đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mình. Công trình đã được Đảng và nhân dân Liên Xô giúp đỡ chí nghĩa, chí tình, bằng nguồn viện trợ không hoàn lại và được đồng bào cả nước chúng tôi đóng góp. Nhiều vật liệu quý còn được đưa từ miền Nam lúc đó đang chiến đấu chống Mỹ xâm lược để xây dựng Lăng và hiện nay Lăng Bác vẫn tiếp tục nhận được sự đóng góp của các địa phương trong cả nước. Giá trị vật chất ư? Không thể tính toán được. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá”.
Sau ít giây, tôi đề nghị anh Tấn nên trả lời cho độc giả như hôm anh đã trả lời nhà báo Mỹ W. Câu trả lời của anh Tấn đã toát nên những nội dung rất chặt chẽ. Cuối cùng anh khẳng định: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình lòng dân ý Đảng nên ngay từ khi xây dựng Lăng cũng như trong suốt quá trình bảo quản, tôn tạo sau này, Lăng Bác luôn luôn nhận được sự đóng góp, giúp đỡ của mọi miền đất nước và cả tổ chức quốc tế. Chúng tôi cần có những kinh phí để dành cho việc bảo quản, giữ gìn thi hài, đảm bảo điều kiện phục vụ nhân dân vào Lăng viếng Bác an toàn, văn minh và tôn tạo cảnh quan khu vực Lăng”.
Một câu hỏi khác của Nguyễn Thanh Hà, cũng không ghi địa chỉ:
– Hiện nay có bao nhiêu người tham gia làm việc tại Ban quản lý Lăng Hồ Chủ tịch?
Anh Tấn trả lời một cách đúng mức:
– Có thể nói, Lăng có nhiều bộ phận, mỗi bộ phận có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Theo sự chỉ đạo của cấp trên, Ban Quản lý Lăng phải cố gắng tính toán sao cho có một tổ chức hợp lý nhất, để tiết kiệm được nhân lực cũng như các chi phí khác cho công trình.
Từ Seattle, Wasihington (Hoa Kỳ), Trần Anh Tuấn hỏi:
– Thưa Thiếu tướng, trong suốt những năm làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác, ông đã gặp những sự cố gì? Sự cố nào là đáng nhớ nhất?
Tôi ngạc nhiên khi thấy anh Tấn vốn là một cán bộ kĩ thuật mà trình bày những điều về “sự cố” chính trị rất xác đáng. Anh nói:
– Trong suốt những năm làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác, nếu nói ở góc độ kĩ thuật thì có rất nhiều sự cố, như hỏng hóc máy móc, thiết bị, mất nguồn điện…, nhưng một sự cố mang tính chính trị đã xảy ra vào cuối năm 1991. Lúc đó, tình hình chính trị ở Liên Xô có sự thay đổi, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô đối với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng với một tình cảm cách mạng của các nhà khoa học Liên Xô cũ và các nhà khoa học Nga hiện nay, cùng với sự cố gắng vượt bậc của các nhà khoa học Việt Nam, “sự cố” này đã nhanh chóng được khắc phục và không làm ảnh hưởng đến việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc giao lưu mỗi lúc một cuốn hút hơn. Tôi thật sự tự hào vì mình là một người trong đội ngũ cán bộ đã vinh dự được thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng tại Lăng Bác Hồ. Niềm hạnh phúc ấy trào dâng trong lòng khi thấy biết bao nhiêu con người ở khắp mọi miền đất nước, những đồng bào ở xa Tổ quốc đã hướng về Lăng Bác với một tấm lòng thành kính và biết ơn Người. Họ cũng rất quan tâm đến những người chiến sỹ cận vệ bên Lăng Bác. Các câu hỏi liên tiếp được đặt ra như: Điều kiện khí hậu của Việt Nam gây khó khăn gì cho việc giữ gìn thi hài Bác?; Mỗi năm chúng ta tiến hành mấy lần việc bảo quản giữ gìn thi hài Bác?; Việc này có khó khăn nhiều không?; Hàng năm có bao nhiêu người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh?; Cháu ở miền Nam, hè này cháu sẽ ra Hà Nội. Cháu muốn được vào Lăng viếng Bác Hồ. Vậy cháu xin hỏi, cháu phải đến vào ngày nào và làm những thủ tục gì để xin được vào viếng Bác?; Ngoài chuyên gia Liên Xô có thêm nước nào cùng giúp Việt Nam giữ gìn thi hài Bác không? v.v…
Đặc biệt, câu hỏi của cháu Hồng Hạnh ở Thanh Xuân, Hà Nội: “Việt Nam nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô trong việc giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh. Vậy từ khi chuyển thi hài Bác vào Lăng, nước bạn Liên Xô có còn tiếp tục giúp ta trong công việc này nữa không? Trong số những chuyên gia tham gia giúp đỡ Việt Nam bảo vệ thi hài Bác, hiện nay có ai còn sống không? Các chú có định tổ chức gặp mặt những người này vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác hay vào dịp nào đó không ạ?”.
Anh Tấn đã xúc động trả lời:
– Trong số những chuyên gia tham gia giúp đỡ Việt Nam giữ gìn thi hài Bác từ những ngày đầu, hiện nay rất nhiều người còn sống, như Viện sĩ Iu.M. Lô-pu-khin, Giáo sư Iu.A. Rô-ma-cốp, năm nay đều đã trên 80 tuổi. Đối với những người có công giúp đỡ chúng ta, chúng ta luôn biết ơn, kính trọng. Các chuyên gia giúp chúng ta giữ gìn thi hài Bác đã được Đảng và Nhà nước ta phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động và tặng thưởng nhiều Huân chương Lao động, Huân chương Hữu nghị. Những ngày lễ lớn, chúng ta đều tổ chức những buổi gặp gỡ để tỏ lòng biết ơn và cảm ơn sự giúp đỡ của Bạn. Nhân dịp 30 năm giữ gìn thi hài Bác, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Ban quản lý Lăng đã phối hợp với Đại sứ quán nước ta ở Liên bang Nga, mời các chuyên gia về y tế, chuyên gia kĩ thuật có công giúp ta xây dựng Lăng và giữ gìn thi hài Bác về họp mặt tại Mát-xcơ-va. Cuộc gặp ấy để lại ấn tượng hết sức tốt đẹp. Anh hùng vũ trụ Liên Xô Ghec-man Ti-tốp trong buổi gặp mặt đó có những lời phát biểu hết sức tốt đẹp về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.
Chúng tôi còn xúc động hơn nữa khi biết rằng có rất nhiều thanh niên mong muốn được trở thành người chiến sỹ đứng canh cho giấc ngủ của Người. Cháu Đoàn Thái Duyên ở Hà Nội hỏi: “Cháu cũng muốn làm một người lính bên Lăng Bác Hồ, vậy cháu phải làm thế nào để đạt nguyện vọng này?”.
Sự quan tâm, chia sẻ, niềm ao ước… vẫn mỗi lúc một nhiều gửi về toà soạn, khiến buổi giao lưu trực tuyến kéo dài hơn so với thời gian dự kiến. Trước tình hình đó, đồng chí Tổng biên tập toà soạn, người trực tiếp theo dõi và chỉ đạo chương trình giao lưu này đã đồng ý điều chỉnh thời gian.
Buổi giao lưu kết thúc, chúng tôi ra về trong niềm vui, niềm tự hào, xúc động đan xen. Qua buổi giao lưu trực tuyến, tôi cảm nhận thấy tình cảm thiết tha của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đối với việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ, thấy công việc mình đang thực hiện là một nhiệm vụ đặc biệt cao quý. Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ chúng tôi sẽ thay nhau đứng vào vị trí danh dự mà Tổ quốc trao cho, để mãi mãi giữ yên giấc ngủ ngàn thu của Người.
Đại tá Trần Vũ Trang
Nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh