Cuối tháng 5 năm 2003, Đoàn cán bộ của Ban Quản lý Lăng lên đường sang Liên bang Nga làm việc với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va. Đoàn từ trong nước sang gồm 5 người: Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn – Trưởng ban Ban Quản lý Lăng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng; Đại tá Lại Văn Hoà – Viện trưởng Viện 69; Thượng tá Trần Văn Tuấn – Phó Chủ nhiệm Hậu Cần; Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Khuê – Phó Vụ trưởng Vụ Văn xã, Văn phòng Chính phủ và tôi – Chánh Văn phòng. Khi đó, tại Mát-xcơ-va, có 3 cán bộ của đơn vị đang học tập là bác sĩ Lê Công Bằng, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh và Trưởng ban Đối ngoại Phạm Văn Quang. Như vậy, đoàn cán bộ của chúng ta gồm 8 người.
Chương trình làm việc với Bạn được xác định 3 nội dung chính là: Đánh giá kết quả hai bên hợp tác năm 2002 – 2003; bàn chương trình hợp tác năm 2004, trong đó trọng tâm là việc chuẩn bị kỷ niệm 35 năm giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2004) và tổ chức nghiệm thu đề tài Hợp đồng số 9 và Hợp đồng số 10.
Cũng như các lần trước, khi đoàn của chúng ta vừa xuống máy bay, đại diện lãnh đạo của Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va và cán bộ của Phòng Chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã có mặt tại sân bay, đón tiếp đoàn rất trọng thị.
Buổi chiều của ngày đầu tiên đoàn đến Mát-xcơ-va, tại Nhà khách của Sứ quán Việt Nam, cán bộ và sinh viên của Bộ Tư lệnh gửi đi học từ nguồn tài trợ kinh phí của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam cũng có mặt đông đủ để chào đón đoàn. Trong căn phòng nhỏ của nhà khách, từ Tư lệnh đến từng người sinh viên ai nấy đều bồi hồi xúc động. Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, tình cảm, Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn đã thông báo tình hình đơn vị cho cán bộ và sinh viên đang học tập tại Mát-xcơ-va. Tư lệnh căn dặn, động viên anh chị em tích cực học tập nắm vững kiến thức, hoàn thành khoá học xuất sắc để trở về đơn vị công tác. Nhìn một lượt anh chị em ngồi xung quanh, Tư lệnh nói: “Chưa bao giờ đơn vị ta có số cán bộ học tập tại Mát-xcơ-va đông như hiện nay, đây là vốn quý của đơn vị được Đảng, Nhà nước, Quân đội quan tâm, chúng ta phải biết giữ gìn, phát huy và trân trọng sự quan tâm đó”. Mọi người đều hứa sẽ quyết tâm thực hiện tốt lời căn dặn của Tư lệnh.
Sáng hôm sau, đúng giờ, hai chiếc xe của Trung tâm đã tới đón đoàn đi làm việc. Xe vừa dừng bánh, hai Chủ nhiệm khoa Hình thái và Sinh hoá của Bạn đã chờ sẵn và đón đoàn vào phòng khách. Viện sĩ V.A. Bư-cốp, Giám đốc Trung tâm; bốn phó giám đốc trung tâm cùng các chủ nhiệm khoa, thư ký hội đồng khoa học đã có mặt đông đủ chào đón đoàn. Những cái bắt tay, ôm hôn thắm thiết, như những người anh em lâu ngày mới gặp lại nhau đã tạo không khí đầm ấm, cởi mở, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Trước khi vào làm việc, Trưởng đoàn, Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn đã giới thiệu từng thành viên trong đoàn. Khi giới thiệu đến đồng chí Phạm Duy Khuê, Phó Vụ trưởng Vụ Văn xã, Văn phòng Chính phủ, cùng tham gia đoàn; Giám đốc Trung tâm V.A. Bư-cốp đã không giấu được sự vui mừng phấn khởi, đứng dậy bắt tay đồng chí Phạm Duy Khuê. Đây cũng là một điều hết sức đặc biệt của chuyến công tác, lần đầu tiên đoàn cán bộ lãnh đạo của Ban Quản lý Lăng sang làm việc với Bạn có một cán bộ của Văn phòng Chính phủ. Chính sự kiện này đã tạo cho Bạn niềm tin về sự hợp tác lâu dài giữa ta và Bạn trong giai đoạn mới.
Kết thúc ngày làm việc thứ nhất, mọi thành viên trong đoàn đều phấn khởi, vì tất cả chương trình, nội dung làm việc hai bên đưa ra đều có sự thống nhất cao. Ngoài ra, Bạn còn chủ động nêu ra một số vấn đề có tính nguyên tắc để ta nghiên cứu chuẩn bị cho chương trình hợp tác dài hạn trong những năm tới.
Khi xe đưa đoàn về đến nhà khách của Sứ quán, nghỉ ngơi chút ít, Tư lệnh đã hội ý, trao đổi với anh chị em trong đoàn những nội dung Bạn đưa ra trong buổi làm việc sáng nay. Tuy cùng dự làm việc với Bạn, nhưng khi nghe Tư lệnh tổng hợp lại những nội dung Bạn trao đổi và quyết tâm của Thường vụ, Bộ Tư lệnh mà Tư lệnh lĩnh hội trước khi lên đường sang Mát-xcơ-va, anh chị em trong đoàn mới hiểu một cách cụ thể, tường tận về nội dung của buổi làm việc với Bạn. Tư lệnh nói : “Chuyến công tác này của chúng ta, cố gắng thuyết phục Bạn đồng ý phối hợp với ta pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam”. Ngồi bên Tư lệnh, chúng tôi hiểu được suy nghĩ của ông. Bởi đây cũng là sự chỉ đạo của Thường vụ và Bộ tư lệnh trước khi đoàn sang Liên bang Nga và cũng là niềm ước mong của các thế hệ cán bộ trong đơn vị kể từ khi được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho nhiệm vụ chính trị đặc biệt là giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng hiểu rằng: Dung dịch đặc biệt để giữ gìn thi hài cũng như máu của cơ thể con người, làm được việc này quả là một thành công lớn trên con đường vươn lên làm chủ nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đang nhìn xa xăm ra cửa sổ, bỗng giọng Tư lệnh sôi nổi hẳn lên, ông nói: “Kết quả phân tích dung dịch giữa ta và Bạn trong khuôn khổ Hợp đồng số 10 sẽ là cơ sở khoa học cho việc ta yêu cầu Bạn cùng hợp tác pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam”. Nói xong, ông quay sang đồng chí Phạm Duy Khuê, cán bộ Văn phòng Chính phủ vừa như báo cáo, vừa như giải thích để cơ quan cấp trên hiểu thêm nhiệm vụ của đơn vị. Anh chị em trong đoàn chúng tôi, với tâm trạng vừa mừng, vừa lo mong sao ngày mai đến nhanh hơn để chúng ta sớm trao đổi với Bạn về ý định cùng pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam.
Sáng hôm sau, như thường lệ, anh chị em trong đoàn ăn sáng và chuẩn bị lên đường đi làm việc. Sau khi mọi người ăn sáng xong, Tư lệnh gọi anh Lại Văn Hoà và anh Phạm Văn Quang sang phòng để gặp riêng. Chừng khoảng 20 phút sau, Tư lệnh và hai anh đã trao đổi xong nội dung công việc. Trước mặt mọi người, Tư lệnh giao nhiệm vụ cho chị Nguyễn Thị Hồng Minh và anh Lê Công Bằng kiểm tra lại lần cuối kết quả phân tích dung dịch và so sánh với kết quả của Bạn xem có chỗ nào cần phải thống nhất trước khi nghiệm thu không? Tiếp đến, Tư lệnh nói với mọi người là đêm qua, ông suy nghĩ rất nhiều về nội dung làm việc ngày hôm nay với Bạn, sáng nay trao đổi với anh Hoà và anh Quang, hai anh cũng đều có tâm trạng như vậy. Quả thật, nếu ta đặt vấn đề không khéo thì chưa chắc Bạn đã đồng ý với đề nghị của ta; lúc đó sẽ rất khó khăn. Ngược lại, không cẩn thận Bạn đánh giá ta là vong ơn, bội nghĩa, Bạn đang khó khăn ta lại không mua dung dịch của Bạn…. Xuất phát từ những điều đó, Ông quyết định, hôm nay làm việc chưa đưa nội dung đề nghị với Bạn phối hợp cùng với ta pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam. Giao cho anh Hoà và anh Quang tiếp tục thăm dò Bạn xem ý kiến của Bạn về vấn đề pha chế dung dịch tại Việt Nam như thế nào? Ngồi cạnh tôi, đồng chí Phạm Duy Khuê thốt lên: “thật tuyệt vời, rất nhân văn”. Mọi người cười ồ lên và đứng dậy lên đường đi làm việc với Bạn.
Hai ngày làm việc tiếp theo trôi nhanh, nhiệm vụ Tư lệnh giao cho nhóm anh Hoà, anh Quang; chị Minh, anh Bằng đều đã có kết quả, mọi người lần lượt đến báo cáo công việc cụ thể với Tư lệnh.
Bước sang ngày thứ năm của đợt công tác, Tư lệnh chính thức đặt vấn đề với Bạn về sự phối hợp hai bên pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam và lần đầu tiên sẽ được tiến hành vào mùa xuân năm 2004. Khi nghe được yêu cầu chính thức của chúng ta, dường như lãnh đạo của Bạn cũng hơi bất ngờ, nên chưa ai trả lời ngay. Trong khi chờ Bạn có câu trả lời, Tư lệnh đã chủ động nói thêm: “Pha chế dung dịch tại Việt Nam nhưng chúng tôi vẫn ký hợp đồng với các đồng chí. Chỉ có khác là các đồng chí sẽ bàn giao dung dịch cho chúng tôi tại Việt Nam”.
Ý kiến của Tư lệnh đã trùng với suy nghĩ của Viện sĩ V.A. Bư-cốp, Giám đốc Trung tâm, nên chỉ chờ chúng ta nêu vấn đề này ra trúng ý chỉ đạo của ông, ông liền nói: “Về nguyên tắc, chúng tôi đồng ý sẽ phối hợp với các đồng chí pha chế dung dịch tại Việt Nam, nhưng cần phải chờ kết quả nghiệm thu Hợp đồng số 10 xem các số liệu của hai bên có thống nhất với nhau không”. Nét mặt Tư lệnh rạng rỡ hẳn lên, chúng ta không ngờ Bạn lại trả lời nhanh như vậy. Kết quả phân tích dung dịch, tuy chưa nghiệm thu nhưng qua đối chiếu giữa ta và Bạn hầu như không có sai số. Đó là điều kiện chắc chắn Bạn sẽ ký hợp đồng chính thức bàn giao tỉ lệ hoá chất pha chế dung dịch cho chúng ta. Buổi làm việc diễn ra nhanh chóng và đạt kết quả như mong muốn.
Ngày hôm sau, diễn ra buổi nghiệm thu đề tài Hợp đồng số 9 và số 10. Do công tác chuẩn bị chu đáo của ta và Bạn nên buổi nghiệm thu tiến hành đúng dự kiến và đạt kết quả tốt đẹp. Lãnh đạo Trung tâm đã đánh giá cao kết quả hợp tác nghiên cứu giữa chuyên gia Nga và các bác sĩ Việt Nam. Từ kết quả này, Bạn khẳng định có đủ điều kiện để bàn giao thành phần hoá chất và phối hợp cùng với ta pha chế dung dịch tại Việt Nam từ mùa xuân năm 2004.
Chia tay Bạn, trở về nhà khách, mọi thành viên trong Đoàn ai nấy đều phấn khởi. Thế là bắt đầu từ năm tới chúng ta sẽ có dung dịch được pha chế tại Việt Nam. Bao nỗi nhọc nhằn, vất vả của các đoàn đi công tác để mang dung dịch về nước theo đường hàng không sẽ không còn nữa. Đây là một mốc son đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của đội ngũ cán bộ, bác sĩ của chúng ta và cũng là thành công của sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh qua các thời kỳ. Mỗi lần nghĩ đến sự kiện này, trong tôi lại trở về với những mốc thời gian có tính chất quyết định đối với nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đó là khi chúng ta quyết tâm đầu tư xây dựng T77 làm cơ sở nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; năm 1992, ta đã chủ động làm thuốc trong dịp tu bổ định kỳ khi Bạn chưa sang kịp; năm 1995, ta tiếp nhận bàn giao nhiệm vụ làm thuốc thường xuyên thi hài Bác và năm 2003, trước khi kỷ niệm 35 năm giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bạn chính thức bàn giao thành phần cơ bản của dung dịch đặc biệt cho chúng ta. Những ký ức theo dòng thời gian luôn hiện hữu trong tâm trí tôi. Đúng “quá khứ, hiện tại, tương lai là một dòng chảy liên tục”. Thành công của ngày hôm nay là kết quả của biết bao con người đã cống hiến vì sự nghiệp giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh….
Thế rồi, thời khắc mong đợi đã đến, đúng 14 giờ, theo giờ Mát-xcơ-va ngày 4 tháng 6 năm 2003, ngày cuối cùng của đợt công tác, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va và Trưởng ban Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Biên bản bàn giao tỉ lệ hoá chất dung dịch và nhất trí phối hợp với cán bộ, bác sĩ của ta pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam vào quý I năm 2004. Vậy là chuyến công tác của Đoàn cán bộ lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liên bang Nga đã thành công tốt đẹp.
Thấm thoắt đã ba năm trôi qua, Viện 69 và các chuyên gia Nga đã ba lần pha chế thành công dung dịch đặc biệt tại Việt Nam. Kết quả đó càng khẳng định sự đúng đắn, sáng suốt của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và tình cảm hữu nghị, truyền thống trước sau như một của các chuyên gia Nga đối với Việt Nam.
Đại tá Đặng Nam Điền
Phó Chính uỷ, kiêm Chủ nhiệm Chính trị – Bộ Tư lệnh Bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh