Trong đời quân ngũ, ai cũng có rất nhiều những kỷ niệm buồn vui, những bước ngoặt trong cuộc đời và những dấu ấn không bao giờ phai mờ trong ký ức. Đối với tôi khi được nhận Quyết định của Bộ Quốc phòng điều về công tác tại Đoàn 969 (Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) và lần đầu tiên được tham gia trực ban tác chiến tại công trình Lăng của Người là một kỷ niệm khó quên.
Năm 1981, sau 13 năm tham gia chiến đấu ở các chiến trường Tây Nguyên, Nam Lào, Tây Nam bộ, 2 lần làm nghĩa vụ quốc tế tại Cam-pu-chia (năm 1970 và 1979). Tôi nhận quyết định về công tác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 15 tháng 7 năm 1981, tôi đến nhận nhiệm vụ. Vào cổng Bộ Tư lệnh, người đầu tiên tôi gặp là anh Bùi Sự, anh hướng dẫn tôi đến các cơ quan mà tôi cần gặp. Thái độ vui vẻ, ân cần của các đồng chí cán bộ, nhân viên trong Đoàn đã để lại trong tôi những ấn tượng, tình cảm rất tốt đẹp. Sau hơn 2 tháng đảm nhiệm nhiệm vụ là Trợ lý Ban Tổ chức thuộc Phòng Chính trị, tôi đã được nghe giới thiệu về nhiệm vụ chính trị đặc biệt, về truyền thống Bộ đội Bảo vệ Lăng, được tập huấn nghiệp vụ trực ban tác chiến và đi thăm công trình Lăng.
Khi xem chương trình công tác tuần của Bộ Tư lệnh, tôi thấy hồi hộp thật sự, y như tâm trạng của những ngày chuẩn bị tòng quân lên đường nhập ngũ hoặc chuẩn bị tham gia một trận đánh mới. Ngày 10 tháng 11 năm 1981, tôi trực ban cùng với anh Đỗ Hữu Ngập. Phải chuẩn bị thật kỹ cho buổi trực ban đầu tiên, tôi tự nhủ như vậy, vì kinh nghiệm những năm ở chiến trường đã dạy: Trận đánh nào được chuẩn bị kỹ thì sẽ nắm chắc phần thắng và hạn chế tối đa thương vong.
Ngay từ chiều, sau khi nhận trực xong, anh Ngập dành thời gian hướng dẫn thêm cho tôi các công việc cụ thể của người trực ban phó, phân công công việc, rồi anh động viên:
– Ca trực đầu tiên ý nghĩa lắm ! Anh em mình sẽ cố gắng hoàn thành tốt để ca trực đầu tiên sẽ in đậm mãi trong suy nghĩ của chúng ta sau này.
Hôm ấy là lần đầu tiên tôi mặc bộ lễ phục nghiệp vụ thật trang nghiêm, nhìn vào gương sao thấy mình đẹp và thật chững chạc. Đêm buông xuống, căn phòng trực im ắng càng làm cho không gian thêm tĩnh lặng.
Anh Ngập đang đi kiểm tra các vị trí trực. Còn tôi, theo thói quen cuối một ngày làm việc, tôi dành ít phút để hình dung lại toàn bộ công việc trong ngày: Việc gì làm đã xong, việc chưa làm hoặc làm chưa tốt ?; ngày mai mình sẽ làm việc gì trước, việc gì sau ?. Có lẽ, đây là đêm đầu tiên ở chiến trường ra, được làm nhiệm vụ trực ban trong công trình nên trong tôi trào dâng cảm xúc thao thức, bồn chồn
…. Những kỷ niệm năm tháng cứ lần lượt hiện về trong ký ức tôi:
…. Ngày đầu nhập ngũ. Đúng rồi, hôm đó là ngày 24 tháng 2 năm 1968, mình cùng thanh niên trong thôn, trong xã tòng quân lên đường nhập ngũ. Không khí buổi tiễn quân lên đường thật là náo nức: nào cờ, khẩu hiệu, thanh niên trai gái chỗ thì cười nói râm ran, chỗ thì bịn rịn chia tay với những cử chỉ lúng túng, nghẹn ngào khó nói. Còn tôi cũng có kỷ niệm riêng thật đẹp, không thể quên được…
Ngày 24 tháng 4, sau hai tháng huấn luyện, đơn vị được lệnh hành quân vào Nam chiến đấu, lúc đó do yêu cầu của chiến trường, khoá huấn luyện của chúng tôi chỉ đúng 2 tháng và không nghỉ phép. Từ Nho Quan, Ninh Bình theo đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi hành quân bộ ròng rã gần 3 tháng trời, vượt cả ngàn cây số vào chiến trường Tây Nguyên. Dọc đường hành quân vất vả, gian khổ và ác liệt, đêm ngủ mơ thấy tiếng chuông nhà thờ, nghe tiếng gà báo sáng, tiếng chim hót… gợi lên nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương đến da diết. Nhớ kỷ niệm trước ngày nhập ngũ, tôi được chọn tham gia đội dân quân trực chiến bảo vệ quê hương chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Lúc đó tuy có ác liệt nhưng làm sao so được với nỗi khó khăn vất vả thiếu thốn và thương vong nhiều như ở chiến trường…
Đang trong miên man suy nghĩ, nhớ đến nhiệm vụ trực, tôi đứng dậy, quân phục chỉnh tề đi kiểm tra các vị trí trực. Đến buồng máy nào cũng vậy, anh em công nhân vận hành đều chăm chú theo dõi, ghi chép các thông số nhiệt ẩm. Có những gian máy chạy ầm ầm, át cả tiếng người. Nhiều anh em cứ nhìn tôi, có đồng chí lần đầu gặp. Tôi dừng lại ở buồng trực B32 và hỏi một người thợ:
– Công việc thường ngày như vậy anh em cảm thấy thế nào, có căng thẳng không?
Anh công nhân trực tự tin trả lời:
– Chúng em trực đã quen rồi, những hôm nghỉ ca, không được nghe tiếng máy, chúng em cảm thấy nhớ như thiếu cái gì ấy. Tôi mỉm cười với anh công nhân. Niềm vui và lòng tự tin của anh như hoà đồng cùng cảm xúc trong tôi. Thật là thú vị.
Thấm thoắt đã 12 năm, hồi Bác Hồ mất, tôi và anh em C2, K4, Trung đoàn 24 đang giữ chốt ở một điểm cao thuộc tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên. Khi nghe bản tin đặc biệt trên Đài tiếng nói Việt Nam thông báo Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chúng tôi bàng hoàng đau xót. Đơn vị làm lễ truy điệu Bác tại chiến hào trong cơn mưa tầm tã. Nước mắt, nước mưa ướt đẫm những gương mặt đen xạm, dầm mưa dãi nắng đang trong những ngày chiến đấu ác liệt. Trong khi đó, bọn địch vừa dã man, vừa xảo quyệt. Một mặt chúng dùng máy bay VO10 thông báo tin Bác mất, rải truyền đơn kêu gọi bộ đội ta chiêu hồi đầu hàng. Mặt khác chúng dùng máy bay B52 rải bom dữ dội. Tiếng máy bay, tiếng bom ngày đêm gầm thét. Tôi cùng đồng đội luôn giữ vững tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm, kiên cường giữ chốt, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu của địch. Sau đó ít ngày, đơn vị tổ chức phản công, rồi tổ chức đánh phục kích xe tăng địch bên con suối Gia Nhiên gần làng Huỳnh, thu được thắng lợi giòn giã. Trong trận chiến đấu ngày 11 tháng 9 năm 1969, tôi được kết nạp Đảng ngay tại trận địa. Thật là một điều thiêng liêng, rất vinh dự đến với tôi trong đời quân ngũ. Năm đó tôi mới hơn một tuổi quân, tròn 19 tuổi đời.
Rời công trình, trước mắt tôi là một khoảng không bao la của Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đang tiết thu, về đêm, trời thanh cao, gió nhẹ mát rượi. Không gian đăm đắm trong hương thơm ngào ngạt của hoa ngâu, hoa nhài. Nhìn 2 chiến sỹ tiêu binh trang nghiêm đứng gác cửa Lăng tôi thấy sao mà oai nghiêm, thiêng liêng thế. Sau khi kiểm tra một vòng quanh Lăng, thấy anh em gác đúng vị trí, đúng tác phong, tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao tôi yên tâm về phòng trực, định cố chợp mắt một chút, nhưng đêm ấy tôi thao thức đến sáng.
Hình ảnh những người thợ, những chiến sĩ tiêu binh danh dự, gác vũ trang sao giống mình ngày ở chiến trường đến vậy. Kỷ luật canh gác, trực chiến ở chốt, ở điểm tựa trong chiến đấu thật là nghiêm khắc, chỉ một chút sao nhãng, chủ quan nhiều khi phải trả bằng máu. Còn ở đây, công trình Lăng Bác này anh em cũng vậy, tác phong trang nghiêm, tự giác, ngày cũng như đêm, liên tục bám máy, bám mục tiêu, không để sơ hở, xảy ra sai sót…
Công việc chuẩn bị cho buổi lễ viếng Bác bắt đầu. Sau khi trực chỉ huy Bộ Tư lệnh, trực các đơn vị, trực kỹ thuật kiểm tra xong, tôi nán lại ngắm Bác kỹ hơn. Bác nằm đó chòm râu, mái tóc, nét mặt thanh thản, da dẻ hồng hào như vừa mới chợp mắt. Trong tôi cứ hình dung lúc còn sống Bác ngủ như thế nào nhỉ ? Khi đất nước còn chiến tranh ác liệt, nỗi đau của hàng triệu đồng bào miền Nam cộng lại thành nỗi đau của Bác thì làm sao Bác có thể ngủ ngon lành. Bên tai tôi văng vẳng câu thơ “Cả cuộc đời Bác có ngủ ngon đâu. Nay Bác ngủ, chúng con canh giấc Bác”.
Đúng 8 giờ, buổi lễ viếng Bác bắt đầu, nhìn dòng người vào Lăng viếng Bác trang nghiêm, lặng lẽ, tôi càng thấy xúc động, tự hào. Mỗi người đến viếng Bác được thấy hình ảnh lãnh tụ thiên tài của dân tộc, thêm tin tưởng theo con đường mà Người đã lựa chọn. Tôi tự nhủ: Để mọi người đến viếng Bác trong khung cảnh trong sáng, thanh bình- chắc hẳn ai cũng có sự cảm nhận về những công việc thầm lặng của những người ngày đêm canh giữ yên giấc ngủ của Người. Đâu chỉ có những chiến sỹ tiêu binh đứng trước cửa Lăng, hay những chiến sỹ trong bộ lễ phục gọn gàng canh gác, hướng dẫn khách vào viếng Bác, mà đằng sau đó là cả một đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, kỹ thuật đang ngày đêm tận tụy chăm sóc thi hài Bác, vận hành các thiết bị được an toàn.
Vậy là buổi trực đầu tiên, cũng như trận đầu ra quân, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Không reo mừng thắng lợi như ở chiến trường, nhưng lòng tôi rạo rực niềm vui. Kíp trực đầu tiên đó đã là nguồn động viên, cổ vũ tôi tự tin, vững bước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của người lính cận vệ bên Lăng Bác suốt 25 năm qua.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm
Chính uỷ – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh