Bước vào thập kỷ 90, tình hình quốc tế và trong nước có những thay đổi lớn. Những tin tức về sự khủng hoảng, rồi sụp đổ nhanh chóng của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, sự bế tắc của công cuộc “cải tổ” ở Liên Xô, cùng với những khó khăn thử thách chồng chất về nhiều mặt ở trong nước, nhất là về kinh tế đã tác động sâu sắc tới tâm tư tình cảm nhân dân trong nước và tình hình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1990 – năm cuối cùng của những Hiệp định viện trợ không hoàn lại của Nhà nước Liên Xô giành cho Việt Nam, trong đó có công trình Lăng 1985 – 1990 đã hết hiệu lực. Sau nhiều lần trì hoãn, mãi tới tháng 4 năm 1991, Chính phủ Liên Xô mới cử một đoàn cán bộ sang Việt Nam đàm phán với Chính phủ ta về những hiệp định của 5 năm tiếp theo (năm 1991 đến năm 1995). Theo sự chỉ đạo của Nhà nước Liên Xô: Kể từ năm 1991, do khó khăn về nhiều mặt, Liên Xô sẽ không dành cho Việt Nam khoản viện trợ không hoàn lại, thay vào đó, phía Việt Nam sẽ phải thanh toán hoàn trả cho Nhà nước Liên Xô theo cơ chế thương mại. Công trình Lăng cũng nằm trong cơ chế chung đó. Vào thời điểm này, đây là một khó khăn rất lớn cho Nhà nước Việt Nam. Tại công trình Lăng, ngoài một số vật tư có số lượng rất nhỏ, giá trị không lớn, chúng ta có thể khai thác trong nước, còn hầu hết đều phải nhập ngoại, phần lớn từ Liên Xô. Hàng năm Bạn yêu cầu ta lập đơn hàng mua và thanh toán qua cơ quan kinh tế đối ngoại. Riêng vật tư y tế đặc biệt, lương hàng tháng thanh toán cho chuyên gia y tế thường trực, cũng như chuyên gia sang làm việc tại Lăng theo định kỳ, Bạn giành quyền lập kế hoạch, ta phải thực hiện; hàng năm Bạn yêu cầu ta phải thanh toán trước vào quý II.
Ngoài những khó khăn trên đây, những tin tức không vui tiếp tục lại bay về từ Mát-xcơ-va: Viện Nghiên cứu cấu trúc sinh học – cơ sở nghiên cứu khoa học trực tiếp giữ gìn thi hài Lê-nin cũng là cơ quan giúp Việt Nam giữ gìn thi hài Bác – do cải tổ, cơ sở nghiên cứu khoa học này đã được đưa về trực thuộc Viện Nghiên cứu sản xuất thảo dược, thuộc Bộ Nông nghiệp Liên Xô và phải tự hạch toán. Một số cán bộ có chuyên môn sâu của Viện do quá khó khăn về kinh tế đã phải rời khỏi Viện đi làm nơi khác. Một số phần tử cực đoan đã lên tiếng đòi đưa thi hài Lê-nin ra khỏi Lăng, đưa về an táng cùng thân mẫu tại Lê-nin-grat. Tình hình chính trị ở Liên Xô không ổn định, chia rẽ sâu sắc.
Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt tới nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương đã ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Ngày 10 tháng 7 năm 1991, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã chủ trì Hội nghị đặc biệt tại Lăng. Thành phần Hội nghị gồm đại diện lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Uỷ ban Khoa học Nhà nước (Bộ Khoa học công nghệ). Những cán bộ khoa học đầu ngành của các ngành có liên quan tới nhiệm vụ của Lăng, những nhà khoa học đã từng được chọn là cộng tác viên của Lăng từ nhiều năm được mời dự. Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác, những kết quả nghiên cứu của đơn vị trong những năm qua, một số kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, của lãnh đạo các Bộ, ngành đã được đồng chí Phó thủ tướng Nguyễn Khánh kết luận: Chính phủ vẫn giao việc bảo quản thi hài Bác cho Bộ Quốc phòng nhưng cách giữ gìn phải dựa vào các nhà khoa học. Cần huy động lực lượng nghiên cứu, xây dựng đội ngũ khoa học kỹ thuật chuyên sâu, cần phải tìm hiểu thêm để có thể xử lý chắc chắn. Trong phương hướng tới, Viện 69 của Bộ Tư lệnh Lăng đầu tư nghiên cứu sâu hơn những nghiên cứu thử nghiệm. Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo y học và Uỷ ban khoa học Nhà nước có trách nhiệm quản lý khoa học, đầu tư nghiên cứu và triển khai làm ngay trong đầu năm 1992. Cần có Hội đồng khoa học để giám định và chỉ đạo.
Toàn bộ nội dung Hội nghị được bảo mật rất chặt chẽ. Sau Hội nghị, một không khí lo lắng bao trùm thể hiện tình cảm, ý chí trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ trong lãnh đạo, chỉ huy và toàn thể cán bộ, đảng viên trong đơn vị, nhất là các cán bộ khoa học trực tiếp làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Một câu hỏi đặt ra là: Liệu đơn vị có thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không còn sự giúp đỡ của Liên Xô ? Những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, những cán bộ, đảng viên gắn bó nhiều năm với công việc, ai cũng có thể hiểu được: Thiết bị, vật tư kỹ thuật, đảm bảo môi trường giữ gìn thi hài và phục vụ nhân dân vào Lăng viếng Bác, tuy đã xuống cấp phải thay thế, chúng ta có thể tìm kiếm sửa chữa, đảm bảo được các thông số theo yêu cầu. Nhưng còn công nghệ, vật tư hoá chất đặc biệt chỉ có nguồn cung cấp duy nhất từ Liên Xô, rồi đây sẽ giải quyết như thế nào, đang còn là một bài toán chưa có lời giải.
Ngày 19 tháng 8 năm 1991, Liên Xô sụp đổ. Đất nước Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết vô cùng quen thuộc và thân thiết với nhiều thế hệ người dân Việt Nam đã được thay thế bằng một tên mới: Cộng hoà Liên bang Nga. Nhiệm vụ của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn, đầy gian nan thử thách. Nhưng rồi, những chuyện Liên Xô, chuyện Nga cũng phải quên dần, đơn vị phải tập trung dành cho công việc tu bổ định kỳ – nhiệm vụ trọng tâm số một của cả năm đang đến gần. Thật may mắn, trước sự kiện ngày 19 tháng 8 năm 1991, Bạn đã kịp gửi cho ta đủ số lượng vật tư, hoá chất đặc biệt. Giáo sư I.A.Rô-ma-cốp, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va cũng sang đúng thời gian triển khai làm thuốc lớn thi hài Bác. Có điều dịp tu bổ định kỳ năm ấy, số lượng chuyên gia giảm hẳn vì ta không thuê chuyên gia kỹ thuật Nga sang bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị kỹ thuật đặc biệt. Năm đầu tiên, cán bộ và công nhân kỹ thuật của đơn vị đã hạ quyết tâm tự đảm nhiệm công việc này. Kế hoạch tu bổ định kỳ năm 1991, năm không có sự giúp đỡ của chuyên gia kỹ thuật đã thành công tốt đẹp. Ngày 3 tháng 11, Lăng Bác vẫn như thường lệ, tiếp tục mở cửa đón đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác.
Một năm đầy biến động, những thử thách đầu tiên đã vượt qua. Tháng 3 năm 1992, được tin ông đại diện Trưởng cơ quan Thương mại Tổng cục Kỹ thuật Nga tại Việt Nam sẽ về nước. Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, ông luôn dành sự quan tâm tình cảm đặc biệt cho công trình Lăng. Ông về nước là một thiệt thòi lớn cho đơn vị. Do đó, tranh thủ trước khi ông bàn giao công việc cho người kế nhiệm, ta đã đề nghị Bạn bàn giao toàn bộ số lượng dung dịch đang có cho đơn vị quản lý. Lượng dung dịch này tuy vẫn để ở Lăng song chuyên gia của Bạn vẫn quản lý hết sức chặt chẽ. Thực chất số dung dịch này là của Việt Nam vì Bạn đã giúp cho ta, ta phải quản lý. Nhưng vì Bạn giữ bí mật về công nghệ pha chế, nên Bạn không để ta cất giữ, Bạn vẫn tự quản lý theo một chế độ mật rất nghiêm ngặt. Nhờ có mối quan hệ tốt và với những lý lẽ chân tình, thuyết phục, đưa ra đúng thời điểm, ông đã báo cáo về Mát-xcơ-va và đã được sự đồng thuận để ông ký bàn giao. Đồng chí Trung tướng Trần Hanh – Phó Tổng Tham mưu trưởng được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi chỉ đạo công việc của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, sau khi dự lễ ký biên bản bàn giao giữa Bạn và đơn vị đã phát biểu: “Số lượng dung dịch Bạn bàn giao cho ta tuy không lớn, giá trị sử dụng của nó không nhiều, nhưng giá trị về nghiên cứu khoa học là rất lớn. Các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng phải nhận thức rõ vấn đề này để tập trung nghiên cứu phát triển, nhất là trong thời điểm hiện nay”.
Thực hiện những điều khoản đã được thoả thuận của Hiệp định 1991 – 1995, đầu tháng 4 năm 1992, Ban Quản lý Lăng đã làm việc với “ROOSSVOOROUZHENIE”- Đại diện cơ quan Thương vụ sứ quán Liên bang Nga tại Hà Nội, về kế hoạch đặt hàng năm 1993, đồng thời đôn đốc thực hiện kế hoạch đặt hàng năm 1992. Ngay sau buổi làm việc, ta đã chuyển toàn bộ số tiền mua dung dịch, hoá chất vật tư đặc biệt và tiền lương trả cho chuyên gia y tế thường trực ở Lăng, cũng như các khoản chi cho Đoàn chuyên gia sẽ sang làm thuốc lớn cho thi hài Bác theo định kỳ vào cuối quý III, đầu quý IV. Như vậy, phần trách nhiệm của phía Việt Nam, ta đã thực hiện rất đầy đủ. Còn về phía Nga, theo chuyên gia thường trực ở Lăng thông báo lại, ngay từ đầu quý II, gia đình của chuyên gia đã không nhận được lương. Đồng chí Phó viện trưởng Iu.A. Rô-ma-cốp tổ trưởng cùng nhóm chuyên gia y tế sang tu bổ định kỳ năm theo kế hoạch cuối tháng 8 phải có mặt tại Việt Nam cùng với dung dịch và vật tư đặc biệt ta đã đặt hàng từ năm trước, vẫn không có tin tức gì. Đại diện cơ quan Thương vụ Nga tại Hà Nội cũng không giải thích được gì hơn ngoài hai từ “chờ đợi”. Trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã cho kiểm tra toàn bộ vật tư hoá chất đặc biệt có đủ tiêu chuẩn sử dụng hiện có mà ta đang quản lý. Rất mừng là sau khi kiểm tra, lượng vật tư hoá chất đặc biệt đủ tiêu chuẩn sử dụng, đảm bảo đủ số lượng cần thiết cho làm thuốc lớn thi hài Bác. Cuộc họp Thường vụ Đảng ủy thảo luận và ra nghị quyết lãnh đạo đơn vị triển khai tu bổ định kỳ năm đã được triệu tập. Sau Hội nghị Thường vụ Đảng ủy, khi làm việc với hai đồng chí chuyên gia y tế thường trực đang có mặt tại đơn vị, hai đồng chí tỏ ý lo lắng và đề nghị ta lùi thời gian tu bổ chờ Đoàn chuyên gia do đồng chí Giáo sư Iu.A. Rô-ma-cốp, Phó Giám đốc Trung tâm từ Mát-xcơ-va sang mới tiến hành. Ta đã trả lời và động viên Bạn: Tất cả các yếu tố đảm bảo cho tu bổ định kỳ đã sẵn sàng, kế hoạch thời gian tu bổ đã được cấp trên chuẩn y, duy nhất chỉ thiếu vắng Đoàn của Giáo sư Iu.A. Rô-ma-cốp và thời gian nào Đoàn sang cũng chưa rõ, vì vậy chúng ta vẫn phải tiến hành theo kế hoạch. Đây cũng là dịp để hai đồng chí chuyên gia thường trực cùng cán bộ, bác sĩ Việt Nam thể hiện khả năng, trình độ chuyên môn của mình. Theo đúng kế hoạch đã định, ngày 3 tháng 9 năm 1992 Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu đóng cửa thời gian hai tháng để làm công tác tu bổ định kỳ.
Nhờ có sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, được sự giúp đỡ nhiều mặt của các Bộ, ngành; kế thừa những thành quả nghiên cứu, kinh nghiệm được tích luỹ từ nhiều năm, phát huy ý chí tự lực tự cường, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị, nhiệm vụ tu bổ định kỳ năm ấy – Bộ đội Lăng đã hoàn thành xuất sắc. Thi hài Bác được chăm sóc đúng quy trình, máy móc thiết bị được bảo quản, bảo dưỡng chu đáo… Ngày 3 tháng 11, Lăng Bác lại tiếp tục mở cửa như thường lệ để đón đồng bào và khách nước ngoài vào Lăng viếng Bác.
Hai kỳ tu bổ lớn năm 1991 và năm 1992, thời kỳ không còn sự giúp đỡ về kỹ thuật cũng đã qua đi tốt đẹp. Thắng lợi bước đầu đó đã giải toả phần nào tâm trạng lo lắng và động viên, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Bộ đội Bảo vệ Lăng phấn đấu vươn lên. Nhưng còn biết bao khó khăn vẫn đang chờ phía trước. Sang đầu năm 1993 rồi mà dung dịch – hoá chất, yếu tố quyết định cho việc chăm sóc, giữ gìn lâu dài thi hài Bác vẫn chưa nhận được. Để chuẩn bị cho lần làm thuốc lớn tiếp theo, một ý tưởng táo bạo được đưa ra: Ban Quản lý Lăng nên tìm cách xây dựng mối quan hệ trực tiếp với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va, thay cho mối quan hệ thông qua con đường Nhà nước Nga như hiện nay. Nếu xây dựng được mối quan hệ trực tiếp, đơn vị sẽ có nhiều lợi thế để tranh thủ được sự giúp đỡ nhiều mặt của các nhà khoa học Nga – người thầy dạy, người bạn chí cốt đã nhiều năm giúp đỡ, gắn bó với ta. Nhưng việc xây dựng mối quan hệ trực tiếp, Nhà nước Nga có thể đồng ý không? Vì từ trước tới nay công nghệ giữ gìn thi hài lâu dài là bí mật Nhà nước, nên họ quản lý hết sức chặt chẽ. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, Ban Quản lý Lăng đã làm việc với đồng chí Vũ Khoan, lúc ấy là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao để nắm bắt thêm tình hình Nga và xin ý kiến tư vấn trong xử lý mối quan hệ giữa ta và Nga lúc bấy giờ. Ngày 25 tháng 11 năm 1992, được phép của Thủ tướng Chính phủ, một đoàn cán bộ gồm bốn đồng chí: Thượng tá Nguyễn Quang Tấn, Trưởng ban Quản lý Lăng, kiêm Tư lệnh; đồng chí Trung tá Vũ Văn Bình, Phó Viện trưởng Viện 69; đồng chí Đại uý Phạm Quốc Khánh, Đội trưởng Đội Thiết bị đặc biệt và đồng chí Thiếu tá Phạm Văn Quang, Trưởng ban Đối ngoại lên đường sang Mát-xcơ-va. Chuyến đi nhằm thực hiện một số nhiệm vụ:
– Thứ nhất, tìm mọi cách đưa dung dịch ta đặt hàng và đã thanh toán tiền cho phía Nga về nước, kịp chuẩn bị cho kỳ bảo dưỡng năm 1993. Thông qua mối quan hệ với các đồng chí chuyên gia đã từng sang làm việc tại Việt Nam, tìm mua bổ sung một số vật tư đặc chủng, đặc biệt là bóng đèn dùng cho hệ chiếu sáng quan tài kính, vì số lượng dự trữ trong kho của ta còn ít, mà lượng tiêu hao ở thời điểm ấy là quá lớn.
– Thứ hai, tìm hiểu nắm bắt thêm tình hình Nga để quyết định xây dựng mối quan hệ hợp tác theo hướng: Duy trì sự hợp tác thông qua con đường Nhà nước hoặc hợp tác trực tiếp với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va.
Chuyến đi diễn ra thuận lợi, vì trước đó đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Phan Văn Khải đã điện cho Bộ Ngoại giao yêu cầu Bộ tạo mọi điều kiện giúp đỡ đoàn, nên khi đoàn vừa xuống sân bay đã được cán bộ của Đại sứ quán ta tại Mát-xcơ-va đón tiếp và đưa đoàn về nhà khách của Đại sứ quán ăn nghỉ. Về phía Trung tâm Nghiên cứu y sinh do được ta thông báo, đã cử đồng chí Giáo sư Iu.A. Rô-ma-cốp ra đón. Ngay sớm ngày hôm sau, đồng chí Đại sứ Hồ Huấn Nghiêm đã có buổi làm việc với đoàn, thông báo một số tình hình ở Nga lúc bấy giờ. Đoàn cũng báo cáo với đồng chí Đại sứ về nhiệm vụ của đoàn trong chuyến đi và những khó khăn của nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác sau khi Liên Xô sụp đổ. Là người đã công tác ở Nga nhiều năm và làm việc ở Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (Bộ Kế hoạch đầu tư hiện nay), trên cương vị là Phó chủ nhiệm, đồng chí Hồ Huấn Nghiêm đã thông tin cho Đoàn nhiều điều bổ ích. Đồng chí còn cử đồng chí Nguyễn Văn Lâm, cán bộ của Sứ quán là đầu mối trực tiếp theo dõi giúp đỡ những công việc của Lăng sẽ đi cùng đoàn trong suốt thời gian đoàn làm việc với lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va. Trong đoàn, trừ đồng chí Trưởng ban Đối ngoại Phạm Văn Quang là người sang công tác ở Liên Xô trước đây đã tới cơ quan này, còn lại ba đồng chí đều là những người đầu tiên đặt chân tới những ngôi nhà mà một thời là khu vực “huyền bí”.
Sáng hôm sau đoàn chúng tôi đến Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va làm việc. Đồng chí Phó giáo sư, Tiến sĩ X.V. Tô-ma-xê-vích – Thư ký Hội đồng Khoa học của Trung tâm đã chờ sẵn để đón đoàn. Phó giáo sư, Tiến sĩ X.V. Tô-ma-xê-vích là một trong những chuyên gia từng sang Việt Nam tham gia giữ gìn thi hài Bác Hồ từ thời gian chiến tranh chống Mỹ. Sau ngày đưa Bác về Lăng đồng chí cũng đã nhiều lần sang làm việc. Mặc dù tất cả các đồng chí trong Đoàn đều quen biết, nhưng lần này gặp lại, mọi người cảm nhận thấy có một cái gì đó buồn buồn, pha chút e ngại, phải chăng vì một lý do duy nhất: “Liên Xô không còn nữa?”.
Đồng chí Phó giáo sư đưa Đoàn vào ngay phòng làm việc của Giáo sư, Viện sĩ Viện Hàn lâm y học Liên Xô X.X. Đê-bốp, Giám đốc Trung tâm. Tại đây đã tập trung đông đủ Phó giám đốc, Chủ nhiệm Khoa và các nhà khoa học đầu ngành, giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt của Trung tâm. Ai cũng vui mừng vì đã lâu mới có dịp gặp lại. Sau vài phút chào hỏi thân mật giữa hai bên, buổi làm việc bắt đầu. Mở đầu buổi làm việc, đồng chí Trưởng ban Quản lý Lăng kiêm Tư lệnh thông báo cho Bạn về tình hình hoạt động của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian có nhiều biến cố chính trị xảy ra trên thế giới. Những khó khăn của Lăng do phía Nga không thực hiện những điều khoản trong Hiệp định 1991-1995, nhất là Nga đã không gửi cho Lăng lượng hóa chất đặc biệt. Đồng thời một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng và nhân dân Việt Nam là giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và luôn ghi nhớ công lao to lớn của các nhà khoa học Nga, trực tiếp là các nhà khoa học của Trung tâm đã tham gia giúp đỡ Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt hơn 20 năm qua. Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các nhà khoa học của Trung tâm, thông qua một bản hiệp định ký kết trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng với Trung tâm. Đồng chí dành nhiều thời gian phân tích nói rõ về bản hiệp định và hiệu quả sẽ mang lại cho hai bên. Sau nhiều giờ hai bên trao đổi, phía Bạn đều nhất trí cho rằng Trung tâm nên hợp tác trực tiếp với Ban Quản lý Lăng, có đồng chí còn cho rằng: Trung tâm hợp tác trực tiếp với Lăng không những chỉ giúp Việt Nam giữ được lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn góp phần giữ được hệ tư tưởng của Lê-nin; đồng thời Trung tâm có điều kiện thoát khỏi khó khăn hiện nay. Nhưng điều mà các nhà khoa học Nga đều băn khoăn rằng: Luật pháp Nga có cho phép họ làm như vậy không? Đồng chí Viện sĩ, Giám đốc Trung tâm sau những giây phút ngồi im lặng, trầm tư, liên tục đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, một loại thuốc lá Nga rất nặng, từ từ đứng lên nói: “Những ý kiến của đồng chí Trưởng ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa nói, những ý kiến của các nhà khoa học thảo luận, tôi đã rất chú ý lắng nghe, tôi không có ý kiến gì phản đối, bởi ai cũng thấy được nếu chúng ta ký hợp tác trực tiếp với Việt Nam thì cả hai bên sẽ cùng có lợi. Nhưng các đồng chí thông cảm cho tôi, năm nay tôi đã ngoài 70 tuổi, tôi không muốn trước khi từ biệt thế giới này, lại phải đứng trước vành móng ngựa…”. Cả phòng làm việc lặng đi…. và ngày làm việc đầu tiên đã tạm thời khép lại trong không khí nặng nề, căng thẳng.
Ngày làm việc tiếp theo, Đoàn tới cơ quan được giao nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Hiệp định 1991-1995 mà Nhà nước Liên Xô đã ký kết với Việt Nam. Họ chối bỏ trách nhiệm và không giải thích lý do tại sao họ không gửi hóa chất đặc biệt và mua vé máy bay cũng như trả tiền thuê chuyên gia sang công tác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả các khoản chi phí này ta đã gửi thanh toán cho họ từ rất sớm. Đề cập tới những yêu cầu mới của ta, họ đưa ra lượng tiền ta phải hoàn trả rất lớn. Một không khí thiếu thiện chí bao trùm trong toàn bộ buổi làm việc, đó là kết luận của đoàn khi ra về. Bữa ăn tối của đoàn hôm ấy như thường lệ vẫn là mì tôm trộn với ruốc thịt lợn mang từ Việt Nam sang. Biết anh em trong đoàn làm việc căng thẳng, hai anh Vũ Văn Bình và Phạm Văn Quang đã xếp hàng mua bia và thêm ít củ hành tây thái nhỏ, chần lên ăn gọi là có chút bồi dưỡng thay rau, ai cũng khen ngon. Song không khí căng thẳng của buổi làm việc hôm ấy vẫn cứ ám ảnh và đều lo cho kết quả chuyến đi đầu tiên của đoàn tới Cộng hòa Liên bang Nga.
Những ngày tiếp theo, Bạn tổ chức cho đoàn tham quan toàn bộ cơ sở nghiên cứu, tiếp cận với những hồ sơ, tài liệu của Bạn đã nghiên cứu để giúp ta giữ gìn thi hài Bác Hồ. Anh em trong đoàn hình dung được phần nào khối lượng công việc đồ sộ với trình độ cao đã làm giúp chúng ta của các nhà khoa học ở Trung tâm. Đồng thời, Bạn cũng chỉ ra cho ta: Trong thời gian tới sẽ có biết bao việc phải làm. Tư tưởng chỉ đạo “Hợp tác trực tiếp với Bạn” là bước đi đúng đắn lại trở về trong đầu óc mỗi người trong đoàn.
Theo kế hoạch, ngày làm việc cuối cùng của đoàn tại Trung tâm đã đến. Đồng chí Trưởng ban Quản lý Lăng một lần nữa lại nêu lên vấn đề về cơ chế hợp tác giữa Lăng và Trung tâm, nhưng cũng như các lần thảo luận trước đây, đồng chí Viện sĩ Giám đốc vẫn nêu lý do để từ chối. Cuộc thương thảo đang vào ngõ cụt thì đồng chí Viện sĩ V.A. Bư-cốp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất thảo dược, là Thủ trưởng trực tiếp của Trung tâm nghiên cứu y sinh tới. Đồng chí Viện sĩ Giám đốc X.X. Đê-bốp giới thiệu Đoàn với Viện sĩ và báo cáo những kết quả làm việc, những vướng mắc hội nghị đang gặp phải. Đồng chí Viện sĩ, Giám đốc V.A. Bư-cốp sau khi nghe, nắm được nguyện vọng của ta đã trả lời rằng: “Luật pháp Nga hiện đã cho phép. Các đồng chí nên thương thảo ký một hiệp định quan hệ trực tiếp với Việt Nam”. Sau lời phát biểu của đồng chí Giám đốc, mọi người ai nấy đều vui mừng phấn khởi, vì đó cũng là nguyện vọng chân thành của cả hai Đoàn. Giáo sư, Viện sĩ V.A. Bư-cốp đã từng giữ chức Bộ trưởng Công nghiệp Dược trong Chính phủ Liên Xô. Khi Liên Xô cải tổ, ông về làm Giám đốc Viện Nghiên cứu sản xuất thảo dược. Là một con người hiểu biết rộng, năng động và quyết đoán, ông đã giúp cho Đoàn cán bộ của Ban Quản lý Lăng và Trung tâm khai thông được bế tắc. Những năm sau này, khi Giáo sư, Viện sĩ X.X. Đê-bốp qua đời, ông đã kiêm nhiệm chức Giám đốc Trung tâm. Sự chỉ đạo tài ba của ông trong hợp tác nghiên cứu khoa học giữa đơn vị với các nhà khoa học của Trung tâm đã đem lại những hiệu quả to lớn.
Theo ý kiến của Giáo sư, Viện sĩ V.A. Bư-cốp, ngày hôm sau Trung tâm đã soạn xong một bản thỏa thuận hợp tác trực tiếp giữa hai bên đến năm 1995, các bản hợp đồng và những bản bổ sung để hai bên thảo luận.
14 giờ ngày 28 tháng 12 năm 1992 tại phòng làm việc của Trung tâm, lễ ký kết Bản thỏa thuận hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung tâm nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va đã được tiến hành. Sự kiện này đã mở đầu cho một thời kỳ mới – Thời kỳ vượt qua khó khăn thử thách để tiếp tục phát huy cao độ ý chí tự lực tự cường, từng bước tiến tới làm chủ khoa học công nghệ phục vụ cho nhiệm vụ trọng đại, thiêng liêng của dân tộc: Giữ gìn lâu dài và tốt nhất thi hài Bác Hồ kính yêu.
Hiệp định Liên Xô giúp đỡ Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1991- 1995 nay đã lùi xa, nhường chỗ cho một thỏa thuận hợp tác trực tiếp giữa Trung tâm nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va và Ban Quản lý Lăng đến nay đã tròn 14 năm, nhưng những ngày sóng gió đầy khó khăn thử thách của những năm đầu của thập kỷ cuối cùng thế kỷ XX vẫn in đậm trong tôi- Người được giao nhiệm vụ giữ chức Trưởng Ban Quản lý Lăng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh- mãi mãi không bao giờ quên.
Tôi viết bài viết này đúng vào dịp kỷ niệm 14 năm hợp tác trực tiếp giữa ta và Bạn. Nhân dịp này tôi xin phép được dành những tình cảm đặc biệt, lòng biết ơn sâu sắc đến Giáo sư, Viện sĩ X.X. Đê-bốp, người đã cùng tôi ký Bản thoả thuận có tính chất mở đầu cho một thời kỳ mới. Rất tiếc là nguyện vọng của ông muốn trở lại Việt Nam một lần nữa đã không thực hiện được vì lý do sức khoẻ và sau đó mấy năm ông đã qua đời. Các Giáo sư Iu.A. Rô-ma-cốp, Giáo sư I.N. Mi-khai-lốp, L.Đ. Giê-rép-xốp, những người tích cực ủng hộ cho một thỏa thuận về quan hệ trực tiếp cũng đã đi vào cõi vĩnh hằng. Nhân dân Việt Nam nói chung và trực tiếp là Bộ đội Bảo vệ Lăng luôn biết ơn các đồng chí. Những thành quả của những tháng năm sau này gặt hái được mãi mãi gắn với tên tuổi của các đồng chí.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn
Nguyên Trưởng Ban Quản lý Lăng, kiêm Tư lệnh – Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh